Một góc nhìn khác về phim Rừng chắn cát

(Dân trí) - Lấy bối cảnh một trường THCS miền biển nghèo thanh bình, "Rừng chắn cát" đề cập những lỗ hổng quản lý và sự suy thoái đạo đức trong trường học, đồng thời phản ánh cuộc sống của giáo viên nghèo nông thôn với những trăn trở về nghề dạy học.

Rừng chắn cát” là bộ phim được dư luận chú ý, có nhiều đánh giá trái ngược. Người khen không ít mà kẻ chê cũng nhiều. Dưới đây, chúng tôi  xin góp một góc nhìn khác về bộ phim này.

Bộ phim  khai thác câu chuyện xúc động về những người thầy tâm huyết yêu nghề đã bám trụ tại một ngôi trường trên mảnh đất miền Trung, kiên trì mang lại con chữ cho các em thơ. Khó khăn vật chất không đánh gục được những người giáo viên tâm huyết. Những thiếu thốn về đời sống tinh thần càng làm con người thêm gần gũi, yêu thương nhau hơn. Vượt qua muôn vàn khó khăn vật chất và sự thiếu thốn tinh thần, những người thầy vẫn tâm huyết, bám trụ đến cùng để mang con chữ đến cho các em nhỏ. Họ là những giáo viên thực sự có Tâm, có Tài, tượng trưng cho những loài cây cắm rễ sâu vào lòng đất làm thành rừng chắn cát, chắn sóng, bảo vệ đất đai để trồng trọt và còn bảo vệ cả lương tri con người, bảo vệ sự tốt đẹp cho cuộc sống.

 Trên đây là những cái được của bộ phim, khán giả ghi nhận công sức đóng góp của tác giả kịch bản, đạo diễn và dàn diễn viên. Thế nhưng …
 

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí  qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

  Đây là bộ phim nhạy cảm viết về ngành giáo dục không thua kém gì chuyện “ biển Đông” chuyện “ Tiên Lãng” gần đây. Nhưng đây là kịch bản văn học, nhà văn, nhà đạo diễn cũng phải lấy chất liệu từ cuộc sống. Khi phản ánh họ không thể theo kiểu nói về chuyện “biển Đông” chuyện “ Tiên Lãng” được, mà phải phản ánh theo cách riêng của văn học là có phần hư cấu. Nhưng hư cấu như thế nào, mức độ hư cấu đến đâu là cần suy nghĩ? 

Thực tế ngành giáo dục của nước ta hiện nay có nhiều việc làm, nhiều con người bị xã hội phê phán, có nhiều bệnh nan y … Nói thực, thế cũng đã đủ làm cho chúng ta đau lòng, nhức óc, khổ tâm lắm rồi. Thế mà, trong xây dựng nhân vật, tác giả kịch bản Nguyến Thiên Vỹ còn thêm thắt làm cho mặt trái thêm phức tạp, lại được các đạo diễn đẩy họ lên thành nhân vật điển hình, và cực đoan hóa đến mức phi thực tế. Họ hiểu về người giáo viên, về thực tế nền giáo dục, về chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước như thế nào mà thêm vào một cách vô lý như thế?
 
Đánh giá về bộ phim này, đạo diễn Triệu Tuấn - một trong hai đạo diễn của phim cho biết: “Đây là một câu chuyện rất hay về vùng sâu, vùng xa. Bộ phim giản dị nhưng lại toát lên nhiều nội dung về tình người, khát vọng vươn lên của những giáo viên trẻ và của những người tiến bộ. Thông điệp quan trọng nhất mà bộ phim mang lại là: Tất cả vì  học sinh thân yêu, tất cả vì tương lai con em chúng ta". “Cái Đẹp ở đây là cảnh quan và con người. Một cái Đẹp không tô vẽ”. 

Đúng! Cái Đẹp không tô vẽ, nhưng cái xấu thì hai ông “điển hình hóa” có phần có phần cực đoan thành phi thực tế. Thương ngành giáo dục, vì học sinh, vì nhà giáo mà thương kiểu này lại bằng mười hại nhau mà thôi. Đa phần phụ huynh, học sinh xem xong bộ phim họ cười vì chất “hề” mà các đạo diễn mang lại qua các nhân vật tiêu cực, nhất là nhân vật Thái, Lãng… Là CBGV, chúng tôi rất khó chịu khi có người bôi nhọ quá mức như thế đối với ngành Giáo dục và người thầy.
 
