Bạn đọc viết:

Hình phạt răn đe hơn với thanh thiếu niên phạm tội đặc biệt nghiêm trọng

(Dân trí) - Một khi xã hội thay đổi, tư liệu sản xuất thay đổi hay cơ sở hạ tầng thay đổi thì luật pháp - một phần của quan hệ sản xuất, của kiến trúc thượng tầng cần được thay đổi cho phù hợp. Như vậy, xã hội mới phát triển bền vững, yên bình…

Kính gửi toà soạn báo Dân trí.

 

Tôi là một nhân viên văn phòng sinh sống và làm việc tại TPHCM. Cũng như tất cả người dân, tôi đã theo dõi vụ án tiệm vàng Bắc Giang từ đầu đến giờ. Hung thủ đã bị bắt, quá trình điều tra sắp đến hồi kết. Nhưng những hành động dã man của kẻ sát nhân tàn bạo đã làm tôi và rất nhiều người thân, bạn bè thực sự lo sợ và căm phẫn.

 

Tôi viết thư này đến toà soạn muốn nói lên suy nghĩ của mình về án phạt tối đa 18 năm tù mà nhiều báo chí đã bàn luận có thể sẽ dành cho tên Luyện (ảnh, giữa), Hi vọng toà soạn đăng tải để nhiều bạn đọc khác có thể tham gia góp ý.

 

1. Án phạt tối đa 18 năm tù là quá nhẹ cho một sát nhân giết 3 mạng người, đã có thể là 4 vì bé Bích không chết là nằm ngoài ý muốn của hắn. Đây là một hành vi hết sức dã man, không có tính người.

 

Một số ý kiến nhân đạo cho rằng chỉ cần phạt hắn như vậy, rồi tòa án lương tâm sẽ trừng phạt, ám ảnh hắn suốt đời. Nhưng, bản án lương tâm đó có theo hắn hay không, có ám ảnh, trừng trị hắn hay không. Đó là điều không ai biết, trừ chính hắn.

 

Còn sự thật là một gia đình êm ấm, hạnh phúc đã tan hoang. Em bé 9 tuổi mồ côi cha mẹ, khủng hoảng với những kí ức kinh hoàng, đau đớn, mãi mãi không thể xoá nhoà. Ở đây chúng ta chưa nói đến việc mạng đền mạng, nhưng pháp luật cần xử nặng để loại bỏ vĩnh viễn những đối tượng không còn tính người, để nhân dân yên tâm sinh sống làm ăn.

 

2. Một khi án phạt 18 năm tù này được thông qua và pháp luật chưa được chỉnh sửa, hãy tưởng tượng điều gì có thể sẽ xảy ra? Các “đại ca băng đảng” có thể sẽ thu nạp những tên đàn em dưới 18 tuổi, đâm chém, giết người cướp của, không cần biết là giết bao nhiêu người hay là giết với thủ đoạn gì...cũng chỉ 18 năm tù! Tài sản cướp được nếu không bị cơ quan công an phát hiện ra thì 18 năm sau hoàn toàn có thể giúp bọn chúng đổi đời. Chúng ta tự hỏi có kẻ nào sẵn sàng đánh đổi điều này không? Riêng tôi, tôi dám tin là có.

 

3. Hình phạt tối đa 18 năm tù dành cho người chưa đủ tuổi vị thành niên (dưới 18 tuổi) phạm tội hình sự này đã được đặt ra từ khá lâu. Khi điều kiện xã hội thay đổi: có quá nhiều án mạng giết người chỉ vì không có tiền chơi games; khi mà các game, các phim bạo lực có lẽ đang là 1 trào lưu và thiếu sự giáo dục từ cha chẹ, cộng đồng... như vậy liệu luật pháp cũ có quá “lỗi thời” hay không?

 

Ngày nay, thanh thiếu niên Việt Nam trưởng thành sớm và tỉ lệ tội phạm vị thành niên khá cao. Ở đâu chúng ta cũng có thể thấy những thanh niên đầu xanh, đầu đỏ tụm năm tụm bảy, văng tục, gây gổ, gây rối trật tự xã hội. Và vụ án cướp tiệm vàng Bắc Giang lại gióng lên một hồi chuông báo động về tình trạng này. 

 

Bên cạnh các biện pháp phòng chống khác như: tăng cường giáo dục hiểu biết pháp luật, giáo dục tầm quan trọng và vai trò của gia đình, quản lý và loại bỏ game online bạo lực, quản lý chặt chẽ số thanh niên thất nghiệp ở địa phương v.v... thì hình phạt cho thanh thiếu niên phạm tội cần được tăng lên nhằm: trừng phạt thích đáng những kẻ vi phạm và răn đe những người có ý định phạm pháp.

 

Luật pháp cũng như chính mối quan hệ biện chứng giữa quan hệ sản xuất và tư liệu sản xuất hay giữa cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng. Một khi xã hội thay đổi, tư liệu sản xuất thay đổi hay cơ sở hạ tầng thay đổi thì luật pháp - một phần của quan hệ sản xuất, của kiến trúc thượng tầng PHẢI ĐƯỢC THAY ĐỔI cho phù hợp. Như vậy, xã hội mới phát triển bền vững, yên bình, mới công bằng, dân chủ và văn minh.
 
Hình phạt răn đe hơn với thanh thiếu niên phạm tội đặc biệt nghiêm trọng - 1

 

Chúng ta có thể xem xét chỉnh sửa luật gồm 2 điểm:

 

a) Tội phạm phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, bất kể độ tuổi đều phải chịu khung hình phạt cao nhất (tất nhiên đã tính đến trường hợp khi tuổi quá nhỏ sẽ ít có khả năng thể chất, tinh thần để gây ra những vụ án nghiêm trọng).

 

b) Hạ độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự cho phù hợp.

 

Pháp luật phải nghiêm minh và có tính răn đe thì mới được tôn trọng. Pháp luật Việt Nam nhân đạo, khoan hồng với những người lầm đường lạc lối biết ăn năn hối cải, nhưng kiên quyết trừng trị những kẻ tàn ác, chủ tâm phá hoại đời sống yên bình của nhân dân. Chỉnh sửa pháp luật kịp thời, hợp với lòng dân sẽ góp phần vô cùng quan trọng trong việc trừng phạt, răn đe cái xấu, cái ác và đảm bảo trật tự an toàn xã hội, phát triển đất nước.  

 

Trân trọng!

 

Nguyễn Tùng Anh

Email: nguyentunganh@gmail.com