Bạn đọc viết:

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh, chăm lo giáo dục thế hệ trẻ

(Dân trí) - Trước lúc đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn "Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc làm rất quan trọng và rất cần thiết’’. Lời căn dặn đó là chân lí trường tồn. Sự phát triển bền vững của đất nước luôn trông cậy vào thế hệ trẻ.

Thực hiện lời dạy của Người, nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng việc chăm lo giáo dục, bồi dưỡng thế hệ trẻ, tạo điều kiện cho thế hệ trẻ được phát huy tài năng, sức lực vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc.  Thế hệ trẻ đã và đang khẳng định mình, đóng góp to lớn cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.  
 
Ngày 14- 5- 2011 Bộ Chính trị khoá XI ban hành Chỉ thị số 03-CT/TW về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Một trong những nội dung chủ yếu của Chỉ thị đó là "Coi trọng việc giáo dục đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ. Cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp có biện pháp cụ thể để tổ chức, chỉ đạo thực hiện hiện tốt việc giáo dục đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ theo tấm gương đạo đức Bác Hồ". Các cấp ủy, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam xây dựng kế hoạch cụ thể về giáo dục đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Bác Hồ. Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phát động các phong trào thanh niên làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách của Bác, tổ chức các hình thức đa dạng, phong phú, lôi cuốn thanh niên.
 

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí  qua địa chỉ email: thaolam@dantri.com.vn

Là một lực lượng to lớn, chiếm tỉ lệ cao trong cơ cấu dân cư. Ngày nay, dưới tác động của khoa học công nghệ hiện đại, kinh tế thị trường đang dội mạnh vào thế hệ trẻ, làm biến đổi sâu sắc nhận thức, tư tưởng, tình cảm, đặc biệt là quan hệ giá trị và định hướng giá trị sống của lớp trẻ.
 
Tuổi trẻ có tinh thần đổi mới mạnh, dám nghĩ, dám làm, nhưng dễ phiêu lưu, liều lĩnh; có khát vọng về tự do dân chủ, nhưng cũng dễ " vô chính phủ", tự do vô kỷ luật; cần được uốn nắn, giúp đỡ và định hướng đúng dắn về mặt tư tưởng để phát huy tốt tính tự lập, tự khẳng định mình nhưng tránh chủ quan, tự phụ và ngộ nhận giữa hiện tượng và bản chất, đúng và sai, thật và giả.
 
Tuổi trẻ thường giàu mơ ước, lạc quan nhưng do kinh nghiệm thực tế còn ít, chưa từng trải, cho nên chưa vững vàng, dễ nản lòng, do vậy dễ dẫn đến tự ti. Lớp trẻ cũng là những người rất thực tế, coi trọng tính hiệu quả nhưng cũng dễ trở thành thực dụng, chạy theo lợi ích vật chất trước mắt; thiếu sự phấn đấu rèn luyện, coi nhẹ đạo đức; có thể dẫn tới " cá nhân chủ nghĩa", ích kỷ, hẹp hòi, coi nhẹ vai trò của tập thể, của cộng đồng, thờ ơ với phong trào chung.
 
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm giáo dục thế hệ trẻ, nhất là giáo dục cho họ có "cái nền" đạo đức cách mạng để họ trở thành những người vừa " hồng" vừa " chuyên". Bác Hồ đã từng nói" thanh niên là mùa xuân của xã hội", " là người chủ tương lai của nước nhà", là người kế tục sự nghiệp cách mạng của Đảng; là lực lượng to lớn, đội quân xung kích của cách mạng;" nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh, một phần lớn là do các thanh niên". Người căn dặn" Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người kế thừa" " các cấp ủy cần phải lãnh đạo chặt chẽ và ra sức giúp đỡ đoàn phát triển cho tốt".
 
Sự chăm lo của Đảng đến thế hệ trẻ bao gồm nhiều mặt nhưng chủ yếu là việc xác định một chiến lược giáo dục, đào tạo lâu dài đối với họ. Chiến lược ấy phải cụ thể hoá thành các chủ trương, chính sách, chế độ đúng đắn và thích hợp trong từng thời gian, từng giai đoạn, tuỳ theo tình hình chuyển biến của cách mạng cũng như tình hình thực tế của thanh, thiếu niên, nhi đồng. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói "giáo dục thanh niên không thể tách rời mà phải liên hệ chặt chẽ với cuộc đấu tranh của xã hội".
 
