Lương thấp - mức sống cao: Truy tìm nguồn tiền không khó!

(Dân trí) - Các trọng điểm được bàn luận sôi nổi nhất trên diễn đàn Quốc hội về Phòng chống tham nhũng cũng là những vấn đề luôn được cử tri rất quan tâm. Tuần qua, nghịch lý lương thấp – mức sống cao trở thành chủ đề thu hút lượng phản hồi kỷ lục.

(minh họa: Lao Động)
(minh họa theo: Lao Động)

 

Giàu từ bí mật sang... lộ liễu

 

Được đa số bạn đọc bày tỏ tâm đắc nhất là phát biểu của Đại biểu Bùi Thị An khi  bà thẳng tay “chiếu tướng” lối sống xa hoa của không ít “công bộc” của dân, dù mặt bằng lương chung của CBCNV vẫn đang bị kêu là không đủ sống. Cũng trên cơ sở đó, bạn đọc xoáy sâu hơn vào hiện tượng thay vì “áo gấm đi đêm” trước đây, thì ngày nay không ít vị giới chức còn công khai phô trương sự giàu, sự sang của mình, gia đình mình…Mà nguyên do chắc có phần đúng như nhận xét của 1 bạn đọc: Họ có sợ gì đâu!

 

“… Đúng như nhiều bạn nói 3 từ "giàu lộ liễu"… giờ không ít người trong số họ thật ngông quá rồi. Trong khi mình được biết phần đông các cán bộ chỉ xây nhà dưới 2 tầng thôi, còn lại phải ẩn "tiềm lực tài chính" của mình bằng nhiều cách khác nhau. Có như thế mới bịt được mắt dân. Nhưng có vẻ giờ đây "tham nhũng" trở nên phổ biến và quen thuộc quá trong xã hội nên người ta chẳng ngại "phô" nữa rồi chăng?” - Đoàn Văn Đức:  taonon@yahoo.com.vn

 

Tất nhiên không thể vơ đũa cả nắm, bởi đúng là cũng có những người giàu bằng các nghề tay trái hợp pháp. Nhưng sống chung trong cộng đồng, ai làm giàu chính đáng, ai có nguồn tài sản bất mình, giàu phất lên 1 cách bí hiểm để rồi có cuộc sống xa hoa vượt qua khả năng tài chính chính đáng của mình và gia đình, thì hơn ai  hết, dân là người hiểu rõ nhất:

 

“Phải trả lời cho được câu hỏi: Ai có thể tham nhũng? Đó là công chức nhà nước và cũng chỉ có công chức nhà nước mà thôi. Công chức càng to chức, tham nhũng càng nhiều. Nếu chỉ sống bằng lương, công chức chỉ là những người sống rất đạm bạc (Kể cả lương 15 triệu đồng/tháng) vì còn phải nuôi con, phụng dưỡng cha mẹ. Ngược lại, ở nước ta hiện nay chỉ cần có chức từ chủ tịch xã, trưởng phòng trở lên là có thể sống… "đế vương" rồi. Không tham nhũng thì lấy đâu ra? Đất nước ta có rất nhiều lợi thế so sánh để phát triển, nhưng từ khi Đổi mới (1986) đến nay GDP hàng năm chưa bao giờ tăng quá 10%. Theo chúng tôi nghĩ, nguyên nhân là do tham nhũng” - Lam Giang:  c3kimlienchuan@gmail.com

 

Và những cách thức cụ thể để “kiếm tiền không khó” từ những người lương thấp – mức sống cao, theo tai mắt nhân dân, có thể cụ thể hóa thành các chiêu trò như sau:

 

“1. Lương công chức 5-10 tr/ 1tháng, nhưng có thể  thu nhập thêm rất lớn từ các khoản:

 

+ Cán bộ phụ trách duyệt dự án, xác định đơn giá đất, “chạy” chuyển đổi mục đích sử dụng đất có  thể nhẹ nhàng kiếm vài chục ngàn USD cho một thủ tục, trong khi một dự án phải chạy rất nhiều thủ tục mới xong một dự án.

