Hối lộ, “lộ” mà không “lộ”

(Dân trí) - Hối lộ là đút tiền cho kẻ có thế lực để mưu cầu một lợi ích nào đó (Từ điển Hán Việt Đào Duy Anh). Chuyện hối lộ thì thời nào cũng có, nó bị hạn chế hay phát triển, tùy theo pháp luật nghiêm minh hay không.

Hối lộ dĩ nhiên là xấu, là phạm tội, kể cả người hối lộ lẫn kẻ nhận hối lộ. Có kẻ do tham lam, muốn thu lợi bất chính nên hối lộ, cũng có người bất đắc dĩ phải hối lộ. Ngày nay chúng ta thấy hiện tượng hối lộ trở nên khá phổ biến, đến nỗi nhiều khi không còn bị coi là xấu nữa.

Ví dụ như phải chờ làm thủ tục hành chính một việc gì đó, ta phải chờ hàng ngày, hoặc vài ba  ngày, song bỏ ra một chút tiền nhờ dịch vụ “cò” thì chỉ trong vòng vài mươi phút,  với số tiền bỏ ra, chúng ta đã tiết kiệm được thời gian vàng ngọc, chẳng lợi lắm sao.

Việc gây ra ách tắc trong thủ tục hành chính nảy sinh việc hối lộ bất đắc dĩ. Ai được hưởng lợi, dĩ nhiên người làm dịch vụ “cò” và các quan chức hành sự, với họ: “ách tắc” là cơ hội làm ăn, cho nên việc cải cách thủ thủ tục hành chính bị chậm trễ là do vậy.

Một đơn cử nữa về hối lộ rất phổ biến hiện nay, chẳng hạn muốn xin vào làm việc tại một cơ quan nhà nước (và chỉ có ở cơ quan nhà nước mà thôi), người xin việc phải bỏ ra một số tiền tuy không lớn, khoảng từ 2 - 5 năm tiền lương họ được trả theo hợp đồng cho các vị lãnh đạo có quyền tiếp nhận, có người còn phải bỏ thêm cho dịch vụ “cò”.

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

Vì công ăn việc làm, người lao động phải cắn răng cầm cố, thế chấp gia sản lấy tiền để rồi lại làm chuyện phạm pháp: đó là hối lộ. Họ cũng có đủ bằng cấp chứng chỉ, đủ trình độ chuyên môn nghiệp vụ, nhưng những cái đó không đủ làm động lòng những vị lãnh đạo.

Nghe nói một số ông chỉ là hiệu trưởng cấp ba thôi, có năm thu bạc tỷ về việc tuyển dụng giáo viên. Việc này đối với nhân dân, ai cũng biết tức là đã “lộ”, nhưng đối với các nhà chức trách lại không biết, hoặc coi như không biết, tức là không “lộ”. Hối lộ, “lộ” mà không “lộ” đã trở thành thói quen, đến nỗi không hối lộ không được việc. Như vậy, người hối lộ vừa đáng giận, vừa chẳng đáng thương lắm sao!

Lại nói chuyện về ông trưởng phòng giáo dục huyện B. tỉnh H. nọ, dưới chiêu bài tuyển giáo viên, thừa trên 100 người, nhận tiền hối lộ lên tới bạc tỷ, mồ hôi, nước mắt của những người dân lao động.

Do nhận quá nhiều, không thể giải quyết nổi, các khổ chủ sợ mất không số tiền xin việc, liền viết đơn tố cáo nặc danh tới huyện và thành phố khiến cho sự việc có nguy cơ vỡ lở, vị trưởng phòng nọ đành mời các khổ chủ tới xin trả lại tiền, và xin lại mỗi người 5 triệu vì đã trót chi... “chè nước” .

Vậy là các khổ chủ phải thắt ruột nhận lại số tiền  về số lượng chỉ hao có 5 triệu, về giá trị thực tế so với giá vàng thì giảm đi gần một nửa so với lúc nộp cho bà trưởng phòng phu nhân.

Vì sao những người dân lao động phải tố cáo nặc danh, vì sao họ phải ngậm bồ hòn làm ngọt khi nhận lại số tiền ít ỏi, họ nghe nói nếu chuyện lộ ra, chẳng những số tiền của họ phải bị tịch thu xung công quỹ, mà bản thân họ cũng mắc  tội đưa hối lộ, thật là “tiền mất tật mang”, lạy giời, mong sao cho chuyện hối lộ kia “lộ” mà không “lộ”. Nghe nói  cơ quan công an đang vào cuộc điều tra nhưng kết quả còn phải chờ xem.

Chỉ cần quan sát trong cuộc sống cũng có thể thấy tệ nạn tham nhũng có những biến thái nhiều hình nhiều vẻ. Nhân dân thấy rất rõ, mỗi một việc hiếu, việc hỷ của các vị l•nh đạo, thôi thì cơ man nào các vị lãnh đạo cấp dưới kéo tới, mang theo “tiền chùa” cúng cho “sư”, thường tình chức vụ càng to tiền thu càng lắm, không dám nói đây là tiền hối lộ, nhưng cũng không phải là đồng tiền sạch sẽ.

Việc phúng viếng hay mừng tặng đối với người dân là sự tương trợ qua lại, còn đối với các quan là cái lộc “người” (không phải trời) cho.

Công tác chống tham nhũng, trong đó có tệ hối lộ của chúng ta xem ra còn rất nan giải.

Vũ Chiến Bình

LTS Dân trí - Hối lộ và nhận hối lộ là biểu hiện của tệ tham nhũng bằng những hình thức và ở những mức độ khác nhau. Có điều đáng quan ngại là tệ nạn này trở thành khá phổ biến trong xã hội ta hiện nay. Không kỳ họp Quốc hội nào không đề cập, không có những ý kiến chất vấn và phê phán mạnh mẽ. Nhưng xem ra căn bệnh khó chữa này vẫn chưa thuyên giảm.

Mong rằng kỳ họp Quốc hội lần này đề ra các biện pháp đồng bộ và quyết liệt hơn nhằm đề ra lộ trình khắc phục từ gốc tệ nạn tham nhũng. Mặt khác, người dân cũng phải tự xem xét lại mình, đừng bao giờ trở thành kẻ đồng lõa của tệ nạn này, dù chỉ là đưa cái “phong bì” cho cán bộ cấp này, cấp nọ để nhanh được việc.

Đi đôi với việc đẩy mạnh cải cách các thủ tục hành chính và tăng cường hệ thống pháp luật, thực thi những chế tài đủ sức răn đe đối với tệ nạn tham nhũng,  mọi người công dân cũng như mọi ngành mọi cấp đều cần tuyên chiến mạnh mẽ với tệ nạn này nhằm xây dựng xã hội có kỷ cương nền nếp, đem lại cuộc sống yên bình cho người dân