“Nơi để bạn đọc đóng góp những ý kiến tâm huyết”

(Dân trí) - Một cán bộ khoa học đã nhận xét như thế về báo Dân trí. Độc giả đó viết: Tôi chân thành cám ơn báo điện tử Dân trí đã phản ánh kịp thời những trăn trở cũng như những ý kiến tâm huyết của độc giả đối với nền KHCN nước nhà.

Báo điện tử Dân trí là nơi để độc giả cả nước và cả kiều bào ở nước ngoài tìm đọc, đồng thời đóng góp những ý kiến tâm huyết đối với sự phát triển của giáo dục, khoa học công nghệ cũng như các lĩnh vực hoạt động khác. Tôi là "người trong cuộc" làm nghiên cứu hơn mười năm nay ở Viện Khoa học Vật liệu thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Tôi thực sự cảm thấy có lỗi với nhân dân với đất nước vì tôi chưa đóng góp được gì nhiều.

 

Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ email: thaolam@dantri.com.vn

Nhiều đồng nghiệp của tôi từ lâu đã không còn đam mê nghiên cứu nữa. Việc làm đề tài khoa học đối với họ chỉ là hình thức chứ thực chất là để có thêm các "khoản lậu". Chính vì việc trả lương thấp, đầu tư dàn trải, buông lỏng quản lý, chiến lược phát triển khoa học công nghệ có những định hướng sai lầm...mới sinh ra thực trạng tồi tệ như hiện nay.

Tuy nhiên, không nên đổ lỗi hoàn toàn cho cơ chế hay chiến lược khoa học công nghệ. Các nhà khoa học được cấp kinh phí để nghiên cứu, lương bổng cũng được cải thiện từ nguồn kinh phí này. Nhưng tại sao họ lại không chuyên tâm nghiên cứu? Hóa ra nhiều người lại có suy nghĩ là ta đã vào BIÊN CHẾ đương nhiên ta sẽ được thực hiện đề tài để có thêm thu nhập. Công việc này giống như những công việc khác, chỉ cần hoàn thành nhiệm vụ là thực hiện đề tài hàng năm. Dường như họ không ý thức được trách nhiệm của mình.
 
“Nơi để bạn đọc đóng góp những ý kiến tâm huyết” - 1

Giao diện báo điện tử Dân trí

Ở đây tôi cũng xin được nói thêm, năng lực nghiên cứu sáng tạo của một bộ phận không nhỏ những người làm công tác nghiên cứu rất hạn chế. Nghiên cứu khoa học cần phải kiên trì, dành tối đa cho việc học tập và nghiên cứu, nhưng ít ai được như thế. Họ quen với việc dịch lại tài liệu của nước ngoài, quen với việc cắt dán, quen với việc sử dụng ý tưởng của nước ngoài. Còn việc đi tìm tòi nghiên cứu cái mới thì rất ít người dám thực hiện và có khả năng thực hiện. Chỉ nêu một dẫn chứng đơn giản: trong số những người làm nghiên cứu khoa học ít có người có khả năng tự học, tự nghiên cứu để có thể sử dụng thành thạo ngoại ngữ. Để rồi khi tham dự các các cuộc hội thảo quốc tế hầu như bị “câm, điếc” ngoại ngữ.

 

Cách quản lý khoa học lỏng lẻo bao năm nay đã tạo ra môi trường nuông chiều quá mức những cán bộ khoa học và làm hư họ mà biểu hiện rõ nhất là rút ruột tiền đề tài, thói ỷ lại, lười nghiên cứu và "làm láo báo cáo hay".

Cách quản lý khoa học lỏng lẻo bao năm nay đã tạo ra môi trường nuông chiều quá mức những cán bộ khoa học và làm hư họ mà biểu hiện rõ nhất là rút ruột tiền đề tài, thói ỷ lại, lười nghiên cứu và "làm láo, báo cáo hay".

Tôi nghĩ không ít định hướng nghiên cứu khoa học công nghệ đã sai lầm về cơ bản. Bộ KHCN nên nghiêm túc nhìn nhận lại những yếu kém của ngành, năng lực thực sự của các nhà khoa học. Đồng thời trưng cầu ý kiến để xây dựng chiến lược phát triển KHCN một cách hợp lý, chuẩn xác.
 
Nhân đây tôi cũng xin phản hồi lại để quý độc giả của báo Dân trí cũng như Bộ KHCN biết rằng: mặc dù báo Dân trí và độc giả đã có nhiều đóng góp ý kiến và bài viết về thực trạng KHCN hiện nay, nhưng có lẽ cái tính ỷ lại, lười nghiên cứu, vô trách nhiệm đã ngấm vào máu một bộ phận không nhỏ những người làm nghiên cứu, nên hình như họ vẫn chưa thấm thía và chưa có chuyển biến đáng kể. Trước thực trạng này, cần có giải pháp mạnh, nhằm thức tỉnh lực lượng quản lý cũng như đội ngũ những người làm khoa học.

 

Tôi cũng đề nghị báo Dân trí đã khơi lên đúng về một lĩnh vực hoạt động rất đáng quan tâm thuộc về “quốc sách hàng đầu” và nên theo đuổi đến cùng về chủ đề này.

 

Tôi tin tưởng báo Dân trí mãi là diễn đàn đáng tin cậy để những người làm khoa học chúng tôi được đóng góp những ý kiến thẳng thắn và tâm huyết của mình, vì mục tiêu chung là tìm ra những giải pháp đích đáng nhằm đẩy lùi nguy cơ “tuyệt tự” của nền khoa học nước nhà, như sự lo lắng có cơ sở thực tế của GS.VS Nguyễn Văn Hiệu.
 
Chúc báo điện tử Dân trí ngày càng phát triển và luôn luôn là tờ báo được yêu thích nhất của độc giả cả nước!

 

N.Đ.T

Hà Nội

 

LTS Dân trí - Chúng tôi cảm ơn những lời nhận xét tốt đẹp về báo Dân trí của tác giả bài viết trên đây. Điều đó càng thúc đẩy chúng tôi nỗ lực hơn nữa để cùng các độc giả đóng góp tích cực nhằm đẩy lùi nguy cơ tụt hậu của nước ta cả về khoa học-công nghệ cũng như giáo dục-đào tạo. Đây chính là nguy cơ cội nguồn của những nguy cơ tụt hậu khác.

 

Chúng tôi cũng đồng tình với sự nhìn nhận nghiêm túc về trách nhiệm của những người làm khoa học, trong đó có bản thân tác giả. Công cuộc chấn hưng nền khoa học nước nhà không chỉ đòi hỏi có chiến lược phát triển đúng và có cơ chế quản lý phù hợp, mà còn đòi hỏi ý thức trách nhiệm cao và sự nỗ lực phấn đấu của cả những cán bộ quản lý và đội ngũ làm khoa học trực tiếp.