Bạn đọc viết:

Thầy Bỉnh của chúng tôi – con người sống chỉ để Cho đi...

(Dân trí) - Thầy Phạm Văn Bỉnh là một trong những thầy cô rất khiêm tốn, giản dị, gần gũi mà kiến thức thật uyên thâm. Nghe các thầy cô giảng bài say sưa, chúng tôi quên hết cái đói lúc nào cũng thường trực suốt những năm tháng sơ tán thời chiến tranh lửa đạn...

Thầy Bỉnh của chúng tôi – con người sống chỉ để Cho đi...
Những bức chữ thư pháp thể hiện lòng biết ơn của học sinh với các thầy cô giáo kính yêu (ảnh minh họa của: Huỳnh Hải)

 

Nhà giáo ưu tú Phạm Văn Bỉnh sinh ngày 15/9/1916 tại huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng - mảnh đất của truyền thống hiếu học, truyền thống yêu nước và cách mạng. Năm 1939 ở tuổi 23 thầy đã có trong tay tấm bằng Cử nhân Luật, cùng khóa với cụ Võ Thuần Nho - nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục.
 

Thế nhưng thầy bước vào đời không phải với tấm bằng Cử nhân ấy (rất danh giá thời đó), mà bằng tinh thần yêu nước của một thanh niên trí thức, lãng mạn, lãng tử. Khước từ nhiều lời mời của chính quyền thực dân, Phạm Văn Bỉnh đi dạy học và dấn thân vào những hoạt động cách mạng sôi nổi dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương.

 

Những năm 40 của thế kỷ 20 trên hầu khắp các nẻo  đường Đông Bắc, Việt Bắc, Tây Bắc đều in dấu chân chàng thanh niên cao lớn, hào hoa với giọng nói sang sảng rất có sức thuyết phục trong công tác tuyên truyền, giáo dục quần chúng làm cách mạng.

 

Tháng 12/1946, thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta. Từ Việt Bắc thầy được Trung ương giao trọng trách về Hải Phòng làm Phó Chủ  tịch Ủy ban Kháng chiến thành phố Hải Phòng để chỉ đạo cuộc chiến đấu “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Tiếp đó thầy được bổ nhiệm giữ vị trí Phó Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến tỉnh Tuyên Quang. Một thời gian sau, làm phái viên Bộ Nội Vụ rồi chuyên viên Phủ Thủ tướng.

 

Hòa bình lập lại (1954) cái duyên dạy học lại đưa thầy về ngành Giáo dục. Và ngay khi khoa Tiếng Pháp thành lập, Bộ Giáo dục điều thầy về làm Phó Trưởng khoa (1962) cho đến lúc nghỉ hưu (1980). Với nhiều đóng góp trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, sự nghiệp giáo dục và xây dựng đất nước, thầy được Nhà nước phong tặng nhiều Huân chương cao quí và thầy nhận danh hiệu Nhà giáo Ưu tú đợt đầu tiên năm 1991.

 

…Năm 1968, cùng với nhiều người khác, tôi được tuyển vào khoa Pháp, thành học trò của thầy Bỉnh, thầy Quát, thầy Vận, thầy Đức, thầy Quảng, thầy Ngô Chanh và một số thầy cô rất trẻ lúc ấy: Thầy Đạt, thầy Quán, cô Nam Tường, cô Liên…Đó là những thầy, cô rất khiêm tốn, giản dị, gần gũi mà kiến thức thật uyên thâm. Hỏi bất cứ điều gì các thầy đều giảng giải cặn kẽ, thông tuệ. Nghe các thầy giảng bài say sưa, chúng tôi quên hết đói rét lúc nào cũng thường trực suốt những năm tháng sơ tán thời chiến tranh lửa đạn.

 

Là nhà quản lí đã trải qua nhiều trọng trách, nhiều người biết tên, nhưng thật lạ, với chúng tôi  thầy Bỉnh là một thầy giáo rất thân thương, gần gũi như người cha, người bác của mình. Khi vào học khoa Pháp, tất cả chúng tôi chưa hề biết tiếng Pháp như thế nào (hồi đó ở trường phổ thông chỉ dạy tiếng Nga, tiếng Trung Quốc). Thành thử trò nào cũng thấy tiếng Pháp rất khó, khó vô cùng.

