Muôn mặt cuộc sống 2011 qua thông điệp bạn đọc

(Dân trí) - Có lẽ ít năm nào dư luận lại sôi sục nhiều như vậy trước những vấn đề mới nảy sinh. Hàng ngàn, hàng trăm phản hồi được bạn đọc gửi tới sau mỗi thông tin nóng hổi cả về quốc nội và quốc tế, như những thông điệp phát đi từ cuộc sống muôn màu.

Muôn mặt cuộc sống 2011 qua thông điệp bạn đọc - 1
Cuộc đua giá - lương (minh họa: Ngọc Điệp)

 

Cuộc đua lương – giá và “điệp khúc lỗ”

 

Có một thực tế được hầu hết bạn đọc công nhận, đó là ở nước ta hầu như chẳng mấy ai dám mạnh miệng nói rằng mình sống được bằng lương. Vậy nhưng từ lâu đã tồn tại một nghịch lý khác: mỗi thông tin về việc chuẩn bị được tăng lương lập tức kéo theo vô số phản hồi… tiêu cực.
 
Không phải những người làm công ăn lương không muốn tiền trong túi mình nhiều hơn, mà điều khiến họ sợ tăng lương lại là những nỗi lo nào là “lương chưa tăng, giá cả đã tăng trước”, “lương tăng 1, giá cả tăng 10”… Cứ thế cuộc chạy đua giá đuổi theo lương được nhiều người ví như cuộc thi giữa thỏ và rùa, trong đó rõ ràng “thỏ - giá cả” không “mải vui đây đó…” như trong truyện ngụ ngôn, mà cứ cắm cổ chạy thục mạng khiến “rùa – lương” có cố mấy cũng không thể… nhìn thấy bóng dáng thỏ chứ đừng nói tới đuổi kịp hoặc vượt.
 

“Giá ơi thương lấy lương cùng…” – lời than thở đó chúng tôi đọc được ở rất nhiều ý kiến bạn đọc, song song với những kiến nghị cần có những thay đổi căn cơ về chính sách cán bộ và tiền lương, chứ cứ để bộ máy cồng kềnh tỉ lệ nghịch với hiệu quả công việc như hiện nay, thì dù có kêu gọi cải tiến bao nhiêu đi nữa cũng khó có thể thoát khỏi tình cảnh như Ngô Anh anhnm0808@yahoo.com.vn đã đặt câu hỏi: 

 

“Theo tôi thì cũng chẳng hy vọng có thay đổi gì. Túm lại là chỉ khổ người dân thôi. Các bộ, ngành, tổng công ty cứ làm việc của mình nhưng rồi cũng chẳng thông tin nào được công khai thực tế. Giá xăng dầu, giá điện..... đâu rồi lại vào đó. Cứ thế này bao giờ dân mới hết khổ???”

 

Một minh chứng cho nghịch lý giữa giá cả và tiền lương, giữa thu nhập với hiệu quả công việc còn được bạn đọc nhấn mạnh trước mỗi thông tin về đợt tăng giá mới của những “ông lớn” trong lĩnh vực kinh tế như xăng dầu, điện… mà lý do được các ngành cũng như bộ chủ quản thường đưa ra và bị người dân gán cho biệt danh “điệp khúc lỗ”.

 

“Điệp khúc lỗ luôn xuất hiện ở EVN, Vietnam Airlines, Petrolimex, TKV, xi măng, thép...Theo người dân, đó là kiểu làm ăn vẫn còn độc quyền của không ít DN Việt Nam được các bộ ngành bao bọc… Khi các doanh nghiệp máy bay, điện, xăng dầu đều có điệp khúc giống nhau "kêu lỗ để đòi tăng giá, tăng giá rồi lại kêu lỗ, lại tăng giá..." và các bộ chủ quản lại ra tay che chở, thì việc này theo chúng tôi, cũng có lỗi của Bộ Tài chính, Kiểm toán Nhà nước… đã không kịp thời chính xác các con số, thậm chí  còn có chuyện tiêu cực trong công tác kiểm tra…” - Ngô Đức Thọ: ngoductho@yahoo.com.vn.

