Tiêu chí Cây Xanh - Hy vọng với những khu “đất vàng”

(Dân trí) - Hy vọng dù mong manh nhưng đã được nhen lên, khi hai chữ “cây xanh” xuất hiện trong thông báo của Sở Quy hoạch Kiến trúc HN về dự kiến bố trí chức năng sử dụng các khu “đất vàng” sau khi các cơ quan bộ, ngành được di dời khỏi nội đô Hà Nội.

Tiêu chí Xanh cho những khu “đất vàng”
Trụ sở làm việc hiện tại của Bộ GTVT "ngự" trên “khu đất vàng” ở 80 Trần Hưng Đạo - Hà Nội (ảnh: Tuổi trẻ)

 

Vì Hà Nội Xanh - Sạch - Đẹp

 

Mặc dù về cụ thể thì trong nguồn quỹ đất khoảng hơn 50ha đó, mục tiêu “cây xanh” chưa rõ sẽ được thể hiện qua thực tế như thế nào, nhưng có vẻ như ít nhiều vấn đề “lá phổi xanh” của thành phố bao lâu nay tưởng đâu không còn dám mơ tới, nay đã le lói “ánh sáng cuối đường hầm”.

 

Hy vọng quả là rất mong manh như Minh sohungry@yahoo.com bày tỏ: “Cũng hy vọng lắm đấy, nhưng thực sự tôi không còn dám tin vào bất kỳ lời hứa hẹn nào của các vị giới chức liên quan của HN trong lĩnh vực này nữa rồi”.

 

Hoặc Minh Quang minhquangp06@yahoo.com.vn thậm chí còn khẳng định: “Câu trả lời là: Chắc chắn là KHÔNG. Thực tế cuộc sống nhiều năm qua, nhân dân Thủ đô và cả nước đã thấy: qua mấy đời Chủ tịch TP mà Hà Nội vẫn chỉ thấy sự tàn phá khu vườn đào Nhật Tân, thu hẹp diện tích xung quanh các hồ lớn, các công viên như Tuổi trẻ ở Thanh Nhàn… Thậm chí tôi còn nghe tới dự định tiếp tục cắt xén đất công viên Thống Nhất để làm bãi đỗ xe, làm dịch vụ kiếm lời, bất chấp diện tích của khu vực công viên này khá còm cõi so với nhu cầu làm "xanh, sạch, đẹp Thủ đô" (Khẩu hiệu của chính Hà Nội). Thật quá tệ!”

 

Bùi Thành  Buivanthanh90@yahoo.com cũng nhấn mạnh thêm: “Bộ ngành rời nội đô, “đất vàng” chắc cũng có phần dành cho trường học, cây xanh đó, nhưng xem ra vẫn chưa đạt tiêu chí "Cây xanh". Mà di dời các cơ quan Bộ như thế làm sao đã giảm được áp lực giao thông. Trong khi hai yếu tố theo tôi thấy có tính chất trọng tâm là các trường đại học và các bệnh viện mới là "thủ phạm" chính, thu hút nhiều người tham gia giao thông trong nội đô thì lại không thực hiện di dời? Vì thế, tôi chưa thực sự tin tưởng vào kế hoạch này đâu”.

 

Song dẫu ít còn hơn không, và dù đó là những khu đất “gà đẻ trứng vàng” thì có một điều rõ ràng chẳng ai có thể sống mà thiếu bầu không khí trong lành. Càng cần hơn nữa một không gian xanh giữa thành phố giờ đây ngày càng vắng bóng những cây xanh xòa bóng mát, vắng tiếng chim hót véo von mỗi sớm mai…

 

“Theo mình nên làm những khu công viên cây xanh. Bây giờ đi đâu cũng thấy toàn bê tông, các khu chung cư cao tầng cứ thế đua nhau mọc. Trong khi mảng xanh thì hầu như chiếm rất ít, chưa kể sau những trận mưa bão cây cối đổ gãy, lượng cây xanh cũng mất đi đáng kể. Hãy cứu lấy lá phổi xanh của chúng ta !” - Hường: silenec186hpc@gmail.com

 

“Tại sao phải di dời các cơ quan, xí nghiệp ra ngoài? Vì nhiều lý do, trong đó lý do rất quan trọng là mật độ xây dựng (mật độ dân số) tại nội đô quá dày đặc, gây ô nhiễm môi trường sống, ùn tắc giao thông, mất mỹ quan đô thị.....Do đó khi di dời bớt một số CQ, XN ra ngoài, theo tôi thì vị trí cũ nên xây dựng các vườn hoa đẹp, trồng các rừng cây... để Hà Nội đúng là thành phố XANH -SẠCH -ĐẸP. Một số vị trí nên bổ sung vào diện tích giao thông tĩnh, vì Hà Nội diện tích giao thông còn quá thiếu.

