Những Thầy Cô xưa yêu quý của tôi…

(Dân trí) - Hơn nửa thế kỉ đi qua trong cuộc đời và đã định cư trên xứ Bạch dương trên 20 năm, nhưng kỉ niệm về những Thầy, Cô giáo hết lòng dìu dắt tôi vào đời bằng những con chữ, vẫn luôn hiển hiện như cuốn phim sống động về thời học trò trong trẻo.

Những Thầy Cô xưa yêu quý của tôi… - 1
(ảnh: ebi.vn)

 

Người Thầy đầu tiên
 
Vỡ lòng – như 2 từ của nó: vỡ vạc những điều mới mẻ! Ngày nay các em không học lớp này như chúng tôi mà bước thẳng vào lớp 1. Tôi còn nhớ đã được ba mẹ dắt tay đến trường với bao háo hức, có lẽ phấn chấn hơn các bạn khác vì thật ra tôi còn thiếu 1 tuổi, nhưng cứ nằng nặc đòi đi học cho bằng được.

 

Lớp vỡ lòng của tôi được đặt trong một Hội quán Hoa kiều ở khu phố 2, thị xã Vinh (khi đó chưa là thành phố), tỉnh Nghệ An. Lớp do thầy Tâm cụt tay phụ trách.  Thầy là thương binh chống Pháp và rất may là thầy vẫn vui lòng nhận cậu trò nhỏ “có gian lận tuổi chút chút” vào lớp. Nhưng mà thầy Tâm cực kì nghiêm khắc, trò nhóc nào lơ mơ là bị thầy phạt khá nặng ngay.

 

Tôi còn nhớ nhiều bạn do quá nghịch ngợm mà từng bị thầy bắt vòng 2 tay, quì gối trên…vỏ mít khô, bị gai mít đâm cho đau điếng, nước mắt nước mũi chảy ròng ròng. Còn trò nào chữ viết xấu hoặc sai liền bị thầy gõ thước tây vào mu bàn tay, cũng đau kha khá đấy.

 

Tôi may mắn viết chữ cũng khá đẹp nên chẳng bao giờ bị phạt như vậy. Chẳng thế mà ba tôi giao ước: “Hôm nào con được điểm 10 thì ba sẽ thưởng cho 1 cái bánh kem”. Hồi đó bánh kem là thượng hạng với lũ trẻ chúng tôi, ngon ơi là ngon! Bao nhiêu năm trôi qua mà tôi vẫn còn nhớ như in màu sắc và mùi vị quyến rũ của nó. Tiếc là bây giờ tôi không còn thấy loại bánh kem làm kiểu xưa như vậy nữa trên thị trường.

 

Cũng phải công nhận thầy Tâm viết chữ rất đẹp, mà đó là thầy viết bằng tay trái vì tay phải thầy đã để lại ở chiến trường Điện Biên Phủ rồi. Khi kẻ vở cho chúng tôi tập viết, thầy dùng cùi tay phải lăn thước thoăn thoắt, bàn tay trái đưa bút chì rất mạch lạc. Lúc vui vẻ thầy hay kể chuyện chiến đấu ở Điện Biên Phủ cho chúng tôi nghe, trò nào trò nấy cứ há hốc mồm ra mà xuýt xoa thán phục. Bao năm trôi qua rồi mà tôi vẫn còn nhớ như in hình ảnh người thầy có thể nói là đầu tiên trong cuộc đời mình này. Mỗi lần như vậy, lại có cảm giác như đâu đây vẫn thoảng vị khói thuốc lá vốn thường phảng phất quanh người thầy Tâm.
 
Mẹ của em ở trường...

 

Sau này cuộc chiến tranh chống Mĩ cứu nước lan rộng ra miền Bắc, chúng tôi phải sơ tán về nông thôn. Ấn tượng về các thầy cô trong tôi càng sâu đậm hơn bao giờ hết. Những thầy Minh, cô Lựu, cô Ngãi, thầy Mai, cô Hương, thầy Đào, cô Loan, thầy Phái, thầy Hoành, thầy Hiển, thầy Thụ, thầy Thọ...đã dìu dắt tôi trong những năm tháng là cậu trò cấp 1 lên cấp 2, cấp 3.

 

Thời kì trên bom dưới đạn, lớp học phải đào hầm dưới nền nhà để khi có kẻng báo động là lũ học trò chúng tôi có thể tụt thật nhanh xuống. Đi học đội mũ rơm tự làm lấy bằng rơm xin của bà con nông dân. Vòng lá ngụy trang tòn teng đeo sau lưng. Áo quần thì cứ phải là màu xanh, đen hoặc nâu…để ngụy trang tránh bị máy bay phát hiện mà! Đêm đến học bằng đèn dầu che kín bằng bìa, chỉ khoét 1 lỗ nhỏ đủ rọi vào cuốn vở.

