Nhục hình – một nguyên nhân của những vụ án oan sai

Nếu không bắt được đối tượng thực sự gây án, cho đến chết, họ và gia đình những đối tượng mang án oan này phải mang theo nỗi nhục giết người, cướp của đến vài thế hệ và những người tham gia tố tụng vẫn được khen thưởng vì thành tích phá trọng án!?


Ông Nguyễn Văn Dũng (thứ tư, từ trái sang) và người thân trình bày vụ việc với nhà báo  Người Lao động

Ông Nguyễn Văn Dũng (thứ tư, từ trái sang) và người thân trình bày vụ việc với nhà báo Người Lao động

Trong bài “Một gia đình có 8 người bị giam oan” đăng trên Dân trí, sau khi có quyết định đình chỉ điều tra vụ án, chỉ có 1 trong 8 người bị giam oan được bồi thường. Trong phạm vi bài này, chúng tôi chưa bàn đến vấn đề cực kỳ vô lý: 8 người bị giam oan lại chỉ một người được đền bù, mà chúng tôi đề cập đến việc ép cung, nhục hình trong vụ án này.

Theo đó, khoảng 23 giờ ngày 26-7-1979, xảy ra vụ cướp có vũ trang tại nhà ông Nguyễn Văn Dơ (ấp Bùng Binh, xã Đôn Thuận, huyện Trảng Bàng, Tây Ninh). Do ông Dơ báo trong đám cướp ngoài súng M16, súng ngắn còn có con dao trắng thường sử dụng bán bánh mì. Chỉ vì ông Hồ Long Chánh có con dao loại này, công an bắt ngay ông Chánh. Vì không chịu nổi nhục hình, ông Chánh khai một số người, họ liền bị bắt. Đến lượt những người bị bắt sau cũng không chịu nổi nhục hình, tiếp tục khai một số người khác, tổng cộng tất cả 8 đối tượng bị bắt. Trong đó có ông Nguyễn Văn Dũng, quân nhân mới từ chiến trường Campuchia về nước thăm gia đình mấy ngày.

Sau gần 4 năm, vì không đủ chứng cứ ngày 11.5.1983, VKSND tỉnh Tây Ninh đình chỉ điều tra vụ án. Sau nhiều lần gõ cửa các cơ quan chức năng, mãi 34 năm sau, tháng 4.2017 VKSND tỉnh Tây Ninh mới mời ông Dũng lên làm việc liên quan đến việc bồi thường, nhưng chỉ đồng ý bồi thường với số tiền gần 600 triệu đồng.

Chưa bàn đến việc vì sao chỉ có một mình ông Dũng được đền bù, mà ngay như những dấu hiệu các điều tra viên ngày đó sử dụng nhục hình là rất rõ, nhưng vì sao không một ai bị xử lý về tội này vẫn đang là câu hỏi lớn còn bỏ ngỏ.

Nhìn lại một loạt vụ án nổi đình đám khác thấy rất rõ dấu hiệu sử dụng nhục hình và bỏ lọt loại tội phạm này.

Chẳng hạn, vụ án ông Hàn Đức Long bị khép tội giết người, hiếp dâm cháu gái ở Bắc Giang. Ông Hàn Đức Long sau khi được minh oan tố cáo: Cũng chỉ vì không chịu nổi ép cung, tra tấn ông đã phải nhận tội hiếp dâm, giết cháu bé hàng xóm.

Lúc đầu, từ đơn thư tố cáo, công an Bắc Giang khởi tố, bắt giam ông Long về tội hiếp dâm một bà già và con dâu của bà này (dù hai gia đình đang mâu thuẫn). Chỉ mấy ngày nằm ở công an, không chịu nổi tra tấn, ông Long phải nhận tội hiếp dâm, giết cháu gái vụ án đã xảy ra cách đó mấy tháng. Nhưng khi xét xử, tội hiếp dâm hai mẹ con bà hàng xóm đã được minh oan. Hóa ra, vụ án này chỉ là cái cớ để cơ quan điều tra “cố” tìm ra được đối tượng trong vụ án hiếp dâm, giết hại cháu gái đang bị bế tắc.

Cũng tại Bắc Giang, vụ án ông Nguyễn Thanh Chấn chỉ được minh oan khi đối tượng hiếp dâm, giết nạn nhân ra đầu thú. Thử hỏi, nếu không bị ép cung, sử dụng nhục hình như ông Chấn tố cáo, thì vì lẽ gì ông Chấn không gây tội ác mà vẫn phải nhận tội “ trời không dung, đất không tha”: Hiếp dâm và giết người!?

Điển hình hơn là vụ án ông Huỳnh Văn Nén, cùng lúc mang hai án oan giết người. Tháng 4.1998, ông bị cáo buộc dùng dây thừng giết bà Lê Thị Bông cướp nhẫn vàng. Sau đó, ông bị TAND Bình Thuận tuyên phạt tù chung thân về tội giết người, cướp tài sản và tội cố ý hủy hoại tài sản. Trong thời gian bị điều tra vụ án này, ông Nén và 9 người bên vợ (cũng do không chịu được nhục hình, đành khai ra người nhà cùng gây án) tiếp tục bị cáo buộc giết bà Dương Thị Mỹ trong "kỳ án vườn điều" xảy ra 5 năm trước. Nhưng tất cả những đối tượng gây án oan cho ông không ai bị khởi tố, dù ông Nén tố cáo đích danh những người sử dụng nhục hình đối với ông.

Vụ án ông Nén có nét giống vụ án ông Hàn Đức Long ở chỗ, khởi tố một vụ án rồi gán tội cho đối tượng vụ trọng án khác đang rơi vào bế tắc. Và nó giống vụ án ông Chấn ở chỗ, chỉ khi bị bắt được đối tượng gây án thật sự, ông Nén mới được minh oan.

Điều này cho thấy, nếu không bắt được đối tượng gây án, cho đến chết, họ và gia đình những đối tượng mang án oan này phải mang theo nỗi nhục giết người, cướp của đến vài thế hệ, và những người tham gia tố tụng vẫn được khen thưởng vì thành tích phá trọng án!?

Làm gì để hạn chế tối đa những vụ án oan này? Theo tôi, cần có giải pháp hữu hiệu ngăn chặn tối đa nạn sử dụng nhục hình. Mà một trong số đó là cần bắt buộc phải ghi âm, ghi hình khi hỏi cung, đặc biệt với các vụ trọng án. Mặt khác, phải sớm giải quyết để các luật sư tham gia ngay từ đầu của giai đoạn tố tụng.

Vương Hà