 
Muôn mặt cuộc sống 2011 qua thông điệp bạn đọc - 2
 
Cảnh tắc đường, kẹt xe (ảnh từ Internet)
 

Gỡ nút thắt giao thông

 

Tình trạng giao thông rối như canh hẹ tại các thành phố lớn, nhất là Hà Nội và TP. HCM cùng các thông tin về tai nạn liên tiếp xảy ra trên khắp các tuyến đường quả đã tới lúc khiến người dân ai cũng như ngồi trên đống lửa rồi.

 

“Chán!”, “Nản!”,“Bó tay.com” là từ hay được bạn đọc dùng nhất để kết thúc mỗi bình luận về tình hình giao thông đã tới mức báo động cấp cao nhất ở nước ta.

 

Kinh nghiệm từ chính cuộc sống được nhiều người vận dụng để đưa ra những góp ý về giải pháp tháo gỡ những “nút tắc” về giao thông. Như Gia Huy giahuyvu@ymail.com nêu:

 

“Theo tôi, không thể khắc phục tình trạng ách tắc giao thông ở HN, TP.HCM... được vào thời điểm này hay 10-20 năm nữa, nếu chúng ta chỉ chăm chăm vào xử lý những vấn đề như: thay đổi giờ làm, phân luồng giao thông, mở rộng đường, di chuyển nhà máy trường học ra ngoại ô ...

 

Mà việc cần phải làm ngay từ bây giờ là:

 

1. Phổ cập luật giao thông vào từ trường tiểu học như là một môn học (sẽ tạo cho trẻ có ý thức tham gia giao thông từ nhỏ).
 
2. Tuyên truyền ý thức tham gia giao thông cho người dân từ xã, phường, cơ quan ...
 
3. Quản lý chặt những đơn vị được phép cấp bằng moto, oto .. (theo tôi được biết, đến 90% người có bằng lái moto không học luật, số lượng bằng lái oto cũng chẳng kém là bao - đa số là mua bằng).
 
4. Song song là những biện pháp đã nói nhiều trong thời gian gần đây.
 

5. Cuối cùng là phải có chế tài xử phạt thật nặng những đối tượng vi phạm giao thông: tăng số tiền xử phạt gấp 10 lần; giữ xe máy từ 3 tháng trở lên; oto từ 01 tháng (hình thức này sẽ làm giảm số lượng xe lưu thông).

 

Nếu làm tốt những vấn đề này thì trong khoảng 10 năm nữa giao thông ở VN sẽ hạn chế được rất nhiều nạn ách tắc và tai nạn. (Ghi chú: Ta hãy nhìn sang nước Nhật, với thảm họa động đất và sóng thần thì ý thức của dân họ như thế nào? không phải họ sinh ra là đã như vậy mà họ được giáo dục từ nhỏ đấy!)”

 

Nguyễn Văn Đài nvdai0202@hotmail.com cũng cho rằng:

 

“Nguyên nhân cốt lõi để giải quyết vấn đề kẹt xe nằm ở chỗ tốc độ tăng mật độ dân số là quá lớn, không kiểm soát được. Không thể đổ lỗi cho quy hoạch, không thể đổ lỗi cho quản lý giao thông hay xe cá nhân. Chúng ta đang thử giảm xe lưu thông, thay đổi giờ làm việc....Theo tôi, những điều đó sẽ không làm giảm kẹt xe đâu, mà có thể càng làm cho đời sống người dân đảo lộn vì sẽ càng làm tăng thêm chi phí sử dụng xăng dầu, điện nước, làm giảm năng suất lao động.

 

Giải quyết được vấn đề mật độ dân số ở TP. HCM và Hà Nội sẽ giải quyết được nạn kẹt xe thôi. Ngoài ra còn giải quyết được lạm phát, giá cả tăng cao vô lý, tham nhũng, chạy trường... Giảm tăng mật độ dân số ở 2 thành phố lớn, tăng mật độ dân số ở tất cả các tỉnh thành còn lại, sẽ tăng nguồn lực tổng hợp phát triển tài nguyên thiên nhiên tự có của từng vùng. Giải pháp chống kẹt xe phải thực hiện trong một giai đoạn dài, chứ không thể giải quyết ngay”.

