Sẻ chia với nhận xét của đạo diễn Quang Dũng về giao thông

(Dân trí) - Nhận xét nửa đùa nửa thật của đạo diễn Quang Dũng trong đêm Gala thứ 6 chương trình Vietnam Idol, rằng “giọng Hương Giang còn dễ nghe hơn một số quy định của ngành giao thông gần đây” – cũng phản ánh độ nóng của dư luận với Phí và Phạt của "ông Bộ" này.

Đạo diễn Quang Dũng (
Đạo diễn Quang Dũng (phải) trên ghế Giám khảo cuộc thi Vietnam Idol (ảnh: Phan Anh)

 

Dân chóng mặt vì cải tiến, cải lùi

 

Chính xác rằng khi xưa cuộc sống khó khăn hơn rất nhiều, nhưng nỗi lo cơm áo gạo tiền của mọi tầng lớp cư dân hầu như ai cũng như ai. Ai cũng trong cảnh phải thắt lưng buộc bụng, nhưng tư tưởng nhìn chung vẫn được thảnh thơi hơn.  Nhất là khi ra đường người dân không phải nơm nớp lo tai nạn, lo cảnh người ngay sợ kẻ gian, lo bị phạt…

 

Thời nay đúng là không chỉ người nước ngoài "sợ nhất giao thông VN" nữa, mà ngay cả dân ta cũng ngán tới tận cổ các bác giao thông rồi. Vì sao ư? Trong hơn 3.000 phản hồi của bạn đọc với thông tin sẽ phạt nặng những xe không mua phí bảo trì đường bộ kể từ ngày 1/1 năm tới, chúng tôi chỉ có thể đưa lên một số ít, đồng thời trích dẫn ở đây thêm vài bày tỏ nỗi khổ của dư luận nói chung (trong đó chắc có cả đạo diễn Quang Dũng) với cách làm việc rất tiền hậu bất nhất  và chỉ lợi mình, hại người của các ông bộ, ông ngành hiện nay.
 
Không hẹn mà nên, nhận xét của đạo diễn Quang Dũng thật ra cũng như 1 sự cụ thể hóa những gì dư luận đã sôi sục phê phán, phản ứng từ rất lâu rồi:

 

“Kể từ 2005, cứ mỗi năm lại thấy ‘ông Bộ’ tung ra 1 quyết định nào đó thật sốc. PR báo chí hoành tráng, ra vẻ thật nghiêm khắc... Ví dụ như vụ phạt kính chiếu hậu không đúng chuẩn, rồi thuế xe hơi đặc biệt, thu phí qua xăng dầu, phạt xe không chính chủ… Rồi mới toanh nữa là… phí đường bộ. Phải chăng họ làm vậy là để người dân nghĩ trong 1 năm họ có…. ngồi không đâu. Nhưng dân lại nghi ngờ rằng thật sự chắc họ… ngồi không rảnh quá nên… sinh tật? Nếu không thế sao cứ hết nghĩ ra luật này, quy định nọ thậm vô lý mà mục đích chủ yếu cũng chỉ là nhằm có được tiền rót vào cho họ và họ luôn giữ vị thế ngày càng quan trọng ...” - Hoang Phi:  solid0109@yahoo.com

 

“Lúc nào cũng chỉ nghĩ cách để đè người dân khốn khổ ra mà phạt! Cứ vài ngày lại nghe thấy có một Thông tư, Nghị định mới mà lần nào cũng làm người dân không thót tim ngán ngẩm thì cũng đau đầu nhức óc vì lo lắng. Mà sao mức thu phí chẳng hợp lý tẹo nào thế nhỉ? Thời suy thoái này biết bao nhiêu người còn thất nghiệp, lo chi trả cuộc sống đã khó lại còn lo cả mấy thứ loại phí, phạt... rất tùy tiện này nữa. Thật là quá mệt mỏi!” – Ngoc Hong:  ngochongrb@gmail.com

 

“Trước đây cũng đã thu lệ phí này rồi, sau một thời gian cải cách quay sang thu kèm xăng dầu, nay lại quay lại… cái máng cũ.  Không biết các vị làm chính sách thế nào, cứ cải tiến rồi lại cải lùi, chỉ khổ dân!” - Tran Canh:  hoahongden368@yahoo.com
 
(minh họa: Khều)

(minh họa: Khều) 

Ngành mất lòng dân nhất

 

Cũng có thể chưa thật chính xác, nhưng chỉ riêng qua số lượng phản hồi NÓI KHÔNG nhiều nhất trong năm nay với ngành GTVT, cũng đủ cho thấy lý do dẫn tới sự mất uy tín của ngành nói chung và các giới chức quản lý nói riêng nằm ở đâu:
 

