Bạn đọc viết:

Lời giải nào cho bài toán giao thông Việt Nam (bài 1): Sáng tạo hay bế tắc?

(Dân trí) - “Sẽ có trên 1000 chuyên gia ở bộ GTVT nhận mình là GS-TS khi nói về vinh dự khoa học và cũng sẽ không một ai dám nhận là GS- TS Bộ GTVT nếu nói về trách nhiệm khoa học” - TS Trần Đình Bá - Hội Kinh tế & vận tải ĐSVN khẳng định.

Bỏ lỡ thời cơ
 
“Đi tắt đón đầu “bằng một tuyến ĐSCT 1570 km dài nhất thế giới để “đi thẳng vào hiện đại”, hay đu dây qua sông là “sáng tạo” không ngờ của người dân Pôcô, dù có thành công bao nhiêu chăng nữa cũng không giấu được sự tụt hậu và không che nổi trách nhiệm lịch sử của hơn 1000 giáo sư tiến sỹ (GS - TS) ngành GTVT trước thực trạng hỗn loạn và thảm họa quốc gia về giao thông tại Việt Nam!.
 
Phải thấy rằng “Diễn đàn Hiến kế giao thông” năm 2008 là một hình thức tốt nhằm thu hút sáng kiến, nhân tài cho việc giải một bài toán lớn, nan giải mang vận mệnh quốc gia …lần đầu tiên trong lịch sử ở một nước có bề dày văn hiến. Nó đã khơi dậy lòng yêu nước thương nòi, lòng tự hào dân tộc, kích hoạt trí tuệ thông minh trong các tầng lớp nhân dân. Thu hút được cả xã hội quan tâm với hàng vạn công trình nghiên cứu, các đề án, các giải pháp, sáng kiến cho một trật tự của cộng đồng. Tất cả những người hiến kế đều mang dòng máu Lạc Hồng, Tối cao là Ủy ban Hiến kế quốc gia đã chọn ra được những công trình khoa học, những giải pháp hay để trao giải.
 
Tiêu chí hàng đầu của Bộ trưởng GTVT kiêm chủ tịch Ủy ban ATGTQG là “trân trọng từng hiến kế”. Song đã qua 3 năm sau tổng kết trao giải, mà tình hình giao thông của nước nhà chẳng những không được cải thiện. Trái lại càng nghiêm trọng thêm và tiến bộ của khoa học công nghệ về GTVT như đường sắt, hàng không, đường biển, đường bộ càng thi nhau tụt  hậu, ùn tắc giao thông vẫn chưa có gì sáng sủa !
 
Cũng tại thời điểm có diễn đàn quốc gia đó, một câu hỏi lớn đặt ra : “1000 Giáo sư Tiến sỹ bộ GTVT đang ở đâu, đóng vai trò gì, phải nghiên cứu những gì cho đất nước khi họ là “ Tinh hoa trí tuệ ”của giao thông mà toàn dân đang kỳ vọng. Đây lại là “thời cơ và vận hội lớn” cho các GS-TS bộ GTVT thực hành “thi đua yêu nước” trổ tài sáng tạo để cống hiến cho Đảng, Nhà nước và phụng sự cho toàn dân  .
 
Thật đáng tiếc các GS-TS bộ GTVT đã dành “vinh quang” đó cho các chuyên gia nước ngoài hiến kế giải bài toán về giao thông cho VN, với một siêu dự án tầm quốc tế là ĐSCT dài nhất thế giới để “Giảm thiểu TNGT”!
 
Thực ra những “hội chứng kỷ lục” như: Cầu dây văng dài nhất  Đông Nam Á (ĐNA), hầm  đường bộ xuyên núi dài nhất ĐNA, hầm dìm vượt sông dài nhất ĐNA …có trở thành “niềm kiêu hãnh tự hào của  các GS - TS ngành GTVT VN “ không !?

Siêu dự án 1570 km ĐSCT dài nhất thế giới có cứu nổi tình trạng giao thông ngày càng hỗn loạn , tắc nghẽn và đầy chết chóc không ?!  Lại có một câu hỏi lớn : Học tiến sỹ để làm gì !?  và 1000 luận văn tiến sỹ đã làm được gì cho nước nhà trước một thực trạng giao thông tồi tệ như hiện nay ?! Câu hỏi đó đang chiếu thẳng hướng trách nhiệm về phía  các chuyên gia cao cấp bộ GTVT!   
 
Tiềm năng và... sự tụt hậu
 
Đứng hàng đầu ASEAN về “kinh tế trí thúc“ trong lĩnh vực GTVT với trên 10 trường đại học lớn như GTVT Hà Nội , TPHCM, đại học Hàng hải VN, Học viện Hàng không VN, Viện nghiên cứu Công nghệ Giao thông, các khoa cầu đường, khoa đường sắt có hầu như trong các trường đại học Bách khoa, Sư phạm kỹ thuật... các viện nghiên cứu và tại các cục, vụ viện của Bộ GTVT,  với trên 1000 Giáo sư tiến sỹ được đào tạo trong nước và nước ngoài. Ngoài ra còn có nhiều GS -TS về, xây dựng, cơ khí, tự động hóa , thông tin tín hiệu, quản lý kinh tế, kiến trúc quy hoạch liên quan đến  giao thông.
 
