Sửa Luật Thuế TNCN: Đừng để lạc hậu chồng lạc hậu

(Dân trí) - Dư luận người dân cũng có chung nhận định với giới chuyên môn về “tư duy làm luật cứng nhắc” của các chuyên gia, sau khi Bộ Tài chính công bố một số nội dung chính của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN).

Sửa Luật Thuế TNCN:  Đừng để lạc hậu chồng lạc hậu
Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, thu nhập hiện tại so với đời sống vẫn còn khó khăn nên cần sửa đổi giảm trừ thuế TNCN ngay trong năm nay

 

Viễn cảnh lỗi thời
 

Sự “trên mây” trong cách tính toán của các cán bộ được giao trách nhiệm này, theo phân tích của bạn đọc, có phần là do tư duy vẫn còn theo lối cũ đã lỗi thời, cứng nhắc. Song chắc chắn họ cũng là những người bình thường trong xã hội, không thể không biết  tình hình thực tế của đời sống kinh tế - xã hội đất nước ta.

 

Chính vì vậy, một mặt bạn đọc vạch rõ sự lỗi thời đã nhãn tiền nếu áp dụng mức tính thuế TNCN từ hai năm tới:

 

“Mình đồng tình với bài viết này. Đến năm 2014 thì mức giảm trừ như trên đã quá lỗi thời rồi. Mình thấy hiện nay mức giảm trừ thấp, nên mức thuế phải đóng quá nhiều so với thu nhập cá nhân nhận được. Đó là đối với tiền lương, tiền công. Còn đối với 1 số khoản thu khác (như tiền thuê nhà...) thì mức thu còn chóng mặt hơn. Mức giảm trừ như trên áp dụng từ năm nay mới tạm hợp lý” – Bạn đọc:  hoa.gamiland@gmail.com

 

“Đúng là một lối tư duy trên mây. Khi mức giảm trừ gia cảnh và cá nhân được tăng lên, nhưng lại áp dụng sau 2 năm nữa thì tới lúc đó lại có một lối tư duy trên mây khác nữa sẽ được nêu ra. Không áp dụng ngay thì cũng như số không, chẳng được mấy chốc thì lại thay đổi thôi” -  Nguyễn Thành Phố:  citynguyen1987@gmail.com

 

Mặt khác, những băn khoăn và nghi ngờ đồng thời cũng được nêu ra:

 

“Không hiểu những người làm luật thuế TNCN có sống cùng với nhân dân không, họ có sống bằng lương không, họ có chi tiêu cho cuộc sống bao giờ không? Trong khi cần phải tăng sức mua trong dân cư lên, thì họ làm cho sức mua từ dân cư giảm trong lạm phát, suy thoái trong tiêu thụ đầu ra” – Can Vu Duy:  canvuduy@yahoo.com

 

“Tôi nghĩ Tổng Cục Thuế Bộ TC họ cũng biết mức tiền tính thuế TNCN như vậy sẽ sớm lạc hậu (thậm chí lạc hậu từ khi chưa áp dụng). Tuy nhiên, có lẽ Tổng Cục Thuế muốn thu được càng nhiều càng tốt, kể cả với người thu nhập thấp? Một chính sách không được sự đồng tình của đại đa số người dân, vậy cơ quan giúp Chính phủ đã hoàn thành trọng trách chưa?” - Thương Giang:  thuong.giang5@gmail.com
 
Sửa Luật Thuế TNCN:  Đừng để lạc hậu chồng lạc hậu
(Minh họa từ internet)

 

Các nghịch lý lại được mổ xẻ, song song với điệp khúc “thất vọng, ngao ngán” một lần nữa thể hiện rõ trong nhiều bình luận:

 

“Nội dung sửa đổi Luật thuế TNCN của Bộ Tài chính lần này đọc qua sao mà ngao ngán. Lạc hậu chồng lạc hậu – thể hiện tư duy vẫn yếu kém lại còn thiển cận, không biết khi nào mới thoát "vòng kim cô" này. Ngày mới nhận chức, Bộ trưởng Huệ có những quyết định rất kịp thời và mang đến nhiều kỳ vọng cho dân về một đội ngũ trẻ có trình độ và đầy nhiệt huyết, nhưng  sao đến nay chưa vẫn chưa thấy chuyển biến gì mới ngoài việc tăng giá gas, giá xăng dầu…” – Thinhnd:  thinhnd67@gmail.com

 

“Bộ Tài chính cần xem lại từ nay đến hết 2012 lạm phát sẽ là bao nhiêu, để đưa ra con số phù hợp. Vẫn biết bản dự thảo vẫn chỉ là dự thảo chứ chưa áp dụng (đến 2014 mới áp dụng), nhưng tôi cũng phải công nhận: đúng theo tựa bài viết này là Bộ Tài chính có một tư duy chiến lược ở tầm quá cao: trên mây chứ không phải dưới mặt đất. Đáng buồn cho thực trạng này” - Vân Anh:  vannt126@yahoo.com

 

“Tôi đồng ý quan điểm của bà Lan và ông Phong. Đồng thời cũng đề nghị các vị làm về thuế cần xem lại cách tính cứng nhắc này, vì nó kìm hãm việc thực hiện chính sách đóng thuế do chứng tỏ tư duy còn ấu trĩ, kém linh hoạt và không theo kịp sự trượt giá của hàng hóa hiện nay” - Hồng Quang:  hquang@yahoo.com

