Phiếm đàm

Hãy kỷ luật tôi đi!

(Dân trí) - Nếu cứ thế này thì rồi đây có thể nhiều cán bộ không cần tế nhị xui người vợ đến yêu cầu cơ quan kỷ luật chồng như câu chuyện châm biếm kể trên ba mươi năm về trước, mà bây giờ chính bản thân những người đó sẽ nói trắng phớ với cơ quan rằng: "Hãy kỷ luât tôi! Nếu thương tôi thì hãy kỷ luật tôi đi! Xin hãy làm ơn kỷ luật tôi nhé!


Dinh họa: Ngọc Diệp

Dinh họa: Ngọc Diệp

Thời gian qua, không ít vụ việc thay vì cần phải làm rõ trách nhiệm và xử lý theo đúng quy định của pháp luật thì lại được điều chuyển từ xã lên huyện, từ huyện lên tỉnh, từ tỉnh lên trung ương với những vị trí cao hơn.

Lấy vài ví dụ cụ thể để minh chứng: Ở cấp xã, ông Bí thư Đảng ủy xã Chương Dương huyện Thường Tín TP Hà Nội, sai phạm về quản lý đất đai bị kỷ luật điều lên làm Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Thường Tín.

Ở cấp huyện, Chủ tịch UBND huyện Bình Giang (Hải Dương) vì làm thất thoát hơn 100 triệu đồng, cùng những sai phạm khác bị kỷ luật đưa lên làm Phó Chánh Thanh tra tỉnh Hải Dương, cơ quan thường trực phòng chống tham nhũng của tỉnh.

Ở cấp tỉnh, thành phố, do vi phạm pháp luật trong việc quản lý xây dựng tại nhà 8B Lê Trực. Sở Xây dựng Hà Nội đã thi hành quyết định kỷ luật ông Đội trưởng Đội TTXD quận Ba Đình được điều động giữ chức phó Trưởng phòng Tổ chức, Thanh tra Sở Xây dựng. Ông Phó Đội trưởng Đội TTXD quận Ba Đình được điều động làm chuyên viên phòng Giải quyết khiếu nại tố cáo, Thanh tra Sở Xây dựng.

Thực ra, chuyện các cán bộ mắc sai phạm được điều chuyển lên công tác ở những cấp cao hơn, trước đây nhiều năm đã có. Hồi đó - tháng 7/1990, để phản ánh hiện tượng xã hội này, tôi đã viết truyện châm biếm “Hãy kỷ luật chồng tôi´ đăng trên báo Lao Động. truyện đó như sau:

Vụ trưởng Vụ tổ chức cán bộ X, suốt hai mươi năm ngồi ở ghế này, đã phải tiếp đến hàng ngàn người đến gõ cửa xin được tăng lương, đề bạt hoặc đi nước ngoài công tác, nhưng chưa có một lần nào ông lại được tiếp một người đến cầu khẩn hãy kỷ luật chồng mình.

Con người ấy đang ngồi trước mặt ông. Đó là một phụ nữ có khuôn mặt trái xoan, đượm một nỗi buồn sâu xa chắc vì một nỗi bất hạnh lớn lao và dai dẳng đang dày vò chị. Tỏ ra rất sành về tâm lý, ông hỏi luôn:

- Chắc là anh ấy lại cặp bồ nhăng nhít với cô nào chăng?

Người phụ nữ bất hạnh rơm rớm nước mắt và lắc đầu.

Ông Vụ trưởng tiếp tục đoán:

- Chắc là anh ấy vô trách nhiệm với vợ con, không chịu đưa lương về cho chị, lại rượu chè be bét?

Những giọt nước mắt to, nhỏ tiếp tục lăn trên gò má người phụ nữ. Chị ta lắc đầu.

Ông vụ trưởng bắt đầu bối rối, đoán tiếp:

- Hẳn là chị phát hiện ra anh ấy bắt đầu tham ô tài sản của xí nghiệp và phải đề nghị cơ quan kỷ luật ngay để kịp cứu anh ấy khỏi trượt sâu vào con đường lầm lạc đến mức vào tù?

Người phụ nữ nức nở khóc và vẫn lắc đầu.

- Thế thì đúng là anh ấy trong thời gian làm giám đốc xí nghiệp đã sử dụng chức quyền của mình để độc đoán, chuyên quyền, trù úm công nhân làm cho anh em oán ghét, ảnh hưởng rất xấu đến thanh danh gia đình chị.

Người phụ nữ òa khóc và nói:

- Tất cả những điều ấy đều không đúng. Chồng tôi rất chung thủy với vợ con, sống liêm khiết trong sạch, tôn trọng quyền làm chủ tập thể của công nhân, được cả nhà máy quý mến.

Ông vụ trưởng ngạc nhiên, giương kính lên nhìn chị:

- Thế tại sao một con người tốt như vậy mà chị lại yêu cầu kỷ luật?

Nghe vụ trưởng vụ tổ chức hỏi, người phụ nữ liền giận dữ nói:

- Chính câu hỏi đó, tôi phải hỏi ông chứ không phải ông hỏi tôi. Một người tốt như chồng tôi mà bao nhiêu năm nay ông không chịu quyết định kỷ luật! Trong khi đó, giám đốc xí nghiệp Y, bên cạnh xí nghiệp chồng tôi, nào trai gái, nào tham ô, nào trù dập công nhân đến mức thanh tra nhà nước phải về xem xét thì lại được ông kỷ luật, rút lên Bộ đề bạt làm phó ban một ban gì đấy, tương đương với chức vụ phó rồi tăng lương, phân phối nhà rộng hơn, lại ở ngay Hà Nội.

Giọng chị ta rõ là đe dọa một cách quyết liệt:

- Lần cuối cùng, tôi yêu cầu ông hãy kỷ luật chồng tôi, để chồng tôi cũng được những quyền lợi như thế. Nếu không tôi sẽ kiện lên đồng chí Bộ trưởng về cách xử sự không công bằng này.

Điều ngạc nhiên ở đây là cho đến nay sau một thời gian dài vài chục năm, công tác cán bộ kiểu kỷ luật cán bộ bằng cách đẩy lên chức cao hơn, không những vẫn không có gì thay đổi, mà còn phổ biến hơn, diễn ra không chỉ ở xã, mà cả ở huyện, ở tỉnh và cả ở các cơ quan quản lý trên Trung ương. Hơn thế, mức độ lại trầm trọng hơn. Chuyện ông Võ Kim Cự - Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh là một điển hình. Ông Cự phạm sai lầm nghiêm trọng, tháng 4/2016 để xẩy ra sự cố hải sản chết hàng loạt ven biển 4 tỉnh miền Trung, rời ghế Bí thư thì ra Hà Nội nhận chức Chủ tịch Liêm minh Hợp tác xã Việt Nam và làm thành viên Ủy ban Kinh tế của quốc hội khóa 14.

Nếu cứ thế này thì rồi đây có thể nhiều cán bộ không cần tế nhị xui người vợ đến yêu cầu cơ quan kỷ luật chồng như câu chuyện châm biếm kể trên ba mươi năm về trước, mà bây giờ chính bản thân những người đó sẽ nói trắng phớ với cơ quan rằng: "Hãy kỷ luât tôi! Nếu thương tôi thì hãy kỷ luật tôi đi! Xin hãy làm ơn kỷ luật tôi nhé!

Nguyễn Đoàn