Bạn đọc viết:

Hai mặt của việc nêu vấn đề lao động Thanh - Nghệ - Tĩnh bị "chê"

(Dân trí) - Bài báo về lao động Thanh – Nghệ - Tĩnh bị “chê” ở một số nơi có mặt tích cực là phản ánh được thực trạng, giúp các cơ quan quản lý cùng lên tiếng, hỗ trợ người lao động. Mặt khác cũng có thể khiến xã hội có cái nhìn thiếu tích cực…

Hai mặt của việc nêu vấn đề lao động Thanh - Nghệ - Tĩnh bị chê
Việc cần người, nhưng cũng có người đỏ mắt tìm không ra việc (ảnh minh họa: Lao Động) 
 

Tôi là một doanh nhân, xin phép không nêu rõ họ tên và công ty hiện tôi đang làm việc. Đó là 1 công ty lớn của Nhà nước tại Hà Nội, có hợp tác làm ăn với nhiều đối tác trên thế giới. 
 

Tôi là một độc giả thường xuyên đọc báo Dân trí điện tử. Tuần qua trên báo có đăng một số bài viết về việc lao động Thanh - Nghệ - Tĩnh bị một số doanh nghiệp tại các khu công nghiệp ở Bình Dương, Đồng Nai...chê. Đọc xong tôi suy nghĩ nhiều và rất buồn, hôm nay tôi viết thư này cũng là một lời tâm sự, chia sẻ và có một vài đề nghị tới quý báo.

 

Tôi sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Nghệ Tĩnh. Cũng như bao bạn trẻ khác ở vùng quê này, lúc còn nhỏ chỉ có một giấc mơ duy nhất là học thật giỏi để đỗ đạt rồi học đại học ở Hà Nội. Ước mơ đó cũng thành sự thật, tôi thi đỗ vào trường đại học có tiếng về kinh doanh ở Hà Nội, một trường đại học mà nhiều bạn trẻ bây giờ đều mong ước thi vào. 

 

Ra trường, sau một thời gian phải làm nhiều công việc khác nhau như nhân viên Sale cho các công ty nước ngoài, tôi vào một công ty Nhà nước và làm việc ở Phòng Kinh doanh. Khoảng thời gian đầu, nhìn chung công việc ổn định, tôi cũng đủ thu nhập để thuê nhà ở Hà Nội và lập gia đình.

 

Tuy nhiên, bắt đầu từ cuối năm 2007, cùng với những khó khăn của nền kinh tế, công việc làm ăn của công ty tôi cũng gặp nhiều khó khăn, nhất là khi sự trì trệ của mô hình doanh nghiệp Nhà nước ngày càng biểu hiện rõ. Giám đốc hầu như không còn quan tâm đến tình hình hoạt động SXKD của công ty, phó mặc cho công ty đi đến đâu thì đến.  Thu nhập của CBCNV giảm sút, nhiều đối tác nước ngoài đã bỏ hợp tác với công ty. Nhiều đề xuất của những người tâm huyết, trong đó có tôi, đã không được giám đốc chấp thuận.

 

Đứng trước tình hình đó, cuối năm 2008,Tập đoàn (đơn vị cấp trên của chúng tôi) cử Anh - một người trẻ, có học  thức, sau này tôi được biết là từng học ở Liên Xô, về làm Giám đốc mới của Công ty. Nghe đâu Anh là người Nam Định, nhưng sống và lớn lên ở Hà Nội.

 

Lúc đầu mới về, mọi người trong công ty đều bảo nhau: trẻ thì làm được cái gì, chắc lại như ông giám đốc cũ thôi. Khoảng một tháng sau, Anh cho gọi tôi vào để nói chuyện. Câu đầu tiên Anh hỏi: "Anh nghe mọi người nói cậu hay cãi cấp trên và đưa ra nhiều đề xuất phải không?" Tôi thực sự bối  rối vì đúng như vậy. Trong công việc tôi được xem là "kẻ cứng đầu". Những việc không phải, không phù hợp là tôi "cãi" ngay với trưởng phòng (một người theo tôi là khá trì trệ) và thường đưa ra những đề xuất trái với ý kiến của trưởng phòng, nhất là trong thời gian công ty gặp khó khăn.

 

Tôi rụt rè đáp: "Vâng ạ" và nghĩ rằng sẽ phải nhận một hình phạt như bị sa thải, tạm dừng công việc... cho kẻ hay gây rối này.  Thật bất ngờ khi Anh đề nghị (hoặc có thể nói là yêu cầu) mà đối với tôi, đó là một đề nghị đã thay đổi cuộc đời - "Em về làm thư ký cho Anh kể từ ngày mai". Tôi quá bất ngờ bởi tôi chỉ là một trong hàng trăm nhân viên khác của công ty. Hơn nữa còn có các trưởng, phó phòng và nhiều nhân viên khác có mối quan hệ với các lãnh đạo cấp trên của Anh. Vậy sao Anh không chọn họ mà lại nhận tôi vào vị trí này?

 

Tuy nhiên, sau khi suy nghĩ 1 ngày tôi đã nhận và được Anh giao nhiệm vụ với lời nhấn mạnh: “Anh có yêu cầu là em hãy đưa ra tất cả các đề nghị, ý kiến đề xuất làm sao cho công ty phát triển, vượt qua được khủng hoảng, khó khăn lần này”.

 

Kể từ đó, bên cạnh vai trò là thư ký của Anh, tôi đã đưa ra những đề xuất, kiến nghị trên tinh thần vì công việc, vì công ty. Kể cả những kiến nghị bị nhiều người trong công ty cho là "gàn”, “không hợp lý". Bao gồm cả từ cải tổ bộ phận kinh doanh, sản xuất, hợp tác với đối tác...tới công tác nhân sự, tiền lương... Mỗi lần như vậy, Anh đều lắng nghe, cùng tôi phân tích tất cả các khía cạnh liên quan nếu thực thi.