Thực tế hiện nay vẫn có nhiều trường tổ chức dạy và học tốt, có môi trường giáo dục lành mạnh. Ở đây học sinh, phụ huynh sẽ nghĩ gì về người thầy, về giáo dục khi xem xong bộ phim này? Trẻ bắt đầu hư khi biết về người lớn. Trẻ biết trường học có tiêu cực, có thầy cô thiếu gương mẫu đã tự làm méo nhân cách do bộ phim đem lại. Xem phim này xong, các em được phóng to cái hư của thầy cô, của nhà trường lên bội phần. Với các em cái xấu tác động đến tâm lí, tình cảm nhiều hơn điều tốt. 

Hư cấu trong văn học là cho phép nhưng cũng phải có chừng mực, có ngưỡng của nó. Hư cấu đến mức khó chấp nhận, đến mức tuỳ tiện, phi thực tế thì không nên và sẽ đem lại những hệ quả đáng tiếc.
 
Tôi đơn cử mấy chi tiết phi thực tế:
 
  - Hiện nay,  không thể có một giáo viên nào như nhân vật Thái, mua sỉ sáng kiến kinh nghiệm rồi ngang nhiên bày bán sáng kiến kinh nghiệm trước sân kí túc như dân hàng tôm, hàng tép bày bán hàng ở chợ. Thái xun xoe, nịnh bợ cấp trên quá lố bịch.

  -Việc thành lập chi đoàn học sinh ở trường THCS không còn tồn tại nhiều năm nay, thế mà Hiệu trưởng Bảo vẫn yêu cầu chi đoàn lớp 8 đi lao động.

  - Đặc biệt, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo làm gì có thẩm quyền để bổ nhiệm Hiệu trưởng trung học cơ sở, mà việc đó đã phân cấp cho Chủ tịch UBND huyện làm. Lỗi này do tác giả kịch bản hay đạo diễn “sáng tạo” ra? 

  -Trên cả nước Việt Nam hiện nay chưa hề có khu rừng nào do trường THCS trồng và quản lí, tự bán với giá 27 tỷ đồng như thế. Kế toán và hiệu trưởng tham ô tiền tỷ?
 
  - Chưa có một Hiệu trưởng nào được tự ý bán cả khu rừng mà không có sự bàn bạc với chính quyền địa phương. Việc xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm tài sản hiệu trưởng không thể tự ý làm được như ông Bảo trong phim.

  - Một trường như THCS Hải Xuân có bao nhiêu lớp, bao nhiêu CBGV NV (đến lớp 9E tức khối 9 có 5 lớp, cả trường có khoảng 16-20 lớp thì CBGV NV phải có khoảng 35-40 người ). Thế mà, khi nào họp Hội đồng GV cũng chỉ trên dưới mươi lăm người mà thôi?

  - Sinh hoạt, hội họp của Hội đồng CBGV lúc nào cũng như chợ, nói năng hành xử vô văn hoá như vậy, chắc chỉ có cái trường mà các tác giả, đạo diễn nghĩ ra mà thôi.

  - Cách ăn nói, hành xử giữa Hiệu trưởng và giáo viên ít có như ở THCS Hải Xuân…v.v…và v.v….
 
Một góc nhìn khác về phim Rừng chắn cát
Quay 1 cảnh phim “Rừng chắn cát” (ảnh: vtv.vn) 

 Hãy nghe tác giả tâm sự với một phóng viên:

   - PV: Có người cho rằng, anh cố ý gom hết cả những tiêu cực của ngành GD vào một ngôi trường nên đã có quá nhiều những hình ảnh gây bức xúc, cảnh “nóng” và nó được diễn tả có phần phi thực tế. Anh nghĩ gì về điều này?

    - Tác giả Nguyễn Thiên Vỹ: Đúng là tôi muốn đưa bức tranh GD cả nước vào trong trường Hải Xuân. Những gì đang diễn ra ở Hải Xuân là sự gom nhặt những tiêu cực, tích cực của mọi nơi nên các nhân vật ở hai tuyến tương đối nhiều, đạo diễn rất mệt. Lâu nay, tiêu cực của ngành GD ít được nói đến, nay bộ phim này nói đến nhiều (và có phần quá lên một tý). Dư luận xã hội có người đồng tình, có người không nhưng tiêu cực dù nhỏ cũng phải được bóc trần, phê phán. Quá trình làm phim, đạo diễn muốn đẩy các tình huống lên cho thật triệt để, gây ấn tượng (như là cảnh ngôi nhà ông Bảo, nhân vật thầy Lãng đánh trống trước giờ khi có đoàn thanh tra và nhạo báng hiệu trưởng trước mặt học sinh, giáo viên trẻ nhịn ăn vì lương ít nên bị ốm, kế toán và hiệu trưởng tham ô tiền tỷ, xã hội đen tung ảnh khắp làng…) nên đã có phần phi thực tế. Người viết kịch bản nắm hết lai lịch nhân vật từ đầu đến cuối trong một không gian sống nhất định, nhưng đạo diễn thì lại muốn đẩy họ lên thành nhân vật điển hình. 

