“Quả đắng” tham bát bỏ mâm, thiệt đơn thiệt kép

(Dân trí) - Thời gian gần đây xuất hiện nhiều thông tin liên quan tới việc bà con VN ta “sập bẫy” thương lái Trung Quốc trong các thương vụ thu mua nông, lâm, hải sản... “Chiêu trò” đội khách đem ra thi thố chẳng có gì mới, sao đội ta vẫn dễ dàng thua trên sân nhà?

Giá dừa khô nguyên liệu sụt giảm mạnh (ảnh minh họa: SGGP)
Giá dừa khô nguyên liệu sụt giảm mạnh (ảnh minh họa: SGGP)

 

Bình cũ, rượu cũ… vẫn ham

 

Nỗi đau xót được thể hiện rõ trong đa số phản hồi của bạn đọc, trước tình cảnh có thể ví như: cứ ra sân (dù là sân nhà) thì “đội tuyển chân đất” ngây thơ của bà con ta lại thua “đội khách” đầy mình kinh nghiệm, lại rất sành các tiểu xảo qua mặt đối phương nữa.

 

Nhưng nguyên cớ vì sao mà đã qua bao bài học cay đắng nhỡn tiền, nhưng lần nào dân ta cũng “lâm nạn” một cách… “ngon lành” để rồi lại thiệt đơn thiệt kép, và rồi chẳng biết kêu ai ngoại trừ thở than, trách móc “các ban ngành chức năng” không làm tốt nhiệm vụ cảnh báo, phòng ngừa, ngăn chặn…???

 

Hậu quả, theo như báo Thanh Niên ngày 15/6 dẫn nguồn tin từ cơ quan chức năng cho biết: từ đầu năm đến nay, thương lái TQ đã thâm nhập địa bàn ĐBSCL thực hiện thủ đoạn lừa đảo trong việc thu mua tôm, cua biển, khoai lang tím Nhật, dừa khô, khóm xanh, gây thiệt hại ước tính trên 100 tỉ đồng cho thương lái người Việt và nông dân các tỉnh Cà Mau, Vĩnh Long, Tiền Giang, Bến Tre

 

Trước tình hình có thể nói là đã rất “nước sôi lửa bỏng”như vậy, nhưng phản ứng từ phia các ban ngành chức năng xem ra vẫn khá chung chung. Nào là nhận định “...gây hậu quả nặng nề”,  “cần phải xử lý ngay”… Nhưng hứa hẹn vẫn chỉ mới ở mức đại loại như: các địa phương sẽ lập đường dây nóng để người dân có thể phản ánh cho cơ quan chức năng về hiện tượng thu mua nông sản trái phép, đáng ngờ của thương nhân nước ngoài…

 

Bởi thế, đúng là có trách ai thì trước tiên cũng hãy tự trách mình. Nhưng câu hỏi nhức nhối hơn vẫn được đặt ra với các cấp ngành chức năng bởi vấn đề đã có từ lâu, mà  tới nay vẫn chưa nêu ra lời giải đáp hoặc giải pháp cụ thể nào được người dân đánh giá là thỏa đáng cả:

 

“Chuyện "xưa như Diễm", có lẽ ai cũng biết mà vẫn không trị nổi. Đúng là cuối cùng vẫn chỉ khổ nhất là những người nông dân mà thôi. Tôi cũng không hiểu công tác quản lý của các ngành chức năng được thực hiện như thế nào, mà cứ để chuyện đó diễn ra hết lần này tới lần khác mãi thế? Quốc hội cũng đưa ra bàn rồi mà sao vẫn chưa thấy có giải pháp cụ thể nào được thực thi vậy... Chẳng lẽ việc này mà chúng ta cũng phải chịu bó tay ư?” - Trần Hà: tranha4a@yahoo.com

 

