Bạn đoc viết

Mua muối đầu năm - phong tục đẹp của người Việt

Cứ mỗi dịp Têt nguyên đán cận kề, cha ông ta thường dặn con cháu: “Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi”. Đặc biệt nhiều năm gần đây, mua muối đầu năm được nhiều gia đình người Việt ta chú ý, duy trì. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu được ý nghĩa của phong tục này.

Minh họa: Ngọc Diệp
Minh họa: Ngọc Diệp

Cứ mỗi dịp Têt nguyên đán cận kề, cha ông ta thường dặn con cháu: “Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi”. Đặc biệt nhiều năm gần đây, mua muối đầu năm được nhiều gia đình người Việt ta chú ý, duy trì. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu được ý nghĩa của phong tục này.

Năm nào cũng vậy, vào tháng Chạp, người ta thường thấy xuất hiện những xe vôi bán rong. Còn đầu xuân mới, những tiếng rao “ai mua muối không” vang lên len lỏi khắp hang cũng ngõ hẻm, mang đến một sự may mắn của năm mới. Ai ai cũng muốn mua một chút muối mặn mà lấy may đầu xuân. Khi mua muối, người bán thường đong bát đầy có ngọn thể hiện sự đầy đủ cả năm, còn người mua vui vẻ trả tiền không mặc cả. Có người còn mừng tuổi cho người bán muối với hy vọng người đó đem đến sự mặn mà, may mắn cho mình trong ngày đầu xuân mới.

Theo quan niệm xưa, muối có thể trừ tà ma. Muối còn mang về sự hòa thuận cho từng gia đình, tình cảm khăng khít, sự mặn mà trong quan hệ làm ăn. Cũng có người quan niệm rằng hạt muối là sự kết tinh cao, màu trắng trong hàm ý là sự sạch sẽ tinh khiết, cũng là biểu trưng cho mọi tình cảm tốt đẹp mặn mà. Hạt muối nhỏ nhoi nhưng mang nhiều ý nghĩa văn hóa thiêng liêng như thế. Chính vì lẽ đó, có người còn rắc muối gạo quanh nhà, đầu ngõ để xua đuổi những tà khí, mong muốn sự bình yên cả năm. Đầu xuân, các bà các chị đi lễ Tết đình chùa xong thường hay mua một gói muối với hy vọng mang may mắn về cho cả gia đình trong năm mới.

Ngược lại với muối, người ta thường kiêng mua vôi đầu năm với quan niệm vôi là sự bạc bẽo. Để tránh sự rủi ro, mọi nhà thường mua vôi cuối năm. Vôi dùng để quét nhà cho mới mẻ sạch sẽ, cũng là để xóa đi những sai lầm rủi ro của năm cũ, khởi đầu cho một năm mới tốt đẹp hơn. Mua vôi cuối năm vừa để quét vôi sạch sẽ nhà cửa, gốc cây, lại vẽ cung tên hướng ra cổng đuổi tà ma và vẽ lên sân ba hình vuông, bảy hình tròn, bởi các cụ quan niệm rằng:

Ba vuông sánh với bảy tròn

Đời cha liền với đời con sang giàu

Ở nông thôn vùng đồng bằng Bắc Bộ, hầu như nhà nào cũng có ông bình vôi. Ông bình vôi là vật thiêng trong nhà, lúc nào cũng phải cho ông ăn no uống đủ, nhưng vì “bạc như vôi” nên người ta thường cho ông “ăn” vào cuối năm.

Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi” là phong tục có từ lâu đời. Ngày nay do quan niệm “thoáng” của từng gia đình mà có người thực hiện, người không. Phong tục này mang yếu tố tinh thần. Các bà các chị mua vôi cuối năm để xua đi đen đủi, xóa bỏ sự “bạc như vôi” của năm cũ, đón xuân mới với gói muối mặn mà đem lại cảm giác yên tâm, tạo tâm thế phấn khởi bước vào một năm mới tràn đầy khí thế. Phong tục này vừa có nét đẹp riêng, lại không tốn kém hay mê tín dị đoan.

Lẽ nào lại không phát huy.

Nguyễn Thị Diệp

Hiệu trưởng THCS Di Trạch – Hoài Đức - Hà Nội)