Học phí: Vẫn lo "thu ngoài dài hơn thu trong"

(Dân trí) - Việc Hà Nội sẽ thu học phí theo hướng giảm với 2 mức 20 và 40 ngàn đồng kể từ năm học mới, vẫn không giải tỏa được tâm trạng “bức bối” của các bậc phụ huynh, bởi con số quy định vẫn khác quá xa với những khoản họ phải “tự nguyện” đóng góp.

Vì tương lai con em chúng ta (ảnh minh họa của N.Hữu, báo Người Lao động)
Vì tương lai con em chúng ta (ảnh minh họa của N.Hữu, báo Người Lao động)
 

Tăng mà giảm, giảm lại tăng...

Về tình trạng lạm thu, VTV ngày 11/7 dẫn lời bà Nguyễn Thị Thùy, Trưởng ban Văn hóa- Xã hội, HĐND TP. Hà Nội khẳng định: sẽ không có chuyện lạm thu sau khi Nghị quyết có hiệu lực thi hành… Trường nào lạm thu, trường đó phải hoàn toàn chịu trách nhiệm. “Qua giám sát, các trường có ý kiến rằng, chi đều, chi tiết kiệm thì sẽ đủ chi. Định mức của thành phố cấp về cho các trường về cơ bản là đủ chi cho các trường ở điều kiện bình thường và theo chương trình khung của Bộ Giáo dục, các trường không tự quyết định các khoản thu” – bà Thùy cho biết thêm.
 

Từ kinh nghiệm thực tế bao năm qua, hầu như chẳng có phụ huynh nào “dại dột” tin tưởng vào những con số rất “khiêm tốn” được nêu ra trong bảng quy định "chính thống" về các mức học phí. Vì tuy quyết tâm của Bộ được thể hiện rất “quyết liệt” là thế, chỉ thị cũng rất “nghiêm ngặt”, công tác kiểm tra giám sát được cho là “thường xuyên và nghiêm túc”… nhưng kết quả vẫn là: phụ huynh thì đa số bị “bệnh viêm màng túi ngày càng nặng”, học sinh thì số phải đeo kính cận ngày càng gia tăng vì học thêm tới mụ mẫm cả người…

 

Có lẽ chính vì thế mà các phản hồi của bạn đọc với thông tin về mức học phí mới sẽ được áp dụng trên địa bàn Hà Nội, lại chẳng mấy mặn mà. Thậm chí nhiều ý kiến còn thể hiện rõ sự chua chát, chán nản trước tình trạng “nói vậy mà nhiều khi không phải vậy”.

 

“Bó tay chấm com. Quy định về học phí của ngành GD nước mình, tôi thấy cũng giống như khung giá đất vậy - khác xa rất nhiều so với thực tế” - Nguyen:  bácynguyen@yahoo.com nhận xét.

 

“Thật là không đâu, phiến diện hết sức. Trong khi thực ra học phí 40 nghìn chỉ là 1 gạch đầu dòng trong 1 trang A4 đầy các gạch đầu dòng của các loại phí phải đóng”- Nguyen Minh:  nnminh4u@gmail.com diễn giải thêm.

 

“Có lẽ có quá ít đại diện của ngành giáo dục tham gia HDND TP, nên việc HĐND thông qua chủ trương giảm học phí, theo tôi thấy, vẫn chỉ mang tính nửa vời.  Trong khi đã đến lúc người dân đòi hỏi mọi cái đều phải minh bạch và công khai. Thực tế là dù có giảm học phí thì phụ huynh vẫn luôn phải nộp ngày càng nhiều tiền hơn. Theo tôi, có lẽ thay vì thế thì nên nâng học phí gấp 10 lần mức HDND vừa phê duyệt, rồi tuyệt đối cấm tất cả các khoản thu thêm.  Mặt khác, nếu cấp trên không nhận quà biếu, cấp dưới không phải lo "tiền quà" thì phụ huynh cũng giảm được khá nhiều tiền phải đóng cho con đi học. Chứ liệu các "quý ông, quý bà" có yên tâm gửi đứa cháu thân yêu của mình vào trường mầm non với mức học phí 40.000 dồng/tháng không?” - Nguyễn Thanh Đồng:  đongntg@yahoo.com đề xuất một giải pháp “ngược” nhưng chắc sẽ được nhiều người hưởng ứng hơn.

 

“Thật là buồn cho ngành giáo dục của Việt Nam, lúc nào trên thực tế cũng chỉ thấy tăng học phí, trong khi nền giáo dục ai cũng thấy là xuống cấp. 1 năm không biết tốn bao nhiêu tiền để cho con đi học thêm, trong khi thu nhập của phụ huynh h/s chẳng được bao nhiêu, còn kém rất xa so với thu nhập của các giáo viên ở TP” - Nguyễn Thị Phương Lan:  ty_quay_2001@yahoo.com nêu rõ thực tế giảm chút xíu chỗ này, nhưng lại tăng gấp bội ở chỗ khác trong cách thu của nhiều trường học hiện nay.