Nguyễn Thiên Vỹ, tác giả “Rừng chắn cát” sinh năm 1980. Anh tốt nghiệp khoa Ngữ văn, ĐH Vinh và được nhận về Hà Tĩnh. Anh dạy học ở một trường cấp 2 hẻo lánh của huyện Lộc Hà. Nhiều tình tiết trong phim “Rừng chắn cát” là chuyện có thật đã xảy ra với chính tác giả trong 3 năm anh theo nghiệp trồng người. Tác giả phân trần tính phi thực tế: "Trong kịch bản tôi nói nhẹ hơn”. Còn liệu các đạo diễn hiểu biết được bao nhiêu về ngành giáo dục, về nhà giáo mà "cả gan" đưa vào phim những cảnh phi thực tế, gây “giật gân”, gây “sốc” cho nhiều người như thế?

Đạo diễn Triệu Tuấn đã có hai phim hay về đề tài giáo dục: "Cổng trường thời mở cửa" và bộ phim ngắn 1 tập mang tên “Những chuyến đò ngang” (phim đã được Huy chương bạc Liên hoan Truyền hình toàn quốc năm 2004). Ở phim "Cổng trường thời mở cửa" thì đối tượng phản ánh mở rộng tới cả học sinh các cấp, các tầng lớp phụ huynh học sinh, các đối tượng bên ngoài ngành giáo dục, những "cò' thi hộ, thi thuê, chạy trường, chạy điểm… Người xem hai bộ phim trên đều dễ chấp nhận mặc dù cũng nói về tiêu cực trong ngành giáo dục nhưng nói hay, nói đúng. Chỉ nói quá, nói phi thực tế như “Rừng chắn cát” thì ai cũng khó nghe, khó chịu khi xem.
 
Ở phim “Rừng chắn cát” mặt hạn chế của phim đã làm giảm đi phần hay, phần đẹp của nó. Tôi đồng tình với nhận xét của đạo diễn Triệu Tuấn: “Không ai có thể nắm bắt được hết “tâm lý khán giả”, nhưng người làm phim phải biết hướng tới khán giả với một cảm xúc cao nhất. Khi cảm xúc của nhà làm phim hòa chung với cảm xúc người xem, thì bộ phim chắc chắn thành công” . Triệu Tuấn “nói zậy mà chưa làm được zậy” đối với phim “Rừng chắn cát”. Vì nếu trung thành với cách nghĩ như thế của Triệu Tuấn, chúng ta mong chờ những phim hay về giáo dục do đạo diễn Triệu Tuấn dàn dựng.

Cảm ơn Nguyễn Thiên Vỹ, bằng tác phẩm của mình đã dũng cảm cất lên tiếng nói phê phán những tiêu cực trầm kha trong ngành giáo dục. Tác giả còn thời gian dài phía trước, sức viết còn dồi dào, mong rằng anh hãy cẩn trọng khi nói về các mặt trái của ngành giáo dục. Các đạo diễn hãy hiểu nhiều và hiểu sâu hơn nữa về ngành giáo dục để có những cống hiến mới khi làm phim về giáo dục.

                                                Quốc Thường-Quốc Châu 

                 (Đ/c: Lê Quốc Châu-Trường THPT Cù Huy Cận-Vũ Quang-Hà Tĩnh)

 

LTS Dân trí-Chúng ta hoan nghênh các tác giả làm phim “Rừng chắn cát” đã nhiệt tình và dũng cảm đi vào đề tài nói lên nhiều mặt tiêu cực khá phổ biến hiện nay trong ngành giáo dục. Cũng vì vậy mà bộ phim được nhiều người chăm chú theo dõi và tỏ thái độ đồng tình, tán thưởng. Tuy nhiên, cũng không ít người, nhất là trong ngành không đồng tình với việc xây dựng những “nhân vật điển hình”  cũng như một số “tình huống điển hình” có phần cường điệu rất xa lạ với đời sống thực tế, cho nên khó chấp nhận, như bài viết trên đây đã đóng góp ý kiến.
 
Mong rằng các tác giả bộ phim lưu tâm những ý kiến đóng góp có căn cứ khách quan để đạt được kết quả trọn vẹn hơn khi đi vào đề tài giáo dục, một lĩnh vực thu hút  sự quan tâm của mọi người và mong muốn lĩnh vực hoạt động đó sớm khắc phục được những mặt yếu kém để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang “trồng người” vì tương lai của thế hệ trẻ  và hạnh phúc của mọi gia đình.