Tiềm năng trí tuệ người Việt Nam không thua kém các nước,  chỉ số IQ của người Việt Nam là cao trong khu vực ĐNA , ra nước ngoài họ không thua kém người bản xứ. Tại các tập đoàn lớn ở Mỹ hay EU đều có trí thức Việt kiều giữ những vị trí quan trọng, nhất là ở thung lũng Silicon - cái nôi công nghệ của thế giới. Người VN đã đoạt huy chương Fields (được goi như giải Nobel Toán học) làm thế giới kinh ngạc. Người VN đã vạch và tính toán được quỹ đạo cho tàu Apolo lên cung trăng và trở về trái đất thành công , lý thuyết và bài toán đó đã được NASA ứng dụng nhiều lần cho tàu Con thoi bay lên và trở về .
 
Lời giải nào cho bài toán giao thông Việt Nam (bài 1): Sáng tạo hay bế tắc?  - 1

(ảnh minh họa)
 
Từ chỗ quanh năm thiếu thốn lương thực, bằng công nghệ sinh học và chính sách khuyến nông , VN đã vươn lên giành vị trí hàng đầu thế giới về xuất khẩu lúa gạo, nhất thế giới về xuất khẩu cà phê. VN cũng đã phóng thành công vệ tinh VINASAT để làm chủ không gian, giành nhiều thành tựu trong công nghệ viễn thông, tin học, dầu khí xây dựng…Vậy mà tổn thất nặng nề nhất của đất nước ở thời kỳ hiện đại lại nằm ở lĩnh vực được ưu tiên hàng đầu, đó là giao thông .
 
Cứ mỗi năm số người chết và bị thương lại cao hơn cả con số nạn nhân tai những vùng chiến sự nóng như Iraq hay Afghanistan. Đây là tổn thất lớn, để lại hậu quả dai dẳng cho cả một dân tộc.
 
Đường sắt quốc gia và Hàng không quốc gia là hai ngành vận tải công cộng chủ lực hiện đại tiên tiến, có tốc độ cao được toàn dân kỳ vọng thì lại tụt hậu thê thảm. ĐS thua xa thời kỳ nô lệ, thị phần vận tải chỉ còn dưới 6% và đang nằm trong thời kỳ phá sản , tốc độ vận hành chậm hơn tàu thuyền trên sông . Đã có người ví von rằng “1000 GS - TS bộ GTVT  đang "ngủ say trên chiếc giường ĐS khổ 1 mét" với “giấc mơ con đè nát cuộc đời con !”
 
Hàng không của một nước đã từng là cường quốc về không quân, từng đánh bại cả không quân hùng mạnh nhất thế giới, hiện có 48 sân bay trong đó có 9 sân bay quốc tế hiện đại. Trở thành cường quốc sân bay trong khu vực với tổng diện tích về sân bay lớn hơn Singapore, nhưng ta lại tụt hậu thê thảm xếp gần cuối bảng của 10 nước hàng không ASEAN. Chất lượng thua xa hàng không Lào, thị phần vận tải thua xa Singapore (là nước chỉ có 3 triệu dân, với duy nhất 1 sân bay Changgi có diện tích nhỏ hơn Tân Sơn Nhất).
 
Trình độ quản lý kinh tế hàng không yếu kém, bảo thủ đang gây thua lỗ và ùn tắc cả đường hàng không . Còn nhớ trong cuộc hội thảo khoa học toàn quốc “Hiệu quả kinh tế đường bay thẳng Hà Nội – TPHCM“ , 100 tiến sỹ Cục HKVN đã “bó tay", phải đi mua phần nềm của nước ngoài về để tính toán và công bố “ chỉ tiết kiệm được 42 km , với 2  phút rưỡi bay -  làm cả hội thảo choáng váng.
 
Giáo sư Trần Phương – Chủ tịch Hội khoa học kinh tế VN chủ tọa hội thảo đã bác bỏ kết quả này, Cục phó – TS Lại Xuân Thanh đã phải thừa nhận sai sót và hứa sẽ bay thẳng theo Hiệp định “ Bầu trời mở rộng”. Song cho đến nay hàng không VN vẫn đang trong thời kỳ bảo thủ theo kiểu “ gà què ăn quẩn cối xay“, gây nên thua lỗ nặng nề do bay vòng lãng phí trên 25% chi phí sản xuất. Nhà nước nguy cơ mất trắng 200 triệu USD vốn cổ phần góp tại JPA, và thất thu hoàn toàn thuế tài nguyên không gian. Cay đắng hơn Nhà nước vẫn đang phải bù lỗ cho hàng không.
 
Ngành vận tải biển mang gánh nợ thế kỷ “Vinashin”. Vận tải đường bộ, đường sông quá tải, hỗn loạn, tắc nghẽn và chồng chất tai nạn. Rõ ràng rằng tiến bộ của khoa học công nghệ GTVT đang ở đáy của xã hội VN. Điều chứng minh là 1000 GS - TS Bộ GTVT đã hoàn toàn “botay.com “ và đã khẩn thiết yêu cầu Bộ trưởng lập diễn đàn “cầu cứu“ trước toàn dân!
 
(Còn nữa)
 

Tiến sỹ Trần Đình Bá
 (Hội Kinh tế & vận tải Đường sắt Việt Nam)