NSND Hải Ninh đạp xe từ Hà Nội vào Quảng Trị viết kịch bản phim

(Dân trí)- Có rất nhiều câu chuyện chưa được kể về những bộ phim của đạo diễn NSND Hải Ninh. Khi viết kịch bản “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”, NSND Hải Ninh đã nhiều lần đạp xe từ Hà Nội vào Vĩnh Linh (Quảng Trị) để gặp nhân vật và lấy bối cảnh…

Vĩ tuyến 17 ngày và đêm được ví là bộ phim kinh điển của điện ảnh Cách mạng Việt Nam. Sinh thời, khi nhắc lại những ngày quay bộ phim này, đạo diễn-NSND Hải Ninh thường chỉ nói vắn tắt, chúng tôi đã làm phim trong những ngày vô cùng thiếu thốn, gian khổ. Nói như thế, ít ai có thể hình dung ra hết sự gian khổ của những đạo diễn kiên trung của điện ảnh Cách mạng VN như Hải Ninh.
 
Vĩ tuyến 17 ngày và đêm được xem là bộ phim tiêu biểu của Điện ảnh Cách mạng VN
"Vĩ tuyến 17 ngày và đêm" được xem là bộ phim tiêu biểu của Điện ảnh Cách mạng VN

Năm 1965, biên kịch Hoàng Tích Chỉ và đạo diễn Hải Ninh lên đường vào chiến trường. Trong một đêm tối ở Cửa Tùng, hai đạo diễn được công an giới tuyến giới thiệu với một phụ nữ là bí thư chi bộ ở bờ Nam sang bờ Bắc (sông Bến Hải) công tác. Từ câu chuyện về cuộc đời của người phụ nữ này, Hoàng Tích Chỉ đã viết thành kịch bản phim lấy tên là Bão tuyến. Sau này, Hải Ninh đổi tên kịch bản thành Vĩ tuyến 17 ngày và đêm. Hoàng Tích Chỉ và Hải Ninh đã mất 5 năm trời để hoàn thành kịch bản phim với nhiều lần đạp xe từ Hà Nội và Vĩnh Linh, Quảng Trị.

Theo NSND Trà Giang kể lại, từ năm 1968, khi ấy Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc, chiến tranh diễn ra khốc liệt, đạo diễn Hải Ninh đã đạp xe từ Hà Nội vào Quảng Trị lần một để gặp gỡ những thương binh từ Nam chuyển ra Vĩnh Linh điều trị. Từ những câu chuyện kể của những nhân vật có thật, Hải Ninh về Hà Nội viết tiếp, bồi đắp thêm cho kịch bản. Sau khi sửa xong kịch bản, Hải Ninh lại đạp xe từ Hà Nội ra Vĩnh Linh để đưa kịch bản sửa cho các nhân vật đọc. Cứ như thế trong 5 năm, cùng với nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ, đạo diễn- NSND Hải Ninh cứ đạp xe đạp cọc cạch dưới bom đạn từ Hà Nội đến Quảng Trị, rồi lại từ Quảng Trị quay về Hà Nội để hoàn tất kịch bản phim Vĩ tuyến 17 ngày và đêm.
 
Vĩ tuyến 17 ngày và đêm được xem là bộ phim tiêu biểu của Điện ảnh Cách mạng VN
Kịch bản Vĩ tuyến 17 ngày và đêm được viết trong 5 năm ròng sau những chuyến đạp xe từ Hà Nội vào Vĩnh Linh- Quảng Trị

Có giai thoại kể thêm, sau khi chiến tranh kết thúc năm 1975, nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ có quay lại tìm người phụ nữ (nhân vật nguyên gốc của vai chị Dịu) trong suốt 3 tháng nhưng không thấy. Cả hai đạo diễn đều chưa biết tên người phụ nữ này, khi hỏi tên, cô ấy chỉ nói “Khi nào đất nước thống nhất sẽ cho biết tên”. Sau này, NSND Trà Giang đã có dịp gặp người phụ nữ- nhân vật nguyên gốc, và được biết cô ấy tên là Thảo.

Trong thời gian quay Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, quân đội Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc và cho ném bom Hà Nội trận Điện Biên Phủ trên không, cả Hãng phim truyện Việt Nam (số 4 Thụy Khuê) đã phải đi sơ tán. Riêng đoàn làm phim Vĩ tuyến 17 ngày và đêm ở lại, đào hầm ven Hồ Tây tiếp tục làm việc. Đạo diễn Hải Ninh có lần chia sẻ, ông vẫn nhớ, khi thực hiện hòa âm cho phim, ông đã làm trên một chiếc xe ô tô hòa âm của hãng phim trên đường Thụy Khuê.
 
Những tháng ngày cơ cực làm phim đã trở thành kỷ niệm không thể nào quên với đoàn làm phim

Những tháng ngày cơ cực làm phim đã trở thành kỷ niệm không thể nào quên với đoàn làm phim Vĩ tuyến 17 ngày và đêm. Nhắc đến những ngày làm phim gian khổ mà kiên cường, NSND Trà Giang lần nào cũng xúc động. Bà khẳng định, những ngày gian khổ đó là những ngày tươi đẹp, không thể nào quên trong cuộc đời bà.

Năm 1973, tại Liên hoan phim Quốc tế Moskva, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm đã dành được giải của Hội đồng hòa bình Thế giới và Giải nữ diễn viên xuất sắc cho NSND Trà Giang.

Về tình bạn gắn bó giữa đạo diễn Hải Ninh và biên kịch Hoàng Tích Chỉ, cuộc gặp gỡ giữa những người bạn “tâm đầu” đã cho ra đời những tác phẩm lớn. Ngay sau Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, đạo diễn Hải Ninh và nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ tiếp tục hợp tác trong một bộ phim nổi tiếng khác là Em bé Hà Nội.

 
Hào Hoa