Bạn đọc viết

Nghĩ về giá trị đích thực của người nghệ sỹ chân chính

Cái tin nghệ sĩ Hán Văn Tình vừa qua đời khiến người yêu mến nghệ nặng trĩu nỗi buồn. Nhưng câu buồn hơn bởi đằng sau sân khấu, nay nhiều người mới biết gia cảnh của người nghệ sĩ cả đời gắn bó với nghệ thuật tuồng không lung linh hào nhoáng.

Nghĩ về giá trị đích thực của người nghệ sỹ chân chính - 1

Câu chuyện về người nghệ sĩ tuồng cùng với cái tên “Chu Văn Quyềnh” nổi tiếng hơn cả tên Hán Văn Tình, được coi là tài năng vậy mà phải tính từng cắc tiền thuốc chi phí điều trị, làm ai cũng thương cảm. Thương cảm về cái nghèo của người nghệ sĩ chân chính thì ít, thương về tài năng nghệ thuật thứ thiệt chưa được nhìn nhận đúng với giá trị đích thực và những cống hiến đóng góp của những người nghệ sĩ chân chính thì nhiều.

Từ câu chuyện trong đời sống thường nhật bởi cái nghèo luôn đeo bám với gia đình nghệ sĩ Hán Văn Tình, khiến không ít những câu hỏi được đặt ra: Phải chăng những nghệ sĩ thứ thiệt, tài năng nghệ thuật thực sự đa số đều nghèo. Ngược lại có một số người trong giới giải trí, chỉ biết hát hò nhảy múa lung tung, khoe mông khoe ngực, khoe chân khoe thân. Họ không có khả năng nghệ thuật, chỉ biết tạo scandal để gây chú ý, nhưng lại thu nhập rất cao. Những thứ phi nghệ thuật lại được fan hâm mộ chạy theo rần rần. Không ít trường hợp ca sĩ “hàng chợ” chỉ bị cảm nhẹ, “hắt hơi sổ mũi” là làm hàng ngàn fan đau khổ mất ăn mất ngủ, cầu trời khấn Phật cho thần tượng của mình mau lành. Hay cũng chỉ là một sự kiện sinh nhật của một ca sĩ, mà fan mang tặng cả chiếc bánh sinh nhật có dát tới 100 chỉ vàng...

Chính vì thế có người đã phải thốt lên: Đúng là nước mình, cái chi cũng lạ. Thẩm mỹ nghệ thuật ngày càng “lùn” là một chuyện lạ và cũng thật đáng lo!?

Mà đúng là càng ngẫm lại chẳng ở đâu thẩm mỹ nghệ thuật như ở ta. Hẳn nhiều người đâu đã quyên những điều thật cay đắng khi nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý sáng tác những ca khúc bất hủ, một tài năng âm nhạc của đất nước, lại túng thiếu trên giường bệnh. Hay như NSƯT Trần Hạnh cả một đời đau đáu vì nghệ thuật, nhưng đến những năm cuối đời vẫn phải sống trong căn nhà tồi tàn ở một ngõ nhỏ gần ga Trần Quý Cáp, Hà Nội. Căn nhà của ông vừa là phòng thờ, vừa là chỗ ngủ của hai bố con. Chỗ ngủ đơn giản tới mức chỉ có tấm chiếu mỏng được trải ra dưới lớp chăn cũ kỹ mà không hề có đệm hoặc giường. Hàng ngày, một mình ông phải quán xuyến việc nhà từ nấu cơm, rửa bát, giặt quần áo... và chăm sóc cậu con út bị tai nạn giao thông 20 năm về trước với đồng lương hưu của ông mỗi tháng chỉ được 2 đến 3 triệu đồng, nhưng ông vẫn tằn tiện lo cho cả 2 cha con mà không một lời oán thán. Thậm chí, khán giả cảm thương trước cuộc sống của ông, mang đến biếu ông đôi ba đồng bạc hoặc vài món quà mọn ông còn xua tay không hề nhận.

Cũng tương tự, cố nghệ sĩ Hồ Kiểng người nghệ sỹ đã cống hiến cho nền nghệ thuật nước nhà bằng những vai diễn trong 203 bộ phim, sáng tác 240 bài vọng cổ, tiểu phẩm, hài và 664 bài thơ… nhưng đến cuối đời, ông vẫn sống trong một căn nhà tạm bợ chưa đầy 15m vuông, vốn là kho chứa máy trên đường Cao Thắng (TP. HCM)… Tất cả mọi sinh hoạt như ăn, ngủ, tiếp khách… đều diễn ra trên chiếc giường cũ kỹ. Những năm tháng tuổi già ông còn phải sống với một trái tim nhân tạo, hàm răng giả và chiếc nạng gỗ…

Và với cố nghệ sĩ Văn Hiệp, nghệ sỹ Tuấn Dương, 2 nghệ sỹ luôn mang lại cho khán giả những tiếng cười sảng khoái cũng phải đối diện với một hoàn cảnh sống hết sức nghèo nàn, túng thiếu… Ngay cả khi sắp rời xa cõi tạm vì bệnh tật họ cũng vẫn chưa một lời kêu van oán thán. Càng chưa bao giờ bày tỏ mong ước cao sang được ở nhà lầu, xe hơi, kẻ đưa, người đón…

Đúng là mọi sự so sánh đều là khập khiễng vì ngoài thị trường và cái “duyên” thì không ai quyết định được cát-sê ca sĩ và người giàu có quyền xài tiền của họ, nhưng cuộc đời có những điều thật cay đắng. Cay đắng bởi những giá trị đích thực, sự lao động chân chính vì nghệ thuật thì lại chưa nhận được sự quan tâm nhiều hơn của xã hội. Cay đắng là vì lẽ ra họ phải được là những con người xứng đáng được sống đầy đủ tương xứng với cống hiến nghệ thuật của họ. Cay đắng vì nghệ sĩ đích thực thì nghèo khó, nghệ sĩ “hàng chợ” thì lại giàu có…

Thế nhưng cũng thật may là nghệ thuật luôn công bằng với chính tâm hồn của những người nghệ sĩ đích thực. Bởi với họ chỉ cần được hết mình với những vai diễn, chỉ cần được khán giả yêu thương đón nhận,… chỉ cần lòng tự trọng không bị đánh mất bởi những thứ vật chất phù phiếm… thì đó là món quà vô giá mà người nghệ sĩ luôn khát khao vươn tới, mà người ta thường nói đó là “nghệ thuật vị nhân sinh”.

Minh Tư