Những vấn đề nóng bỏng

Đến hẹn lại lên, hôm nay các vị đại biểu Quốc hội (QH) lại tụ tập về Hà Nội để bắt đầu một kỳ họp mới. Chờ các vị đại biểu ở Hà Nội là những vấn đề nóng bỏng của đất nước, là việc phân bổ ngân sách chưa bao giờ dễ…

Hôm nay Quốc hội bắt đầu 1 tháng làm việc của kỳ họp cuối năm 2012 (Ảnh: Việt Hưng)
Hôm nay Quốc hội bắt đầu 1 tháng làm việc của kỳ họp cuối năm 2012 (Ảnh: Việt Hưng)

 

… Việc làm luật, việc giám sát cũng đầy vất vả, cam go.  Không có kỳ họp nào của QH là không quan trọng, kỳ họp thứ tư này cũng thế và, có lẽ, hơn cả thế.  

 

Đây là kỳ họp mà đất nước đang phải đối mặt với một tình hình kinh tế cực kỳ khó khăn, nan giải. Tăng trưởng đang chậm lại; lạm phát chực chờ bùng phát; nợ công, nợ tư, nợ xấu, nợ chéo, nợ chồng lên nợ đang làm nhiều hoạt động kinh tế bị tắc nghẽn; nhiều doanh nghiệp lâm vào tình cảnh phá sản - sản xuất đình trệ; công ăn việc làm khó khăn; sức mua giảm vì đời sống người dân sa sút…

 

Các vị dân biểu có tìm ra được các giải pháp cho tình hình kinh tế khó khăn hiện nay hay chí ít, có thẩm định được một cách sáng suốt các giải pháp mà Chính phủ đã đề ra?

 

Đây là kỳ họp mà dự thảo Hiến pháp sửa đổi sẽ lần đầu tiên được trình ra QH. Các vị dân biểu sẽ dành đến 2 ngày để thảo luận. Chất lượng các phiên thảo luận sẽ quan trọng không chỉ cho việc hoàn thiện văn bản dự thảo, mà còn quan trọng cả cho sự phát triển dân chủ của đất nước. Hiến pháp năm 1992 đã nới rộng quyền tự do của người dân, đặc biệt là tự do kinh doanh và tự do tài sản. Đây là nguyên nhân sâu xa tạo ra sự phát triển vượt bậc về kinh tế và thương mại của đất nước trong thời gian qua. Đợt sửa đổi lần này có thúc đẩy xu thế trên tiến xa hơn nữa được không? Cuối cùng thì sự giàu có về quyền của người dân sẽ tạo ra sự giàu có về của cải và các giá trị tinh thần của đất nước và sự bền vững của chế độ.

 

Đây là kỳ họp mà dự thảo Luật Đất đai sửa đổi cũng sẽ được trình ra QH. Đất đai hay đúng hơn là tranh chấp đất đai đang là một trong những vấn đề lớn nhất, nếu không muốn nói là vấn đề lớn nhất của đất nước ta hiện nay. Một vấn đề lớn (chưa nói đến là vấn đề lớn nhất) khó có thể xử lý được bằng những sửa đổi nho nhỏ. Thiếu một triết lý mới, một nhận thức mới, không khéo chúng ta chỉ sửa được một vài bất hợp lý của luật, nhưng lại chưa chắc đã sửa được những nguyên nhân gây ra vô tận tranh chấp, khiếu kiện và bất công trong lĩnh vực đất đai. Trên cơ sở ý nguyện của nhân dân, việc các vị dân biểu thảo luận dự thảo Luật Đất đai chắc chắn sẽ giúp chúng ta tiếp cận với triết lý mới và nhận thức mới nói trên.

 

Cuối cùng, đây cũng là kỳ họp mà QH sẽ xem xét thông qua đề án về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các quan chức do QH bầu hoặc phê chuẩn. Đây là một cách làm rất VN. Cách làm này chắc chắn sẽ gia tăng đáng kể quyền năng cho QH. Vấn đề còn lại là làm sao để quyền năng này không bị lạm dụng, mà được sử dụng đúng đắn nhất, có lợi nhất cho dân, cho nước.

 

Theo TS Nguyễn Sĩ Dũng
Lao Động