Sáng tỏ góc khuất phía sau các vụ tai nạn giao thông

Giữa lúc dư luận đặc biệt quan tâm đến đạo đức nghề nghiệp, kỹ năng lái xe ôtô (LXOT) sau những vụ tai nạn giao thông (TNGT) do lái xe thiếu đạo đức và nhận thức pháp luật về an toàn giao thông, kỹ năng nghề nghiệp yếu kém…thì một số giáo viên Trường Cao đẳng nghề (CĐN) Phú Yên lại làm bài thi cho học viên LXOT, chính quyền một số địa phương chứng thực văn bằng học vấn giả cho người LXOT.

Theo kết luận mới đây của Thanh tra tỉnh Phú Yên về công tác đào tạo LXOT trong hai năm 2015-2016 tại Trường CĐN Phú Yên, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) quy định một trong những yêu cầu đối với học viên LXOT nâng cấp giấy phép lái xe (GPLX) hạng D và E là phải có văn bằng tốt nghiêp THCS.

Thế nhưng trong số 175 học viên được Trường CĐN Phú Yên đào tạo, nâng cấp LXOT hạng D, E trong hai năm nêu trên, có tới 45 hồ sơ học viên sử dụng văn bằng THCS giả mạo do một số xã, phường, thị trấn ở các huyện Tây Hòa, Đồng Xuân, Phú Hòa và TP Tuy Hòa chứng thực.


Trường Cao đẳng nghề Phú Yên – nơi xảy ra hàng loạt sai phạm trong đào tạo lái xe ôtô.

Trường Cao đẳng nghề Phú Yên – nơi xảy ra hàng loạt sai phạm trong đào tạo lái xe ôtô.

Trớ trêu hơn nữa là trong số đó, có 8 văn bằng THCS có nội dung cơ quan cấp là Sở Giáo dục và Đào tạo Phú Yên nhưng lại đóng dấu của Phòng Giáo dục; nhiều văn bằng có ngày, tháng, năm sinh không phù hợp với chứng minh nhân dân của học viên nhưng Trường CĐN Phú Yên vẫn tiếp nhận và đào tạo. Thậm chí, hai giáo viên Trung tâm đào tạo lái xe của Trường CĐN Phú Yên là Đặng Đức Phong, Nguyễn Tấn Hoàng còn nhiệt tình đến mức sử dụng văn bằng THCS của chính mình cho học viên đăng ký đào tạo nâng hạng LXOT.

Không dừng lại ở đó, hai giáo viên Đào Anh Triết, Lâm Đạo Hải còn làm hộ bài thi lý thuyết về “Nghiệp vụ vận tải” và “Kiến thức mới về xe nâng hạng” cho hai học viên Nguyễn Văn Dũng, Phan Văn Hòa.

Một số bài thi lý thuyết của cùng một học viên nhưng lại có hai nét chữ viết, chữ ký khác nhau; người không có trách nhiệm chấm điểm bài thi. Nghiêm trọng hơn nữa có trường hợp học viên Lê Thị Ngọc không đi học, không đi thi nhưng vẫn được giáo viên “vẽ” ra bài thi với kết quả rất hoàn hảo để được cấp GPLX ôtô hạng B2.

Sau khi Thanh tra tỉnh kết luận về những sai phạm nêu trên, ông Hoàng Văn Trà, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên đã có văn bản chỉ đạo Hiệu trưởng Trường CĐN Phú Yên, Sở GTVT Phú Yên, Chủ tịch UBND TP Tuy Hòa, huyện Tây Hòa, Phú Hòa, Đồng Xuân tổ chức kiểm điểm và xử lý vi phạm theo quy định pháp luật đối với các cá nhân liên quan trong việc đào tạo nâng hạng LXOT hạng D, E và chứng thực văn bằng THCS giả mạo.

Trao đổi với PV Báo CAND, ông Nguyễn Phương Đông, Phó Giám đốc Sở GTVT Phú Yên cho biết, cơ quan này đã ban hành quyết định thu hồi giấy chứng nhận giáo viên thực hành đối với hai giáo viên Nguyễn Tấn Hoàng, Đặng Đức Phong, quyết định thu hồi 45 GPLX của học viên sử dụng văn bằng THCS giả mạo.

Hiệu trưởng Trường CĐN Phú Yên đã ban hành quyết định xử lý kỷ luật bằng hình thức kéo dài thời gian nâng lương 6 tháng đối với hai giáo viên Nguyễn Tấn Hoàng, Đặng Đức Phong do đã có hành vi sử dụng văn bằng THCS của mình cho người khác mượn để “hợp pháp hóa” hồ sơ đào tạo nâng hạng LXOT, khiển trách đối với giáo viên Đào Anh Triết, Lâm Đạo Hải vì đã có hành vi làm hộ bài thi lý thuyết cho học viên.

Những người quan tâm đến vụ việc này đặt câu hỏi không hiểu vì sao UBND tỉnh Phú Yên không chỉ đạo Sở GTVT Phú Yên thu hồi giấy chứng nhận giáo viên đối với Đào Anh Triết, Lâm Đạo Hải và không chỉ đạo thu hồi GPLX đối với trường hợp học viên Lê Thị Ngọc không đi học, không đi thi?

Vì sao những đối tượng vi phạm chỉ bị xử lý kỷ luật bằng hình thức quá nhẹ nhưng ông Trần Khắc Lễ, Hiệu trưởng Trường CĐN Phú Yên cho rằng hình thức xử lý khiển trách, kéo dài thời gian nâng lương là rất nghiêm khắc (?).

Theo Hữu Toàn

Báo Công an Nhân dân