Thấy gì từ việc hai vị Tổng giám đốc giao thông “cược ghế”?

Hiếm có ai dám đem chức của mình ra để đánh cược cho công việc mà nếu thua là mất chức như hai ông Tổng giám đốc của ngành giao thông vận tải như trong câu chuyện sau đây.

Trong một bài viết về văn hóa từ chức, có tác giả dẫn lời giả tưởng của Trạng Quỳnh rằng: Ai bảo nước ta chưa có văn hóa từ chức? Trong lịch sử nước nhà chả đã từng có các cụ như Chu Văn An, Nguyễn Bỉnh Khiêm và biết bao nhiêu bậc nho sĩ khác trả ấn, từ quan về vui thú ruộng vườn, sống cuộc đời thanh bạch đó sao? Người từ quan là người chắc chắn còn ở lại làm quan được nhưng kiên quyết từ chối thì mới gọi là từ quan. Còn các ông ở Cục Điện ảnh thì thất thoát như vậy, thoát vòng lao lý là may. Cái ông Trưởng ban bóng đá, điều hành như thế có ở cũng chả yên. Nói tóm lại, cả ba ông ấy thì không từ cũng không được.

Người làm quan xưa nay bổng lắm, lộc nhiều, không chỉ cả họ được nhờ mà mấy họ được nhờ. Nhất là quan thời nay thì người được nhờ vả càng không kể xiết. Rồi làm quan đồng nghĩa với lên xe, xuống ngựa, nói một câu cả muôn người nghe. Nghĩa là nó oai lắm, oách lắm và… giàu lắm. Khi từ quan tức là anh mất hết. Thậm chí khi làm việc gì đó, anh là dân nên còn bị hành… hành gì nhỉ, là hành là chính. Thế đấy, trong đời con người ta, phấn đấu để được làm quan đã khó, khi làm quan còn khó hơn nhiều và lúc từ quan còn khó gấp bội. Nhiều người giữ được thanh danh gần cả đời nhưng đến lúc từ quan thì không kìm nén được, trở nên lố bịch trong mắt người đời. Thời xưa cũng thế mà thời nay cũng thế…
 
Thấy gì từ việc hai vị Tổng giám đốc giao thông “cược ghế”? - 1

Nếu không xong đúng thời hạn, Tổng giám đốc Tổng Công ty Thăng Long sẽ từ chức (Ảnh: Mạnh Thắng).

Theo tác giả này, muốn có văn hóa từ chức, phải bắt đầu từ mấy việc. Thứ nhất là, xây dựng một nền hành chính dịch vụ mà ở đó, người quản lý làm nhiệm vụ phục vụ người dân chứ không phải là sự quản lý cai trị. Thứ hai, giáo dục ý thức công dân tức là ý thức làm chủ cho mỗi người dân để họ hiểu rằng, họ phải có trách nhiệm đóng thuế để trả công cho những người đang phục vụ họ. Làm được hai việc này, nhà quản lý sẽ coi công việc của mình là nhiệm vụ nên phải có bổn phận và trách nhiệm với công việc. Lúc đó, nếu không đủ năng lực hoặc với một lý do nào đó, nhà quản lý sẽ sẵn sàng từ chức để người khác làm tốt hơn lên thay. Tuy nhiên, cũng cần phải triệt tiêu mọi “bổng lộc” mà chỉ khi làm quan mới có.

Thời nay ở nước ta chưa có “văn hóa từ chức” mà chỉ có “văn hóa chạy chức”. Người ta chạy vạy, luồn cúi để có chức và “quyết chí” giữ chức bằng mọi giá. Đã có rất nhiều lời ta thán của dân tình về những ông quan ham mê chức quyền đến nỗi chỉ khi bị giam cầm, xử tù rồi mới chịu mất chức. Người ta không dám từ chức khi vụ việc bung bét như mấy ông quan huyện Tiên Lãng, Hải Phòng mà chấp nhận bị đình chỉ có 15 ngày làm kiểm điểm. Nếu nay mai không sao thì “mèo vẫn hoàn mèo ư”, huyện anh và xã em vẫn tự tung tự tác để cưỡng chế thu hồi đất của người dân.

Hiếm có ai dám đem chức của mình ra để đánh cược cho công việc mà nếu thua là mất chức như hai ông Tổng giám đốc của ngành giao thông vận tải như trong câu chuyện sau đây.

