Lương - giá: Vẫn là cuộc đua không cân sức

(Dân trí) - Lương tối thiểu hiện nay là quá thấp. Nếu chỉ dựa vào LTT thì người lao động chẳng thể nào sống nổi. Cán bộ, công nhân viên cũng thế... Mong hãy xem xét lại, hãy để CBCNV có thể sống bằng LTT, lúc đó 3 từ “Lương tối thiểu” mới thực sự đúng nghĩa.

Lương - giá: Vẫn là cuộc đua không cân sức - 1

(ảnh minh họa - nguồn ảnh: internet)
 
Không chỉ có mong ước sống được bằng lương tối thiếu mà đồng thời Nguyễn Duy Tâm: nguyenduytamxda@gmail.com cũng cho rằng nếu để lương tối thiểu thấp sẽ dễ nảy sinh nhiều vấn đề tiêu cực: “Lương của các CBCNV thấp chính là lý do dẫn đến việc ăn hối lộ, bòn rút công quỹ, dẫn đến những tiêu cực tiền bạc trong xã hội”.

 

Giá điện, giá xăng... vẫn tiếp tục tiến những bước dài, trong khi đó lương vẫn mãi ì ạch men theo “con đường” đã định sẵn mà không thể nào bứt phá. Câu chuyện về lương và giá vẫn sẽ mãi là cuộc đua không cân sức nếu không có can thiệp mạnh mẽ từ nhiều phía là ý kiến của đa số bạn đọc.

 

“Chúng tôi là công chức nhà nước, nói thẳng ra là giáo viên, hiện cuộc sống đang gặp nhiều khó khăn. Nhất là ngày hôm qua (19/12/2011) tôi nhận được thông tin là sẽ tăng giá điện và sẽ được thực hiện 1 ngày sau đó. Tôi rất thắc mắc, tại sao lương giáo viên khi tăng thì tới cả năm trời mới tăng, vậy mà điện bảo tăng là thực hiện liền? Vấn đề ở đây là tôi muốn hỏi tại sao, tại sao lại có sự vô lý đến như vậy? Cuộc sống của chúng tôi như thế nào nếu giá cả, điện , nước v.v.... cứ tăng vùn vụt? Tại sao cứ để lạm phát tăng như vậy, mà lương cứ ì ạch đuổi theo giá? Nếu như vấn đề này đi ngược lại thì phải hay hơn không? Tôi nghĩ nếu cứ để tình trạng này tiếp diễn thì hậu quả với xã hội không biết còn thế nào nữa” -  longthanhle: aigiuluatrongmuadonglanhgia@gmail.com   

 

“Tôi nghĩ, với tình hình lạm phát vẫn gia tăng như hiện nay mà năm 2011 chắc mới chỉ là sự khởi đầu. Chúng tôi thuộc diện kinh doanh hộ cá thể đã bắt đầu thấy rõ được sự khó khăn đang ngày một tăng, mà nguyên nhân trực tiếp và duy nhất là do: thực phẩm tăng (đồng tiền bị trượt giá). Để khắc phục lạm phát ở nước ta, nhà nước cần trực tiếp chỉ đạo  và tạo nguồn vốn để nhân dân tăng cường trồng trọt và chăn nuôi, đầu tư hơn nữa máy móc, giống và công nghệ cho khối nông nghiệp, thì sẽ khắc phục được tình trạng lạm phát nhanh như hiện nay” - nguyen manh tung: mucinsieunet@gmail.com  

 

“Thật là khổ cho những người lao động, bao nhiêu lần tăng mức lương tối thiểu là bấy nhiêu lần người dân phải khổ sở vì mọi thứ đều tăng, nhất là những người làm ở các doanh nghiệp: Lương đã không được tăng thậm chí lại còn bị rút bớt bởi giá cả bị lạm phát lại còn đóng BH tăng lên. Các vị thử đến kiểm tra các doanh nghiệp mà xem, sẽ nắm bắt được hết tình hình. Chúng tôi là những người lao động có kêu nữa cũng chẳng biết kêu ai... Mong các vị làm công tác quản lý hãy đặt hoàn cảnh mình vào những người lao động để thấu hiểu thực tế” - Trần Việt: bankinhdoanh@gmail.com   

 

Và trong cuộc sống thực tế còn nhiều điều đáng phải xem xét như nguyễn văn linh: vanlinhxd@gmail.com nêu thực trạng: “Thưa Bộ trưởng! Tình hình lạm phát tăng cao khiến tất cả những người dân có mức thu nhập thấp đều rất khó khăn trong cuộc sống. Vậy Bộ trưởng nghĩ sao khi cán bộ hợp đồng với cơ quan nhà nước mà nhận lương rất thấp, chỉ tính lương tối thiểu nhân với hệ số không còn phụ cấp nào khác, trừ chi phí bảo hiểm, Công đoàn, Đảng viên, thì mức thu nhập của cán bộ hợp đồng với văn bằng Đại học chỉ còn 1.700.000 đồng/tháng thì hiệu quả công việc sẽ thế nào?”

