Bạn đọc viết

Nếu tăng lương xin đừng tăng giá

(Dân trí) - Thông tin về đề xuất tăng lương của Chính phủ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua vào chiều 7/11 là một tin vui lớn đối với những người có thu nhập thấp và đời sống khó khăn, đặc biệt là đối tượng người về hưu và đối tượng người có công.

Minh họa: Ngọc Diệp
Minh họa: Ngọc Diệp

Theo đó nếu được Quốc hội thông qua vào ngày 10/11 tới thì bắt đầu từ 1/1/2015, Chính phủ sẽ thực hiện điều chỉnh tăng 8% đối với tiền lương hưu, trợ cấp ưu đãi người có công (số đối tượng do ngân sách Nhà nước đảm bảo khoảng 2,9 triệu người) và tiền lương đối với bộ phận cán bộ, công chức, viên chức lực lượng vũ trang có hệ số lương từ 2,34 trở xuống (chiếm khoảng 35% tổng số cán bộ là trên 1,8 triệu người).

Việc điều chỉnh này một mặt giúp cải thiện thu nhập cho gần 5 triệu người, chiếm khoảng 2/3 tổng số đối tượng hưởng lương và trợ cấp từ ngân sách Nhà nước; mặt khác đảm bảo mối tương quan với việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng của khu vực doanh nghiệp. Tính chung cả 3 nhóm đối tượng được tăng lương là khoảng 5 triệu người. Mức lương được điều chỉnh tăng là 8%, tương đương khoảng 90.000 đồng/tháng.

Có thể nói trong bối cảnh điều kiện ngân sách quốc gia khó khăn, nợ công còn lớn thì đây là sự cố gắng lớn của Chính phủ trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống của công chức, viên chức và người lao động. Thế nhưng có điều làm cho không ít người còn nhiều băn khoăn, bởi trên thực tế lâu nay, cứ mỗi khi có sự điều chỉnh về lương, thì tình trạng “tăng lương, đẩy giá” cứ lặp đi, lặp lại như một quy tắc ngầm mà vẫn chưa biện pháp nào khắc phục. Vì thế, thu nhập của công chức, viên chức tăng nhưng chất lượng cuộc sống ít được cải thiện.

Nhiều công chức, viên chức khi được hỏi về việc tăng lương đã cho rằng: nếu Nhà nước tăng lương ít mà không làm tốt việc quản lý giá, thì nên chăng đừng tăng để tránh xáo trộn.

Mục đích tăng lương là để cải thiện đời sống của người hưởng lương, đồng thời, nâng cao hiệu quả thực hiện công vụ, từ đó thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển.

Vì thế theo tôi khi tăng lương, Nhà nước cần tính toán kỹ các phương án để người lao động được hưởng lợi, đồng thời, người dân cũng được thụ hưởng gián tiếp từ chính sách, cụ thể là thuận tiện, nhanh gọn, hiệu quả trong giao dịch. Trong đó việc giải quyết tốt những vấn đề như quản lý tốt các mặt hàng được định giá cụ thể, cũng như các mặt hàng khó định giá và đặc biệt là ngăn chặn tình trạng làm giá theo kiểun“chợ đen”…. để tránh hệ lụy công chức, viên chức trở thành người “chạy theo” biến động của giá cả thị trường.

Minh Tư- mtu.tdh@moet.edu.vn