Vì sao người tự ứng cử ĐBQH trúng cử chỉ 'đếm trên đầu ngón tay'?

TS Trần Văn Miều: Về bản thân người tự ứng cử chưa chuẩn bị cho mình có đủ tâm, đủ tầm để tham gia vào QH. Thứ nữa là cử tri nước ta còn chưa làm quen với hiện tượng tự ứng cử…

Một vấn đề được nhiều người khá quan tâm trong lần bầu cử ĐBQH khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 là số người tự ứng cử ĐBQH khá cao. Chỉ tính riêng ở 2 thành phố lớn là TP HCM và Hà Nội, tính đến thời điểm này, TP HCM có 90 người nộp hồ sơ ứng cử ĐBQH, trong đó có 50 người tự ứng cử; Hà Nội có 87 hồ sơ ứng cử ĐBQH, trong đó 48 hồ sơ tự ứng cử…

Liên quan đến vấn đề này, TS Sử học Trần Văn Miều, nguyên Giám đốc Trung tâm Văn hóa Giáo dục thanh thiếu niên Trung ương.

Người tự ứng cử sẽ làm "gam màu” của Quốc hội sinh động hơn

PV: Một vấn đề cũng có rất nhiều người quan tâm là chất lượng người tự ứng cử Đại biểu Quốc hội. Ông quan tâm như thế nào về việc này?

TS Trần Văn Miều: Tôi cho rằng, trừ rất ít người không hiểu biết, thiếu tự trọng và không hiểu về quyền và nghĩa vụ công dân, cơ hội đã tự ứng cử thì đa số người tự ứng cử có chất lượng cao, họ ý thức rõ trách nhiệm của mình trước Tổ quốc và dân tộc. Họ muốn đem trí tuệ và sức lực của mình ra xây dựng đất nước. Những người này có lòng tự trọng cao và họ rất muốn cống hiến.

Vì sao người tự ứng cử ĐBQH trúng cử chỉ 'đếm trên đầu ngón tay'? - 1

TS Sử học Trần Văn Miều, nguyên Giám đốc Trung tâm Văn hóa Giáo dục thanh thiếu niên Trung ương

Tôi đánh giá rất cao những người có động cơ đúng đắn khi tự ra ứng cử. Vì họ là những người đại diện cho xu hướng dân chủ, dám đương đầu với dư luận và dám gánh vác nhiệm vụ chung. Chính những người tự ứng cử sẽ làm cho quyền dân chủ được mở rộng và được thực hiện. Người tự ứng cử sẽ làm cho “gam màu” của Quốc hội sinh động hơn, họ sẽ là những người dám nói, dám chịu trách nhiệm và nêu ra nhiều ý kiến phản biện trước những vấn đề Quốc hội sẽ thông qua.

Cần có cơ chế khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho những người tự ứng cử.

PV: Nếu như ông vừa phân tích thì đa số người tự ứng cử có chất lượng cao, họ ý thức rõ trách nhiệm của mình, thì nguyên nhân do đâu ở những khóa Quốc hội trước, tỷ lệ người tự ứng cử trúng cử vào Quốc hội khá thấp?

TS Trần Văn Miều: Tôi cho rằng, không có điều gì khó khăn đối với người tự ứng cử.

Điều mà người tự ứng cử rất ít đắc cử là do hai nguyên nhân chính sau: Nguyên nhân thứ nhất, thuộc về bản thân họ, chưa hiểu biết đầy đủ về cơ cấu, tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội, chưa chuẩn bị cho mình có đủ tâm và đủ tầm để tham gia vào Quốc hội, chương trình tranh cử chưa thỏa mãn sự mong muốn của cử tri.

Nguyên nhân thứ hai thuộc về cử tri. Cử tri nước ta còn chưa làm quen với hiện tượng tự ứng cử. Phần lớn cử tri còn có tâm lý “cam chịu”, tâm lý “buông xuôi”, nghe theo và làm theo sự sắp đặt của tổ chức. Đây là nguyên nhân chính dẫn tới những người tự ứng cử ít đắc cử trong các kỳ bầu cử Quốc hội.

