Tết đi xa, Tết về gần

(Dân trí) - Xa quê hương đất nước luôn trong tâm trạng bồi hồi, xốn xang, nhung nhớ. “Meo” đi, “chat” lại anh thường than: Nhớ nhất cảnh Tết quê nhà đầm ấm, đậm chất Việt. Giờ toại nguyện được về nhà chuẩn bị đón cái Tết “xịn”, hỏi người con xa quê, anh lại… cười buồn.

(ảnh minh họa)
(ảnh minh họa)

 

“Ba Mươi Tết Ta rơi vào thứ mấy? Giở lịch xem, nhìn ra ngoài thấy lòng se thắt: Sao Trời xám vậy? Tết Tây qua rồi lại ngóng Tết Ta, nhưng nếu vào cuối tuần thì ấy mới là Tết. Sẽ yên tĩnh như những ngày lễ thường lệ. Bốn phương nghe tiếng tuyết lạnh tan tí ta, tí tách. Tám hướng dạ nóng, nhớ vu vơ... Nhìn cành khẳng khiu - bóng Mẹ già oằn mình trong giá rét. Hình Cha ta thấp thoáng đâu đó trong Cây cối ẩn giấu dòng nhựa sống tràn trề... Tròn tháng sau, quê hương đậm chất Tết. Em có thấy Đào ươm nụ hết. Xoan trên cành nhu nhú xanh? Ngoài kia sông đã lên đồng…Cánh bãi sông Hồng xanh lá mạ… Lưng áo hoa làm lụng sớm mai... Tết Tây thì đã hết, lại đi “cày” (ngoài chợ)… Đống nợ đời, cày mãi không vơi. Còn cái Tết nữa cho riêng chúng mình, đâu phải Tết Tây…”

 

Tôi đem dòng tâm sự vụn đó của người bạn học năm xưa giờ đã trở thành một ông chủ “tổng công ty thời trang” tầm tầm hạng trung ở CH Séc vừa gửi về, chia sẻ với một người bạn khác giờ là công dân hai quốc tịch. Cũng do hoàn cảnh có phần trớ trêu, nên sau nhiều năm xa nhà, nay anh mới thực thi được kế hoạch trở lại VN ăn cả Tết Tây lẫn Tết Ta.

 

Anh bình luận: Xa thì thương, thì nhớ. Gần lại thấy… thường thường. Vâng tâm trạng đó của anh, tôi với tư cách là một người cũng hay có những chuyến đi xa dù chỉ dăm bữa nửa tháng, song khá thường xuyên tiếp xúc với các cộng đồng bà con người Việt ta ở nước ngoài, phần nào chia sẻ được.

 

Nghe anh kể: Về VN lần này cảm nhận đầu tiên là thấy rõ sự đổi mới vượt bậc về nhiều mặt, nhưng từng sống nhiều năm ở nước ngoài, điều anh sợ nhất cũng tương tự như các bạn Tây. Đó là “anh Giao thông”. Nỗi sự đứng hàng thứ nhì là không có được cảm giác an tâm và tin tưởng “như ngày xưa” nữa, vì thấy gần như cái gì cũng... rối, cũng hình như "chẳng giống ai".

 

Lý do ư? Anh cười buồn: Trước hết là ngày nào cũng thấy dân phản ứng hết chuyện thuế này tới phí kia, rồi lại tiêu cực này, tệ nạn khác. Mức sống của dân mình dù đã được cải thiện nhiều, vẫn rất thấp so với mặt bằng chung của các nước khác ngay cùng khu vực chứ chưa thể so sánh với các nước tiên tiến. Ấy thế mà...

 

 “Dân mình ở trong nước lo được cho cuộc sống với đồng lương và thu nhập quá eo hẹp như vậy, chúng tôi đã phục sát đất rồi. Thế mà còn phải đóng bao nhiêu thứ tiền, trong khi dịch vụ được nhận lại thì… vẫn vậy. Thật không thể hiểu nổi họ làm sao xoay xở nổi? Lẽ nào các giới chức nhà ta không phải là dân?” – Băn khoăn của anh cũng là điều mà tôi đã nghe khá nhiều bạn bè và đồng nghiệp nước ngoài “chất vấn”. Nhưng... E hèm, để trả lời câu hỏi đó không phải dễ đâu nghe! Nhạy cảm đó.

 

Trước đây anh đã nhiều lần “sinh sự” với tôi bằng những câu hỏi hóc búa tương tự, để tránh né tôi đành tư vấn rằng: Anh nên trở lại VN sau bao năm xa cách, tự mình tìm hiểu sẽ có được câu trả lời xác thực hơn.

 

Anh đã trở về và lại tiếp tục trăn trở với những đêm không ngủ không chỉ vì lệch múi giờ. Tôi hiểu rằng còn vì anh không còn nhìn về quê hương với góc nhìn của một người con xa xứ hướng về đất Mẹ trăm nhớ ngàn thương nữa, mà đã hòa chung vào từng hơi thở, từng nhịp đập của cuộc sống Việt hôm nay.

 

Cũng mừng vì anh đã hứa: Sẽ ăn một cái Tết thật ngon, thật hết mình bởi cũng đã học được cách kiềm chế trước những điều… chỉ ở VN mới có. Nơi đây là quê hương, đất nước của anh, của tôi, của tất cả chúng ta. Các cụ xưa đã dạy: Con không chê cha mẹ khó... Cùng nuôi dưỡng tình yêu vô bờ bến với VN, chúng ta cần chứng tỏ tình yêu đó bằng những cách tích cực nhất,  trách nhiệm nhất trên cương vị công dân. Phải không các bạn?

 

Thanh Nguyễn