 

“Tôi cũng là một chuyên viên nhà nước làm việc ở cấp Sở. Với hệ số lương 2.34 x 830.000đ x 92.5% và đóng các quỹ cơ quan khác, tôi thực sự thấy lo lắng cho cuộc sống của gia đình và con trai nhỏ của mình. Do đặc thù công việc tôi cũng làm việc liên quan đến công tác an sinh xã hội, công việc bận rộn hơn các ngành khác rất nhiều, thường xuyên phải làm thêm giờ nhưng kinh phí cơ quan có hạn và nguyên tắc tài chính không cho phép làm thêm quá nhiều ngoài giờ làm việc. Nên hầu như tôi cũng không thể làm  thêm việc gì được. Chồng tôi cũng là một công chức nhà nước có phụ cấp chức vụ nhưng cuộc sống của gia đình tôi phải rất tằn tiện mới đủ sinh hoạt chứ chưa nói đến báo hiếu cha mẹ hai bên” - mai na: bababa1424@yahoo.com   

 

“Tôi làm giáo viên 15 năm nay, dạy tại tỉnh lẻ. Cứ mỗi dịp tết đến là lại sợ nó, sợ vì không đủ tiền cho con nhỏ mua thêm áo mới, sợ vì không có tiền mừng tuổi lại cho con bạn bè khác ngành. Xin đừng nói về các loại thưởng nữa, và cũng xin quốc hội cùng các bộ đừng bàn về lương, vì bàn nhiều nhưng chưa tăng bao nhiêu, giá cả thì đi trước đón đầu rồi” - Trần Tuấn Cường: cuongninhchi@gmail.com  

 

“Cứ như thế này chắc những người lao động thu nhập thấp và nhát là sinh viên nghèo lại chật vật thôi. Cứ mỗi lần có thông tin giá điện tăng, lương tối thiểu tăng là các chủ nhà trọ lại tăng tiền phòng, tiền điện. Với mức giá tiền điện mà các chủ nhà trọ thu bây giờ là 3.5đ- 4.5đ/1số, giờ giá điện của Nhà nước tăng không biết các chủ nhà trọ sẽ tăng lên bao nhiêu đây... sinh viên nghèo chạy vạy làm thêm cũng không đủ sống với tình trạng này...thật buồn quá...” - mua dong lanh: forever_th83@yahoo.com   

 

Trong khi đó Lý San: san_lsan@yahoo.com lại nêu một ví dụ so sánh cho thấy sự cách biệt giữa mức sống của những người lao động với nhau: “Tôi có một người bạn làm phó chủ tịch huyện, vợ anh ta làm kế toán. Thật sự thì lương của họ cũng không cao, nhưng họ chẳng để ý gì đến tiền lương bao giờ, cũng chẳng làm thêm gì cả. Vậy mà cuộc sống vẫn đàng hoàng với một tòa biệt thự, ô tô đẹp cộng với vài suất đất và hai căn nhà chung cư... Lương tối thiểu là bao nhiêu chắc họ cũng không quan tâm đâu”... 

 

Trong khi tình trạng lạm phát và giá cả tăng cao, người thu nhập thấp sẽ càng khó khăn hơn trong cuộc sống; lương tối thiểu không còn phù hợp khi lạm phát tăng mạnh thì nên có giải pháp mới đáp ứng thực tế như một số bạn đọc bày tỏ:

 

“Nếu nhận thấy không còn phù hợp thì cần khẩn trương cân đối và có chính sách điều chỉnh cho hợp lý, không nên cứ dự đoán mà không đề ra được giải pháp hữu hiệu cho đời sống cán bộ, công chức... Trăm lời nói không bằng một hành động, người dân mong mỏi được nhìn thấy ngay những hành động thiết thực” - Hà Tuấn: giahongquan@yahoo.com

 

“Gánh nặng lại tăng lên với đại đa số người dân, điều đó chắc Chính phủ, Bộ Tài chính và các bộ ngành khác đều biết, đặc biệt là khi giá điện, giá gas, giá xăng và các mặt hàng độc quyền khác lại tăng. Chúng tôi mong các bộ ngành có cách nhìn biện chứng hơn, phù hợp với thực tế cuộc sống của đại đa số người dân hơn” - Dân Dã: hyvong@gmail.com  

..........

 

Trần Bách