Bạn đọc viết:

Xóa sổ các doanh nghiệp “đen” trong XKLĐ

(Dân trí) - Tôi thấy vì nhiều lý do, chứ không chỉ từ phía môi giới. Có cả tâm lý ngại phiền phức và phải chờ lâu, nên nhiều người lao động chỉ nghe giới thiệu, chẳng cần biết đúng sai, thấy đắt hơn một tý lại được đi ngay, ít thủ tục là chịu hết.

Xóa sổ các doanh nghiệp “đen” trong XKLĐ
 Chờ làm thủ tục tại sân bay đi XKLĐ (Ảnh minh họa)
 

Trong khi có nhiều công ty làm ăn  đàng hoàng tử tế, nhưng người lao động lại lo ngại phiền phức và cứ nghĩ là làm tử tế thì phải chờ lâu, làm nhiều thủ tục nên lại đi theo “cò”.

 

Và tôi cũng thấy là tiền phí có thể giảm, còn tiền đặt cọc là phải có. Nếu không thì chẳng có cách nào mà quản lý nổi đâu. Đặt cọc ít lao động cũng chẳng sợ ấy chứ, họ cứ theo “cò” đi rồi lại kêu là không có việc làm thêm, bị đối xử không tốt… Đâu phải chỗ nào cũng vậy, nhưng sao mà mình kiểm soát nổi.
 
Thêm điều nữa, nếu không làm đặt cọc thì có thể làm bảo đảm pháp lý mà không cần nộp tiền cọc nữa. Theo đó, sau 7 ngày từ khi lao động bỏ trốn thì gia đình gồm cha mẹ và người bảo lãnh phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật tại Việt Nam, bao gồm cả đền bù toàn bộ tiền phí dịch vụ cho công ty. Còn qua 1 tháng nếu vẫn không có thông tin báo về nước, thì người thân ngoài chịu tiền phạt sẽ phải ra hầu tòa vì tình trạng bỏ trốn của lao động.

Tôi nghĩ đã làm thì phải mạnh tay hơn mới mong quản chặt được. Thế lao động và gia đình mới có trách nhiệm hơn được. Nhưng nói chung, để xảy ra tình trạng trên vừa vì ý thức của người lao động chưa cao, nhận thức về pháp luật và trách nhiệm của lao động ta còn kém, vừa do cơ chế quản lý còn yếu, thiếu chi tiết tỷ mỉ...  

Tôi nghĩ là bên nào cũng có lỗi, chứ không thể nào cứ bảo do môi giới không tốt hết cả. Nói thế thì quá vơ đũa cả nắm, rất bất công cho những doanh nghiệp làm ăn đàng hoàng.

 

Theo tôi, nên xóa sổ những doanh nghiệp "đen” trong lĩnh vực này, và nên thông báo rộng rãi hơn cho toàn dân biết rõ danh sách các cơ quan nhà nước được phép đưa lao động đi nước ngoài...

 

Nói chung phải rõ ràng và có chế tài xử lý mạnh hơn nữa mới ăn thua. Chứ cứ nói lao động bỏ trốn vì cái nọ cái kia, nhưng tôi thấy đều vẫn chưa nói trúng thực chất vấn đề.

 

Phương 

email:  Dng212@gmail.com