Phiếm đàm

Sao khi cần nhanh lại chậm,lúc cần chậm lại nhanh?

(Dân trí) - “Cả hai trường hợp cần chậm lại nhanh, cần nhanh lại chậm nói trên, do những quan chức này đều không tôn trọng người mà họ đang giao tiếp và thiếu cái tâm”

 

Minh họa: Ngọc Diệp
Minh họa: Ngọc Diệp

Mọi người ngạc nhiên khi được biết ngày 11/8, tại hội trường UBND phường 13, quận Bình Thạnh, TPHCM đã diễn ra buổi xin lỗi của VKSND TPHCM đối với ông Trương Bá Nhàn (SN 1962), người chịu 4 năm tù oan về tội “giết người” và “cướp tài sản”. Tại buổi lễ, ông Chánh văn phòng VKSND TPHCM  nói :  “Hôm nay tôi đại diện VKSND TPHCM xin lỗi ông Nhàn và gia đình về những tổn thất mà ông và gia đình đã phải gánh chịu trong suốt thời gian qua. Chúng tôi đã bồi thường đầy đủ cho ông Nhàn theo đúng quy định của Nhà nước. Một lần nữa chúng tôi thành thật xin lỗi ông!”, Sau lời phát biểu và cái bắt tay xin lỗi của ông Chánh văn phòng VKSND TPHCM  , buổi xin lỗi được kết thúc luôn khiến ông Nhàn than thở: “... kết thúc quá nhanh mà tôi vẫn chưa nói được những tâm tư và mất mát trong thời gian bị oan”. Điều đó cho thấy khi cần chậm thì quan chức chúng ta lại nhanh cho xong cái chuyện phải miễn cưỡng làm này.

Sự việc trên khiến mọi người không thể nhớ chuyện ngược lại, đó là  trận đấu giữa tuyển Việt Nam và CLB Manchester City vừa qua, theo thông lệ không thể thiếu được diễn văn phát biểu trước trận đấu. Đầu tiên là phát biểu của đại diện nhà tài trợ cùng VFF. Các cầu thủ đã đứng nguyên trên sân 5 phút đồng hồ nghe ông chủ tịch ngân hàng nào đó đứng trên bục danh dự đọc một bài diễn văn dài. Sau đó đến lượt một quan chức phía liên đoàn bóng đá Việt Nam cũng phát biểu dài lê thê. Các cầu thủ của HLV Manuel Pellegrini đã phải đứng hơn 15 phút nghe. Sự rườm rà đó khiến nhiều cơ quan truyền thông lớn của Anh không hài lòng. Họ đưa tin mỉa mai: "14:03 (giờ Anh) Trận đấu có cách bắt đầu khá thú vị. Vâng, tôi đang nói về “cách bắt đầu”, vì thật sự nó vẫn chưa diễn ra. Các cầu thủ vẫn đứng trên sân 5 phút vừa qua, trong lúc đó một người đeo kính, hình như là chủ tịch của ngân hàng nào đó ở Việt Nam làm một bài giảng rất dài, mà tất nhiên là chẳng ai trong chúng ta hiểu cái gì, vì ông ta đang nói tiếng Việt. Thủ môn Joe Hart trông có vẻ hơi bối rối. 14:06. Bây giờ lại đến một người khác đến từ Liên đoàn bóng đá Việt Nam. Ông này cũng đeo kính. Và ông ta bắt đầu nói. Rất nhiều. Các cầu thủ trong khi đó vẫn đứng “đực như ngỗng” xếp hàng trên sân. ..” Điều đó cho thấy khi cần nhanh, thì quan chức chúng ta lại chậm. Sao các vị ấy đi nước ngoài nhiều mà không học được cách cách khai mạc khi  tổ chức một sự kiện thể thao của nước ngoài nhỉ? Ví dụ tại Thế vận hội Mùa đông Vancouver 2010 (Canada), ông John Furlong – Chủ tịch Ủy ban Tổ chức phát biểu khai mạc chỉ mấy câu như sau: “Chúng tôi hoan nghênh các bạn từ các nước trên thế giới tới tham dự Đại hội thể thao mùa đông tại Canada. Chúng tôi rất vinh dự khi trở thành nơi gặp gỡ, tụ hội, là ngôi nhà chung của các bạn.Chúng tôi hi vọng sẽ mang lại những kỉ niệm tuyệt vời không thể nào quên đối với các bạn trong thời gian ở Canada. Trong 16 ngày tới, các bạn có thể tin tưởng và mơ ước vào những điều tốt đẹp có thể xảy ra.Tôi xin cảm ơn tất cả các vận động viên, Ủy ban Olympic quốc tế, các nước đối tác, cơ quan phương tiện truyền thông, đặc biệt là người dân Canada đã giúp đỡ chúng tôi trong Đại hội này”. Thật ngắn gọn và đầy đủ.

Hóa ra có nhiều trường hợp, quần chúng cần nhanh thì một số quan chức Việt Nam lại chậm, còn khi nhân dân cần chậm thì một số quan chức Việt Nam lại nhanh quá. Các vị ấy quên rằng: “ Cái gì không muốn thì đừng bắt người khác phải chịu” và câu cha ông ta ngàn xưa đã dạy:

Lời nói không mất tiền mua,

Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau

Nói thế nhưng khó sửa lắm, vì có người đã bảo: “Cả hai trường hợp cần chậm lại nhanh, cần nhanh lại chậm nói trên, do những quan chức này đều không tôn trọng người mà họ đang giao tiếp và thiếu cái tâm””. Chả biết nhận xét đó có đúng không nhỉ?

Nguyễn Đoàn