TT-Huế:

Tăng học phí - SV nghĩ gì?

(Dân trí) - Bước vào năm học mới, SV ĐH Huế đang đối mặt với bao gánh nặng. Đặc biệt, nỗi lo không nhỏ là “tăng học phí”. Xung quanh chuyện này, nhiều SV cho rằng là gánh nặng nhưng có bạn nghĩ rằng đã mang lại những tích cực nhất định.

Học phí tăng lên không ít

Ban hành kèm theo Quyết đinh số 1522/QĐ-ĐHH  ngày 13/7/2011 của giám đốc Đại học Huế là quy định về mức thu học phí đối với sinh viên ở các trường  Đại Học thành viên và khoa trực thuộc năm học 2011-2012. Theo đó, học phí năm học này đã tăng đáng kể so với năm học vừa qua.

Mức thu học phí cho SV năm học 2011-2012 của tất cả các ngành đã tăng so với năm học trước từ 20% - 40%. Đối với các khoá, ngành đào tạo theo niên chế như ngành nông, lâm, thuỷ sản: học phí tăng từ 2.900.000 đồng lên 3.550.000 đồng/năm. Nhóm ngành kỹ thuật, công nghệ; nghệ thuật:  tăng từ 3.100.000 đồng lên 3.950.000 đồng/1 năm. Đặc biệt ở nhóm ngành y dược, học phí tăng cao nhất: từ 3.400.000 đồng lên 4.550.000 đồng/1 năm (tăng đến 1.150.000 đồng 1 năm học).

Tăng học phí - SV nghĩ gì? - 1
Học phí tăng ở trường Đại Học Khoa Học Huế năm học 2010-2011

Đối với các khoá, ngành đào tạo theo tín chỉ: ở các nhóm ngành Khoa học Xã hội, kinh tế, luật, ngoại ngữ: học phí năm 2010 thu ở mức 90.000 đồng/tín chỉ. Nhưng sang năm 2011, con số ấy tăng lên đáng kể tùy thuộc vào từng trường, ngành. Ví dụ, các nhóm ngành luật tăng lên 110.000 đồng/tín chỉ, các ngành khoa học xã hội; kinh tế; nông, lâm thủy sản tăng lên 115.000 đồng/tín chỉ, còn các ngành thuộc Đại học Ngoại Ngữ thu ở 2 mức: 105.000 đồng và 120.000 đồng/tín chỉ tùy theo ngành.

Ở nhóm ngành khoa học tự nhiên; kỹ thuật, công nghệ; du lịch, học phí tăng lên mức 130.000 đồng/1 tín chỉ (tăng thêm 30.000 đồng/tín chỉ so với năm học trước). Riêng tại ĐH Y Dược Huế cũng có mức tăng tín chỉ cao nhất. Ở ngành Y học dự phòng: học phí là 140.000 đồng/tín chỉ, ngành Y tế công cộng là 135.000 đồng/tín chỉ trong khi năm học 2010-2011, học phí ở cả 2 ngành trên chỉ thu ở mức 105.000 đồng/tín chỉ.

Tăng học phí - SV nghĩ gì? - 2
Học phí tín chỉ cũng đã tăng cao

Học phí tăng, SV “đau đầu”

Bước vào cuộc sống SV, ai ai cũng phải đối mặt với biết bao chi phí: tiền trọ, tiền ăn, tiền điện, tiền nước, tiền phí sinh hoạt,… nay phải kham thêm khoản tiền học phí không hề nhỏ nữa là một nỗi lo nhức nhối. Ấy vậy mà học phí cứ như giá cả ngoài thị trường, ngày ngày một leo thang.

Bạn N.Thắm (ĐH Kinh tế Huế) chia sẻ: “Năm học vừa qua, đối mặt với cơn bão giá, bọn mình đã lao đao, nay lại thêm tăng học phí, quả thật là một gánh nặng quá lớn!!!”

Tăng học phí - SV nghĩ gì? - 3
SV đứng xem bảng thông báo về mức học phí mới tại trường

Còn H.Hòa (ĐH Khoa Học Huế) lại lo âu: “Mình thật sự sốc khi biết tin học phí tăng từ 100.000đ/tín chỉ hồi năm ngoái lên 130.000đ/tín chỉ năm học này, một con số kinh khủng. Một năm học khoảng 35 tín chỉ, phải đóng học phí đến 4.450.000 đồng, tăng gần 1 triệu đồng so với hồi năm ngoái. SV bọn mình trước chỉ cần nguồn hỗ trợ từ gia đình là có thể an tâm học tập, nay thì phải đi làm thêm mới mong trang trải đủ cuộc sống và nguồn học phí ấy…”

Trong thời buổi kinh tế khó khăn, chuyện tăng học phí đã làm cho biết bao bạn sinh viên phải đau đầu, không biết phải xoay  sở như thế nào. V.Hùng (Đại học Y Dược Huế) bức xúc: “Cái gì cũng tăng, ngay cả thẻ vào học, mượn sách ở Trung tâm học liệu cũng tăng từ 90.000đ lên 160.000đ, nay lại thêm học phí. Trong lúc tiền được miễn giảm ở chế độ 135 mình còn chưa lấy lại được, lấy đâu ra tiền nộp tiếp học kì mới. Không biết với tốc độ như thế này, những năm tiếp theo học phí còn tăng lên bao nhiêu nữa…”

