Minh bạch giá xăng dầu - niềm tin gửi vào Bộ trưởng Huệ

(Dân trí) - Sau những việc làm cụ thể của Bộ Tài chính với “chú ngựa bất kham” xăng dầu, tâm tư, nguyện vọng của người dân đã được thỏa mãn phần nào. Nhưng điều mà người tiêu dùng cần nhất lúc này là việc giảm giá và minh bạch giá xăng dầu.

Bạn Phan Viet Hung gửi gắm: “ Tôi là học sinh cũ của Bộ trưởng, Bộ trưởng nguyên là tiến sỹ, trưởng khoa Kế toán của Trường Đại học tài chính kế toán HN, Tôi rất tin tưởng Thầy giáo của Tôi, tính Thầy đã nói là làm. Chúng ta sẽ có nền tài chính lành mạnh, góp phần xây dựng một xã hội tốt đẹp”.
 
“Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng nói kinh doanh xăng dầu lỗ, trong khi đó Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ nói không lỗ mà có lãi. Ông Huệ với kinh nghiệm làm kiểm toán lâu năm đã đúng” - Trần Mạnh Kiên khẳng định.
 
Minh bạch giá xăng dầu - niềm tin gửi vào Bộ trưởng Huệ - 1


Bộ trưởng Bộ Tài Chính Vương Đình Huệ (ảnh: internet)

Nói thay ý kiến của rất nhiều người, bạn Nguyen Van Hong cho rằng “ Rất vui vì Bộ trưởng Huệ đã làm được một việc đã hứa, song đó mới chỉ là kiểm tra. Còn việc cần thiết nhất đối với nhân dân bây giờ không phải là nghe giải thích, họ không quan tâm nhiều đến việc kiểm tra nữa mà là GIẢM GIÁ, có giảm được giá thì cuộc Kiểm tra của Bộ trưởng mới có hiệu lực. Nếu không thì lại rơi vào tình trạng đánh trống bỏ dùi!”

Thuốc đắng dã tật
 
Cho rằng vấn đề xăng dầu, điện là rất nhạy cảm, bạn Tran Van Truong nói lên quan điểm: “Theo quy luật thị trường, khi người ta làm ăn thua lỗ thì phải cơ cấu lại, hạn chế mở rộng sản xuất. Đằng này ngành xăng dầu đầu tư rất mạnh tay, mở nhiều đại lý, mục đích là gì chắc mọi người đều biết - vì phần trích hoa hồng cho các đại lý. Nếu mà là tập đoàn tư nhân thử xem có như vậy không? Thực ra hoa hồng là hình thức lách luật hợp pháp. Tại sao việc này để xảy ra lâu như vậy mà bây giờ mới làm, phải chăng có gì khuất tất phía sau? Mong Chính phủ làm sáng tỏ cho nhân dân được biết. Nếu người đứng đầu doanh nghiệp làm sai, để sai phạm kéo dài thì cần cách chức, truy tố. Có như thế mới làm gương cho các ngành khác, chứ nói xong rồi lại bỏ đấy thì nhân dân mất lòng tin.”

Bạn Ha Nam Ninh nêu ý kiến: “Lỗ hay lãi ở các doanh nghiệp nhà nước là do hạch toán, lúc cần thì báo lãi, lúc không cần thì báo lỗ vì họ có khoản chi phí rộng lớn mà thiếu sự kiểm soát để điều chỉnh. Chỉ buồn rằng họ cứ nói phục vụ quốc kế dân sinh, nhưng lúc xăng dầu thế giới chuẩn bị tăng giá là họ găm hàng không bán, bất chấp các hợp đồng đã ký với khách hàng. Vì họ chiếm 65% thị trường nên họ có quyền không bán, gây nên khan hiếm giả tạo, mặc kệ kinh tế xã hội xáo trộn. Trong khi đó mua của các công ty đầu mối khác thì vô tư. Chỉ còn 1 cách là thả họ ra buộc phải tự bơi trên thị trường”.

“Hôm họp bàn về giá xăng dầu (gồm Petrolimex, Bộ Tài chính và Bộ Công thương), Thứ trưởng Bộ Công Thương đã trách Bộ Tài chính vì sao lại bắt ép các DN đầu mối xăng dầu giảm giá trong khi đang bị lỗ. Bộ Tài chính khẳng định thời điểm ấy các DN đã có lãi. Ông Huệ hỏi ông Tú vì sao ông nói thế? Và thưa bà con cô bác, Ông Tú trả lời rất hồn nhiên " Vì các DN xăng dầu báo cáo thế". Tôi thử hỏi: vậy có Bộ Công Thương là để làm gì? Mấy lần xăng dầu găm hàng, rục rịch lên giá, Ông Tú lên tivi phát biểu rất hùng hồn  Xăng dầu trong nước không thiếu, Bộ Công Thương sẽ phạt những DN nào găm hàng và nhất quyết không cho xăng dầu tăng giá thời điểm nhạy cảm này". Và kết quả là sáng ngày hôm sau xăng dầu đã tăng. Đề nghị Bộ Công Thương vì lợi ích của hơn 80 triệu người dân hơn là lợi ích của mấy DN xăng dầu” – Dung Giang chua chát
 
