Nhớ về Người lòng ta trong sáng hơn...

(Dân trí) - Dòng sông xúc cảm với Đại tướng vẫn tiếp tục trào dâng bao đợt sóng… Từ đâu đó sâu thẳm trong tâm hồn mỗi con người bình dị giữa đời thường, lúc này đây đều có thể bật mở những khả năng mới mẻ để biến cảm xúc thành thơ ca nhạc họa…

Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong lần trở lại thăm căn cứ địa Mường Phăng
Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong lần trở lại thăm căn cứ địa Mường Phăng
 

Nét chấm phá bức tranh Mùa Thu...

 

Mùa thu này Hà Nội đã đẹp bởi cảnh sắc và qua sự gợi nhớ từ xúc cảm mùa thu trong bao con người, càng ý nghĩa hơn trên con phố Hoàng Diệu với những biểu hiện vẻ đẹp truyền thống VN: tình người, lòng tự hào, sự thành kính, niềm xúc động, tình đoàn kết dân tộc….

 

Suốt mấy ngày qua đoàn người đến viếng Đại tướng kéo dài sang đường Điện Biên Phủ, đến trước Quảng trường Ba Đình. Dòng người kéo về mỗi lúc một đông hơn với rất nhiều hoa tươi, bao nỗi niềm cảm xúc, “trôi” chầm chậm trên đường rồi trật tự tiến vào ngôi nhà số 30 Hoàng Diệu bên cạnh lực lượng cảnh vệ và sinh viên tình nguyện tận tình hướng dẫn...

 

Hòa vào trong dòng người ấy, tôi được gặp gỡ, trò chuyện với những con người thuộc các  thế hệ, nhiều ngành nghề, đến từ nhiều địa phương khác nhau. Từ những cụ già vịn tay nhau đi tới những em nhỏ theo ba mẹ đến. Có nhiều đoàn học sinh, sinh viên, những đôi mắt trong veo  rưng rưng lệ…

 

Điều tôi cảm nhận được rất rõ là lòng thành kính và tinh thần đoàn kết bao trùm lên tất cả… Mọi người hỏi han nhau, động viên nhau kiên trì chờ đợi dù hầu như ai cũng đi từ khá sớm và phải xếp hàng dưới cái nắng cuối thu khá gay gắt. Một cụ ông từ quê nhà Hải Dương ra Hà Nội nói: “Đi viếng Đại tướng, biết là vất vả nhưng vẫn muốn đi. Hơn nữa, có vượt vất vả thì tấm lòng thành kính chúng ta dâng Đại tướng mới càng quý giá”.

 

Mọi người che ô cho nhau, quạt cho nhau và cùng nhau tiến lên từng bước một. Các bạn trẻ dù đã phải chờ đợi từ rất lâu nhưng vẫn sẵn sàng nhường chỗ cho các cụ già từ xa đến. Dù phải lùi lại vài bước nữa nhưng chẳng ai phàn nàn điều gì. Lúc này, sự chờ đợi với những người dân có mặt ở đây chính là một cách để họ thể hiện lòng thành kính với Đại tướng.

 

Những chiếc mũ tai bèo, quạt giấy rồi những chai nước và bánh mỳ miễn phí được các tình nguyện viên mang tới dưới cái nắng gay gắt càng thắm đượm tình người. Một chủ quán cà phê trên đường Điện Biên Phủ cũng huy động nhân viên ra rót nước và phát bánh mì miễn phí cho người dân.

 

Thông qua những hành động đó, tôi cảm nhận mọi người dân muốn một lần nữa, nhiều lần nữa thể hiện lòng thành kính, sự biết ơn sâu sắc của mình với Đại tướng - Người Con ưu tú của dân tộc. Và từ đây, lại một lần nữa có thể thấy sức mạnh tỏa lan tinh thần dân tộc VN…

 

Cảnh dòng người xếp hàng rất dài cùng với rất nhiều hoa và ảnh Đại tướng đã tạo nên nét chấm phá đặc biệt trong bức tranh mùa thu trên phố Hoàng Diệu tháng 10 này.