“Đây không phải lần đầu, mà như tôi nhận thấy thì đã từ lâu nhiều người dân ta đã phải chịu cảnh lọc lừa của thương nhân TQ. Vậy tại sao chính quyền địa phương không chủ động tuyên truyền đến nông dân những kiểu làm ăn cần đề phòng này của họ? Thật tội nghiệp cho những người nông dân tay lấm chân bùn phải một nắng hai sương, để rồi lại hết lo thất bát tới nỗi buồn khổ vì ế ẩm sản phẩm...” - Gia Viễn: giavienland@gmail.com

 

“Sao chỉ vẫn những chiêu trò cũ, mà người dân mình vẫn không nhận ra? Nhưng có lẽ cũng phải thôi, vì thông tin thì phần nhiều vẫn đưa trên báo chí là chính, vậy thì nhiều người dân ít đọc báo biết làm sao được. Tôi nghĩ, chúng ta nên tìm biện pháp khác phổ cập rộng hơn (chẳng hạn như sử dụng tờ rơi) có lẽ sẽ tốt hơn…” - Dinh Bang Ve:  vdanhuc@gmail.com

 

“Đúng là ‘mánh’ thì vẫn ‘mánh’ cũ thôi, nhưng vì sao vẫn có những người dân VN ta lại vẫn dại dột nên vẫn dễ bị lừa? Dân là vậy, nhưng còn các cấp ngành chức năng thì vì sao vẫn hiểu rõ chuyện, mà cứ để cho người dân bị ‘sập bẫy’ mãi? Theo tôi không phải vậy đâu, mà chắc là vì họ chỉ cần có cái ‘đầu tiên’ (tiền đâu) là bỏ qua ngay… Nên dù ‘mánh’ cũ hay mới cũng vậy thôi mà… Cũng xin nói thêm 1 điều nữa là tại bà con nông dân ta nhìn chung trình độ vẫn chưa cao, nên vẫn dễ bị lừa lắm…” – Trần Bảo Anh: tranbaoanhj43@yahoo.com.vn

 

“Theo tôi, nguyên nhân chính dẫn đến việc thương lái TQ có những hành động như vậy là do sự quản lý lỏng lẻo của chính quyền địa phương và của cả các ngành ở cấp cao hơn. Cần có biện pháp để ngăn chặn tình trạng thương lái TQ khống chế giá, để người nông dân không lâm vào những tình cảnh bi đát như thế này nữa” - Phạm Ngọc Tiến:  ngoctientus@yahoo.com
 
Giá dừa khô nguyên liệu sụt giảm mạnh (ảnh minh họa: SGGP)
Thương lái  TQ mua cua rồi “xù” nợ làm nhiều người điêu đứng (ảnh minh họa của Dân Việt: Một vựa cua của người dân Năm Căn)

 
Một cây làm chẳng nên non…

 

Trình độ bà con nông dân VN ta đa số mới dừng ở mức còn khiêm tốn, nói chi tới việc lo lắng được đủ cả việc trồng cây gì, nuôi con gì cho đạt lợi nhuận lớn nhất. Rồi nào đầu vào, đầu ra… rắc rối lắm. Vậy nên cách khả thi nhất là bà con thường trông cậy vào các ban ngành chức năng, vào những cán bộ được học cao, hiểu rộng hơn họ, hưởng lương nhà nước để có trách nhiệm lo lắng những điều vượt quá tầm hiểu biết chung của nhiều người dân. Vậy nhưng kết quả thì… như chúng ta đã thấy rồi đó.