“Chỉ riêng trong năm nay, ngành Giao thông đã đề ra những dự luật  vô lý gây tâm lý bất an, làm mất lòng dân nhất từ trước tới nay. Nên chăng trước hết các vị tự soi xét mình xem có còn đảm nhiệm được vị trí ở lĩnh vực đang rất nóng này không? Nếu không mong các vị dũng cảm, mau chóng nhường chỗ cho những người THỰC SỰ có TÀI, có ĐỨC lên thay thế để sớm chấn chỉnh lại ngành này đi, các vị ạ!” - Nguyễn Đức:  nguyenduc_ducthinh@yahoo.com.vn

 

“Hiện nay có huy động toàn bộ nguồn tài sản của dân lao động nói chung, thì tôi cho rằng có lẽ cũng chỉ đủ đóng các loại Phí và Phạt??? Mong các bác quản lý các ông bộ, ông ngành nhạy cảm này  nên đi bộ thể dục buổi sáng mà nghe tiếng nói của dân. Tôi thấy hiện nay việc lấy ý kiến về văn bản quy phạm pháp luật cũng như các chính sách nói chung vẫn chỉ là hình thức. Cứ bảo chưa tìm thấy lợi ích nhóm? Lợi ích nhóm ngay từ những người đưa ra các đề án quá bất công và vô lý, khiến dư luận luôn phản ứng dữ dội đó chứ ở đâu xa?” - Nguyễn Thắng:  thanganh1275@yahoo.com.vn

 

“Sẽ công bằng khi thu phí theo nhiên liệu phương tiện tiêu thụ. Tôi thấy cần có chuẩn mực cho dân thoải mái tâm lý khi tham gia giao thông” - Đinh Bằng:  vudangbinh1009@gmail.com

 

Dùng dao mổ trâu để... thịt gà?

 

Động chạm tới quyền lợi sát sườn của chính mình, hơn ai hết người dân không thể tính tới những mục tiêu cao siêu tới mức không ai hiểu và tin nổi của các vị vẫn đang như “ngồi trên mây” đó. Họ phải lo cho bản thân, gia đình và cả xã hội bởi những chính sách, quy định sai lầm dẫn tới hậu quả xấu ra sao thì dân vẫn là những người phải lãnh đủ đầu tiên.

 

“Chi phí tổ chức thu phí sử dụng đường bộ là quá cao -->  không hợp lý. Tôi xin đưa ra những con số theo tính toán của bản thân như sau: Dân số Việt Nam năm 2011 là : 88.000.000 dân. Tạm tính số dân có xe máy là 55% = 48.400.000 dân. Mức thu phí sử dụng đường bộ cho xe máy 1 năm là: 100.000đ, như vậy số tiền thu được 1 năm là 4.840.000.000.000 đ (bốn nghìn tám trăm bốn mươi tỷ). Vậy mà chi phí tổ chức thu phí đường bộ là 10% tức là 484.000.000.000 (bốn trăm tám tư tỷ). Chia cho số tỉnh thành trên cả nước thì mỗi năm 1 tỉnh có chi phí tổ chức thu phí là 7.562.500.000 (bảy tỷ năm trăm sáu hai triệu năm trăm nghìn). Trong khi đó người có xe phải tự đi nộp phí sử dụng đường bộ, vậy chi phí tổ chức thu phí như thế hợp lý ở chỗ nào?!” - Đỗ Tuấn Sơn:  highmountain84@gmail.com

 

“Chỉ có “nhõn” một loại phí mà làm đảo điên cả xã hội, HÀNH DÂN đủ kiểu. Bộ GTVT trực tiếp thu (thông qua các trạm kiểm định xe cơ giới thuộc quyền quản lý), cơ quan chính quyền xã, phường cả nước trực tiếp thu. Như vậy là phải huy động cả một bộ máy khổng lồ, cực kỳ tốn kém để tiến hành thu thêm… 01 loại phí? Thu rồi lại đẻ ra thêm một bộ máy để quản lý, điều hành chi tiêu riêng. Bây giờ lại huy động cả một lực lượng khổng lồ để kiểm tra xem ai chưa nộp phí mà…phạt??? Người dân chúng tôi tự hỏi tại sao các vị cứ thích HÀNH DÂN và cả tự HÀNH XÁC khổ ải vậy?” -  Trương Vinh Hạnh:  truonghanh@gmail.com

 

