Tự sự 49:

Thương thế còi ơi!

(Dân trí) - Trong muôn nỗi ám ảnh của người Việt, ám ảnh "thấp bé nhẹ cân", các cụ ta còn gọi là "còi", là nỗi ám ảnh của sự yếm thế, thua thiệt dai dẳng nhất cho đến tận hôm nay.

Trong nhiều làng quê xưa, không ít bậc phụ mẫu không gọi con cái bằng tên riêng, mà gọi nôm na là "thằng cu còi", "còi ơi", "con cún", "con cọc nó đi đúm ở đâu rồi?". Nghe mà thương!

Đứng cạnh mấy anh cu Tây, cứ thấy mình bé loách choách, trông đã mất thế, chưa nói gì cái sự vận động, hoạt động liên quan đến tầm vóc, thể lực, nhiều lúc thấy tủi mà chả biết trách ai. Rõ nhất là trong thể thao, đặc biệt là bóng chuyền, là bóng đá. Trong môn túc cầu này, bao năm qua, từ câu lạc bộ đến Tuyển ta, cái "sợ" thường trực nhất là sợ Tây ở quả tạt cánh đánh đầu vì không làm sao cạnh tranh được chiều cao. Lại càng không thể cạnh tranh thể lực khi các cầu thủ thấp bé nhẹ cân của ta cứ đụng vào Tây thì ngã, Tây chạy một bước bằng ta guồng hai ba bước mới tức.

Tuy nhiên, chuyện cao thấp, dài ngắn, hay khi hôn phải... kiễng chân, so với Tây là chuyện giống nòi, nhân chủng bất khả kháng mà tạo hoá bày đặt. Nhưng so với mấy nước loanh quanh, tóc đen da vàng như ta, ngày xưa còn lùn hơn ta mà giờ ta vẫn cứ luôn thấp bé nhẹ cân hơn họ thì buồn lắm lắm.

Còn nhớ, vào thập kỷ 50, 60 thế kỷ trước, các cụ ta vẫn gọi người Nhật là "Nhật lùn". Lúc đó bình quân chiều cao của người Nhật thấp hơn người Việt 2cm. Nhưng giờ thì sao? Giờ thì người Việt ta lại lùn hơn người Nhật đến hơn 10cm thì quả là điều không thể không ngẫm ngợi, nếu ai quan tâm đến chất lượng giống nòi người Việt.

Tôi nói tới cái cơ sự vốn dễ mủi lòng này bởi tin mới nhất, Viện Dinh dưỡng Quốc gia công bố, có đến 33, 9 % trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể thấp còi. Tổ chức UNICEF cũng cho hay, trẻ em Việt Nam đang đối diện với thực trạng thiếu vi chất dinh dưỡng: Vitamin A, B, Canxi kẽm, sắt... do khẩu phần ăn thiếu hoặc bất hợp lý. Chế độ ăn của trẻ em Việt Nam hiện chỉ đạt 39-50% so với nhu cầu dinh dưỡng hàng ngày. Suy dinh dưỡng ảnh hưởng đến phát triển của trẻ từ trong thai nhi, là nguyên nhân chính ảnh hưởng đến tầm vóc và sự phát triển của trẻ sau này.

Tầm vóc, thể chất người Việt không chỉ là chuyện giản đơn cơ bắp, chuyện "cày sâu cuốc bẫm", chuyện Tây đứng Ta kiễng... mà là chuyện quốc gia đại sự, mang tầm chiến lược. Người Nhật không còn lùn là bởi họ từ lâu đã quan tâm đến kế sách cải tạo giống nòi, nâng cao tầm vóc, thể chất con người. Trí Nhật thì thế giới phải ngước nhìn, còn sức Nhật: Bóng đá Nhật bây giờ đã cạnh tranh sân chơi World Cup. Bóng đá Hàn cũng chạy ầm ầm, đến Tây cũng hãi (World Cup 2002). Nghe đâu, bí kíp thể lực Hàn là nhân sâm, cộng thịt chó cao đạm (dinh dưỡng). Ngay như mấy anh chàng Mã lai, Thái... ở vùng trũng Đông Nam Á cũng đang làm ta phải kiêng dè về tầm vóc, thể lực khi họ đang ngày càng "nhớn".

Câu chuyện tầm vóc, thể chất con người là câu chuyện quốc sự, là trí lực quốc gia. Biết đến bao giờ chúng ta mới xoá được mặc cảm truyền kiếp "thấp bé nhẹ cân" nếu không có chiến lược, không bắt đầu từ những đứa trẻ hôm nay.

Trần Quang