Bạn đọc viết

Một số trăn trở về lễ hội

Hãy trả lại bản sắc vốn có và nhân lên nét đẹp văn hóa.của các lễ hội truyền thống


Minh họa: Ngọc Diệp

Minh họa: Ngọc Diệp

Kể từ khi công cuộc đổi mới đất nước đã tạo ra những bứt phá mạnh mẽ về kinh tế, xã hội và đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, nên bên cạnh một số lễ hội truyền thống từng bị mai một trong chiến tranh và thời bao cấp dần được khôi phục lại, thì có rất nhiều lễ hội vốn trước đây chỉ tổ chức trong phạm vi làng xã, đã từng bước mở rộng quy mô trở thành lễ hội cấp huyện, cấp tỉnh, thậm chí cấp vùng miền… cùng với đó là đường sá mở rộng, các phương tiện giao thông hiện đại phát triển đã càng làm cho sự phát triển của lễ hội.

Theo thống kê, nước ta hiện có gần 8.000 lễ hội, tức là mỗi ngày bình quân có tới hơn 20 lễ hội. Song thực tế cho thấy cùng với sự gia tăng của lễ hội lại không tương ứng với giá trị vốn có của nó, khiến rất hiếm tìm được lễ hội vẫn còn giữ được bản sắc riêng. Đó là những hiện tượng bất thường xa rời ý nghĩa nguồn gốc, với nghi thức trong lễ hội bị biến tướng, trở thành hủ tục mang mầu sắc mê tín, dị đoan… và mang xu hướng thương mại hóa ngày càng rõ.

Gần đây dư luận đã phải lên tiếng gay gắt về cảnh “hỗn chiến” cướp lộc tại Hội Gióng (Hà Nội); dứt lộc ngay trên bàn thờ tại lễ hội khai ấn Đền Trần (Nam Định); cảnh chen nhau cướp “chiếu thiêng” đến xước xát mặt mũi ở lễ hội “đúc Bụt” (Vĩnh Phúc); cảnh tranh cướp giành phết khiến một số người ngất xỉu ở lễ hội xã Hiền Quang (Tam Nông, Phú Thọ)… khiến hình ảnh về lễ hội đầu xuân đang bị nhìn nhận một cách sai lệch và méo mó. Hay ở các đền, chùa, lễ hội nổi tiếng như chùa Hương (Hà Nội), Bái Đính (Ninh Bình), Bà Chúa Kho (Bắc Ninh), Yên Tử (Quảng Ninh)…, người dân chen chúc như nêm, ai cũng len mình vào để gần Phật hơn để Phật thấu hiểu tấm lòng, thấu hiểu những điều mình cầu khấn.

Bên cạnh đó, sự đua chen tổ chức lễ hội một cách vô tội vạ, sự học tập, tiếp thu một cách xô bồ, thiếu chọn lọc của những thôn, làng, xã tại nhiều địa phương nước ta càng làm cho bộ mặt văn hóa lễ hội thêm méo mó. Ðấy là chưa tính chuyện, các địa phương còn đang có xu hướng thi nhau tổ chức các festival thu hút du lịch nhưng tổ chức không đến “độ” nên hiệu quả thu được chẳng là bao mà còn gây tốn kém, lãng phí… Cùng với quan niệm, ứng xử lệch lạc trong lễ hội có nguồn gốc từ việc hiểu sai, hay hiểu chưa đúng về ý nghĩa lễ hội, còn phải kể tới nhiều biểu hiện phi văn hóa khác như việc đốt vàng mã tràn lan... rồi hàng loạt các tệ nạn “ăn theo” như cờ bạc, trộm cắp, “chặt chém”, xả rác bừa bãi, những hành vi vô cảm, thiếu văn hóa như trèo lên tượng; mặc đồ “thiếu vải” vào nơi tôn nghiêm, tạo dáng không phù hợp với khung cảnh để chụp ảnh khoe trên Facebook, thậm chí cả tình trạng khắc chữ lên tượng phật…

Thiết nghĩ, diện mạo văn hóa của lễ hội chỉ có thể trở nên gần gũi với truyền thống khi người tổ chức, quản lý lễ hội và người tham gia lễ hội thật sự am hiểu về giá trị, ý nghĩa của lễ hội, từ đó điều chỉnh hành vi và có ứng xử văn hóa khi tham gia lễ hội. Việc tổ chức, quản lý lễ hội hiện đang đứng trước mâu thuẫn: người được đào tạo về chuyên môn tổ chức thì thiếu hiểu biết kỹ lưỡng về lễ hội, người am hiểu văn hóa lễ hội thì lại ít tham gia vào khâu phục dựng và tổ chức, dẫn đến lễ hội vẫn diễn ra nhưng càng lúc càng xa rời ý nghĩa và giá trị lịch sử.

Vì thế, để giữ gìn tính nguyên gốc của lễ hội, các cơ quan chức năng cần điều phối, ủy nhiệm và phân công các nhà nghiên cứu có tri thức về văn hóa lễ hội, những người có chuyên môn làm việc với ban tổ chức, giúp khẳng định đâu là giá trị cốt lõi của lễ hội ở địa phương mình, ai sẽ là người thực hành các giá trị đó và thực hành như thế nào để lễ hội gìn giữ, phát huy được nét đẹp văn hóa vốn có.

Ðể bảo đảm giá trị nhân văn sâu sắc và yếu tố tâm linh của lễ hội, cơ quan tổ chức lễ hội nên tuân thủ nghiêm ngặt về thời gian, địa điểm, nghi thức hành lễ, đạo cụ, trang phục, nội dung lễ hội. Khi phục dựng lễ hội, nhất thiết phải xác định các giá trị gốc, tiêu chí nhận dạng cũng như những biểu hiện đặc trưng của lễ hội, tránh làm sai lệch lễ hội mỗi lần khai thác.

Nhất là những vấn đề liên quan đến văn hóa càng không thể giải quyết vội vàng, vì thế, bên cạnh cơ chế xử lý tệ nạn trong lễ hội mang tính trực tiếp, tại chỗ, các cơ quan chức năng cần có kế hoạch dài hạn gắn liền với những biện pháp mang tính xây dựng đồng bộ. Chiến lược quan trọng nhất là cần đầu tư ngay cho việc đào tạo những người làm công tác quản lý, tổ chức văn hóa nói chung, cũng như những người hoạt động trong lĩnh vực quản lý lễ hội nói riêng. Bên cạnh đó, cần tập trung nhiều thời gian cho việc đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục cộng đồng. Bởi chỉ giáo dục, đào tạo lâu dài trên diện rộng mới có thể làm thay đổi căn bản nhận thức và hành vi của người tổ chức và người tham dự lễ hội. Có thế, lễ hội mới trả lại bản sắc vốn có và nhân lên nét đẹp văn hóa.

Minh Tư