Học gì ở người Nhật?

Năm 1959, người Nhật đã tặng ĐT Việt Nam một chiếc giày nhỏ làm bằng kim loại, với ngụ ý: “So với bóng đá Việt Nam, bóng đá Nhật chỉ giống như một chiếc giày nhỏ mà thôi”…

Lúc ấy có lẽ không ai ngờ rằng gần nửa thế kỷ sau thì cái nền bóng đá tự nhận mình là “giày nhỏ” so với bóng đá Việt Nam rốt cuộc lại đến Việt Nam để dạy người Việt Nam làm bóng đá chuyên nghiệp.

 

Chiều Chủ nhật tuần rồi, trong trận đấu HN.T&T – Khánh Hòa, khán giả sân Hàng Đẫy ngỡ ngàng với hình ảnh ông trưởng giải Trần Duy Ly nhiệt tình chỉ trỏ, giới thiệu về BĐVN với một phái đoàn nước ngoài. Hỏi ra mới biết, đó là đoàn cán bộ của Công ty tổ chức giải bóng đá chuyên nghiệp Nhật Bản (J.League), do ông Chủ tịch Ohigashi dẫn đầu. Đến hôm qua thì lễ ký kết hợp tác giữa VPF với J.League đã chính thức diễn ra. Nói như Chủ tịch VPF Võ Quốc Thắng thì VPF rất hy vọng thông qua sự hợp tác này, giải chuyên nghiệp Việt Nam rồi sẽ được nâng tầm.

 

Theo tiết lộ của ông Thắng thì hai bên hợp tác với nhau trong tổng cộng 9 vấn đề, từ những vấn đề hết sức cụ thể như phát triển hội CĐV, phát triển các lò đào tạo trẻ cho đến những vấn đề vĩ mô, liên quan tới triết lý của sự phát triển. Song có lẽ 2 điểm đáng chú ý nhất trong 9 vấn đề này nằm ở việc hai bên sẽ trao đổi cầu thủ với nhau để nâng cao trình độ, có nghĩa trong tương lai không xa một số cầu thủ V.League sẽ được qua đá J.League và ngược lại.

 

Ngoài ra, nói như ông Chủ tịch Ohigashi thì đối với một giải bóng đá chuyên nghiệp, vấn đề bản quyền truyền hình có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng, thậm chí lợi nhuận từ nó chiếm tới 60, 70% trong tổng số lợi nhuận của một giải đấu nói chung. Do đó J.League sẽ tư vấn, giúp đỡ tận tình để V.League có thể tận dụng triệt để “con gà đẻ trứng vàng” này.

 
Chủ tịch VPF Võ Quốc Thắng (
Chủ tịch VPF Võ Quốc Thắng (phải) tin rằng cú bắt tay với bóng đá Nhật sẽ đưa V.League bay xa (ảnh: Quang Minh) 

 

Ông Ohigashi cho biết thực ra người Nhật mới chỉ làm bóng đá chuyên nghiệp khoảng 20 năm, nhưng do biết cách học tinh thần làm việc của người Đức cùng nghệ thuật kinh doanh của người Mỹ mà giải bóng đá chuyên nghiệp Nhật Bản hiện tại là một trong những giải đấu có qui mô, chất lượng nhất, nhì châu Á. Còn ĐTQG Nhật Bản hay ĐT Olympic Nhật Bản thì tất cả đều đã biết, đấy luôn là những ĐT nằm trong tốp đầu châu Á.

 

Ở thời điểm hiện tại, cả nước Nhật thậm chí đang lên cơn sốt khi cả ĐT Olympic bóng đá nam lẫn ĐT Olympic bóng đá nữ của mình đều lọt tới vòng bán kết môn bóng đá nam/nữ Olympic London 2012 – điều chưa từng diễn ra trong quá khứ. Chính vì những thành quả cụ thể, rõ ràng như vậy mà cả ông Ohigashi lẫn ông Võ Quốc Thắng đều đặc biệt tin tưởng rằng sự hợp tác chặt chẽ giữa hai bên sẽ giúp giải chuyên nghiệp Việt Nam nói riêng và bóng đá Việt Nam nói chung có một sức bật đáng kể, qua đó sớm vươn lên là một trong những nền bóng đá mạnh tại châu lục.

 

Việc VPF ký kết văn bản hợp tác với J.League gợi người ta nhớ lại một câu chuyện giữa bóng đá Việt Nam với bóng đá Nhật diễn ra từ năm 1959. Hồi ấy, sau khi Đội tuyển Miền Nam Việt Nam qua Nhật thi đấu và đã có một trận đấu rất tưng bừng thì người Nhật đã tặng ĐT Miền Nam Việt Nam một chiếc giày nhỏ làm bằng kim loại, với ngụ ý: “So với bóng đá Việt Nam, bóng đá Nhật chỉ giống như một chiếc giày nhỏ mà thôi”. Lúc ấy có lẽ không ai ngờ rằng gần nửa thế kỷ sau thì cái nền bóng đá tự nhận mình là “giày nhỏ” so với bóng đá Việt Nam rốt cuộc lại đến Việt Nam để dạy người Việt Nam làm bóng đá chuyên nghiệp. Điều đó cho thấy bóng đá Nhật đã vươn lên với một tốc độ chóng mặt như thế nào, và bóng đá Việt Nam (vì nhiều lý do chủ quan, khách quan khác nhau) mà đã thụt lùi thảm bại tới đâu.

 

Thế nên nói như một cây bút lão làng thì bây giờ, khi chúng ta phải mang sách bút đi học người Nhật cũng có nghĩa là chúng ta phải học một nền bóng đá mà đã có lúc nền bóng đá ấy phải học chúng ta…  Nhưng thôi, dẫu sao có ý thức học còn hơn không. Vấn đề bây giờ là phải học sao cho hiệu quả, tử tế, thay vì học chỉ để lấy thành tích, hoặc để chứng minh với ai đó rằng… tôi là người ham học!

 

Theo Diệp Xưa

Công an Nhân dân