 

“Vẫn ‘mánh’ cũ, vẫn những chiêu lừa cũ và nông dân ta chắc cũng đã quá quen với những ‘mánh’ như thế của thương lái TQ... Thế mà nhưng chúng ta vẫn cam chịu, vẫn chấp nhận... mắc lừa? Tại sao vậy? Tôi nghĩ, đó là tại vì các bên liên quan ở đây vẫn chưa đoàn kết lại để tìm ra biện pháp hữu hiệu... Nông dân thì không có đủ kiến thức để "nói không" với lợi ích lớn hơn chút ít trước mắt. Còn doanh nghiệp cũng như thương lái VN thì tôi thấy cũng thường chỉ chăm chăm hướng tới lợi ích trước mắt cho mình là chính, nên những mặt hàng nông lâm hải sản mồ từ hôi nước mắt của dân mình đa phần vẫn bị chèn ép giá. Đôi lúc nghĩ thật đau lòng vì  nhiều người VN mình giờ đây hình như "đấu" nhau thường giỏi hơn là đoàn kết lại…” – bạn đọc có email: nguyenthuy110185@yahoo.com nêu thực tế về bài học đoàn kết là sức mạnh giờ đây dường như thường bị... bỏ quên.

 

“Theo tôi, thứ nhất là tại nông dân thấy nơi nào giá cao là bán mà dường như không cần biết hậu quả, mặc dù đã được cảnh báo rồi đó chứ. Họ cứ làm ăn kiểu không tính tới tinh thần dân tộc... Thứ 2 là cũng tại các doanh nghiệp trong nước không làm tốt việc liên kết với người nông dân và quy hoạch vùng nguyên liệu. Nói rộng ra hơn nữa thì thứ 3 là do sự quan tâm đến người dân của các cấp ngành liên quan còn chưa đầy đủ, nên vẫn cứ để tình trạng người dân bị lừa đi lừa lại mãi... Người dân, doanh nghiệp trong nước, cơ quan quản lý Nhà nước mỗi bên đều cố gắng đoàn kết hơn một chút thì chắc sẽ giải quyết được vấn đề này ngay thôi mà” - Dương Huy Phong: dh.phong@yahoo.com.vn nói thêm về sự “lãng quên” cả tính dân tộc và sự đoàn kết trong cái tư duy nghiêng hơi quá về phía thực dụng của không ít người dân ta trong thời buổi kinh tế thị trường hôm nay.

 

“Về vấn đề này, theo tôi, Chính phủ và các bộ ngành có liên quan cần xem xét, nghiên cứu để có chiến lược bền vững và tạo hướng đi đúng đắn cho người dân trong lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi những cây gì, con gì... Tôi thấy các thương lái TQ rõ ràng càng ngày càng thao túng các lĩnh vực như thế này của nước ta. Nhiều người dân VN thì cứ thấy có chút lợi nhuận hơn trước mắt là lại không nghĩ đến lâu dài. Đó cũng là nhận thức sai mà các ban ngành chức năng cần làm tốt công tác tuyên truyền, vận động bà con để họ tránh được những cái "bẫy" như vậy. Nhưng tôi nghĩ, vấn đề cốt lõi vẫn là các bộ, ngành liên quan cần có kế hoạch bao tiêu sản phẩm cho người dân để dân đỡ khổ vì không xác định được hướng đi đúng. Có làm được vậy thì tôi nghĩ đất nước cũng mới phát triển nhanh và mạnh lên được” - Trần Văn Được:  duoc198@yahoo.com nhấn mạnh vai trò quản lý.

 

“Tôi nghĩ, các bên liên quan của VN mình nên làm ăm có tổ chức. Nhất là khi làm ăn, buôn bán với thương lái TQ thì càng cần chú trọng mọi thủ tục cần thiết như phải có hợp đồng và cần có đặt cọc trước cụ thể (ít nhất cũng 50% giá trị), nếu bên nào phá vỡ hợp đồng thì bên đó phải chịu…” - Camts29:  camts29@yahoo.com.vn nêu rõ sự cần thiết tuân thủ các  phương thức làm ăn, kinh doanh có tổ chức, có sự hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau bởi “một cây làm chẳng nên non…”
 
Giá dừa khô nguyên liệu sụt giảm mạnh (ảnh minh họa: SGGP)
Hình ảnh một vụ lâm tặc phá rừng nghiến bị lực lượng chức năng phát hiện (ảnh: VietnamNet)

 

Phương châm “Ba Không”... ngược?

