Bạn đọc viết

Thủ tướng quyết liệt, Bộ trần tình, phân bua?

Những ý kiến của lãnh đạo Bộ xét cho cùng, chỉ mới dừng ở mức trần tình, phân bua, đẩy cái khó cho khách quan. Cái mà Thủ tướng cũng như dư luận cần là giải pháp cụ thể và hành động quyết liệt, kịp thời, hiệu quả của Bộ về những bất cập hiện nay trong lĩnh vực VH-TT&DL.


Minh họa: Ngọc Diệp

Minh họa: Ngọc Diệp

Chuyện lễ hội xô bồ, có nhiều hoạt động gây phản cảm, năm nào cũng diễn ra.

Mặc dù năm nay hiện tượng đó có giảm nhưng chưa nhiều lắm. Tình trạng tiêu cực, cướp giật, kích động bạo lực, mê tín dị đoan, trục lợi từ lễ hội vẫn diễn ra, trong lúc đó mùa lễ hội của năm mới chỉ bắt đầu.

Trước thực trạng chẳng mấy "văn hóa" ấy, báo chí và dư luận đã lên tiếng mạnh mẽ. Nhưng cái mà dư luận cần là sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền các cấp và ngành chức năng thì lại còn rất "khiêm tốn".

Cơ quan chủ quản, gánh trọng trách ở lĩnh vực này là Bộ VH-TT&DL thì dường như còn "im hơi lặng tiếng", dẫu đây đó, lãnh đạo Bộ đã có những phát biểu trên các phương tiện thông tin đại chúng nhưng thiết nghĩ những ý kiến đó nặng cảm xúc cá nhân hơn là chỉ đạo về mặt nhà nước.

Trong khi đó, Thủ tướng Chính phủ đã tỏ thái độ rất quyết liệt, chỉ đạo Bộ chấn chỉnh các hoạt động thuộc phạm vi quản lí của ngành mình.

Dư luận thấy rõ điều này tại cuộc họp báo sáng 14-2, khi Bộ trưởng chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đối với Bộ VH-TT&DL khi Bộ này không lên tiếng trước những tiêu cực, phản cảm trong các lễ hội đang diễn ra trên cả nước.

Thủ tướng yêu cầu Bộ VH-TT&DL giải trình 5 vấn đề nóng sau:

Thứ nhất là về công tác tổ chức lễ hội năm nay; thứ hai là kiểm tra việc triển khai kết luận của Thủ tướng tại hội nghị du lịch Hội An; thứ ba là công tác đào tạo VĐV trẻ, cá cược, tiêu cực trong thể thao; thứ tư là công tác bảo tồn di tích, trang trí đường phố; thứ năm là công tác nghệ thuật biểu diễn và việc phong tặng, truy tặng các danh hiệu nhà nước.[1]

Trước việc bị Thủ tướng nhắc nhở là chìm lắng không lên tiếng trước những tiêu cực, phản cảm trong các lễ hội đang diễn ra, lãnh đạo Bộ VHTT&DL nói gì?

Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Trịnh Thị Thủy cho biết: Bộ đã lên tiếng không dưới 10 lần thông qua các cơ quan truyền thông về các hành vi phản cảm, bạo lực trong lễ hội nhưng vẫn còn số một số địa phương chưa thực hiện nghiêm chỉ đạo.[2]

Chánh thanh tra Bộ Văn hóa Vũ Xuân Thành cho rằng việc "quản lý lễ hội khó", ví như lễ hội chọi trâu ở các địa phương vẫn tổ chức vì có lợi về kinh tế.

"Ở góc độ văn hóa nói là trục lợi. Việc này có chỉ đạo hết rồi nhưng các địa phương vẫn tổ chức. Như Yên Bái vừa rồi ngày 12 vẫn tổ chức chọi trâu. Tôi chỉ đạo Thanh tra Sở Văn hóa xuống kiểm tra, lập biên bản nhưng Phó chủ tịch tỉnh làm trưởng ban nên làm khó lắm!”, ông Thành cho biết.[3]

Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Huỳnh Vĩnh Ái dẫn cái khó trong quản lý đó là địa phương phản ứng vì là truyền thống: “Chúng tôi đã khuyến cáo không tổ chức lễ hội chọi trâu nhưng địa phương phản ứng, có bộ tộc còn gửi đơn lên Quốc hội”.[4]

Bộ trưởng VHTT&DL Nguyễn Ngọc Thiện bộc bạch: “Quan điểm của chúng tôi là năm sau tốt hơn năm trước, còn khắc phục triệt để, không còn tồn tại nào thì rất khó. Mong muốn của chúng tôi là những hiện tượng phản cảm, trục lợi phải giảm bớt, tất nhiên nếu không còn thì là tốt nhất”.[5]

Những ý kiến trên của lãnh đạo Bộ xét cho cùng, chỉ mới dừng ở mức trần tình, phân bua, đẩy cái khó cho khách quan. Cái mà Thủ tướng cũng như dư luận cần là giải pháp cụ thể và hành động quyết liệt, kịp thời, hiệu quả của Bộ về những bất cập hiện nay trong lĩnh vực VH-TT&DL.

Nguyễn Duy Xuân

Nguồn tham khảo:

[1]. http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/20170214/neu-bo-truong-ngai-thi-bao-cao-de-thu-tuong-len-tieng/1264630.html

[2,3,4,5]. http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chinh-tri/tin-moi-bo-truong-van-hoa-tran-tinh-ve-le-hoi-bien-tuong-356367.html