 

Những giây phút xúc động ấy chắc chắn sẽ mãi lưu lại trong kí ức của mỗi người chúng ta - giây phút của lòng biết ơn, sự kính yêu và tinh thần đoàn kết – nguồn sức mạnh lớn lao của dân tộc VN.

 

  Thu
 
19h30 tối 10/10, đoàn người vẫn lặng lẽ xếp hàng chờ vào viếng Đại tướng (ảnh: Mai Châm) 
\
19h30 tối 10/10, đoàn người vẫn lặng lẽ xếp hàng chờ vào viếng Đại tướng (ảnh: Mai Châm) 
 

Khóc Đại tướng…

 

Tôi sinh năm 1976, kém Đại tướng gần bảy chục năm. Như vậy ít ra cũng cách nhau 3 hoặc 4 lớp thế hệ (4 đời), nhưng tôi muốn được gọi Đại tướng là Bác, như vẫn gọi Bác Hồ kính yêu của chúng ta.

 

Tôi chưa một lần nhìn thấy Đại tướng ngoài đời. Vì chỉ là một người dân bình thường nên hầu như tất cả những thông tin có được về Bác đều do các phương tiện thông tin hoặc các ấn phẩm lưu hành. Ngày xưa, khi Bác Hồ mất tôi chưa sinh ra nên không có được cảm nhận về nỗi đau thương và tổn thất lớn lao của cả dân tộc. Chỉ được nghe Mẹ tôi kể rằng: tin Bác Hồ mất đến khi mẹ ở trường, cả trường tập trung nghe thông báo, tất cả các thầy cô giáo và học trò đều khóc… Và khi mà mọi người về nhà, ai cũng lập bàn thờ thắp hương cho Bác. Những thước phim sau này lưu lại hình ảnh hàng triệu người đeo băng tang đứng khóc dưới mưa, tôi  không bao giờ có thể quên...

 

Nay Đại tướng qua đời, dường như những hình ảnh đó đang lặp lại. Tôi đã nhìn thấy nhiều người rơi nước mắt, không kìm nén được nỗi đau thương.. Những người đó có lẽ cũng như tôi, chưa được gặp Đại tướng bao giờ... Có lẽ  tất cả những gì tinh tú, lỗi lạc, anh hùng, giản dị thanh cao... quy tụ ở Đại tướng nay được biểu hiện lại từ phía lòng dân dành cho Người. Nghe đâu đó câu: Dân thật công bằng – có lẽ chỉ chừng đó thôi cũng đủ thấy Đại tướng để lại hình ảnh sâu đậm với chúng ta đến nhường nào...
 

Tôi chỉ  là một công dân bình thường, là đàn ông, ngay cả khi gia đình có việc hiếu cũng khó lòng thổ lộ cảm tình. Vậy mà nghe tin Đại tướng mất và qua đọc những bài báo viết về Người, tôi không khóc nấc nhưng thấy nơi cổ mình nghèn nghẹn. Mọi công việc hàng ngày trùng cả lại... Tự tôi cảm thấy điều đó là quí giá và thiêng liêng...

 

Tôi ít làm thơ… Tiếc rằng bài đầu tiên viết về Đại tướng lại là bài khóc Người... Tôi gửi vài dòng sẻ chia với ước mong sau khi viết nỗi lòng vơi bớt đau thương, như là sự mất mát này đã được chia sẻ vậy...

 

Bác ơi!

 

Con là con đất Việt mình

Sinh thời cảnh nước thái bình dân an

Học trong trang sử vẻ vang

Biết Người Đại tướng nước Nam anh hùng...

 

Bác ơi, ánh lửa bập bùng

Ngày xưa Pác Bó đã từng chiến khu

Cầm quân đánh trả giặc thù

Lập lên quân đội bấy giờ sơ khai.