 

Trong một diễn biến khác ít nhiều liên quan tới chủ đề trên, lại một lần nữa dư luận phải lên tiếng về nạn chảy máu nguồn vàng xanh quý giá của đất nước, cụ thể là cảnh rừng nghiến ở Ba Bể bị tàn phá nghiêm trọng. Mà nguyên nhân một phần được cho là cũng do có bàn tay thao túng giá cả của thương lái TQ...

 

Mổ xẻ thực tế đáng lo ngại này, hàng loạt câu hỏi gay gắt tiếp tục được gửi tới những người được giao nhiệm vụ quản lý và bảo vệ rừng, mà theo Phạm Hữu Khánh biennho8382@yahoo.com là đã thực hiện “tốt” phương châm “Ba Không”… ngược:

 

Theo tôi, trong vụ việc này cơ quan quản lý đã thực hiện "rất tốt" phương châm "Ba Không": Không thấy, không nghe, không biết gì ... (???)

 

Đồng thời, nhiều dẫn chứng cũng được bạn đọc nêu ra làm cơ sở cho những nghi ngờ của mình, dù không ai có thể không ghi nhận và đánh giá cao các nỗ lực vượt bậc cùng những kết quả nhiều khi phải đánh đổ bằng cả máu xương của các chiến sĩ áo xanh trong cuộc chiến bảo vệ rừng rất không cân sức. Dẫn tới có những người không chết giữa chiến trường khói lửa, mà lại chết vì những viên đạn bọc đường, hoặc tử thương vì những quả đấm thép bọc nhung…

 

“Về thực trạng rừng nghiến Ba Bể bị tàn phá, tôi muốn hỏi: Sao phóng viên họ không trang bị dụng cụ bảo vệ gì mà vào được tận lõi rừng để chụp ảnh, ghi nhận và phản ánh rất cụ thể, chi tiết tình trạng phá rừng nghiến (bản chất là ăn cắp tài sản Quốc gia). Trong khi đó Công an, Kiểm lâm và các cơ quan hữu quan khác của địa phương được trang bị tốt hơn nhiều lại không biết và không làm được gì. Tại sao nhỉ?” - Lê Thanh Hạt:  lethanhhat@gmail.com

  

“Mình có nói chuyện với 1 nhân viên Kiểm lâm ở Bắc Kạn, anh ấy bảo là thấy phá rừng, vận chuyển gỗ muốn bắt cũng... không dám bắt vì chúng được "bao bọc" hết rồi  (đã "làm luật" với...) Chắc vì vậy cho nên hầu như nhà mấy ông kiểm lâm Bắc Kạn nào cũng to, có xe hơi đi, suốt ngày ăn nhậu. Thật thương xót cho tài nguyên của đất nước, con cháu họ sau này sẽ được thừa hưởng cái gì đây?” - Bac Kan:  hieulan@gmail.com

 

“Nhìn mà xót xa quá! Than ôi, lực lượng kiểm lâm ăn lương nhà nước mà làm gì vậy? Tới nhà báo ở tận đâu đâu mà họ còn biết, còn ghi hình được. Trong khi kiểm lâm cách đó 1 km lại không hay biết? Kiểm lâm đừng giải thích gì với nhân dân, vì nói thế nào cũng chẳng ai nghe lọt tai được cả đâu. Mặt khác nữa là tại sao hàng trăm, hàng ngàn m3 gỗ quý hiếm thế này được vận chuyển đi, mà lực lượng công an và kiểm lâm không hề hay biết? Buồn... cười thật! Để xem họ giải thích thế nào chứ? Lá phổi xanh của VN chẳng mấy chốc sẽ biến hết mất thôi! Đề nghị các cơ quan chức năng sớm làm rõ và trừng trị nghiêm những kẻ phá rừng. Cả những ai tiếp tay cho phá rừng cũng cần bị lôi ra ánh sáng và trừng phạt thật nghiêm khắc” - Nana:  nana@gmail.com

 

