Bạn đọc viết:

Môi trường văn hoá nơi công cộng đang bị ô nhiễm?

(Dân trí) - Hà Nội xưa - mảnh đất kinh kỳ nghìn năm là nơi kết tinh nét đẹp văn hoá truyền thống. Hà Nội nay - hiện đại hơn nhưng bề dày văn hoá đang có nguy cơ mai một. Biểu hiện là tình trạng thiếu văn hoá nơi công cộng diễn ra tràn lan.

Văn hoá ứng xử bao gồm văn hoá giao tiếp và văn hoá hành động. Xét theo hai phạm trù này thì thực sự môi trường văn hoá ứng xử nơi công cộng ở Hà Nội đang bị ô nhiễm với những biểu hiện muôn hình vạn trạng.

 

Người Hà thành xưa rất coi trọng văn hoá giao tiếp, nếu ai nói điều gì sằng bậy thì chỉ sợ người khác biết mà chê cười. Còn nay, ra đường là chúng ta nghe nhan nhản những lời nói thiếu lịch sự, thô thiển, tục tĩu. Nhiều người buông lời chửi bậy giữa chốn đông người mà không hề cảm thấy xấu hổ, ngượng ngùng. Theo nghiên cứu của một chương trình điều tra về văn hoá giao tiếp ở Hà Nội năm 2010, có 53% dân số Hà Nội nói tục. Không ít người tỏ ra “hãnh diện” với những từ chêm xen lệch chuẩn. Nạn chửi bậy cũng diễn ra ở nhiều nơi nhất là khu vực đường phố, chợ búa. Tình trạng tranh giành vị trí bán hàng và khách hàng rất phổ biến. Khi đi chợ hỏi giá mà không mua hay giữa chốn đông người, nếu vô tình va chạm bạn cũng có thể trở thành nạn nhân của những lời quát tháo, chửi bới rất thiếu văn hoá. Trước sự xúc phạm thô thiển đó, nạn nhân chỉ có cách “Im lặng là vàng” nếu không có thể bị lãnh luôn thói côn đồ, bạo lực. Tục ngữ có câu: “Lời nói chẳng mất tiền mua” nhưng hình như ta nhận được nhiều ngôn ngữ “rác” hơn là những lời nói vừa lòng trong xã hội hôm nay.
 
Môi trường văn hoá nơi công cộng đang bị ô nhiễm? - 1
(ảnh minh họa - nguồn ảnh: sggp.org.vn)
Ngày nay, ở Hà Nội văn hoá hành động cũng là vấn đề đáng báo động. Điển hình là tình trạng chen lấn, xô đẩy để tranh giành ghế; không nhường chỗ cho phụ nữ mang thai, người già và trẻ em trên xe buýt. Trong các cuộc họp, bệnh viện không ít người mở chuông điện thoại rất to và nói chuyện oang oang không để ý đến thái độ của mọi người xung quanh. Vào giờ cao điểm, nếu tắc đường thì rú còi inh ỏi hoặc lao thẳng lên vỉa hè. Lời xin lỗi dường như là một điều xa xỉ nếu chăng may xảy ra quẹt xe, va chạm. Vấn đề phổ biến nhất là vứt rác bừa bãi ra đường phố hay hút thuốc lá phì phèo nơi công cộng. Bên cạnh đó, có người vô tư thể hiện tình cảm thái quá ở công viên hoặc ăn mặc phản cảm làm nhiều người thấy đỏ mặt thay…Trước thực trạng ứng xử thiếu văn hoá này, nhiều người Hà Nội cảm thấy băn khoăn, lo ngại cho những giá trị văn hoá đang bị phôi pha theo nhịp sống đương đại gấp gáp. Cô Lê Thị Phượng là người Hà Nội gốc ở quận Cầu Giấy băn khoăn: “Người Hà Nội có cốt cách và bề dày văn hoá thanh lịch thẳm sâu, vô hình mà bền bỉ theo thời gian. Còn nay, người Hà Nội đã bị pha tạp rất nhiều, đạo đức xuống dốc, ứng xử thiếu văn hoá đă làm mất đi khá nhiều vẻ đẹp của mảnh đất kinh kì. Cái tốt vẫn còn nhưng cái xấu ngày càng nhiều hơn. Xã hội hiện đại nó thế mình cũng không thể thay đổi được gì”.

 

Suy đến cùng, hai vấn đề quan trọng nhất của một quốc gia là kinh tế và văn hoá. Văn hoá có phát triển tương xứng với kinh tế thì đất nước mới có thể phát triển bền vững. Nghị quyết Hội nghị lần thứ V Ban Chấp Hành TW khoá VIII khẳng định: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội”. Nếu văn hoá ứng xử không được quan tâm thì sẽ tạo lỗ hổng lớn trong nền văn hoá Việt Nam nói chung và văn hoá Hà thành nói riêng. Vấn đề đặt ra là phát triển kinh tế phải đi đôi với giáo dục văn hoá. Bởi lẽ, trong thời đại kinh tế thị trường, lối sống đô thị du nhập kéo theo nhiều tiêu cực làm những giá trị tốt đẹp bị nghiêng đảo. Gần đây còn có hiện tượng lập ra “Cẩm nang chửi bậy” hướng dẫn chửi bậy và chấm điểm theo mức độ, được nhiều người hưởng ứng. Thế nên, trong một cuộc họp bàn về xây dựng nếp sống văn hoá mới một nhà nghiên cứu cho rằng: Ứng xử nơi công cộng là một vấn đề lớn đặt ra trong việc xây dựng người Hà Nội văn minh, hiện đại.

 

Văn hoá ứng xử và văn minh giao tiếp là cả một nghệ thuật, một khoa học nhân bản giúp con người hoàn thiện nhân cách. Thiết nghĩ, để có được nếp ứng xử văn hoá trước tiên phải xây dựng được những con người văn hoá, sống có bản lĩnh, cốt cách và lòng tự trọng. Văn hoá sẽ là cái phanh giúp người ta dừng lại trước cái xấu, sự tầm thường. Khi con người ý thức được mình đang nâng giữ một phần tốt đẹp thì tức khắc họ sẽ có cái chuẩn để sống và không dễ dàng ứng xử thiếu văn hoá mà không thấy xấu hổ. Đó là bài toán lớn cho kế hoạch giáo dục văn hoá công đồng. Văn hoá ứng xử đẹp không thể sinh ra từ một tâm hồn và trí tuệ nghèo nàn, đó là kết quả của quá trình nhận thức, hoàn thiện không ngừng. Do vậy, người Hà Nội hôm nay cần chủ động nhập thân văn hoá, có nghĩa là phải tích cực vươn tới văn hoá, trau dồi văn hoá. Quan trọng nhất là phải biến ứng xử đẹp thành năng lượng cuộc sống. Nó không chỉ điều chỉnh hành vi của mình mà còn truyền sang người khác và phát huy không ngừng. Đó là hạt nhân của ứng xử đẹp nơi công cộng. Có như vậy, chúng ta mới có thể nhẹ nhõm niềm tin:

                                 

 “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài

   Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”.

 

thu le
(lethu2607ajc@gmail.com)