 

+ “Kênh” 20-30% giá trị thực cho mỗi dự án để chủ đầu tư, giám sát, thi công cùng hưởng.

 

- Tiếp giám đốc doanh nghiệp tư nhân: mỗi lần quan chức ngồi tiếp 5-10 phút, có thể sẽ được lót tay phong bì 5-10 ngàn USD.

 

+ Chạy việc, chạy chức, chạy quyền. Muốn vào công chức ở cửa bình thường, đa phần dân phản ánh là cũng phải chi lót tay 10-15 ngàn USD.

 

+ “Bảo kê” cho buôn lậu, nhà hàng và nhiều hơn nữa” - Lê Đức Anh:  anh@gmail.com

 

Nhiều “chuyện bây giờ mới kể” cũng được dịp chia sẻ:

 

“Đầu những năm 2000, tôi công tác tại phía Nam, dịp tết do quen biết  nên tôi được đi nhờ xe hơi của các vị cán bộ tỉnh ra HN. Theo sau chiếc xe con là một xe tải chở 5 cây hoa Mai để làm quà biếu tết cho mấy cán bộ ngoài HN. Thời ấy giá mỗi cây Mai thế khoảng 20 triệu đồng. Đến địa phận Huế, xe nghỉ tối ăn cơm, tôi buột miệng nói : Các anh làm hư hỏng cán bộ đấy. Nếu là em, số tiền bán 5 cây mai kia, em sẽ cho xây được 4 ngôi nhà tặng Bà Mẹ VN anh hùng". "Em ơi, em biết một mà không biết đến hai nên suốt đời chắc em chỉ làm đến thế mà thôi ... Anh mang quà đại diện địa phương đi biếu, không phải biếu cho anh, mà cái được lớn hơn cả là địa phương mình xin được kinh phí xây đường, trường, trạm…. Cái được là vậy đó, em không hiểu biết gì cả ..." Câu trả lời của vị cán bộ kia đến tận bây giờ vẫn làm tôi không hiểu nổi ! Hy vọng câu chuyện tôi kể trên được các bạn trẻ, đặc biệt các bạn trẻ đang nắm trọng trách dù nhỏ nhất của đất nước, hãy qua đó rút kinh nghiệm để biết sống cao thượng, biết đau với nỗi đau của nhân dân, biết nâng niu giá trị mồ hôi xương máu mà các thế hệ cha ông chúng ta đã đổ xuống để có ngay hôm nay” - Nguyễn Thành Trung:  nhandt63@yahoo.com

 

“Quan chức càng tham thì dân càng nghèo khổ. Ngay trong ngành giáo dục nơi tôi sống, để có một suất vào làm giáo viên của một trường tiều học hay trung học phải mất số tiền từ 150-180 triệu đồng. Một năm tuyển hàng trăm giáo viên một lúc, số tiền đó vào túi ai?... Những người đó thu nhập ngoài lương một năm bằng người dân làm cả  đời cũng không có được. Vậy đấy, tiền ở đâu ra? Từ đó chứ đâu, thế thì làm sao vợ con họ không ăn sung mặc sướng, không đi xe đẹp, đi spa. Chưa kể những ngày lễ tết nhé, người mang quà, kẻ mang tiền đến nhà như đi chợ. Tiền ở đấy chứ đâu.