 

Mười lời danh dự nặng vai

Gìn non cứu nước nào ai sá gì...

Đảng cho Bác vững bước đi

Nhân - Liêm - Trí - Dũng... chẳng hề lung lay

 

Nà Ngần, Phai Khắt đầu tay

Chiến công vang mãi sử dày chiến công.

Điện Biên toàn thắng lẫy lừng

Chiến khu Bác lấy Mường Phăng làm nhà

 

Phương châm “đánh chắc” đề ra

Trời cho Trung - Tín... ai mà thế đâu...?

Bác ơi, đại thắng đã lâu

Vẫn đây huyền thoại thuở nào chiến chinh

 

Bác lo cuộc tổng hành binh

Hậu cần, vận tải, công binh, khí tài...

Trường Sơn muôn dặm đường dài

Bác thăm bộ đội miệt mài hành quân

 

Bác lo chiến lược tiến công

Không quân, Hải - Lục - Phòng không, Biên phòng...

Tây Nguyên thế giặc đã cùng

Buôn Mê Thuột đã mở đường cờ hoa

 

Bác lo mệnh lệnh xông pha

“Từng giờ thần tốc” thuận đà bao vây

Ba mươi năm một trận này

Năm nhăm ngày, đổi đến ngày vinh quang

 

Bác ơi, chiến thắng vẻ vang

Năm châu lừng lẫy, đậm trang sử vàng

Xuân nào đẹp nhất Việt Nam

Là ngày thống nhất hai miền tự do...

 

Giấc mơ áo ấm cơm no

“Dĩ công vi thượng” Cụ Hồ vẫn răn

Một đời Bác sống vì dân

Không vương bụi lối cá nhân chút nào

 

Tuổi cao trí lại càng cao

Sống cho nhân loại biết bao tình người

Sống lo gìn đất giữ trời

Rạng danh dân tộc, giống nòi vẻ vang...

 

Bác ơi, thu đẹp nắng vàng

Non sông ta vẫn vọng vang lời thề

Thuyền rồng bát nhã Bác đi

Tổ tiên đợi Bác, Bác về thật sao...!?

 

Toàn dân đang nắm tay nhau

Giọt châu nuốt nghẹn, nỗi đau khó lành

Toàn quân kính cẩn nghiêng mình

Viếng người Anh Cả anh linh toàn tài

 

Toàn Đảng tiễn một người Thầy

Vì dân, vì nước một đời trung kiên

Năm châu mất một bạn hiền

Thiên tài, lỗi lạc, anh hùng, thanh cao...

 

Bác ơi, vũ trụ ngàn sao

Bác là tinh tú soi vào chúng con

Đau này nguyện sáng lòng hơn

Luyện rèn, cống hiến vì non nước nhà

 

Bác ơi, sông núi Việt ta

Vẫn in bóng bác như là đang xuân

Bác - người Đại tướng của dân

Nên con khóc Bác có phần sai ru...?!!!

 

Lê Việt Hoàng
 (Công ty CP Xây dựng và XNK Trường Thành)
 
Khóc bên cờ rủ tiếc thương Người (ả̉nh: Minh Thư)
Khóc bên cờ rủ tiếc thương Người (ả̉nh: Minh Thư)

 

Tưởng nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp!

 

Đại        công lừng lẫy tuổi đương xuân

Tướng   tài lỗi lạc của nhân dân

         văn kiệt xuất ôm nghiệp lớn

Nguyên  khí quật cường khích ba quân

Giáp      soái trong tâm chỉ một lòng

Sống     còn vì mệnh nước tồn vong

Mãi       mãi tên ghi vào sử sách

Cùng     cha ông viết tiếp chiến công.

Non       nước tự do dân độc lập

Sông     núi quê hương đón Người về

Đất       Việt nắm tay trào nước mắt

Nước    Nam xích lại tiễn đưa Người.

