Bạn đọc viết:

Nhớ về Anh hùng Vũ Xuân Thiều

(Dân trí) - Anh Vũ Xuân Thiều là người con thứ 7 trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Quê gốc ở huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Anh hy sinh cùng lúc lập chiến công đêm 28/12/1972. Tên anh được đặt cho một con phố từ tháng 7/1999.

Kỷ vật còn lại của liệt sĩ Vũ Xuân Thiều do anh trai Vũ Xuân Thăng giữ (nguồn ảnh: Lao Động)
Kỷ vật còn lại của liệt sĩ Vũ Xuân Thiều do anh trai Vũ Xuân Thăng giữ (nguồn ảnh: Lao Động)

 

Trên anh Thiều có các chị, các anh : Vũ Thị Kim Thịnh, Vũ Xuân Thăng, Vũ Thị Kim Quy, Vũ Xuân Quang, Vũ Thị Kim Ngân và Vũ Thị Kim Nhu. Sau anh Thiều còn có 3 người em nữa là Vũ Thị Kim Ánh, Vũ Thị Kim Bình và Vũ Hữu Nghị.
* Vũ Xuân Thiều (1945 - 1972): Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam. Quê gốc huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Anh đang học năm thứ ba khoa Vô tuyến điện, trường Đại học Bách khoa Hà Nội thì tình nguyện nhập ngũ năm 1965 và được tuyển đi học lái máy bay ở Liên Xô. 1968 anh về nước, phiên chế vào Đoàn bay 921 rồi chuyển sang Đoàn 927 Không quân Việt Nam. Đêm 28-12-1972, anh cất cánh từ sân bay quân sự Cẩm Thủy (Thanh Hoá) bay đến vùng trời Sơn La thì gặp máy bay B52 của Mỹ đang vào đánh Hà Nội. Vũ Xuân Thiều tấn công, B52 bốc cháy, anh cũng đã hy sinh cùng lúc lập chiến công. Năm 1994 anh được truy tặng danh hiệu Anh hùng.
 
* Phố Vũ Xuân Thiều dài 675m, kéo dài từ quốc lộ 5 đến công ty Công nghiệp thực phẩm Ngọc Lâm. Đất làng Sài Đồng, huyện Gia Lâm cũ, sau thuộc thị trấn Sài Đồng, huyện Gia Lâm. Nay thuộc phường Sài Đồng, quận Long Biên, Hà Nội. Tên được đặt từ tháng 7-1999. (theo Hanoistory.com)

 

Ông bố của anh Thiều - ông Vũ Xuân Sắc là người ở An Trạch, Hải An, Hải Hậu, Nam Định. Thời trẻ ông rời quê lên thành phố Nam Định trọ học. Quý mến chàng trai quê An Trạch với tính tình hiền hậu, khôi ngô, thông minh ... ông bà chủ nhà đã gả con gái của mình là Vũ Thị Vượng cho chàng trai trọ học ấy. Vậy là chàng trai trọ học và cô con gái chủ nhà đã nên duyên vợ chồng. Ông Sắc và bà Vượng tổ chức lễ cưới khi bà Vượng vừa tròn 17 tuổi. Một năm sau, cô con gái đầu lòng Vũ Thị Kim Thịnh ra đời. 
 

Rồi ông Sắc rời Nam Định lên Hà Nội học ở trường Bưởi. Công việc gia đình một mình bà Vượng chăm lo, xoay xở. Bà lẳng lặng thu xếp mọi việc từ chăm con, lo miếng cơm, manh áo cho chồng yên tâm đèn sách. Rồi các con lần lượt ra đời, thi nhau ăn, thi nhau lớn ... Bà như hình bóng "con cò lặn lội bờ sông", tần tảo tháng ngày không hé răng kêu ca nửa lời, hết mực yêu chồng, thương con.

 

Thời gian học ở trường Bưởi, ông Sắc đã sớm được giác ngộ lí tưởng cách mạng, nên dù đang đi học ông đã là một thành viên tích cực tham gia rải truyền đơn tuyên truyền cho cách mạng. Vì vậy khi đang học tú tài phần hai, ông bị mật thám Pháp và chính quyền bảo hộ trục xuất khỏi Hà Nội. Ông buộc phải trở lại thành phố Nam Định. Về Nam Định, dù bị quản thúc nhưng ông vẫn tiếp tục hoạt động cách mạng dưới sự dìu dắt của các cụ Nguyễn Lương Bằng, Đặng Viết Châu ...

 

Một thời gian sau, phần vì lo cho ông Sắc đã bị mật thám Pháp theo dõi do có tên trong sổ đen, đang bị quản thúc nên hoạt động sẽ có nhiều khó khăn, phần vì Đảng cũng cần có nguồn tài chính để hoạt động, nên tổ chức đã động viên ông Sắc chuyển sang hoạt động ở lĩnh vực kinh doanh để có tiền giúp Đảng và các đồng chí hoạt động.

 

Vợ chồng ông Sắc - bà Vượng chuyển sang làm kinh tế, mở cơ sở dệt vải, làm đũi.  Cơ sở sản xuất của ông bà vừa là nguồn cung cấp kinh tế cho Đảng, vừa là nơi nuôi giấu các cán bộ của Đảng như các cụ Đặng Xuân Khu, Nguyễn Lương Bằng ...

 

Từ năm 1942-1943, khi phát xít Nhật đem quân vào Đông Dương, mọi hoạt động đều bị ngừng trệ, cơ sở sản xuất vải, đũi của ông bà cũng đóng cửa. Ông bà không làm kinh tế nữa mà chuyển sang hoạt động trong Hội truyền bá Quốc ngữ, rồi lên chiến khu....

 

Đầu năm 1945, ông Sắc được cử đi dự Đại hội Quốc dân được tổ chức ở Tân Trào để chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa. Tháng 2 năm 1945, Thiều ra đời.
 
Phố Vũ Xuân Thiều (nguồn ảnh: Hanoistory.com)
Phố Vũ Xuân Thiều (nguồn ảnh: Hanoistory.com)

 

Nguyễn Ngọc Hùng