Nhức nhối nạn karaoke di động tra tấn người dân từ thành thị tới nông thôn

(Dân trí) - Đã có không ít cuộc cãi cọ, ẩu đả, thậm chí nhiều vụ đâm chết người vì “tra tấn” nhau bằng loa kẹo kéo diễn ra.

Việc sử dụng loa kéo (loa kẹo kéo) một cách vô thức tưởng chừng vô hại, nhưng thực tế thời gian qua cho thấy, nó đang trở thành một “vấn nạn” tiềm ẩn nhiều nguy cơ khôn lường. 

Giết người vì bị “tra tấn” âm thanh

Dao động với nhiều mức giá, từ vài trăm ngàn là đã có thể mua được 1 chiếc loa kẹo kéo, cộng với sự tiện dụng nên nó đã xuất hiện ở khắp mọi nơi: theo các gia đình đi du lịch, các địa điểm cắm trại, vườn hoa, công viên, thậm chí nhiều gia đình còn sắm với mục đích để làm dàn karaoke tại gia.

Rõ ràng, chiếc loa này vô tội, nhưng việc sử dụng nó một cách vô thức, cộng thêm sự thiếu quyết liệt của các cơ quan chức năng đã khiến nó trở thành tâm điểm gây nhức nhối xã hội trong nhiều năm qua. Nhiều sự việc không đáng có đã liên tiếp diễn ra, có thể điểm lại: tối ngày 28/12/2019, anh N.K.D. (32 tuổi, ngụ TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu) tổ chức nhậu cùng nhóm bạn tại phòng trọ. Trong bữa nhậu có hát karaoke bằng thùng loa kẹo kéo.

Cùng thời điểm này, ở phòng trọ kế bên cũng có nhóm bạn của Phan Văn Chiến đang nhậu.

Nhậu được một lát thì nhóm của Chiến sang phòng của anh D. phản ứng vì cho rằng hát hò gây ồn ào. Giữa 2 bên lời qua tiếng lại, dẫn đến mâu thuẫn. Trong lúc xô xát, bất ngờ anh D. bị một thanh niên dùng dao đâm vào cổ, khiến anh D. tử vong sau đó.

Nhức nhối nạn karaoke di động tra tấn người dân từ thành thị tới nông thôn - 1
Người đàn ông cầm dao (khoanh tròn đỏ) sang đuổi đánh gia đình bà H vì bị nhắc nhở hát karaoke gây ồn

Ngày 14/4/2020 tại tỉnh Bến Tre, Nguyễn Thanh Khoa cùng 2 người khác ngồi nhậu ở dãy trọ và có hát karaoke bằng loa kẹo kéo.

Thấy ồn ào, ông B. ở kế bên qua nhắc nhở rồi xảy ra đánh nhau với Khoa bằng tay không. Được mọi người trong dãy trọ can ngăn, ông B. về nhà nhưng vẫn chửi bới Khoa. Bực tức, Khoa đi về phòng trọ lấy một cây sắt dài 2 mét đưa cho em họ là L.K.D. (23 tuổi) rồi cả 2 sang nhà ông B.

Đến nơi, Khoa bị N.V.Đ. (con trai ông B.) dùng chai bia ném trúng người, còn ông B. cầm chai bia đập bể tấn công Khoa. Trong lúc ẩu đả, Khoa lấy con dao trong nhà ông B. đâm 4 nhát vào người ông B. gây thương tích.

Hay tại huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang ngày 11/8/2020, ông N.T.G. nhậu với 5 người khác cùng xóm, trong quá trình nhậu đã sử dụng loa kẹo kéo để hát karaoke.

Do tiếng ồn lớn làm con của Nguyễn Khánh Ly không ngủ được nên Ly sang nhắc nhở kêu ngừng hát nhưng ông N.T.G. vẫn tiếp tục hát vì cho rằng chưa đến giờ giới nghiêm.

Bực tức hàng xóm, Ly về nhà lấy súng ngắn (loại bắn đạn nhựa) sang nhà bắn vào người ông G. Ông G. bị rách đầu và bị thương ở ổ bụng, được người nhà đưa vào bệnh viện cấp cứu.

Gần đây nhất, vào tối ngày 24/8 tại TP.HCM, gia đình bà T.T.H. (58 tuổi, ngụ phường 9, quận 3) thấy một nhóm người ngồi nhậu, hát karaoke bằng loa kẹo kéo ở đối diện nhà trên đường Nguyễn Phúc Nguyên (phường 10, quận 3) gây ồn ào nên người con dâu sang nhắc vặn nhỏ loa.

Ngay sau đó, nhóm người hát karaoke đã mang hung khí sang đuổi đánh các thành viên trong gia đình bà H. Chưa dừng lại, nhóm người này còn dùng dao tự chế làm hư tài sản của nhà bà H. Sau khi công an địa phương có mặt giải quyết vụ việc rời đi thì nhóm người này tiếp tục kéo sang chửi bới, đạp cửa, hăm doạ khiến mọi người hoang mang, lo sợ.

Chế tài đã có, cần sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền các địa phương

Mới đây, sau loạt bài phản ánh của Dân trí về sự “tra tấn” của loa kéo ở khắp mọi ngõ ngách, ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống của người dân tại thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, chính quyền TP sau đó đã ra quân xử lý quyết liệt.

Sự quyết liệt này không những nhận được sự ủng hộ của người dân địa phương mà còn nhận được sự tán thưởng, xen lẫn sự mong mỏi của người dân cả nước, thể hiện qua loạt comment (ý kiến bình luận) gửi về báo.