 

Lê Huy Tiến

 

Vị Tướng của những Anh hùng        

 

Việt Nam – Hồ Chí Minh

Việt Nam – Võ Nguyên Giáp

Đại tướng lừng danh thắng quân xâm lược

Đại tướng tài danh văn võ song toàn

Đại tướng anh hùng của Tổ quốc Việt Nam

 

Việt Nam – Hồ Chí Minh

Việt Nam – Võ Nguyên Giáp

Đại tướng nhân từ, hiền hòa, mẫu mực

Rạng rỡ nét cười như nắng mùa xuân

 

Việt Nam – Hồ Chí Minh

Việt Nam – Võ Nguyên Giáp

Chiều cuối thu nắng vàng, gió bấc

Nghe tin Người mãi mãi ra đi

Lệ ứa đau thương đẫm ướt bờ mi

 

Việt Nam – Hồ Chí Minh

Việt Nam – Võ Nguyên Giáp

Người bất tử cùng non sông gấm vóc

Như Hưng Đạo Vương – Lê Lợi – Quang Trung

Tướng anh hùng của những anh hùng

 

Việt Nam – Hồ Chí Minh

Việt Nam – Võ Nguyên Giáp

Nhớ ơn Người nên trái tim thổn thức

Lệ nhạt nhòa như thuở Bác ra đi

 

Việt Nam – Hồ Chí Minh

Việt Nam – Võ Nguyên Giáp

Người về với quê hương Quảng Bình yên giấc

Đảo Yến xanh xanh, sóng biếc dạt dào

Đức độ sáng ngời, nhân cách thanh cao.

 

Lê Văn Thiết
 (Số 42, tổ 35, ngõ 165 Dương Quảng Hàm, Cầu Giấy, Hà Nội)

 

Đặt tên đường Võ Nguyên Giáp

 

Thưa quý tòa soạn. Tôi là một bạn đọc báo Dân trí và tôi cũng rất hâm mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Những ngày gần đây, tôi thấy có nhiều bàn luận về đặt tên đường Võ Nguyên Giáp. Tôi có ý kiến như sau, mong được mọi người quan tâm và đồng tình:

 

+ Thứ nhất: con đường đó có thể không cần lớn, không cần hoành tráng như mọi người vẫn nghĩ. Quan trọng đó là con đường sạch đẹp, văn minh. Quản lý tốt con đường đó để không có tai nạn, không có tệ nạn. Được như thế thì mới xứng tầm tên tuổi Đại tướng.

 

+ Thứ hai: bản thân Đại tướng là người giản dị, không ưa màu mè. Vì vậy, không quá quan trọng con đường đó phải hiện đại hay hoành tráng…
 
Tại thành phố Hà Nội, xét tiêu chí như vậy, theo tôi, nên đổi tên con đường Độc Lập (phía trước Lăng Bác) thành đường Võ Nguyên Giáp. Như vậy Đại tướng vừa gần gũi với Bác, lại gần với các Danh Nhân khác như Hoàng Diệu, Hoàng Văn Thụ, Điện Biên Phủ. Đoạn đường này chỉ đi bộ, rất sạch đẹp. Tương tự, ở các tỉnh và thành phố khác cũng có thể theo tiêu chí đó mà lựa chọn.

 

Long Nguyen

 

Ước mong tỉnh Quảng Bình mang tên Đại tướng

 

Đại tướng Võ Nguyên Giáp là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam, ông mất đi đã để lại biết bao nỗi đau thương và tiếc nuối trong lòng tất cả người dân Việt Nam. Ai cũng biết công ơn của Đại tướng như biển trời, vì vậy, để tưởng nhớ công ơn của Đại tướng thì theo tôi, nếu có thể nên đổi tên tỉnh Quảng Bình thành tỉnh Võ Nguyên Giáp, hoặc đổi thành phố Đồng Hới thành thành phố mang tên Đại tướng.

 

Rất mong báo Dân rrí có thể đưa ý kiến của tôi lên để cho nhiều người cùng biết và  ủng hộ. Xin chân thành cảm ơn!

 

Minh Hồng Bình