 

Còn nữa, muốn chuyển từ trường này sang trường khác,mức ‘giá’ giao động từ 20-50tr đồng. Năm nào mà chẳng có vài chục trường hợp chuyển trường, ‘chạy’ trường... Còn ví dụ như một ông phó chủ tịch huyện lương được bao nhiêu, vậy mà con họ một lúc mua 2 cái xe phân khối lớn vài trăm triệu không hề phải đắn đo. Tiêu xài thì không dưới 50tr một tháng, quần áo toàn hàng hiệu, điện thoại mới thay như thay áo… Tiền ở đâu mà nhiều thế, lắm thế… Không đi sâu vào dân thì không thể hiểu nổi giới công chức bây giờ ngày càng biến chất thế nào đâu. Họ ăn lương và bổng lộc của nhà nước, nhưng nhiều người dân thấy chỉ toàn vơ vét, tham nhũng, làm giàu cho riêng mình thôi” - Anh:  anhletkt@gmail.com
 
(minh họa theo TTXVN)
(minh họa theo TTXVN)

 

Hãy cho dân điểm tựa!

 

Nói là dân biết, dân bàn, dân kiểm tra nhưng tiếng nói của dân vẫn chưa có được trọng lượng cần thiết. Hơn nữa, cái người dân cần là điểm tựa cho đòn bẩy chống tham nhũng xem ra vẫn chưa đủ độ tin cậy.

 

“Người dân biết rất nhiều, họ biết quan chức địa phương giàu như thế nào, con em họ đang học phổ thông nhưng tiêu tiền ra sao. Mỗi buổi sáng có bao nhiêu cậu ấm con quan đánh ô tô xịn đi ăn sáng… Thậm chí cái cánh cổng biệt thự nhà quan chức mới xây giá bao nhiêu tiền, họ cũng biết, đâu cần phải đợi các vị ấy kê khai. Nhưng nói với ai, cơ quan nào sẽ tiếp nhận và xử lý những thông tin mà người dân cung cấp ? Hãy cho dân một điểm tựa thật vững để họ có thể lật tung tham nhũng!” - Dung:  nguyentudung118@gmail.com

 

Chưa có được điểm tựa vững chắc cho đòn bẩy chống tham nhũng, thì tình trạng chung có lẽ vẫn chỉ có thể dẫm chận tại chỗ bởi người dân đã hiểu rất rõ thế nào là “đấu tranh, tránh đâu”.

 

“Tôi cũng như nhiều nhân viên trong cơ quan tôi biết rất rõ tình trạng tham nhũng tại đơn vị mình và một số quan chức điạ phương. Nhưng đại đa số mọi người trong đó có cả tôi đều không dám nói ra, vì sợ ảnh hưởng đến công việc nên đành im lặng. Chúng tôi cũng biết im lặng như vậy là tiếp tay cho tình trạng tham nhũng ngày càng gia tăng, nhưng chúng tôi vẫn thấy rất lo vì sẽ bị “đì”. Trong lúc chúng tôi đang làm công chức nhà nước mà bị như vậy nữa thì sẽ không biết xin làm vào chỗ nào, vì tình trạng này đang bị tiếp tay rất nhiều trong nội bộ toàn lãnh đạo nhiều cơ quan, ban ngành. Vì họ sẽ nghĩ chúng tôi đến đơn vị mới cũng sẽ có tình trạng như thế. Nên chúng tôi muốn được bảo vệ tuyệt đối cho những người dám đứng lên nói sự thật và phơi bày tình trạng tham những ngày càng nhiều như hiện nay.…” - Hanh:  ntkhanh83@gmail.com

 

Hướng về quê hương đất nước, bạn đọc từ nước ngoài cũng bày tỏ những trăn trở và chia sẻ thêm kinh nghiệm chống tham nhũng của các nước bạn:

 