Minh bạch giá xăng dầu - niềm tin gửi vào Bộ trưởng Huệ - 2


Điều người dân mong đợi nhất là việc giảm giá xăng dầu
(Ảnh minh họa: internet)

Chẩn bệnh kêu lỗ

“Xăng dầu lỗ thì có muôn vàn lý do lỗ. Nhưng không thể thiếu một lý do rất to là các bác xăng dầu cũng đá nhiều sân lắm. Đơn cử như dịp bất động sản đang nóng, các bác ấy đua nhau mở công ty xây dựng rồi là các dự án chung cư, khu công nghiệp..... Mà làm những việc đó thì tiền ở đâu ra? Nào là tất cả các nguồn trong ngành, vay NH, huy động của các tổ chức và cá nhân, tiền ngân sách Nhà nước... Mà nhà nước thì đương nhiên là của dân rồi. Tất cả các lý do trên lại đúng vào thời kỳ suy thoái, lạm phát cao, các NH siết chặt tín dụng........Thế thì làm gì mà không lỗ cơ chứ”, độc giả Nguyễn Tâm cho rằng việc đầu tư dàn trải là một trong những nguyên nhân gây lỗ của những “ông lớn” xăng dầu.

“Chẳng có ai không biết rằng các ông xăng dầu lỗ như thế nào cả. Nếu lỗ chẳng dại gì mà cây xăng cứ mọc lên ầm ầm, chẳng có lẽ người ta thấy lỗ mà cứ lao vào chịu lỗ cả"” - Thọ.

Phạm Văn Cường còn chỉ rõ bất cập của việc tính thuế GTGT với mặt hàng xăng dầu: “Buôn bán xăng dầu còn một vấn đề nữa là thuế GTGT 10% (tính ra gần 2.000 đ/ lít), thông thường thuế này bán cho khách hàng là người dân, các đại lý cây xăng không bao giờ xuất hóa đơn. Sau đó dùng số lượng bán ra này xuất hóa đơn cho các công ty vận tải, hoặc các công ty có nhu cầu lấy tiền thuế bỏ túi. Tôi nghĩ Bộ Tài chính nên bỏ thuế GTGT đối với mặt hàng xăng dầu thì hợp lý hơn, giá sẽ giảm, người dân được nhờ ....Người dân trả tiền thuế cho nhà nước nhưng tiền lại rơi vào túi các doanh nghiệp.”

Tỏ ý nghi ngờ về chất lượng xăng hiện nay, Hoàng Thành phân tích: “Khi xăng nhập về, xăng vốn chưa có màu sắc (không màu), rồi thì muốn A92 có 92, muốn A95 thì có 95. Nhưng tỉ lệ pha màu đó chỉ có mấy ông doanh nghiệp trực tiếp làm, pha đúng hay sai là việc của họ, kiểm định thì dễ không ấy mà.  Khi bơm xăng thì vòi cắm tận trong két xăng, ai mà nhìn được màu gì. Xanh hay vàng? Việc xe máy gần đây hay bị cháy nổ có thể cũng do xăng mà ra thôi, những cây xăng nhỏ, do tham lam đã tiếp tục pha lại xăng, làm tăng trị số kích nổ của nhiên liệu, giảm chất lượng động cơ, tốc độ mài mòn, thoái hóa của vật liệu tăng nhanh. Dẫn đến rò rỉ, tích tụ, đen đủi gặp đúng lúc hở tí điện là... ôi thôi!”

“Từ việc giá điện, xăng dầu tăng lên một chút là giá các mặt hàng ngoài thị trường lại có dịp "té nước theo mưa" và còn tăng nhiều hơn so với giá điện. Có phải xăng dầu, điện là một trong những nguyên nhân gây lạm phát không? Nếu ngành xăng dầu và điện hoạt động hiệu qủa liệu giá có cao tới mức đó không? Có gây ra tình trạng lạm phát như trong vài năm qua không?” – Bình Minh

Nhấn mạnh sự cần thiết đầu tư cho nghiên cứu khoa học công nghệ trong lĩnh vực này, độc giả Anh Quang chỉ rõ: “Tại sao những ngành có vốn lớn như điện lực, xăng dầu không đầu tư vào nghiên cứu KHCN để hoạt động sản xuất hiệu quả hơn để có thể sản xuất thiết bị máy móc, thay thế hàng nhập khẩu...??? Hay đơn giản chúng ta chỉ là nước tiêu thụ sản phẩm của nước ngoài, làm giàu cho nước ngoài??? Ngành KHCN của chúng ta đang thua trên trường quốc tế. Tôi nhớ đã đọc 1 bài viết nói về 1 nhóm học sinh ở miền Tây có phát minh ra cách xử lý dầu tràn đạt giải nhất về KHCN ở Việt Nam, mà cuối cùng không có tiền ra Hà Nội nhận giải. Bộ GD-ĐT, KHCN...cũng "nghèo" quá không có tiền cho các em đi thi quốc tế. Các vị có thấy cần phải suy nghĩ cho việc này không ???”

Khả Vân