 

“Sau khi đọc xong các chỉ số lạm phát, tôi thấy quá nhiều nghịch lý.  Ngành chức năng xem ra thường có phần tô hồng chỉ số lạm phát (thường chỉ là một con số 8% hay 9%) gì đó. Còn thực tế thì… có lẽ chúng tôi còn không dám mở mắt nhìn. Vậy bấy lâu nay ai đúng ai sai? Hay nó đã quá mất kiểm soát nên mới vậy… Xin đừng quá "PICASSO" chỉ số như thế, để rồi không biết cái mình vừa vẽ ra là cái gì…. Dân tuy nhiều người học không cao, nhưng hiểu thực tế thì cũng rộng lắm chứ, đâu phải ai thiếu bằng cử nhân tiến sĩ là thiếu hiểu biết....GAMO” - Viet:  vietvital@gmail.com

 

Độ vênh thực tế - tính toán

 

Và hãy xem những tính toán từ phía chính người dân vênh với các con số được ngành chức năng đưa ra xa tới mức nào:

 

“Theo tôi cần phải có chính sánh nới lỏng mức thuế TNCN. Giá cả tăng cao thì đằng nào rồi năm nay lạm phát cũng lại tăng cao hơn. Mới đầu năm mà giá xăng, dầu đã lên tới hơn 2.000 đồng/lít rồi. Mà xăng dầu tăng thì tất cả các mặt hàng khác cũng tăng. Tại sao Bộ Tài chính không làm một bài toán xem?
 
Để tôi nêu ví dụ điển hình: giả sử lương 6tr/tháng. nhưng tiền trọ và điện nước cũng mất 700.000đồng / tháng; tiền ăn tiết kiệm nhất cũng mất 1.000.000 đồng/tháng; tiền xăng đi lại, điện thoại cả tháng cũng mất 1.300.000đồng/tháng; quần áo: 400.000đồng/ tháng; tiền tiếp bạn và những bữa ăn tươi gia đình 600.000đồng/tháng. Và chưa kể những khoản khác nằm ngoài dự tính.  Vậy số tiền phải chi cho 1 tháng là khoảng 4.000.000đồng. Ăn tiêu như thế có gọi là thu nhập cao không. Nếu mà thiếu kiến thức muốn đi học thêm thì cũng phải mất 1.000.000đồng/tháng nữa. Vậy lương 6.000.000 - 5.000.000 = 1.000.000đ là tiền dư để tiết kiệm bản thân. Nhưng thực tế nếu làm ở các khu vực đắt đỏ như thành phố HCM và Hà Nội thì khoản lương đó có đủ sống không?

 

Nên theo tôi thì nên tăng mức khấu trừ bản thân của người lao động từ  4.000.000đồng /tháng lên 6.000.000đồng/tháng còn gọi là tạm được. Mà thuế TNCN chủ yếu là đánh vào những người làm công ăn lương, thực tế thì còn có nhiều bộ phận kinh doanh nhỏ lẻ ngoài đời có khoản thu nhập cao hơn mà có đóng đồng nào đâu (như ca sĩ, dàn nhạc nè, tổ chức đám cưới nè…). Vậy hỏi mức thu thuế như hiện nay có thực tế không? Các vị cần nhìn thẳng vào thực tế mà đánh giá, đừng có để cái tư duy cũ kỹ và già nua đó đem áp đặt cho người dân. Nhưng tôi thấy rất nhiều lần kiến nghị rồi, mà họ vẫn giữ cái kiến thức cũ kỹ đó?” - Trần Minh Tấn:  minhtan2304@yahoo.com
 
Sửa Luật Thuế TNCN:  Đừng để lạc hậu chồng lạc hậu
(Minh họa từ internet)

 

Hãy xem dư luận mong chờ gì và hiến kế gì với các cơ quan chức năng trong việc tính toán mức thuế cũng khá là nhạy cảm này:

 

“Luật cần có tính ổn định về thời gian thực hiện. Mức chịu thuế tính theo mức lương tối thiểu là hợp lý nhất” - LTT:  ltt1987@live.com

 

“Tại sao không thể đưa mức nộp thuế TNCN khởi điểm theo bội số của mức lương tối thiểu, để giảm thủ tục cho nhà nước (tránh việc điều chỉnh hàng năm)? Sao cứ phải đưa ra mức cứng như 4 triệu đồng rồi  6 triệu hay hơn nữa làm gì?” - Nguyễn Trường Giang:  tr.giang050789@yahoo.com

 

“Theo tôi, cứ áp dụng mức chịu thuế bằng đơn vị là Vàng. Sau đó quy đổi theo tỷ giá. Ví dụ, giờ đang là khoảng bao nhiêu tiền 1 chỉ vàng. Sau đó 1 chỉ vàng là bao nhiêu thì chốt giá ở thời điểm cuối quý. Việc này cũng như chốt BHXH, BHYT. Sẽ không bao giờ bị lỗi thời” -  Phạm Đình Đô:  phamdinhdo@gmail.com

 

Sát thực tế, sống cuộc sống của người dân là mong muốn chung của người dân với những người làm chính sách. Như Sanu  sanuhcm@yahoo.com.vn bày tỏ khá dí dỏm: “Các bác ơi,  xuống hạ giới làm việc đi, đừng cưỡi mây ngàn nữa!”

 

Khánh Tùng