 
Bảng thu chi trước đây của một lớp học ở quận Cầu Giấy, Hà Nội (ảnh: Người Lao động)
Bảng thu chi (trước đây) của một lớp học ở quận Cầu Giấy, Hà Nội (ảnh: Người Lao động)
 

Chính mà phụ, phụ lại chính

 

Nói là trường nào lạm thu thì trường đó phải chịu trách nhiệm, nhưng đã bao ý kiến kêu ca, phàn nàn về tệ thu "càng nhiều càng ít" rất phổ biến ở các trường mà tình trạng vẫn đâu hoàn đó. Thế thì những phụ huynh nào dù có dũng cảm đến mấy cuối cùng cũng đành vì cảm thấy quá đơn độc, và vì cũng hiểu rõ chân lý: muốn con “qua sông phải bắc cầu Kiều, muốn con hay chữ” thì đành “phải yêu lấy thầy” theo cách hiện đại ngày nay khi đồng tiền đi trước luôn là đồng tiền khôn.

 

“Theo tôi thấy, có quy định thống nhất cũng như  không vì ngoài thu học phí như quy định, 100% các trường đều có khoản thu thêm gấp nhiều lần quy định của TP. Ví như con tôi học trường THCS Đống Đa, mỗi tháng nộp 30.000đ (học chính khoá là buổi chiều), nhưng nhà tôi phải nộp 900.000đ gọi là học bổ trợ kiến thức (giống như học thêm). Cái này nhà trường có nói rõ: Đây là bổ trợ kiến thức, ai có nhu cầu thì học, không thì thôi, không bắt buộc. Nhưng đố phụ huynh nào dám không cho con đi học? Vậy là học chính theo quy định của ngành Giáo dục biến thành học phụ, còn học bổ trợ theo quy định của trường thành học chính. Vậy mà ngành giáo dục cứ kêu gọi chống học thêm, dạy thêm. Ngành giáo dục VN mà cứ để tình trạng này thì không biết bao giờ mới ngoi thêm chút đỉnh so với thứ bậc 154 hiện nay? (Như có tài liệu nói là giáo dục VN luôn đi sau Thái Lan 50 năm???)” - Chan:  chan@yahoo.com nêu những con số khác xa một trời  một vực giữa quy định với mức thu thực tế.

 
“Có đúng áp dụng như vậy không, vì con tôi học trường mầm non Thành Công A, lớp nhà trẻ đã thông báo: tiền học là 700.000đ/tháng, bán trú 250.000đ/tháng, ăn là 400.000đ/tháng. Tổng cộng cháu phải đóng là 1.350.000 đ/tháng” - Minh Nguyễn:  ngocminhurby@yahoo.com đóng góp thêm một con số thực thu khác.

 

“Đọc bảng mức thu học phí của Bộ GDĐT mà cứ cảm giác như của năm bao nhiêu ấy… Cho con đi học từ mẫu giáo tới giờ con sắp lên lớp 3 rồi mà tôi cũng chưa bao giờ được thấy bảng học phí như thế. Vậy mà lại nói là áp dụng cho niên học 2012 – 2013 ư, thật không hiểu nổi các vị xây dựng bảng mức học phí đó có cho con đi học không vậy? Đúng là bó tay!” - Ha Ngoc:  hangoc.ha8@gmail.com mô tả tâm trạng "ngỡ ngàng" khi đọc những con số tiền đóng góp rất “khiêm tốn” theo quy định.

 

“Tốt nhất là đưa ra mức học phí đúng theo ‘thị trường’ (giá thực thu của các trường), chắc cũng có ai khiếu nại gì đâu? Chứ nếu lại nói một đằng rồi khi làm lại một nẻo thì rồi ai mà còn nghe nữa…” - Tùng:  tungcashin@yahoo.com.vn nhấn mạnh.

 

“Mức học phí đóng học cho con tôi ở trường mầm non Bạch Đằng - TP Hạ Long, Quảng Ninh 2 năm nay vẫn là 100.000đ/1 tháng. Ngoài ra còn đóng thêm 80.000đ/tháng học năng khiếu (vẽ, hát, múa, tiếng Anh). Tôi vẫn cứ thắc mắc rằng tiền học phí đóng 100.000đ/tháng chắc chỉ là tiền trông coi trẻ. Còn học múa, hát, tô màu, tiếng Anh là phải đóng thêm tiền? Rồi còn tiền đồ chơi mỗi năm cũng phải đóng thêm 400.000đ, chưa kể tiền bàn, tiền ghế, tiền trông xe… Trong khi đó 03 tháng hè trường còn thu thêm 200.00d/tháng tiền học hè. Nói chung nhà trường vẽ ra rất nhiều thứ tiền để thu của phụ huynh học sinh. Nhìn mức học phí HDND đưa ra đúng là còn quá xa so với thực tế” - Vũ Thị Nga:  ngavuthi26@yahoo.com nêu thêm 1 ví dụ về các khoản thu “không chính thống” cứ ngày một phình ra.
 
“Tôi không biết nhà trường dạy các cháu giỏi  đến đâu, nhưng toàn thấy bắt học thêm. Giờ thì tuy nói là giảm song thực tế chắc lại tăng học phí nữa…” - Thành:  minhthanhchu@gmail.com tỏ rõ sự bán tín bán nghi.
 
(minh họa: news.vnmac.vn)
(minh họa: news.vnmac.vn)

 

Chuyện lẽ ra phải vui, ấy vậy mà Nguyen Phong phongphu@gmail.com lại bày tỏ tâm trạng hoàn toàn ngược lại: “Đọc xong mà càng thấy buồn!”

 

Mà có vẻ như đại đa số phụ huynh học sinh Hà Nội cũng đang nghĩ như Nguyên Phong đấy, thế mới khó hiểu!

 

Kiều Anh