Bạn đọc viết:

Hãy quan tâm thiết thực tới các cựu nhà giáo đang dần vắng bóng!

(Dân trí) - Theo dự kiến vừa công bố, các nhà giáo về hưu trong khoảng thời gian từ đầu năm 1994 cho tới cuối năm 1998 (5 năm) sẽ được trợ cấp 1 lần khoản tiền (những) 2 triệu đồng (!). Kinh thế cơ chứ! Tôi tin là nhiều cụ sẽ... rưng rưng nước mắt…

Cùng một chính sách nhưng lần thực hiện sau lại lạc hậu hơn lần trước (Ảnh minh họa)
Cùng một chính sách nhưng lần thực hiện sau lại "lạc hậu" hơn lần trước (Ảnh minh họa)

 

Đó là nhóm các cụ giáo 74 – 79 tuổi. Mà tuổi hưu phổ biến ở nước ta là 60 (nam) và 55 (nữ). Để nói 1 cách đơn giản, trong bài này  tôi chỉ xin thực hiện vài phép tính nhỏ với các cụ ông (từ đó, rất dễ suy ra các con số với các cụ bà).   
 

Theo dự kiến vừa công bố, các nhà giáo về hưu trong khoảng thời gian từ đầu năm 1994 cho tới cuối năm 1998 (5 năm) sẽ được trợ cấp 1 lần khoản tiền (những) 2 triệu đồng (!). Kinh thế cơ chứ. Tôi tin là nhiều cụ sẽ rưng rưng nước mắt. Các cụ xúc động vì cái gì, xin chớ đoán. Xin cứ hỏi rồi để chính các cụ nói ra.

 

Nếu về hưu đầu năm 1994 ở tuổi 60 thì năm sinh của các cụ (ông) khoảng 1934, đến nay (sắp hết năm 2012) tuổi trung bình của các cụ là 78-79. Nếu về hưu cuối 1998, các cụ có tuổi trung bình hiện nay là 73-74. Đây cũng là tuổi của các cụ bà hưu năm 1994. Đây là thế hệ cha-anh của lớp nhà giáo hiện nay.  

 

Theo con số chính thức của ngành thống kê, tuổi thọ của dân Việt Nam hiện nay là 74. Như vậy, các cụ thuộc nhóm này đã “tịch” nhiều rồi. Đây chính là nhóm mà sinh thời các cụ được toàn xã hội...bày tỏ sự quan tâm (theo như chúng tôi nhận thấy là) đầy vẻ thương hại.

 

- Các cụ đã trải qua thời kỳ đất nước khủng hoảng (1975-1985), muôn người phải “vượt rào” (trừ các cụ, vì cái nghề không cho phép). Các cụ đã nếm trải bao mùi cay đắng của những thời kỳ khó khăn và cả… khó nói ra nhất.

 

- Còn nữa. Quý vị soạn thảo cái chủ trương trợ cấp này hẳn là chưa hiểu hết thế nào là nỗi điêu đứng của nhà giáo ở cái “thời Giá-Lương-Tiền”, chứ các cụ thì nếm đủ rồi.

 

- Chưa hết. Trong khi soạn thảo, nếu quý vị muốn biết thế nào là “bom đạn chiến tranh” thì cứ tìm các cụ (nếu nay còn sống) mà hỏi. Có thể đề nghị các cụ cho xem cả huân – huy chương nữa... Các cụ đã được “trợ cấp một lần” về huân huy chương, coi như con cháu không còn nợ gì các cụ nữa??? Nay lại vẫn “trợ cấp một lần”???

 

Thôi, Bộ GDĐT ơi,  hãy thương lấy các cụ nhóm này? Số lượng các cụ hiện tại chẳng còn bao nhiêu đâu và chắc chắn ngày càng thưa thớt trên cõi đời, nên có lẽ đây là dịp cuối để ngành Giáo dục ta đền ơn đáp nghĩa thôi.

 

Theo tôi, với các cụ đã quá cố, có thế tặng gia đình vài triệu để làm giỗ. Với các cụ còn sống (rất ít thôi), thì có thể cho hưởng trợ cấp hàng tháng để “mỗi tháng đều có chút niềm vui”. Cứ rả rích như vậy, số tiền tuỳ theo ngân quỹ mà ta thu xếp được. Ví dụ bằng 25 hay 30% khoản thâm niên “hưu” của các nhà giáo hiện nay. Nói cụ thể, một nhà giáo dạy 30-35 năm, đến nay (2012) về hưu, sẽ được đem phụ cấp thâm niên để tính lương hưu. Chỉ cần cho thế hệ cha-anh họ hưởng hàng tháng bằng 1/4 khoản này của con em, cũng đủ để lớp người lụ khụ hồ hởi rồi. Các cháu đang cân nhắc thi vào Sư phạm thì cũng có thể nhìn vào đây mà đỡ… phân vân.

 

Điều chắc chắn là khoản phải chi này sẽ ngày càng giảm. Cho đến khi trong ngành Giáo dục ta chẳng còn ai là nhân chứng chiến tranh giải phóng nữa, ta sẽ thoát cái khoản chi này. Khi đó, các tác giả soạn thảo chủ trương sẽ vui hay buồn?

 

Nhóm hưu từ đầu năm 1999 đến cuối năm 2003:  Tuổi trung bình các cụ khoảng 68-73 (nam) hoặc 63-68 (nữ). Theo dự thảo, được trợ cấp “một lần” tới… 3 triệu (!). Dựa vào tuổi thọ chung, hơn bù kém, các cụ nhóm này còn lĩnh lương hưu khoảng 10 năm nữa. Tiếc gì khoản 10-20 triệu cho mỗi cụ dưới 70 tuổi? Còn các cụ trên 70, nếu muốn lĩnh trợ cấp hàng tháng cũng nên OK để tạo niềm vui, dù khoản này chỉ bằng 25% so với nhà giáo hưu năm 2012.

 

Nhóm hưu 2004 tới 2011: Các cụ (hay ông, bà) nhóm này còn trường thọ, lại mới tham gia Hội Cựu Giáo chức, do vậy đủ điều kiện đấu tranh cho quyền lợi chính đáng của mình. Mặt khác, các cụ còn đủ sức khoẻ và trình độ để kiên nhẫn và sáng suốt. Các cụ cứ ủng hộ hai nhóm trên đi, sẽ chẳng đi đâu mà thiệt.

 

Chính nhóm này sẽ giúp Bộ GDĐT ta lấy lại lòng yêu nghề của một triệu thầy cô giáo đang đứng trên bục giảng (theo tôi được biết, hiện có một nửa số người hối hận vì chọn cái nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý - lời cố thủ tướng Phạm Văn Đồng - này rồi đấy.

 

Bùi Như Lạc (nhà giáo 67 tuổi)

buinhulac1945@gmail.com