Để khắc phục tình trạng này cần sửa cả hai phía: phía người tự ra ứng cử và phía cử tri. Cử tri nước ta cần làm quen và ủng hộ những người tự ra ứng cử. Có nhiều người tự ra ứng cử để có cơ chể cạnh tranh lành mạnh trong các ứng viên và cử tri có nhiều người để lựa chọn.

Xu hướng khách quan của quá trình dân chủ hóa xã hội

PV: Ông có cho rằng, việc có nhiều người tự ứng cử là một xu hướng tất yếu của quá trình dân chủ hóa xã hội. Xã hội nên có thái độ như thế nào về xu hướng này?

TS Trần Văn Miều: Xã hội càng mở rộng dân chủ và thực hành dân chủ càng có nhiều người tự ứng cử vào các cơ quan dân cử. Đây là xu hướng khách quan của quá trình dân chủ hóa xã hội.

Nhưng có một điều tôi cũng cần nói rõ là nước ta thực hiện dân chủ theo hai hình thức: thứ nhất là dân chủ trực tiếp. Thứ hai là dân chủ đại diện. Tức là mọi công dân đủ 21 tuổi và đủ tiêu chuẩn đều có thể tự ra ứng cử và đại biểu được một tổ chức quần chúng nhân dân giới thiệu ra ứng cử để được cử tri bầu vào Quốc hội.

Hiện tại, ở nước ta hình thức thứ hai phổ biến hơn hình thức thứ nhất. Lâu nay cử tri quen với hình thức bầu người do tổ chức giới thiệu hơn là bầu người tự ra ứng cử.

Người tự ứng cử muốn trúng cử phải tự tin, chuẩn bị cho mình có đủ tiêu chuẩn và phải làm cho cử tri biết mình, hiểu mình và tin tưởng, gửi gắm vào mình.

Tôi cho rằng, các tổ chức và nhân dân cần có sự hiểu biết về dân chủ và xu hướng tự ứng cử; có thái độ tôn trọng, ủng hộ người tự ứng cử, có hoạt động hỗ trợ và giúp đỡ người tự ứng cử, biết chia sẻ với người tự ứng cử, tránh việc kỳ thị.

Cử tri cần coi người tự ứng cử là những người dám đương đầu, dám đứng lên nhận trách nhiệm mà mình trao gửi và quan trọng hơn họ là người đại diện cho mình. Muốn lựa chọn được người tự ra ứng cử đại diện cho mình, cử tri cần nghiên cứu kỹ hồ sơ, tự mình lựa chọn người tự ứng cử vào đại biểu Quốc hội.

PV: Một trong những yếu tố liên quan đến chất lượng bầu cử là thái độ, trách nhiệm của cử tri. Theo ông, cần phải làm gì để nâng cao trách nhiệm cử tri trong bầu cử?

TS Trần Văn Miều: Có nhiều giải pháp để nâng cao trách nhiệm của cử tri. Tôi xin được đề cập đến hai giải pháp chính.

Thứ nhất, giải pháp thuộc về các cơ quan, đơn vị và đoàn thể nhân dân có liên quan đến bầu cử. Trước hết, các tập thể này phải thực hiện giải pháp nâng cao “quan trí” về bầu cử. Cán bộ của các tập thể này phải có sự hiểu biết đầy đủ và có trách nhiệm cao với bầu cử. Cùng với đó cần tăng cường công tác giáo dục và phổ biến pháp luật cho cử tri; loại bỏ căn “bệnh” thành tích trong bầu cử.

Thứ hai, giải pháp thuộc về cử tri. Họ phải có nhận thức đầy đủ và nâng cao trách nhiệm của mình đối với các cuộc bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp.

Mỗi cuộc bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, có nhiều cử tri trẻ lần đầu tiên tham gia bầu cử. Các đoàn thể nhân dân, nhất là Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội LHTN Việt Nam và Hội Sinh viên Việt Nam cần có các giải pháp tuyên truyền vận động nâng cao nhận thức và xây dựng hành vi của cử tri trẻ trong việc tham gia bầu cử.

PV: Xin cảm ơn ông./.

Minh Hòa

(Theo /VOV.VN)