Bạn đọc viết:

Tiền lót tay - căn bệnh trầm kha ở bệnh viện

(Dân trí) - Qua bài viết của các độc giả và lãnh đạo bệnh viện thì tình hình có vẻ rất tốt, nhưng thực tế bây giờ nó diễn ra không như vậy, không như mọi người nghĩ đâu. Tôi nghĩ "nén bạc vẫn đâm toạc tờ giấy" ở nhiều bệnh viện...

Tôi chỉ đơn cử một ví dụ đã xảy ra với gia đình tôi cách đây vài năm. Gia đình tôi có ông anh thứ ba, do khi tưới cà phê quên mở nắp bình nước làm mát cho máy nên trong quá trình tưới thì máy nóng quá nên không nổ được. Xuống kiểm tra thì ông anh tôi vô ý đã lấy tay bật nắp bình nước máy đó ra. Hậu quả anh tôi bị bỏng toàn bộ khuôn mặt và cổ vì hơi nước nóng bốc lên.

 

Gia đình tôi đưa anh trai tôi đi cấp cứu tại bệnh viện đa khoa tỉnh Đăk Lăk. Nói thật gia đình tôi ngày ấy không có tiền trong nhà, nên phải đi vay mượn để đưa anh trai tôi đi chữa bệnh. Khi chúng tôi đến, các nhân viên y tế rất thờ ơ. Anh trai tôi nằm chờ mãi mà không thấy bác sỹ đến cấp cứu hay băng bó vết thương gì cả. Rồi tôi được nghe những người nhà bệnh nhân đi trước họ nói: " Muốn bác sỹ quan tâm và làm ngay thì phải có phong bì", nên tôi cũng làm theo lời khuyên đó và anh tôi được cấp cứu, rồi họ băng bó vết thương cho anh trai tôi và chuyển xuống ở khoa Ngoại.

 

Sáng hôm sau cô điều dưỡng đến thay bông băng cho anh trai tôi. Mọi người biết không: cô điều dưỡng khoảng ngoài 30 tuổi, nhưng việc làm của cô ắy chắc cả cuộc đời tôi không bao giờ quên được. Cô đó đến nơi anh trai tôi đang nằm rồi bắt đầu thực hiện những động tác thay băng trên mặt bị bỏng của anh tôi: Cô ấy kéo cái băng "ROẠC" một cái làm anh tôi kêu toáng lên vì quá đau. Việc làm của cô ấy không những làm lòng tôi quặn đau như đứt ra từng khúc ruột, mà những người nhà đi chăm sóc bệnh nhân cùng phòng với anh trai tôi họ cũng thấy đau thay cho anh trai tôi.

 

Chẳng những việc làm thiếu y đức của cô đó như vậy, mà khi anh trai tôi kêu đau cô đó còn la mắng anh trai tôi nữa. Thấy anh trai tôi bị cô đó đối xử như vậy, tôi lên tiếng đề nghị: Cô làm nhẹ nhàng thôi vì anh tôi đã bị bỏng đau rát như vậy, mà cô làm thế thì không khác gì là xé mặt anh tôi ra. Cô điều dưỡng đó lập tức vất bông băng và bảo: Thế thì anh vào mà làm. Rồi đứng dậy. Tôi lại phải nói nhẹ nhàng với cô ta để cô ta thay bông băng xong cho anh trai tôi.

 

Sau đó mọi người đi chăm sóc bệnh nhân ở cùng phòng họ nói: Nếu như chú muốn anh chú không bị đau và làm nhẹ nhàng, thì mỗi lần họ đến thay bông băng chú cho họ ít tiền. Sáng hôm sau một cô điều dưỡng xuống phòng và hỏi: người nhà bệnh nhân Th. đâu?  (tên anh trai tôi), ra mua ít bông băng để thay. Tôi nghĩ ngay đến việc là ý cô ta muốn vòi tiền. Thế rồi tôi đưa cho cô ta 50.000 đồng nói là nhờ cô đi mua giúp, nhưng thực ra cô ta đâu có mua bông băng gì đâu mà đó là cách vòi tiền cho hợp lý.
 
Tiền lót tay - căn bệnh trầm kha ở bệnh viện - 1
Chuẩn bị mổ cho một bệnh nhi tại bệnh viện Đăk Lăk (ảnh minh họa: nhidong.org.vn)

 

Đúng như các cụ ngày xưa có câu "nén bạc đâm toạc tờ giấy". Trời ơi! Lần này cô ta vào thay băng cho anh tôi hoàn toàn trái lại với các hành động hôm trước. Hôm nay anh trai tôi được an ủi vỗ về bằng những câu nói rất nhiệt tình. Mỗi khi dùng panh và bông chấm vào cồn và xoa  rất nhẹ nhàng lên mặt anh trai tôi, cô ấy lại hỏi: Có đau không em? nếu đau thì em nói nhé để chị nhẹ nhàng thui chứ khuôn mặt em bị như thế này mà không chăm sóc nhẹ nhàng thì sau này xấu xí lắm và không có em nào yêu đâu?...

 

Và rồi từ hôm sau trở đi, mỗi lần có người đến thay là tôi lại phải làm nhiệm vụ đưa tiền cho các cô điều dưỡng đó và anh trai tôi lại được nhẹ nhàng, êm ái.

 

Chuyện như vậy tôi đã chứng kiến ở bệnh viện đa khoa tỉnh Đăk Lăk, nơi tôi đang sinh sống hiện nay. Và còn nhiều câu chuyện khác mà báo chí đã đăng tải vể bệnh viện đa khoa Đăk Lăk. Đúng là  “những căn bệnh trầm kha". Đây là một câu chuyện hoàn toàn sự thật mà gia đình tôi đã trải qua và muốn được nêu lên để mọi người cùng biết.

 

Tuan Anh 

email:  tuananh292006@yahoo.com.vn