“Thu tiền trước là.. ăn gian tiền của dân rồi.  Tôi nghèo chỉ có đủ tiền đóng phí trước 1 tháng mà bắt tôi nộp phí luôn 1 năm? Hơn nữa tôi chỉ có chiếc xe cà tàng, không mấy khi đi ra ngoài đường mà cũng phải đóng phí bằng những người đi nhiều là chưa công bằng với tôi rồi. Tôi chưa hiểu vì sao các vị lại luôn tỏ ra không quan tâm đến quyền được biểu quyết của người dân mỗi khi phải đóng phí là thế nào? Dân chúng tôi có nói là không đóng đâu, mà phải đóng như thế nào cho công bằng và hợp lý thì lại không được quyền có ý kiến mang tính quyết định. Bộ trưởng Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam nói: Chính phủ không ra chính sách gì mà hại đến nhân dân. Vậy nhưng khi nhân dân lên tiếng thì sao lại không thấy ai nghe, hay cố tình không nghe? Thậm chí dân chỉ toàn thấy những quyết định gây bức xúc cho dân. Chỉ cần các vị bớt chút thời gian xem qua các diễn đàn, sẽ thấy ngay ý kiến phản đối quá nhiều. Vậy tại sao các vị vẫn cứ tự cho mình là đúng nhỉ? Có thật các vị tin rằng mình luôn tài giỏi và trí tuệ hơn mọi tầng lớp nhân dân không????” - Vũ Văn Thăng:  aacagro@gmail.com

 

“Khi đưa ra một quyết định nào đó, tin rằng các vị cũng xem xét nhiều mặt. Nhưng cũng nên cân đối thực tế hơn nữa giữa cái Được và cái Mất. Dân còn nghèo, thu nhập thấp mà cứ phạt mãi thế này thì tệ nạn xã hội sẽ càng cao, tham nhũng cũng sẽ tăng. Sao không thu từ những người có thu nhập cao? Nói thêm ở đây là ngành giao thông có những tệ nạn rõ nhất mà ai cũng thấy, nhưng vẫn chưa được giải quyết. Đó là: cán bộ ngành giao thông vi phạm còn nhiều hơn dân thì có ai xử lý, ai phạt? Nhận tiền trực tiếp từ người dân thì ai bắt (phí “đen” không nộp vào kho bạc, giảm nguồn thu của nhà nước). Thêm tệ nạn về biển số càng đáng nói, ví dụ như tỉnh Hậu Giang chỉ công bố biển số xe đến 95F7 39.... Nhưng ra đường vẫn hiên ngang gặp 95F8 8888, 95F8 5555 .....Vậy tệ nạn này xử lý sao? Các vị còn chưa xử lý được người trong ngành mà cứ ban hành những quy định mới để phạt dân thì ai nể, ai phục ??? Cuối cùng vẫn là người dân trả tiền cho tất cả mà thôi!” - Nam:  ws_nhn@yahoo.com

 
Trước hết hãy tự phạt mình
 

Trước tiên hãy tự trách mình!

 

Đó cũng là đề nghị và mong muốn chung của đại đa số người dân, bởi để tình trạng ý thức người dân nói chung xuống cấp như hiện nay, không thể không xét đến ý thức làm việc của chính các ngành chức năng giữ quyền cầm cân nảy mực:

 

“Trước khi thu phí, đề nghị Bộ trưởng bộ GTVT và  Bộ Tài chính cam kết trước Quốc hội: sau bao lâu không còn để xảy ra tình trạng kẹt xe, đường có ổ voi, ổ gà, ngập nước… nữa. Nếu làm được thì tôi và toàn thể người dân Việt Nam sẽ tự nguyện đi đóng phí chứ không phải như kiểu bị… cưỡng chế kể từ ngày 01/01/2013. Còn cứ bỏ tiền ra mà không thu được lợi ích gì thì dân ai cũng thấy bức xúc vô cùng. Nếu không làm được, đề nghị 2 Bộ trưởng tự kiểm điểm và xem xét lại vị trí cho chính mình trước Quốc hội và người dân... Cảm ơn nhiều!” - Huy:  qhtk_vn@yahoo.com.vn

 

“Nếu tham nhũng ở VN giảm đi 1/6 và các công trình giao thông bi rút ruột ít đi 1/7 thôi,  tôi và chắc nhiều người dân sẽ vui lòng đóng phí để xây dựng đất nước. Nhưng thú thật giờ dân đã quá mất lòng tin, nên cũng chẳng thể nào biết được còn bao nhiêu giới chức trong sạch…Nhìn những công trình nghìn tỷ và những núi của công bị phung phí, sai mục đích rồi cũng chỉ kiểm điểm, nhắc nhở là chính, không mấy ai bị tội tình gì nặng.. càng nghĩ mà càng nản!”- Ha Anh:  hai_nguyen426@yahoo.com

 

Chỉ cần lướt qua phản hồi nhiều vô kể của người dân với các quyết sách gây sốc của ngành giao thông nước nhà thôi, chắc đạo diễn Quang Dũng đã tập hợp được chất liệu một kịch bản phim rất có thể tranh giải Oscar dành cho phim nước ngoài hay nhất trong tương lai gần đó. Nhưng đạo diễn Quang Dũng cần cẩn trọng kẻo bị… đạo mất ý tưởng độc đáo đó nhe, vì chắc lại chỉ VN mình có được tình trạng độc nhất vô nhị ấy mà thôi.

 

Kiều Anh