Coi trọng việc giáo dục đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ phải thể hiện thành hành động. Cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp có biện pháp cụ thể để tổ chức, chỉ đạo thực hiện tốt việc giáo dục đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ theo tấm gương đạo đức Bác Hồ. Để thực hiện tốt Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị khoá XI, trong thời gian tới, chúng tôi xin mạnh dạn kiến nghị  một số nội dung thiết thực sau đây:
 
Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh, chăm lo giáo dục thế hệ trẻ
Thanh niên tình nguyện TPHCM ra quân dọn rác trên kênh Tân Hóa - Lò Gốm Q11 (ảnh: sggp.org.vn)
 
Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng về công tác giáo dục, đào tạo thế hệ trẻ. Với trách nhiệm lãnh đạo trực tiếp tổ chức Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, cần quán triệt chỉ đạo và tổ chức thực hiện tốt các nghị quyết của Đảng về lãnh đạo thanh niên và công tác thanh niên trong thời kỳ mới. Quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh trong sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng, phát huy nguồn lực to lớn của tuổi trẻ. Tuyên truyền, giáo dục cho thế hệ trẻ về tấm gương đạo đức Bác Hồ lồng ghép vào các hình thức như sinh hoạt văn hoá, vui chơi giải trí, các diễn đàn của tuổi trẻ. Phải coi công tác này thành một tiêu chuẩn quan trọng trong đánh giá phân loại các tổ chức Đảng.
 
Hai là, xây dựng môi trường đạo đức lành mạnh ở địa phương. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật sâu rộng trong nhân dân, nhất là đối với thế hệ trẻ. Làm tốt công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí và các biểu hiện tiêu cực khác trong xã hội. Chú trọng việc nêu gương " người tốt, việc tốt"; đặc biệt là cán bộ đảng viên, các thế hệ đi trước phải là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ học tập noi theo. 
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói  "Các đồng chí già là rất quý, là gương bền bì đấu tranh, dìu dắt, bồi dưỡng, đào tạo thêm đồng chí trẻ. Đồng chí già phải có thái độ độ lượng, dìu dắt đồng chí trẻ. Đó cũng là một tiêu chuẩn đạo đức cộng sản chủ nghĩa". Người nhắc nhở cán bộ, đảng viên lâu năm không nên có thái độ gia trưởng đối với thế hệ trẻ, mà ngược lại càng nên quan tâm giúp đỡ đào tạo họ, để họ làm việc tốt hơn mình. Bác Hồ nói" nếu thế hệ già khôn hơn thế hệ trẻ thì không tốt, thế hệ già thua thế hệ trẻ thì mới tốt".
 
Ba là, tạo sự phối hợp đồng bộ giữa giữa các ủy đảng, cấp chính quyền và các đoàn thể cũng như sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong việc bảo vệ, chăm sóc, giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ. Các ban ngành, mặt trận tổ quốc, các đoàn thể trong hệ thống chính trị và toàn xã hội phải nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của thế hệ trẻ; vấn đề giáo dục đạo đức cho thế hệ trẻ là trách nhiệm của toàn xã hội. Các tổ chức chính trị, xã hội của thế hệ trẻ, nhất là tổ chức Đoàn TNCS phải là người chủ động trong công tác phối hợp với các đoàn thể trong việc giáo dục đạo đức cho thế hệ trẻ và làm tốt công tác tham mưu với các cấp ủy Đảng để cấp ủy có sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời đối vơi những vấn đề của thế hệ trẻ.
 
Bốn là, thường xuyên tổ chức, phát động các phong trào thi đua với nội dung thiết thực; chính quyền các cấp cần tạo điều kiện để thế hệ trẻ tổ chức, phát động các phong trào thi đua nhằm tạo cơ hội cho họ có điều kiện cống hiến và trưởng thành. Chỉ có thông qua thực tiễn, thế hệ trẻ mới có điều kiện trau dồi đạo đức, rèn luyện những phẩm chất  tốt đẹp.           
                                                                                       
Quang Thới

                                                                        Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Kon Tum

 

LTS Dân trí-Đối với mọi gia đình cũng như cả xã hội, hầu như ai cũng nhận rõ tầm quan trọng đối với việc giáo dục lớp trẻ. Đấy là việc làm thiết thực vì tương lai của mỗi gia đình cũng như tương lai của đất nước. Bác Hồ kính yêu của chúng đã dành sự quan tâm đặc biệt của Người và những lời nói đầy tâm huyết về việc chăm lo giáo dục, đào tạo thế hệ trẻ - thế hệ cách mạng cho đời sau.
 
Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh cũng như học tập, làm theo tấm gương đạo đức của Người, công tác vận động thanh niên đã có bước phát triển cả về nội dung và hình thức cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn nhiều mặt hạn chế trong công tác giáo dục, đào tạo thanh niên, trong đó có vai trò làm gương của những thế hệ cha anh.
 

Môi trường xã hội ngày nay đã thay đổi rất nhiều, nhiệm vụ cách mạng đã bước sang giai đoạn mới, do đó công tác vận động, giáo dục đào tạo thế hệ trẻ cần đổi mới mạnh mẽ hơn cả về nội dung cũng như phương pháp để tránh cách làm hình thức và đem lại hiệu quả thiết thực.