Cuối tháng 1/2012, tại Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã diễn ra một việc chưa có tiền lệ: 2 vị giám đốc của 2 tổng công ty lớn đã cam kết với Bộ trưởng, nếu không hoàn thành nhiệm vụ đúng như kế hoạch đã ấn định theo lời hứa sẽ nộp đơn xin từ chức. Hai vị đó là Phan Quốc Hiếu, Tổng giám đốc Tổng Công ty Xây dựng Thăng Long và Vũ Hải Thanh, Tổng giám đốc Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 8. Hai tổng công ty này nhận trách nhiệm thi công công trình cầu cạn vành đai 3 (Hà Nội), gói thầu số 3. Hai vị hứa với bộ trưởng sẽ xong việc vào cuối tháng 6/2012, trước thời hạn dự định ban đầu 5 tháng.

Các chuyên gia kinh tế trong ngành giao thông cho rằng, nếu điều trên đạt được sẽ đem lại lợi ích rất lớn cho Nhà nước vì tiết kiệm được một khoản tiền đáng kể bởi không phải tiêu thêm tiền do trượt giá nếu kéo dài tiến độ như tình trạng phổ biến vẫn diễn ra lâu nay. Ngoài ra, sẽ sớm giảm tải cho các đường Nguyễn Trãi, Giải Phóng vốn dĩ luôn quá tải do nếu sớm hoàn thành, ôtô có thể chạy thẳng trên đường chính ra cầu Dậu, cầu Thanh Trì, Quốc lộ 1B mới và ngược lại. Xe tải, xe khách từ phía nam và phía bắc có thể qua đường vành đai 3 đến thẳng bến xe Mỹ Đình khiến giao thông được san sẻ, không tập trung nhiều về bến xe Giáp Bát, góp phần giảm tải cho khu vực bến xe phía nam.

Vậy là chỉ còn không đầy 4 tháng rưỡi nữa công trình phải hoàn thành theo cam kết. Không ít người cho rằng hai ông Tổng giám đốc phiêu lưu. Song, nếu quan sát tiến độ thi công và không khí làm việc trên công trường sẽ thấy tình hình rất đáng yên tâm, lời hứa của hai ông là hoàn toàn khả thi. Ở đây đang diễn ra một nhịp điệu hối hả chưa từng thấy. Các cán bộ kỹ thuật và công nhân thay nhau miệt mài làm việc suốt 3 ca liên tục.

Từ Bộ GTVT, đã lóe sáng một tín hiệu vui. Bất cứ công việc gì cũng đều có những khó khăn và thuận lợi. Lâu nay, chúng ta có thói quen nếu việc không hoàn thành thường đổ cho những nguyên nhân khách quan nhiều hơn sự yếu kém chủ quan. Chắc chắn hai vị Tổng giám đốc đã lường trước mọi khó khăn, nhưng vẫn cam kết cược “ghế” với Bộ trưởng. Chỉ riêng việc làm này đã đáng nêu một gương sáng trong việc dám chịu trách nhiệm, dám tấn công vào thành trì của sự trì trệ, tắc trách, né tránh, vốn là một căn bệnh trầm kha vẫn tồn tại trong không ít người có trách nhiệm trước nay.

Tất nhiên, hoàn thành công việc vượt thời hạn còn phải đi liền với chất lượng công trình mà điều này thì còn phải chờ thời gian sau khi công trình được đưa vào sử dụng. Nhưng mọi người tin tưởng hai vị Tổng giám đốc có dũng khí trên sẽ luôn đặt chất lượng lên hàng đầu để sau này xã hội sẽ ghi nhận và cảm phục. Điều có thể yên tâm là tất cả kỹ sư, chuyên gia Nhật Bản tại đơn vị tư vấn, giám sát chất lượng đều đánh giá cao năng lực kỹ thuật thi công của các nhà thầu Việt Nam.

Ở nhiều nước trên thế giới, việc cam kết sẽ từ chức nếu không hoàn thành nhiệm vụ là điều vẫn thường xuyên diễn ra. Người ta sẵn sàng từ chức khi xảy ra nhưng sự cố ngoài ý muốn nhưng thuộc phạm vi phụ trách của người lãnh đạo. Đôi khi có việc từ chức chỉ vì một câu nói hớ… Xã hội coi từ chức cũng như phong chức vậy. Nhưng ở nước ta chưa có thói quen tâm lý này nên tự rút khỏi cương vị nào đó là điều nặng nề, khó khăn, tưởng như không thể.

Mong rằng việc làm của hai vị Tổng giám đốc trong ngành GTVT sẽ mở đầu cho một ứng xử đẹp, cần thiết, sẽ khai thông cho một quan niệm cách mạng, văn minh sớm được ngự trị. Tất nhiên, không ai muốn hai vị phải từ chức mà vững vàng tại vị do hoàn thành xuất sắc lời hứa danh dự đầy tinh thần trách nhiệm và tính nhân văn. Ước sao sớm có thêm nhiều giám đốc dám hứa, dám cược, dám làm và làm thành công để dân được nhờ.
 
Theo Hà Bình
PetroTimes