 

Một lần trong giờ dạy, thầy Bỉnh nói  với chúng tôi: “Tiếng Pháp rất hay, rất đẹp. Là ngôn ngữ của quí tộc, ngôn ngữ của ngoại giao, của lễ tân nhà nước…Vì đẹp, giống như cô gái đẹp, nó cũng đỏng đảnh lắm. Thế nên, các cô, các chú (thầy thường xưng hô với học trò thân mật thế) phải cố mà chinh phục nó. Chiếm được người đẹp mới đáng nói. Chứ người bình thường, nói làm gì…”

 

Thầy còn bảo: “Tiếng Pháp, suy cho cùng chỉ có mấy cái cấu trúc. Học thuộc, nắm chắc là không còn khó nữa, là sẽ giỏi. Nên nhớ, cụ V.Hugo chỉ sử dụng khoảng 3.000 chữ thế mà cụ đã “đẻ” ra từng ấy tiểu thuyết, thơ ca tuyệt vời như thế…”

 

Thầy luôn động viên, khuyến khích lũ học trò nhà quê, ngu ngơ chúng tôi như thế. Nhờ vậy mà nhiều chục năm qua theo nghiệp thầy, chúng tôi cố gắng mang theo phong cách của thầy vào lớp và càng lúc càng nhận thấy phong cách ấy, phương pháp ấy không bao giờ cũ.

 

Ở lại khoa, chúng tôi còn được làm việc cùng thầy một thời gian ngắn trước khi thầy nghỉ hưu. Nghỉ hưu nhưng mỗi năm dịp 20/11 bao giờ thầy cũng vào khoa. Bước chân vẫn dài, mạnh mẽ, giọng nói vẫn sang sảng, khúc triết, cùng với những cái bắt tay thật chặt, thật ấm áp…

 

Ngày 20/11/1994, thầy không được khỏe. Mấy trò nhà quê chúng tôi ra thăm thầy tại “căn hộ” 14 mét vuông trong khu tập thế giáo viên trường THCS Lý Thường Kiệt trên phố Nguyễn Khuyến. Người bạn đời của thầy đã đi xa trước đó hơn chục năm. Nhấm một li rượu, nhả một hơi thuốc, thầy kể: “Tài sản quí nhất của thầy là ma femme (phu nhân) và 6 người con. Tất cả đã phương trưởng rồi. Sau nữa là khoa Pháp, là các em…”

 

Nghe thầy nói, chúng tôi ai cũng rưng rưng…

 

Quả vậy, cả đời lăn lộn, Huân chương nhiều, danh hiệu nhiều, nhưng thầy chưa có nhà. Gian phòng 14 mét vuông mà cả gia đình tá túc là trường THCS Lý Thường Kiệt phân cho cô. Thầy “ở nhờ”. Thầy mới chỉ được Nhà nước phân phối một chiếc xe đạp Thống Nhất. Là Phó khoa, lương chuyên viên 7 (tương đương Thứ trưởng lúc ấy), thầy được nhà trường phân phối một chiếc tủ đựng quần áo hai buồng (gỗ loại 7) và một chiếc tivi đen trắng (lúc ấy chưa có tivi màu), nhưng thầy lại nhường cho hai đồng nghiệp khó khăn hơn.

 

Thế rồi, sau những ngày Tết với đầy đủ con, cháu và nhiều thế hệ học trò sum vầy, ngày 15/2/1995 (16 tháng Giêng Ất Hợi), thầy Phạm Văn Bỉnh đi vào giấc ngủ nghìn thu để về với Tổ tiên, thanh thản không vương một chút bụi trần.

 

Ngày nay, nhiều người học tiếng Pháp vẫn cầm trong tay cuốn “Sách học tiếng Pháp” và cuốn “Ngữ pháp tiếng Pháp” mà tác giả Phạm Văn Bỉnh cùng nhóm biên soạn đã viết trong những tháng ngày sơ tán, dưới ánh đèn dầu leo lét…Nhưng dưới những dòng chữ ấy, phía sau những trang sách ấy là ánh sáng của  một nền văn minh bậc nhất hành tinh. Và những người viết, những người thầy ấy còn sống mãi với sự nghiệp giáo dục nước nhà. Họ là những người sống để Cho đi…

 

Đinh Việt Bình