 

Một gương mặt nổi lên được người dân đặt rất nhiều hy vọng sẽ tạo nên những chuyển biến tích cực trong lĩnh vực này là vị “Tư lệnh” mới của ngành GTVT – Bộ trưởng Đinh La Thăng. Rất nhiều bình luận bày tỏ ủng hộ những hành động kiên quyết của Bộ trưởng và chờ mong sẽ có những quyết sách mạnh mẽ, song cũng rất hợp tình, hợp lý của Bộ trưởng.

 
Muôn mặt cuộc sống 2011 qua thông điệp bạn đọc - 3
Lao động Việt Nam trở về nước sau những biến động tại Libya (ảnh: Bảo Chân, Hà Nội Mới)
 

Cầu nối VN

 

Có lẽ chưa có một tai họa tại một quốc gia nào lại tạo nên làn sóng xúc cảm lay động trái tim toàn thể nhân loại như thảm họa kép động đất và sóng thần xảy ra ngày 11/3 tại Nhật Bản. Với người dân Việt Nam, đây là tháng Ba sẻ chia đầy ý nghĩa:

 

“Từ 11/3, ngày nào tôi cũng xem tin tức về Nhật Bản, về thảm họa kép mà người Nhật phải hứng chịu mà hiện tại là nguy cơ nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1. Tôi cũng như nhiều người nín thở trông chờ người Nhật từng ngày khắc phục hậu quả thiên tai, nhất là biện pháp giải quyết nguy cơ của nhà máy điện nguyên tử” - Anh Vu Van:  a.vuvan@yahoo.com.vn bày tỏ.

 

Cũng liên quan tới lĩnh vực quan hệ quốc tế, những sự kiện xảy ra tại các nước có đông người VN sinh sống, học tập và lao động luôn thu hút được lượng lớn bình luận của  bạn đọc cả trong nước và từ nước ngoài. Đó là khi chiến sự nổ ra tại đất nước Libya xa xôi ở mãi tận Bắc Phi, nơi có hơn 10 ngàn lao động VN đang làm việc. Nước mắt lo ngại rồi cũng nhường chỗ cho nước mắt mừng vui khi tất cả đã được đưa về VN an toàn, để rồi lại được nối tiếp bằng những tỏ bày mong muốn nhà nước có thêm các chính sách hỗ trợ phù hợp cho người lao động trở về sớm ổn định cuộc sống.

 

Nguyễn Phan nphan743@gmai.com hướng về đất nước và người dân Libya: “Một dân tộc bị chia rẽ, nội chiến đau thương, dân thường chết chóc. Hy vọng từ nay  nhân dân Libya không ai phải chịu hoàn cảnh này nữa...”

 

Trong số những phản hồi từ nước ngoài gửi về, chiếm đa số là của bạn đọc Dân trí từ Hàn Quốc. Cũng dễ hiểu thôi vì xứ Kim Chi giờ là nơi có khá đông người lao động VN đang sống và làm việc. Mong muốn chung của anh chị em lao động cũng như các cô dâu VN tại đây là được sự quan tâm và hỗ trợ kịp thời, cụ thể hơn từ các cơ quan chức năng VN, nhất là của các cơ quan ngoại giao VN tại Hàn Quốc.  Nhiều người nhấn mạnh mong muốn "được quan tâm và cư xử như nhà chức trách các nước Philippines, Indonesia... đối với lao động nước họ".

 

Về quan hệ kinh tế, thương mại, Quang rangtchiatya_1986@yahoo.com cũng lưu ý: “Tôi sống tại HQ cũng đã được 5 năm rồi. Tôi thấy đúng là đã có những sự phát triển trong quan hệ để hai bên cùng có lợi. Nhưng những lợi ích trước mắt với chúng tôi thì chưa thấy rõ hoặc tình hình chưa khả thi lắm. Và ví dụ hàng VN xuất khẩu thì hầu như không thấy có mặt trên thị trường HQ đâu…”

 

Kiều Anh