Bạn đọc viết:

Nền tảng tư duy và “cái đầu”

(Dân trí) - Trường học, nhất là các trường đạo tạo về chuyên môn, chuyên ngành cho chúng ta rất nhiều kiến thức về chuyên môn, về tầm nhận thức, sự hiểu biết... Trong đó, quan trọng nhất là phương pháp, là nhận thức. Đó chính là nền tảng của tư duy.

Nền tảng tư duy và “cái đầu”

 

Tốt nghiệp đại học, tôi được người thân hướng dẫn nộp hồ sơ xin việc vào một cơ quan tố tụng. Trong buổi phỏng vấn sơ tuyển, thủ trưởng cơ quan này hỏi tôi: Anh đã học được những gì ở trường đại học? Do trước khi ra trường chúng tôi đã được chỉ cho cách trả lời phỏng vấn khi đi xin việc và có chuẩn bị từ trước nên tôi trả lời ngắn gọn: Dạ cháu học được phương pháp nghiên cứu về luật thôi!
 
Mặc dù chỉ là thủ tục vì người thân “đã có lời trước”, nhưng sau này tôi biết được người phỏng vấn khen “Trả lời như vậy là khôn!”. Ông bảo nếu tôi ba hoa về những gì đã học được luật này, luật kia... thì ông chỉ cần “bẻ” một câu đơn giản về một điều trong Bộ luật Dân sự với 838 điều, hoặc Bộ luật Hình sự với 344 điều thì có… trời mới trả lời chính xác được.

 

Vài ngày sau tôi được chính thức mời lên ký hợp đồng. Dù sau đó vì lý do khách quan tôi không vào làm việc ở cơ quan này, nhưng kỷ niệm về buổi phỏng vấn đó, tôi không thể quên trong suốt cuộc đời.

 

Trường học, nhất là các trường đạo tạo về chuyên môn, chuyên ngành cho chúng ta rất nhiều kiến thức về chuyên môn, về tầm nhận thức, sự hiểu biết... Trong đó, quan trọng nhất là phương pháp, là nhận thức. Đó chính là nền tảng của tư duy.

 

Nhưng tôi đã từng gặp nhiều người, nhận thấy họ nhận thức đơn giản rằng nếu làm việc này việc kia, lặp đi, lặp lại, làm miết rồi quen thì cần gì phải... học đại học, thậm chí là một ngành đòi hỏi tư duy cao như ngành luật. Họ cho rằng chỉ cần học qua loa, học cho có bằng cấp để xin việc làm. Như vậy là đủ, không cần phải trải qua những năm tháng dài, vất vả tại các trường đại học làm gì (???) Có lẽ theo quan điểm của họ, trường hợp nếu cần làm việc gì hoặc cần áp dụng pháp luật thì chỉ cần lên mạng tìm văn bản pháp luật, quy định ra và làm theo là được.

 

Nhưng bất cứ ai có học, có hiểu biết đều hiểu rằng đó là nhận định hết sức sai lầm. Con người ta khi sinh ra nếu không được giáo dục, đào tạo bài bản thì sẽ không có kiến thức, nhận thức và đặc biệt không phát triển được tư duy. Do đó, muốn có kiến thức bắt buộc phải học, dù học ở đâu - ở trường học, ở xã hội, qua bạn bè hay tự học...

 

Với nhận thức không đầy đủ, chính xác nên có lẽ họ không biết rằng nếu không được học hành, đào tạo căn bản, không có nền tảng nhận thức, tư duy thì không thể làm được việc gì hoặc làm việc không hiệu quả. Nếu làm theo kiểu bắt chước, máy móc thì việc nhỏ cũng khó, còn việc lớn lại càng không làm nổi.

 

Thực tế đã chứng minh rằng, người nào nếu được đào tạo, học hành bài bản làm việc gì cũng có thể tốt, giao nhiệm vụ gì cũng có thể hoàn thành, khó khăn đến mấy cũng có thể khắc phục được. Đối với những người chỉ làm việc theo quán tính, bắt chước, máy móc, rập khuôn thì chỉ cần một khó khăn, vướng mắc nhỏ cũng đa phần là không tự khắc phục được. Và như thế thì tất yếu làm việc gì cũng có nguy cơ thất bại, hoặc giải quyết công việc như gà mắc tóc.

 

Người có học, có nhận thức, tư duy làm việc gì cũng dễ hơn. Dù việc đó có khó đến mấy cũng có thể tìm cách vượt qua được, cho dù họ chưa từng làm. Những công việc đòi hỏi phải có trình độ, có tầm hiểu biết, kiến thức sâu rộng, có tính sáng tạo mà không có nền tảng tư duy thì hậu quả sẽ rất tệ. Nhất là đối với những người được giao nắm giữ các vị trí quan trọng, quyết định đến các vấn đề có ý nghĩa với đất nước, với xã hội hoặc liên quan đến sức khoẻ, tính mạng, nhân phẩm của người dân.

 

Nói cho cùng thì ở bất cứ cương vị nào, làm bất cứ việc gì cũng phải có “cái đầu”- đó là kiến thức, nền tảng tư duy. 

Vĩnh Linh