 

Theo tôi, không có khái niệm đất trong nội đô là "đất vàng", mà Nhà nước vì dân cần có ý định và kế hoạch biến mọi vùng đất bùn lầy, nước đọng hoặc khô cằn, sỏi đá thành các vùng đất có giá trị như trong nội đô. Việc lấy đất nông nghiệp của nông dân dể làm các khu công nghiệp là một sai lầm nghiêm trọng, vậy nay ta phải sửa ngay đi!”- Vo Hoang:  vhoang@gmail.com

 

“Chúng ta nên nghĩ nhiều hơn nữa đến NGƯỜI GIÀ và TRẺ EM, nên học hỏi các nước phát triển như HÀN QUỒC, NHẬT BẢN.....Nếu các bạn đã đến HÀN QUỐC, đi ngang qua các khu  chung cư sẽ thấy họ đã xây dựng hài hòa như thế nào. Tất cả các khu chung cư đều có nơi vui chơi giải trí, khu thể dục thể thao, công viên, cây xanh. Thật đáng để chúng ta học hỏi” - Nguyen Huy:  pethunamxasam@yahoo.com

 
Trụ sở mới của Bộ Tài nguyên và Môi trường trên đường Tôn Thất Thuyết (ảnh: An ninh Thủ đô)
 
Trụ sở mới của Bộ Tài nguyên và Môi trường trên đường Tôn Thất Thuyết (ảnh: An ninh Thủ đô)
 

Thoát "vòng kim cô"
 
Làm sao để thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn trong việc cân nhắc lợi ích trước mắt với lâu dài, xem ra vẫn là câu hỏi rất khó. Bởi xây công viên, tạo dựng các sân chơi cho trẻ em, cho người cao tuổi có chỗ tản bộ hít thở không khí trong lành…tại những khu đất vàng đó, dưới con mắt của những người làm kinh tế sẽ là… phí phạm.  

 

Nhưng như phân tích của Duong  duonglaipro@gmail.com đã chỉ rõ:

 

“Mục đích của việc di dời là để giảm mật độ người vào nội thành, giảm ùn tắc giao thông. Vậy nếu những khu đất này lại được xây dựng những tòa nhà ở cao chót vót với sức chứa vô số là người, thì thử hỏi việc di dời còn có ý nghĩa gì nữa? Tốt nhất là nên để phục vụ các mục đích công cộng như: làm công viên để điều hòa không khí, tạo cảnh quan cho nội đô. Một số nơi thì nên xây dựng trường học cho các cháu có chỗ học hành ổn định, rồi xây dựng bảo tàng cũng rất có ích cho nhân dân... Chứ tuyệt đối không được làm nhà ở”.

 

Tran Van Son shh2212@yahoo.com cũng khuyến cáo:

 

“Xin các nhà QHKT hay nghĩ đến trẻ em một chút, ai cũng thấy là các cháu không có chỗ để chơi vì người lớn lấn chiếm hết rồi. Có chút đất nào đều dành cho sân tenis, sân cầu lông… thu tiền. Các vị hãy kiểm tra xem Hà Nội có bao nhiêu sân tenis cho người lớn, so với bao nhiêu sân chơi cho trẻ em. Không có chỗ chơi, các cháu đá bóng trên lề đường lại bị người lớn đuổi  hoặc gây nguy hiểm cho người tham gia GT… Những điều thể hiện sự quan tâm tới trẻ em, các ủy ban của Quốc hội, các tổ chức Đoàn, Phụ nữ, Công đoàn… đều cần lên tiếng”.

 

Duy An mrsavan23@gmail.com chia sẻ:

 

 “Là 1 người từng đi nhiều nước, tôi phải công nhận rằng nước mình đang thiếu trầm trọng sân chơi lành mạnh cho giới trẻ và nhu cầu giải trí. Đó đã là chuyện luôn luôn thế rồi. Hãy nhìn lại giới trẻ của ta bây giờ xem, ngoại trừ karaoke, cà phê, sàn nhảy nhiều như nấm thì sân chơi lành mạnh có được bao nhiêu. Mong các vị giới chức liên quan của TP nên suy ngẫm kỹ hơn”.