“Nhìn rừng nghiến bị phá, mình xót ruột quá, phải vài trăm năm mới có được những cây nghiến như vậy. Vấn đề đặt ra là: Tại sao hàng trăm năm nay nó không bị phá mà bây giờ lại bị phá, trách nhiệm này thuộc về ai? có ai tiếp tay không? Đề nghị cơ quan chức năng làm rõ, quy trách nhiệm cụ thể để bảo vệ nguồn tài sản rất quý giá này của quốc gia” -  Nguyen Nguyet:  nguyenvietnguyet@gmail.com

 

“Tôi thấy cũng đơn giản thôi mà sao các ngành chức năng không có biện pháp tích cực để ngăn chặn được nhỉ? Cứ xử tội thật nặng từ người mua bán đến người chặt trộm phá rừng, cả người gác rừng để xảy ra chuyện đó, tôi tin là sẽ chẳng ai dám phá rừng nữa đâu. Khung hình phạt tối thiểu cho người liên đới trách nhiệm là 10 năm tù giam, phạt tiền tương đương 3 lần số tang vật thu giữ (với người gác rừng chẳng hạn. Tuy nhiên, cần cho họ hưởng mức lương tương xứng với công việc của họ, lấy tiền phạt trả lương cho họ...) Phạt tiền gấp 20 lần với kẻ buôn bán, phạt tù từ 10 năm - 20 năm tùy vào số lượng tang vật thu được. Phạt tù chung thân hoặc tử hình kẻ chặt phá rừng.

 

Rừng là nguồn sống của cả đất nước, cả dân tộc, bao nhiêu người lương thiện đã phải gánh chịu hậu quả do rừng bị phá.... Phải xem tác động tổng thể để quy tội, chứ không chỉ tính riêng hành vi chặt rừng mà kết tội” - Van: feb28_sc@yahoo.com

 

Nỗi đau của Rừng

 

Từ chính những địa phương nổi tiếng về nguồn tài nguyên rừng, ngày càng nhiều người dân lên tiếng kêu cứu thay cho rừng xanh đang bị đe dọa cạn kiệt nguồn lâm sản quý.

 

“Các bạn ơi, đây là tình trạng kéo dài hàng chục năm nay rùi. Tôi ở gần đó, thấy họ vận chuyển gỗ đi Lạng Sơn nhiều không thể tưởng tượng được. Người đi lấy gỗ mỗi ngày rất đông, mà có thấy kiểm lân nào ngăn chặn đâu, họ cho chặt phá thoải mái, nhìn xót xa lắm!” - Van Hieu:  mrkao_9999@yahoo.com

 

“Tôi là người ở Bắc Kạn, đã tận mắt chứng kiến cảnh đó rùi. Bài báo viết không sau đâu, mà chỉ chưa hết thôi. Thật xót xa khi mà mỗi ngày trôi qua là một ngày gỗ quý càng tiến dần tới nguy cơ… tuyệt chủng. Tôi cho rằng có lẽ cơ quan Kiểm lâm ở đây đã quên mất vai trò giữ rừng rồi… Mà có cho khai thác thì nhiều người trong số họ mới có nhà, có xe… Hết khai thác thì chỉ còn đồng lương ít ỏi của Nhà nước, họ làm sao đủ sống được…” - Ban doc:  dunghoang_qc@yahoo.com.vn

 

“Tôi sinh ra tại mảnh đất này, xa quê đã 20 năm nay rồi…. Giờ nhìn hình ảnh những cây nghiến bị chặt vậy thấy xót quá, cứ như chính mình bị vết thương đau tới chảy máu vậy… Dân tôi còn nghèo lắm, quê tôi còn nghèo lắm, trình độ dân trí cũng còn thấp lắm,  cứ thấy lợi ích trước mắt là họ làm. Vì vậy theo tôi, việc ngăn chặn là của cơ quan chức năng, nhưng người ta không quản lý được thì rừng còn mất.