“Mong rằng tất cả các địa phương miền Trung đều làm mạnh tay cho dân nhờ. Hiện nay người bán kẹo, bán hàng rong chở loa đi đầy đường, đứng ngay các quán ăn gây ồn không chịu nổi”, bạn đọc Minh Luong.

Nhức nhối nạn karaoke di động tra tấn người dân từ thành thị tới nông thôn - 2
Nhức nhối nạn karaoke di động tra tấn người dân từ thành thị tới nông thôn - 3

Các lực lượng chức năng TP.Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên ra quân quyết liệt xử lý dứt điểm tình trạng sử dụng loa kéo trên địa bàn.

Bạn đọc Sông Hương: “Không chỉ nơi công cộng mà khu dân cư cũng là nỗi tra tấn với người dân. Nên có quy định và chế tài mạnh để đảm bảo sức khỏe cho khu dân cư”.

“Tôi thấy đây là việc làm được đông đảo người dân đồng tình, vậy mà tại sao chính quyền địa phương các nơi không triển khai quyết liệt”, bạn đọc Sang Dang .

“Hoan hô Phú Yên, quyết liệt làm mạnh tay loại hình này cho dân nhờ. Cả nước nên làm như Phú Yên, tôi ở miền tây mà người dân đang bị rối loạn tâm thần vì những chiếc loa này”, bạn đọc Phu Nguyen; bạn đọc Khiem Le: “Đúng rồi rất hay, thật ra việc này nên làm sớm hơn mới đúng, và TP HCM cũng nên học hỏi và hành động như Phú Yên, tôi mong được như vậy”.

Luật sư Quách Thành Lực (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết, việc hát karaoke là một hoạt động giải trí được nhà nước cho phép hoạt động kinh doanh khi đủ điều kiện.

Đối với những hộ gia đình có bộ dàn máy karaoke riêng thì cũng có những lúc họ tụ tập ca hát quá khuya. Thú vui tưởng chừng như lành mạnh, chính đáng này nhiều khi gây ra không ít phiền nhiễu đối với những người sống xung quanh.

Dự trù được những tình huống này, nhà làm luật đã đưa vào những quy định xử phạt hành vi gây ồn ào, mất trật tự vào trong quy định pháp luật. Qua đó, có thể vận dụng để xử phạt hành vi hát karaoke gây ồn. Cụ thể, Điều 6 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định: 

“Phạt cảnh cáo  hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi gây tiếng động lớn, làm ồn ào, huyên náo tại khu dân cư, nơi công cộng trong khoảng thời gian từ 22 giờ hôm trước đến 06 giờ sáng hôm sau”.

Ngoài ra, theo theo quy chuẩn Việt Nam QCVN 26/2010/BTNMT quy định về tiếng ồn trong biểu diễn văn nghệ hoặc có sử dụng âm nhạc trong hoạt động kinh doanh tại khu vực thông thường, có con người sinh sống là 70dBA từ 6 giờ đến 21 giờ và 55dBA từ 21 giờ đến 6 giờ.

Nếu vi phạm quy định sẽ bị xử phạt theo Nghị định 155/2016/NĐ-CP với mức xử phạt với các cá nhân từ cảnh cáo đến 160 triệu đồng nếu tiếng ồn vượt quá mức quy định từ 40dBA trở lên. Riêng các tổ chức, mức phạt sẽ bị tăng gấp đôi so với mức xử phạt đối với cá nhân".

“Rất mong chính quyền mạnh tay vấn đề ô nhiễm tiếng ồn, dù loa nhỏ hay bé, bất kể thời gian nào, nếu mở thì phải cách âm chứ cứ bảo mở tới 22h là hoàn toàn không hợp lý! hiện tại tôi đang trú tại Tổ 9, ấp Long Đức 3, Tam Phước, Biên Hòa, Đồng Nai, phía giáp KCN Tam Phước, nhiều khu trọ đa phần đều có loa kéo, họ cứ nhậu vào là mở hết công suất ra hát, rồi la ó... rất nhiều án mạng đã xảy ra nhưng những người trực tiếp gây mất trật tự thì ý thức rất kém, một phần chính quyền không mạnh tay xử lý nên họ được đà làm ảnh hưởng rất nhiều tới người xung quanh. Chính quyền phải tuyên truyền hoặc gửi thông tin trực tiếp cho chủ nhà trọ cấm người thuê trọ không được sử dụng loa gây ồn ào ảnh hưởng tới người khác... Rất mong chính quyền mạnh tay hơn trong các khu trọ và khu dân cư”- bạn đọc Thùy Dung.

“Hàng xóm mình bật loa bật nhạc để thu hút khách, quả thật mấy hôm đầu thông cảm người ta quảng cáo ít hôm, không ngờ liên tiếp luôn, quả thực là tra tấn, án mạng xảy ra hay không, đều do ý thức, cảm giác của người xung quanh có quan trọng không”, bạn đọc Võ Văn Quy.

Bạn đọc Sy Levan: “Tôi mong tỉnh nào cũng sẽ dẹp hết tệ nạn này. Đồng ý ai muốn hát thì hát, nhưng phải đảm bảo không ảnh hưởng đến người khác”

Có thể thấy, luật quy định đã rõ, chính quyền các địa phương cần vào cuộc quyết liệt để xử lý dứt điểm tình trạng sử dụng loa kéo gây ô nhiễm tiếng ồn không đáng có ảnh hưởng tới đời sống người dân; đồng thời để hạn chế những mâu thuẫn không đáng có, có thể đi quá xa gây hậu quả nghiêm trọng như thời gian qua.

Mời bạn đọc gửi quan điểm cá nhân về vấn đề này qua khung Nội dung bình luận bên dưới!