 

Theo thời gian, nhiều kiến nghị, đề xuất của tôi được Anh áp dụng. Hoạt động kinh doanh của công ty ngày càng thay đổi theo chiều hướng tích cực, nhiều đối tác đã quay lại với chúng tôi. Lao động giỏi, người giỏi cũng đã trở lại với công ty chúng tôi (bao gồm cả những người Nghệ Tĩnh). Anh không hề có sự phân biệt gì và tôi cũng rất mừng vì mình đã làm được một số việc cho Anh, mặc dù chỉ dưới vai trò thư ký, tham mưu…

 

Cũng theo thời gian, chúng tôi dần hiểu nhau hơn. Tôi được biết anh có người bạn thân tên H., quê Nghệ An, trước cùng học ở Liên Xô (cũ). Anh kể rằng anh H. cũng là người hay "cãi". Những gì chưa rõ hoặc không vừa lòng, anh H. lại "bắt bẻ" thầy, cô giáo Nga. Và nhiều lần anh H. đã "thắng", được cho điểm 5 (cao nhất trong thang điểm của Nga thời bấy giờ). 

 

Cuối những năm 1990, Liên Xô bắt đầu khủng hoảng, đời sống của sinh viên Việt Nam tại Liên Xô gặp nhiều khó khăn. Anh H. bung ra ngoài làm ăn và gần như trở thành người nuôi Anh ăn học trong quãng thời gian khó khăn nhất đó. Sau này Anh về nước làm việc, anh H. vẫn ở lại rồi nghe đâu bị bọn mafia Nga sát hại….

 

Sau khi về công ty tôi, Anh kể đã đọc nhiều hồ sơ nhân sự của các cán bộ và Anh chú ý tới tôi, đặc biệt là do tội "hay cãi" cấp trên. Theo Anh nghĩ, trong điều kiện công ty như vậy người như tôi là rất cần vì dám đề xuất để thay đổi. 3 năm sau Anh đề bạt tôi lên làm Phó Giám đốc với mong muốn những suy nghĩ “không giống người khác” của người xứ Nghệ sẽ đóng góp cho công ty tiếp tục phát triển.

 

Cũng có thể tôi chỉ là người may mắn khi gặp được vị Giám đốc yêu quý và đặt niềm tin vào những phẩm chất của con người xứ Nghệ nói chung. Tuy nhiên qua đây, tôi cũng muốn gửi tới quý báo một số đề nghị sau:

 

1. Tôi không phủ nhận ở các vùng miền khác nhau cũng có người xấu, người tốt. Tôi cũng đã gặp một số người xứ Nghệ không tốt, vụ lợi, lười biếng. Nhưng phần lớn, người xứ Nghệ là những người dám đề xuất ý kiến, kiến nghị hoặc làm những việc để thay đổi hiện tại chưa tốt. Họ thường chấp nhận rủi ro cao hơn những người ở các vùng khác trên khắp đất Việt Nam. Họ thường chịu thương, chịu khó và chân thành trong quan hệ bạn bè.

 

Đặc biệt trong những thời điểm kinh tế đang gặp khó khăn như thế này, các khu công nghiệp ở Bình Dương, Đồng Nai, theo tôi có thể đã có một số khuất tất trong việc đãi ngộ, điều kiện làm việc... nên công nhân xứ Nghệ nói riêng (và suy rộng ra là cả Thanh – Nghệ - Tĩnh nói chung) mới hay lên tiếng. Đổi lại, thay vì tiếp nhận những ý kiến tích cực, có lẽ các công ty này đã ngấm ngầm không nhận những công nhân xứ Nghệ vào làm việc. Điều này chẳng khác gì chặn  đường sống của người lao động, vậy có chắc rằng làm như thế là tối ưu hay không? Vì khi không có việc làm có thể sẽ sinh ra thêm các tệ nạn xã hội, chưa chắc là phát sinh tại quê nhà, mà chính là tại các địa phương có khu công nghiệp đó.

 

2. Các bài báo quý báo đưa lên, có mặt tích cực là phản ánh được thực trạng, giúp các cơ quan quản lý Nhà nước cùng lên tiếng, hỗ trợ người lao động. Tuy nhiên, tôi thấy cũng mặt trái là có thể làm cho xã hội có cái nhìn thiếu tích cực với những người lao động xứ Nghệ, và rộng hơn nữa là cả với những người con "xứ Nghệ" đi làm ăn xa quê như tôi.

 

Do vậy, tôi mong quý báo có những bài viết mổ xẻ, phân tích các mặt ưu điểm trong lao động của người xứ Nghệ, những đóng góp của người xứ Nghệ đối với các khu công nghiệp, với các địa phương có khu công nghiệp trong thời gian qua. Theo tôi biết, có nhiều cá nhân xuất sắc người xứ Nghệ làm việc tại các khu công nghiệp này, thậm chí là cả trong số người lao động xuất khẩu VN tại nước ngoài.

 

Ngoài ra, quý báo cũng nên phân tích, tìm hiểu xem tại sao CBCNV xứ Nghệ tại các KCN lại thường dám nói lên tiếng nói của mình, trong khi các địa phương khác lại không. Xem liệu có phải các doanh nghiệp tại các KCN này cũng có những khuất tất dẫn đến các vụ phản kháng của công nhân xứ Nghệ hay không?...

 

Trên đây là một số tâm sự và đề xuất của tôi. Mong quý báo tiếp nhận và có hướng xử lý. Trân trọng cảm ơn.

 

Một người con xứ Nghệ ở Hà Nội