 

Tôi nghĩ dân không có lỗi, lỗi là ở người buôn bán vận chuyển về miền xuôi. Nếu tính thử dân số huyện Ba Bể có bao nhiêu người, bao nhiêu hộ dân. Cứ cho là mỗi hộ dân có 02 cái thớt nghiến thì 100 năm nữa cũng không hết 1/10 số cây nghiến. Còn chặt làm củi ư? sức đâu mà mò vào đó chặt rồi vác về? Là người bản địa nên tôi quá hiểu. Còn chuyện vì sao vẫn vận chuyển được gỗ về xuôi thì… xin hãy hỏi các ngành chức năng???” – Lã Thái Sơn:  thaison764@yahoo.com

 

“Theo tôi, tình trạng phá rừng không thể trách người dân được. Cần phải xem lại cơ quan chức năng về tinh thần trách nhiệm, nghĩa vụ, đạo đức…. Vì dân nghèo vốn bản chất hiền lành nhưng dân trí thấp… Và tôi nghĩ cũng có phần lỗi là ở chính sách… chứ còn dân nghèo thì chỉ thấy lợi trước mắt, có được miếng cơm manh áo hàng ngày thì làm vậy thôi. Thực ra đòi hỏi nhiều hơn ở họ là rất khó, nên có lẽ chúng ta cần xem lại vấn đề để tìm ra biện pháp thích hợp” - Ngo_hung:  hungnnvv@gmail.com

 

“Gửi các bạn đọc! Tôi là người thường xuyên đi công tác Bắc Kạn, tôi đã đi hầu hết các huyện của Bắc Kạn. Sau khi đọc những nhận định của các bạn đọc trên đây, tôi hoàn toàn đồng tình với ý kiến của các bạn. Rừng bị chặt phá từng giờ, từng ngày. Kiểm lâm thì không ít người nhà lầu, xe hơi xịn, ăn toàn thịt thú rừng… Và còn không biết bao nhiêu người “đứng sau” để bảo che hoặc… bắt kiểm lâm phải… "phá rừng" nữa. Dân thì ai cũng biết, chỉ có giới chức là…  không biết hay cố tình không nghe, không thấy mà thôi vì….khó nói…” - Nguyen Viet Anh:  vietanh1488@gmail.com
 
Một phách gỗ lim được kéo qua vườn nhà dân ở miền tây huyện Lệ Thuỷ (ảnh: SGTT)
Một phách gỗ lim được kéo qua vườn nhà dân ở miền tây huyện Lệ Thuỷ (ảnh: SGTT)

 

Quyền lợi và nghĩa vụ

 

Hai phạm trù đó trong lĩnh vực gìn giữ lá phổi xanh cho đất nước, cũng là cho cả hành tinh của chúng ta dường như trong thời đại ngày nay lại càng lộ rõ sự đối lập với nhau. Làm tốt nghĩa vụ thì… mất quyền lợi và ngược lại, vậy lựa chọn cách nào với nhiều người đâu phải là chuyện dễ dàng. Thế nên gỗ quý vẫn chảy ra khỏi rừng…

 

“Thực tế cho thấy các cơ quan chức năng dường như vẫn đang làm ngơ, hoặc vì nhiều lý do nên họ không thể can thiệp, mà lý do đầu tiên theo tôi chính là  quyền lợi của họ. Thử hỏi lâm tặc mà không có người đõ đầu liệu có dám ngang nhiên như thế không? Tôi thấy việc này nói thì cứ nói thôi, chứ biết là rồi cũng chẳng có cơ quan nào vào cuộc quyết liệt đâu, chỉ đến khi báo chí lên tiếng thì các ông ấy lo cho chiếc ghế của mình mới ‘nhập cuộc’ thôi…” - Hoang Thang:  hoangthangk4d@gmail.com

 

