Lo ngại sự phát triển của thói bạo hành

(Dân trí) - Câu hỏi đặt ra là tại sao thói bạo hành côn đồ như vậy không chỉ lặp lại trong giới học sinh còn trẻ người non dạ mà còn xẩy ra và lặp lại trong giới cán bộ công chức viên chức là những người lớn, đã ở cái tuổi trưởng thành, chịu trách nhiệm trước pháp luật và không nhiều thì ít có hiểu biết pháp luật.

>> Cán bộ kiểm lâm hành hung nhân viên trạm thu phí vì... không muốn mua vé


Minh họa: Ngọc Diệp

Minh họa: Ngọc Diệp

Từ học sinh ...

Tháng 4 năm nay, có một video clip tung lên mạng cảnh một nữ sinh trường THCS Trung An (Củ Chi, TP.HCM) khoảng 16 tuổi đã bỏ học, cầm gậy bắt nữ sinh cùng trường lựa chọn bị đánh 3 gậy, quỳ xin lỗi kèm ăn cát hoặc đánh nhau tay đôi. Nạn nhân đã quỳ xin lỗi và cho cát vào miệng, thiếu nữ kia liên tục dọa "Nuốt! Có nuốt không! nạn nhân đáp lại: “Nuốt rồi” rồi đưa tay lên cổ.

Đây không phải là trường hợp riêng lẻ liên quan đến việc đánh nhau của nữ sinh khi đang trên ghế nhà trường. Cuối tháng 4/2016, do mâu thuẫn trong tình cảm nên Q. - nữ sinh lớp 10 của Trường THPT Đại Ngãi (huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng), đã tát liên tiếp vào mặt bạn trước sự chứng kiến của bạn bè cùng lớp.Trước đó, trên mạng xã hội đã lan truyền chóng mặt clip dài hơn 2 phút vụ việc ẩu đả giữa một nữ sinh đang theo học tại Trường THPT chuyên Chu Văn An và nữ sinh khác ở Trường THPT Việt Bắc (TP Lạng Sơn). Cũng vậy, cách đây 6 tháng, một video clip quay cảnh trên địa bàn Gia Lâm, Hà Nội, có 2 nữ sinh cãi nhau rồi lao vào đánh nhau. Khoảng mấy giây sau, một số nữ sinh tiếp tục xông vào liên tục đá, túm tóc đánh hội đồng một nữ sinh.

Trước những cảnh đó, nhiều người tự hỏi tại sao giờ cứ có mâu thuẫn là các cháu gái thích giải quyết bằng nắm đấm, tại sao thói bạo hành côn đồ như vậy cứ lặp lại trong giới học sinh?

... đến cán bộ, công chức, viên chức nhà nước

Chiều 18/10 năm nay, tại Nội Bài, 2 hành khách trong đó có một người là thanh tra giao thông đã làm thủ tục check in nhưng khi máy bay đến giờ đóng cửa để khởi hành, 2 hành khách này vẫn chưa vào khu vực cách ly nên bị nhỡ chuyến, phải làm thủ tục để bay chuyến sau, lúc đến quầy số 38 làm thủ tục lại, to tiếng với nhân viên hướng dẫn làm thủ tục hàng không. Đúng lúc đó, một nữ nhân viên hàng không đi qua nhìn thấy, lấy điện thoại ra quay. Hành hai hành khách này một người túm áo, người còn lại lao vào dùng hành lý xách tay đánh mạnh 2 cái vào đầu nữ nhân viên này. khiến chị ngã xuống sàn ngất xỉu, phải đi bệnh viện giám định sức khoẻ.

Mặc dù dư luận xã hội nổi sóng bất bình về viên chức nhà nước hành hung nữ nhân viên hàng không kể trên đã bị xử lý nghiêm với hình thức sa thải, nhưng hình như một số cán bộ công nhân viên chức không lấy đó làm gương để tự răn đe mình, nên chỉ cách đây mấy ngày, tại cửa hàng xăng dầu Nghi Phú Nghệ Tĩnh lại một cán bộ ngân hàng nghi ngờ nữ nhân viên bơm xăng vào bình xe ô tô mình không đủ, đã cướp cò bơm xăng trên tay nữ nhân viên này đập vào đầu cô ta chảy máu nhiều phải đi cấp cứu.

Chuyện cán bộ công chức viên chức đánh nhau gần đây đâu phải là hiếm. Mới chỉ cách đây mấy tháng, vào 7/7/2016 tại trụ sở Đội Quản lý trật tự đô thị Tp Vinh, xảy ra vụ đánh nhau giữa 2 cán bộ trẻ, khỏe của đơn vị này và 1 nhân viên của Công ty CP Quản lý và phát triển hạ tầng đô thị Vinh đã 54 tuổi. Tiếp theo, ngày 12-9, tại Bình Thuận Phó phòng Bảo vệ chính trị nội bộ thuộc Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã cầm cốc bia choảng vào đầu một nguyên cán bộ Ban Tổ chức Tỉnh ủy, tại bàn nhậu phải đưa đến Bệnh viện cấp cứu và vết thương phải khâu 9 mũi v.v...

Câu hỏi đặt ra là tại sao thói bạo hành côn đồ như vậy không chỉ lặp lại trong giới học sinh còn trẻ người non dạ mà còn xẩy ra và lặp lại trong giới cán bộ, công chức, viên chức là những người lớn, đã ở cái tuổi trưởng thành, chịu trách nhiệm trước pháp luật và không nhiều thì ít có hiểu biết pháp luật.

Câu hỏi đó, xã hội đang mong chờ Bộ Giáo dục, Bộ Nội vụ cùng các cơ quan đoàn thể hữu quan trả lời và có giải pháp khắc phục hữu hiệu.

Nguyễn Đoàn