 

Hầm hào tự đào bằng bàn tay non nớt thư sinh nhiều khi tứa máu. Tranh tre gỗ làm lớp học, làm hầm tránh bom đạn có khi bằng tiền ba mẹ góp, có khi chúng tôi phải lên rừng tự chặt lấy. Tôi còn nhớ có lần đi đốn gỗ trong khu rừng ở huyện Yên Thành phải bơi qua đầm nước, nhìn thấy những con đỉa trâu to bằng ngón chân cái, sợ khiếp vía!

 
Những Thầy Cô xưa yêu quý của tôi… - 2
(ảnh: csvtsnt.ning.com) 
 

Được cái nhờ sơ tán ở nông thôn mà chúng tôi biết nhiều hơn về cuộc sống của bà con nông dân ta một nắng hai sương, làm ra hạt lúa, củ khoai, củ sắn vất vả như thế nào. Và nhờ đó tôi cũng dắt lưng được khá nhiều kinh nghiệm với ruộng đồng như: gặt lúa, trồng rau, cắt cỏ, chăn trâu bò và cả bắt cá cũng cừ ra phết đấy. Đi nơm, câu cá, câu tôm, tát cá…gì cũng “chơi” được hết. Cũng tại những vùng quê Hưng Nguyên, Nam Đàn, Nghi Lộc, Yên Thành, Diễn Châu, Đô Lương này,  tôi có bao nhiêu là kỉ niệm khó quên với bạn bè cùng trang lứa khi mỗi năm học lại chuyển từ vùng quê nghèo này sang vùng quê nghèo khác theo sát mỗi bước chân sơ tán của… cơ quan ba tôi,

 

Có lẽ vì thương trò thành phố chân yếu tay mềm phải xa nhà, phải nếm trải cảnh chân lấm tay bùn lam lũ, nên dường như các thầy cô quan tâm đến chúng tôi hơn, khiến nhiều khi lũ bạn ở quê phải ghen tị. Tôi thuộc dạng gia đình khó khăn nên được trường ưu tiên miễn học phí. Được cái năm nào cũng đứng trong đội ngũ đi thi học sinh giỏi văn cấp huyện, cấp tỉnh nên các thầy cô cũng có phần ưu ái hơn.

 

Ngày Nhà giáo VN 20/11 là dịp để lũ trò chúng tôi thể hiện tình cảm với cô thầy. Quà của chúng tôi tặng  khi đó thường là các sản phẩm… tự nghĩ ra. Bọn con gái thì là những bó hoa đồng nội, giỏ quà bánh (nếu thầy cô có con nhỏ). Còn lũ con trai chúng tôi là những bức tranh, bài thơ, hay những con diều, hình nộm ngộ nghĩnh làm đồ chơi cho con của cô thầy. Của đáng tội, trò tặng thầy cô một thì cô thầy lại chiêu đãi trò mười. Bây giờ mỗi lần nghĩ lại, mắt tôi vẫn cay cay vì niềm thương nỗi nhớ những tình cảm ưu ái mà các thầy cô dành cho đám học trò chúng tôi ngày đó…

 

Vì là thời kì đạn bom, học hành ở nơi sơ tán nên các thầy cô luôn dặn dò chúng tôi rất cẩn thận mọi đường đi nước bước. Thậm chí là thường xuyên đi đến nơi ăn chốn ở của trò để kiểm tra. Mỗi khi có trò nào ốm đau, không có bố mẹ ở cạnh thì cô thầy là người thay thế. Thật là cảm động! Có lẽ vì thế mà chúng tôi đều cố gắng chăm chỉ học hơn, đạt thành tích cao hơn để không phụ lòng thầy cô giáo đã yêu thương chăm sóc mình thay cha mẹ, hệt như lời ca "Mẹ của em ở trường, là cô giáo mến thương..."

 

Tiếp bước thầy cô, tôi thi vào trường Sư phạm. Đang học dở dang năm thứ 2 khoa Văn, tôi khoác balô tình nguyện lên đường nhập ngũ. Rồi đường đời đưa đẩy tôi tới tận đất nước Nga xa xôi…

 

Năm tháng qua đi, các thầy cô thân yêu của chúng tôi ngày đó không biết có ai còn, ai mất? Từ nơi xa quê hương hàng ngàn dặm, qua những dòng thư chân tình này, em xin gửi đến các Thầy - Cô những lời chúc tình cảm nhất của đứa học trò yêu ngày nào nhân Ngày Nhà giáo VN.

 

Võ Hoài Nam (từ Mátxcơva)