“Mình đang ở nước ngoài. Sang đây mới thấy phát hiện tham nhũng và giám sát việc đó không phải là khó khăn gì. Một người tự dưng mua xe đắt tiền hay đi du lịch nhiều… thì hàng xóm có thể gửi ý kiến nghi vấn tới cơ quan chính quyền. Vậy là người ấy phải giải trình ngay tiền từ đâu ra? Do đó, mình nghĩ ở  nhà mình việc ấy cũng làm tương tự được. Nếu một người làm quan chức gì đó bỗng dưng mua dược nhà to, con đi du học hay cứ đi du lịch nhiều… mà nếu ông ta chứng minh được số tiền chi phí là đúng thì không ai làm được gì cả, đó là quyền của họ, rất đúng đắn. Nhưng theo tôi biết thì ở VN mình ai chẳng hiểu thấy mấy quan chức, cán bộ có đời sống thế nào, tiền từ đâu ra... Vậy nhưng cơ quan giám sát có dám điều tra không, có dám yêu cầu họ giải trình không… Đó mới là vấn đề ở nhà mình. Mong đợt chỉnh đốn Đảng lần này và luật chống tham nhũng sẽ được thực thi thật nghiêm minh, góp phần nâng cao mức sống cho dân, dân giàu thì nước sẽ mạnh hơn” – Cuti Tieu long:  cutitieulong2012@gmail.com

 

“Tôi ở bên Nhật đã 8 năm và thấy bộ  máy Nhà nước bạn làm việc rất hay. Nếu ai muốn làm việc trong bộ máy nhà nước đều phải qua một kỳ thi rất gắt gao, không phân biệt người đó tốt nghiệp trường đại học nào. Người tốt nghiệp trung học phổ thông xong cũng có thể đi làm trong guồng máy này. Hoặc như để làm cảnh sát cũng được, nếu vượt qua được kỳ thi gắt gao. Và khi đã được nhận vào làm việc, họ sẽ được hưởng mức lương rất cao. Vậy nên tệ tham nhũng rất hiếm xảy ra, lúc nào các công chức cũng tận tình làm việc vì dân. Mà bộ máy Nhà nước của Nhật làm việc không có giờ nghỉ trưa,  giờ nghỉ trưa cũng luôn có người trực để giải quyết vấn đề khi cần. Nếu VN ta cải cách được như vậy thì mọi việc sẽ rất đơn giản” - Tak ke bong: sakura_19832003@yahoo.com

 

Những nhận xét nói thẳng nói thật, cùng các biện pháp cụ thể cũng tiếp tục được dân cập nhật:

 

“Theo tôi việc chống tham nhũng hiện tại VN vẫn rất mang tính hinh thức. Những người có quyền hành giải quyết thì cả nể, nhu nhược, thiếu trách nhiệm và không quyết liệt. Không loại trừ khả năng có thể họ cũng đồng lõa nốt. Những người cấp dưới thì thường sợ không dám tố giác, nên phát hiện tham nhũng chủ yếu vẫn là do dân và báo chí hoặc do quan tham lộng quyền quá lộ liễu, thách thức.  Mà ngay khi phát hiện tham nhũng rồi thì thường là dân thấy luật pháp xử vẫn  không nghiêm minh, hay đầu voi duôi chuột, dẫn đến nhờn luật, gây bao hệ lụy cho đất nước…

 

Để phát hiện và xử lý, theo tôi cần:

 

+ Lập cơ quan chống tham nhũng độc lập, các thành viên chống tham nhũng có thu nhập đảm bảo, biểu dương và thăng chức những tổ nhóm, cá nhân tiêu biểu, có công, dám hành động.

 

+ Lập trang web  để luôn cập nhập tiếp nhận thông tin tố giác, để các tổ chức, đồng nghiệp, cấp dưới, những người am hiểu tổ chức cá nhân đó dám tố giác (Xử lý, điều tra ngay những thông tin tố giác có cơ sở và bằng chứng).

 

+ Quy trách nhiệm người đứng đầu.

 

+ Xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật” - Tran Dinh Viet:  viet.thanhchuong@yahoo.com

 

Câu hỏi: Tiền ơi từ đâu tới? dân ta có ngay những câu trả lời như vậy đấy. Đồng thời họ vẫn đang cần một điểm tựa thật vững chắc để có thể gửi gắm niềm tin và hy vọng vào đòn bẩy lật tung tham nhũng.

 

Thanh Nguyễn