 

Lê Vân  lenv.hn99@yahoo.com một lần nữa nhấn mạnh:

 

“Ai cũng bức xúc vì ở tất cả các Phường, Quận ở Tp Hà Nội nói chung còn quá thiếu nhà trẻ, không có khu thể thao, không có khu giải trí cho người dân.  Nếu chính quyền Thành phố thật sự quan tâm đến phát triển con người thì nhân cơ hội này cần ưu tiên đưa vào kế hoạch phát triển  các khu chức năng như trên. Vậy mà kế hoạch thực tế sử dụng đất của các khu di dời nay lại là khách sạn, là  trung tâm thương mại???”

 

Bui Minh  bicimo@yahoo.com lý giải vấn đề dưới một góc nhìn khác:

 

“Ngày xưa các bậc tiền nhân đã nhìn ra Thăng Long là nơi đóng đô, để đất nước được phồn thịnh. Nhất là khu Ba Đình, nếu chưa kể tới dòng sông Tô Lịch ngày xưa kéo dài nối với sông Hồng, thì Ba Đình Hà Nội còn đẹp hơn nhiều. Đó là nơi tụ khí theo phong thuỷ. Xa hơn nữa là Việt Trì, núi Tản Ba Vì nhưng đi lại hơi xa.  Quy hoạch lại thì vẫn phải đảm bảo cảnh quan môi trường. Như thời Pháp thuộc nhà không được xây cao hơn cây cổ thụ, khiến thủ đô xưa đẹp mà ta bây giờ vẫn hoài niệm về nó. Do vậy nên có sự thống nhất trong kiến trúc. Trước tiên phải giải quyết hệ thống thoát nước, đảm bảo sự thông thoáng, hài hòa trong phong thủy để Hà Nội xứng đáng là trung tâm của cả nước.  Còn như bây giờ thật buồn vì cảnh người đông đúc, cơ sở hạ tầng thì kém. Hỏi làm sao cho xứng với các tiền nhân đi trước giỏi về phong thủy và hài hòa trong kiến trúc…” 

 

Nguyễn Minh Ngọc ngocnm77@yahoo.com chất vấn:

 

 “Thật là đáng buồn khi hình như nay người ta chỉ chăm chăm nghĩ xem tôi được bao nhiêu từ cái này, cái kia. Mà  không mấy quan tâm tới tương lai sẽ như thế nào, hay sẽ đầu tư như thế nào cho thế hệ mầm non của đất nước. Đơn cử như trường hợp của Bộ KHCN cũ. Ngay cạnh đó, trường tiểu học Võ Thị Sáu và trường tiểu học Lý Tự Trọng nhập lại làm 1, ở một cơ sở bé tí tẹo, cách trụ sở cũ của Bộ KHCN chỉ có khoảng chưa đến 100m. Thế mà người ta vẫn không nghĩ sẽ dành mảnh đất dấy để xây lại trường tiểu học Võ Thị Sáu đàng hoàng và đẹp hơn: có cây, vườn, sân chơi cho các cháu. Mà họ nghĩ ngay ra xây khách sạn, TTTM, tôi thật sự buồn vì ý tưởng đó. Liệu đất nước VN mình trong tương lai có xa có tạo ra được GDP trung bình cao để người dân nào cũng có đủ tiền và khả năng đi vào nhà hàng, khách sạn hay TTTM đấy hay không????? Câu hỏi này xin dành cho những người làm công tác điều hành và quản lý”.

 

Nguyen Xuân Cao  traitimtoquoc@yahoo.com.vn có ngay câu trả lời:

 

“Câu hỏi này thật dễ trả lời ở một đất nước mà người ta làm tất cả cho dân và vì dân. Con em chúng ta đang thiếu trường học, không có sân chơi, không có công trình công cộng. Cũng rất thiếu sân thể thao chung cho người dân rèn luyện nâng cao sức khoẻ mỗi ngày. Không có bãi đỗ xe và nhiều thứ cần thiết cho cuộc sống của người dân lắm. Vậy vấn đề là cần cân nhắc kỹ các ưu tiên sao cho hợp lý nhất”.

  

Hy vọng có lẽ cũng chỉ là hy vọng mà thôi, chứ thực tế thì khó khả thi lắm. Song như Hồng Sơn H.Son@seznam.cz một lần nữa vạch rõ:

 

“Vẫn thấy có vẻ luẩn quẩn như trong chiếc vòng kim cô, cần dũng cảm tháo gỡ... Tôi đồng ý với các ý kiến của nhiều bạn đã đưa ra: nên dành những khu đất vàng đó làm những công trình phúc lợi cho nhân dân như công viên cây xanh... Phải chấp nhận thực tế như vậy thì mới nghĩ đến chuyện trước hết là đường thông hè thoáng được”.

 

Khánh Tùng