Nhiều SV đã khá lo lắng khi phải đối mặt với gánh nặng tiền bạc. Trong số đó có không ít bạn đã phải nghỉ học hay thi lại trường khác (như trường ĐH Sư Phạm Huế) vì không đủ tiền để trang trải học phí. Lại có SV mải mê kiếm việc làm thêm mà không đủ thời gian cho bài học trên lớp, thực hành ngoài xã hội. Rồi nhiều bạn đâm ra buồn phiền, chán nản, làm những việc tiêu cực,…

Mặt tích cực từ tăng học phí

Không phải tất cả sinh viên đều cho rằng tăng học phí chỉ mang lại những điều tai hại,..nhiều  bạn lại có cái nhìn khách quan và nhiều chiều hơn. T.Ngọc (ĐH Kinh tế Huế) tâm sự: “Tăng học phí không hoàn toàn là gánh nặng, khi song song với nó là tăng học bổng. Nếu học phí tăng, đồng thời học bổng tăng, sinh viên sẽ có ý thức hơn trong việc học, phấn đấu đạt học bổng để một phần nào trang trải cho nguồn học phí lớn lao ấy…”

Thật sự, đi đôi với quyết định tăng học phí cũng là quy định về tăng học bổng. Theo đó, các mức học bổng năm nay cũng tăng so với năm ngoái trên 20%. Cụ thể:

Ở các trường ĐH Sư phạm, ĐH Khoa học, ĐH Kinh tế, ĐH Nông lâm, ĐH Ngoại ngữ; Khoa Luật, Khoa Giáo dục Thể chất, học bổng loại khá tăng từ 290.000 đồng lên 355.000 đồng/tháng, loại giỏi tăng từ 362.5000 đồng lên 443.750/tháng và loại xuất sắc từ 435.000 đồng lên 532.500 đồng/tháng.

Tăng học phí - SV nghĩ gì? - 4
Mức học bổng quy định tại các trường thuộc ĐH Huế cũng đã tăng nhờ tăng học phí

Ở các trường ĐH Nghệ thuật, Khoa Du lịch, Phân hiệu ĐHH tại Quảng Trị, học bổng loại khá tăng từ 310.000 đồng lên 395.000 đồng/tháng, loại giỏi từ 387.000 đồng lên 493.750 đồng/tháng và loại xuất sắc từ 435.000 đồng lên đến 592.500 đồng/tháng.

Riêng ở trường ĐH Y Dược, học phí tăng cao nhất thì mức học bổng tháng cũng như thế mà tăng theo. Theo thống kê chung thì học bổng ở trường này tăng lên đến 33.8%. Như học bổng loại khá đã tăng từ 340.000 đồng lên 455.000 đồng, loại giỏi từ 425.000 đồng lên 568.750 đồng và ở loại xuất sắc, từ 510.000 đồng tăng lên đến 682.000 đồng/tháng.

H.My (ĐH Ngoại Ngữ Huế) hân hoan: “Vì mình được miễn học phí nên việc tăng nó không có gì đáng ngại, quan trọng là tăng học bổng sẽ là nguồn động viên cho mình rất lớn để phấn đấu đạt mức học bổng cao nhất. Mình tin là những ai cố gắng nỗ lực rồi cũng sẽ đạt được thành quả như mong muốn.”

Nguồn học bổng khuyến khích năm học 2011-2012 có một bước tăng đáng kể so với năm học trước. Tăng học bổng là một niềm khích lệ lớn cho những bạn nào có ý thức vươn lên trong học tập. Học phí không còn là nỗi lo nếu như bạn cố gắng đạt những thành tích đáng khen.

Thầy cô nói gì?

Trò chuyện với SV, thầy cô cũng chia sẻ: “Biết tăng học phí là một gánh nặng lớn cho sinh viên nhưng đây là đều không thể tránh khỏi được vì nhà nước cần có thêm ngân sách để phát triển cơ sở vật chất cho nền giáo dục nước nhà. Nguồn học phí mà các em nộp đã được nhà nước hỗ trợ rất nhiều, nếu chỉ dựa vào học phí của sinh viên để xây dựng và phát triển trường Đại học, thì con số đó sẽ tăng thêm không biết bao nhiêu lần!”

Chuyện tăng học phí đã là nỗi lo âu cho các bậc phụ huynh và sinh viên Đại học khi bước những bước tiếp trên giảng đường, còn bao thứ phải trang trải. Nhưng đó cũng là dấu hiệu đáng mừng cho những ai thật sự vươn lên. Hi vọng các bạn sinh viên sẽ đạt được những gì mà mình phấn đấu, nỗ lực. Cũng hi vọng rằng nền giáo dục Việt Nam sẽ phát triển hơn để vơi đi phần nào gánh nặng của các bạn sinh viên khi bước vào cổng trường Đại học, tiếp tục xây dựng nước nhà…

                                                                          Huỳnh Thị Bông - Đại Dương