Phía sau “thủ phạm” vụ nữ sinh bị nước cuốn tử vong

(Dân trí) - Lại thêm một vụ tai nạn thương tâm xảy ra với nữ sinh Đinh Thị Phương Thảo (22 tuổi, quê Bình Định, sinh viên trường Đại học Kinh tế luật TPHCM). “Thủ phạm” là cống nước liên tục “nuốt" người mà “ĐH Quốc gia đã phê duyệt kế hoạch làm cống mới nhưng chưa kịp?”

Cống nước nuốt người (ảnh: Vũ Lê)
Cống nước "nuốt" người (ảnh: Vũ Lê)

 

Nước mắt trong mưa

 

Bao nhiêu nước mắt tiếc thương là bấy nhiêu nỗi day dứt, vò xé con tim cùng vô vàn câu hỏi chất vấn về ý thức, trách nhiệm trước cộng đồng xã hội. Nhất là khi chính ông Huỳnh Ngọc Sang, Giám đốc Trung tâm quản lý đô thị Đại học Quốc gia TPHCM cũng thừa nhận: thời gian qua đã nhận nhiều phản ánh về tình trạng người dân, sinh viên chạy xe ngang qua cống lúc trời mưa thường bị cuốn xuống rạch Suối Nhum (nối giữa phường Linh Xuân, quận Thủ Đức -TP.HCM và khu Đại học Quốc gia, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương):

 

“Xin chia buồn cùng gia đình cháu Thảo. Không có nỗi đau nào bằng khi những người có  chức trách lại thiếu trách nhiệm, dẫn đến hậu quả cháu Thảo phải ra một cách đau đớn như vậy! Nhưng ở VN mình thường là vậy đó, cứ để sự việc xảy ra, báo chí lên tiếng thì mới làm. Đầy đủ các cơ quan chức năng nhưng không ai biết hết, chỉ khi nào báo chí rồi dư luận lên tiếng thì mới ra tay. Nếu không có báo chí thì không biết tình hình còn tệ hơn như thế nào nữa?” - Duy Hữu:  duyhuu@yahoo.com.vn

 

“Tôi xin chân thành chia sẻ nỗi đau cùng gia đình chú. Là một người con Bình Định xa quê, khi đọc báo mới biết tai nạn xảy ra với em Thảo, tôi cũng rất đau đớn. Thật tiếc cho em khi tuổi đời còn quá trẻ, còn bao nhiêu ước mơ dang dở trước mắt mà không thực hiện được nữa…. Cầu mong linh hồn của em được siêu thoát về với cõi an lạc. Đây cũng là hồi chuông cảnh tỉnh những người có trách nhiệm mà lại làm ngơ trước sự sống chết của người khác!!!” - Lê Đình Huấn:  lehuana@yahoo.com

 

“Xin chia buồn với gia đình bác! Đúng là quá thương tâm! Sau bao gian nan và cố gắng, cuộc đời của em bắt đầu bước sang 1 trang mới… Thế mà tai họa lại ập đến! Tại sao chỉ có 1 cái cống nhỏ như thế mà các cấp chức năng chính quyền không thể xử lí được, để rồi lúc xảy ra hậu quả mới ân hận, liệu sự ân hận này có thật lòng và được trong bao lâu? Vẫn chỉ khổ người dân thôi, một cái chết tức tưởi như thế thì làm sao có thể chịu đựng nổi chứ. Em Thảo đang còn bao nhiêu ước mơ, bao nhiêu hoài bão chưa thực hiện được cho đời… Thương em quá!!!” - Tuấn: thuhuhong@gmail.com
 
(minh họa: Ngọc Diệp)
(minh họa: Ngọc Diệp)

 

Mất bò mới lo làm chuồng

 

Lời trách cứ đó cùng chất vấn về ý thức trách nhiệm được nhắc đi nhắc lại trong rất nhiều phản hồi của dư luận, trước cái điệp khúc đau lòng đã lặp đi lặp lại không biết bao lần: Tai nạn chết người rồi mới lo… xem xét, sửa chữa, làm mới…dù các tín hiệu cảnh báo đã liên tục vang lên trước những cái “bẫy tử thần” như "thủ phạm" cống nước:

 

“Thật tội nghiệp cho chị ấy! Mong rằng những tai nạn như trên sẽ không còn xảy ra nữa. Làng ĐH Thủ Đức còn rất nhiều tệ nạn về tình trạng giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm, tệ nạn xã hội... Mong các cấp ngành lãnh đạo "có thẩm quyền" sớm vào cuộc cho cuộc sống tương lai của 40.000 sinh viên được bảo đảm an toàn và bình yên” - Hoa Minh:  Khongminh28@gmail.com

 

“Đừng ngồi hỏi trách nhiệm này thuộc về ai, đừng trách ai cả! Việc này, theo tôi, Đoàn Thanh niên hoàn toàn có thể làm được. Đoàn trường, đoàn  xã, những sinh viên tình nguyện hay bất cứ sinh viên hoặc người dân nào cũng có thể tự đứng lên làm được. Không làm được đèn chúng ta đứng chỉ, không làm được trụ bê tông chúng ta làm bằng cành cây, tre nứa...” - Lưu Thông:  luuvanthong@gmail.com

 

Từ phương xa, Oanh Dao (thay mặt nhóm phụ nữ vùng Washington D.C, Hoa Kỳ): oanhtodao@hotmail.com gửi tới các ngành chức năng lá thư ngỏ đi sâu vào điều có thể gọi là những ngóc ngách phía sau các "thủ phạm" gây tai nạn chết người đang hiện hữu ở nhiều nơi:

 

“Những tai nạn như dây điện bị nối đất chết người; giàn giáo sập vì thiếu chuẩn chất lượng gây chết người; đào đường thi công không rào chắn, mất nắp ống cống không gắn lại, xây dựng không rào chắn, thi công không có dây an toàn, thiếu mũ bảo hiểm lao động....Toàn những việc có nguy cơ chết người nhưng không làm rào hay bảng CẢNH BÁO .. Nguyên nhân, theo tôi là chính vì người quản lý yếu kém nghiệp vụ an toàn, thiếu trách nhiệm, xem thường mạng sống con người. Khi xảy ra chết người thì lại nêu nhiều lý do bởi này, tại nọ… Đã đến lúc Nhà nước cần thể hiện trách nhiệm và quyết tâm qua xử lý thật nghiêm minh các cán bộ quản lý vô lương tâm và thiếu trách nhiệm như thế này. Thậm chí là phải xử lý hình sự cũng như cách chức, buộc bồi thường và ngồi tù. Chứ không thể chỉ có thương lượng rồi bồi thường là xem như xong việc!

 

Hiện nay VN là nước đang hội nhập thế giới, nên những thông tin báo chí đăng tải hàng ngày trên thế giới đều có nhiều người đọc, chứ không phải chỉ riêng độc giả trong nước theo dõi. Vì vậy, mong rằng luật pháp cần phải được thực hiện theo đúng trình tự nghiêm ngặt. Cho dù là bất cứ ai khi đã vi phạm quy định luật pháp đều bị xét xử công khai và minh bạch! Tôi nghĩ TP HCM là nơi cần  đi trước về xét xử những người vô trách nhiệm.

Vụ việc em Phương Thảo chết rõ ràng là do sự thờ ơ và thiếu trách nhiệm của những người có trách nhiệm quản lý nơi đây. Vậy kiến nghị chính quyền đình chỉ chức vụ, tiến hành khởi tố hình sự về tội "thiếu trách nhiệm và ngộ sát " với những cán bộ liên quan. Trân trọng!” 

 

Dân ta giờ ai cũng nhớ câu “Trước tiên hãy tự cứu mình”, song vẫn rất ấm ức, không tâm phục khẩu phục khi vẫn phải đóng đủ mọi khoản thuế, phí… để trả lương cho đội ngũ cán bộ. Để rồi mỗi lúc xảy ra chuyện lại phải lo tự cứu mình. Trong vụ việc này, góc nhìn của dư luận vẫn đang hướng về… phía sau “thủ phạm” vô tri vô giác là cái cống nước “nuốt" người đó...

 

Khánh Tùng