“Nhìn những gì đang xảy ra ở VN, tôi e là khoảng 10 năm nữa, thế hệ cha anh hoặc giáo viên sẽ không bao giờ còn có thể giảng dạy cho thế hệ trẻ rằng: nước VN chúng ta rừng vàng biển bạc. Chỉ là 1 người dân lương thiện bình thường thôi, nhưng tôi đã khóc vì những tài nguyên thiên nhiên, di tích lịch sử, môi trường sống ... đang bị tàn phá một cách trầm trọng bởi chính những người dân VN…. Họ không bao giờ nghĩ cho tương lai mà chỉ vì cái lợi trước mắt mà dám làm tất cả hay sao? Họ có biết những gì họ đang tàn phá sẽ không bao giờ lấy lại được. Con cháu họ sẽ là người hứng chịu hậu quả, họ không biết sao?

 

Nhưng mặt khác, nếu như Nhà nước làm và thi hành luật thật nghiêm khắc thì có chuyện này xảy ra không? Không có những người thừa hành quyền nhà nước trong tay nhưng lại ‘đổ đốn’, thì làm sao có chuyện phạm luật, đúng không các bạn? Hãy nhìn sang các nước có luật nghiêm và người dân có trách nhiệm như Anh, Australia… mà xem cách bảo vệ rừng của họ hữu hiệu như thế nào…” - Nguyễn Thị Hương: lovejethro@yahoo.com
 

Rừng Quảng Bình được đánh giá là nơi có mật độ phủ rừng cao nhất cả nước với hơn 60%, có những khu rừng còn nguyên sinh đến 90%. Tuy nhiên, hiện rừng tại địa phương này đang đứng trước các nguy cơ bị tàn phá bởi những đơn đặt hàng lớn của lái gỗ TQ – (nguồn: SGTT)

"Theo tôi không nên nói nhiều, vì ai mà không biết những điều các bạn đang nói và theo tôi thì chuyện này vẫn đang diễn ra 24/24h trên khắp các cánh rừng còn lại của VN. Vậy nguyên nhân từ đâu, thì các cơ quan quản lý phải là các bác sĩ giỏi để chẩn đoán và cắt khối u này đi, để cho rừng VN lấy lại sự sống.
 

Tôi cũng xin đề suất một số biện pháp nhằm giảm thiêu nạn tàn phá đe dọa hô biến hết rừng của VN như sau:
 

1. Tăng cường hình phạt để đủ răn đe như ở Singapore...

2. Sử dụng máy cưa phải được cấp phép, quản lý như sử dụng súng.

3. Lương cho cán bộ KL ít nhất phải đủ sống.

4. Đem các trưởng bộ phận ra “trảm” nếu để trong địa bàn mình quản lý có vi phạm.

5. Lấy tiền thu được bao nhiêu từ gỗ, phương tiện thì bắt phải chi trả cho nuôi cơm tù bấy nhiêu ngày. Và còn buộc bồi thường gấp trăm lần giá trị nữa. Thử xem còn người nào dám phá rừng nữa không?
 
Theo tôi, vấn đề là đảm bảo cho công tác quản lý thật tốt và luật pháp đủ mạnh… Chứ như tôi thấy thì luật pháp nước ta còn quá khoan hồng” – Thanh Sbhthanhsbh@yahoo.com.vn 
 
““Nhà nước mình sao không tham  khảo cách bảo vệ rừng như các nước ngoài: vào rừng không theo đúng quy định là có thể bị bỏ tù hoặc thậm chí xử lý ngay tại chỗ… Cần áp dụng cả những hình phạt nghiêm khắc nhất, chứ tôi thấy muốn bảo vệ rừng mà vẫn theo như quy định hiện hành của VN ta thì chắc là sau này sẽ không còn cả rừng nữa chứ, đừng nói đến những giống cây quý mà thiên nhiên ban tặng nữa” - Nguyen Thanh Tong:  thanhtongt11@yahoo.com 

 

Cứ tham bát bỏ mâm, hậu quả chắc chắn là thiệt đơn, thiệt kép.
 
Kiều Anh