Bạn đọc viết:

Giảm ùn tắc giao thông khó, nếu…

(Dân trí) - Sau một thời gian nghiên cứu, tôi cho rằng giảm ùn tắc giao thông hiện nay tuy là một trong những vấn đề lớn, song không phải khó thực hiện. Đầu tư nâng cấp hạ tầng giao thông là cần thiết, song không phải là vấn đề then chốt như BT Thăng nói...

 
Giảm ùn tắc giao thông khó, nếu…
(minh họa: Ngọc Diệp)
 

Ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn là một trong những vấn đề lớn và “nóng” đang được các cơ quan chức năng tìm mọi cách khắc phục. Thời gian qua, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công an cùng lãnh đạo chính quyền các địa phương đã nỗ lực đưa ra các giải pháp nhằm hạn chế đến mức thấp nhất hiện tượng ùn tắc giao thông, song chưa có hiệu quả đáng kể.

 

Mới đây, thành phố Hà Nội đã triển khai xây dựng và đưa vào sử dụng 2 cây cầu tải trọng nhẹ tại các tuyến phố thường xuyên ùn tắc, bước đầu đã có hiệu quả song vẫn đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ cần được tiếp tục giải quyết.

 

Sau một thời gian nghiên cứu, tôi cho rằng giảm ùn tắc giao thông hiện nay tuy là một trong những vấn đề lớn, song không phải khó thực hiện. Đầu tư nâng cấp hạ tầng giao thông là cần thiết, song không phải là một vấn đề then chốt như lời Bộ trưởng Đinh La Thăng nói. Mà nâng cao hiệu lực công tác quản lý nhà nước về giao thông mới là vấn đề then chốt trong giai đoạn hiện nay, vì đầu tư lớn nhưng công tác quản lý không tốt cũng sẽ không mang lại hiệu quả.

 

Để giảm ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn, cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương chỉ cần thực hiện tốt chức trách của mình theo quy định của pháp luật. Nghiên cứu, lựa chọn các giải pháp phù hợp với điều kiện của Việt Nam và đặc điểm của từng thành phố, sau đó tổ chức thực hiện một cách triệt để, nghiêm túc và quyết liệt.

 

Đối với người dân, cần nâng cao ý thức của mình, chấp hành nghiêm chỉnh mọi quy định khi tham gia giao thông: đi đúng làn đường, không vượt đèn đỏ, không cố vượt lên trước khi đang có dấu hiệu tắc đường. Tại các điểm giao nhau, khi có đèn đỏ không đỗ lấn phần đường dành cho xe được phép rẽ phải hoặc trái. Khi muốn rẽ trái đừng cố vượt lên dừng chờ ở làn đường bên phải…

 

Một thông điệp dành cho người tham gia giao thông là: “Đừng cố vội 10 giây để rồi bị chậm cả 10.000 giây”!

 

Dưới đây là một số giải pháp. Nếu Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công an, Chính quyền các thành phố lớn tổ chức thực hiện một cách đồng bộ, triệt để và quyết liệt theo đúng quy định của pháp luật, tôi tin chắc rằng vấn đề ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn sẽ được giải quyết:

 

Một là: Tổ chức phân làn cho xe ô tô trên toàn bộ các tuyến phố chính, tuyến phố thường xuyên ùn tắc, tiến tới thực hiện trên toàn bộ các tuyến phố trong nội thành (trước mắt chưa áp dụng với xe máy). Theo đó, các loại xe ô tô chỉ được cơ động trên một hoặc hai làn, tùy theo tính chất, đặc điểm của từng tuyến đường và quy định của cơ quan chức năng.

 

Biển báo phân làn không nên bố trí ở giữa đường như thành phố Hà Nội, mà nên bố trí như tại thành phố Hồ Chí Minh hiện nay. Thực hiện tốt giải pháp này trật tự giao thông sẽ tốt lên, xung đột giữa các phương tiện tại các điểm giao nhau sẽ giảm mạnh, hiện tượng ùn tắc sẽ được giải quyết. Bên cạnh đó, cảnh quan đô thị sẽ đẹp lên rất nhiều. Thực tế, giải pháp này thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng đã và đang triển khai có hiệu quả tốt. Còn tại thành phố Hà Nội tuy đã triển khai nhưng manh mún, không đồng bộ, thiếu quyết liệt nên không có hiệu quả.

 

Hai là: Tổ chức chặt chẽ, linh hoạt việc cấm dừng, cấm đỗ xe ô tô trên các tuyến phố trong khu vực nội thành. Theo đó, tại các tuyến phố chính, tuyến phố có bề rộng hạn chế thường xuyên ùn tắc, cần tổ chức triệt để, quyết liệt việc cấm dừng, cấm đỗ vào các khung giờ nhất định: có thể từ 06.30 đến 19.00 hàng ngày, hoặc chỉ cấm trong giờ cao điểm từ 06.30 - 08.30 sáng, từ 16.30 - 19.00 chiều tối.

 

Thực hiện giải pháp này, các tuyến phố thường xuyên ùn tắc sẽ thông thoáng hơn, khả năng cơ động của các loại phương tiện sẽ tốt hơn, hiện tượng ùn tắc sẽ được hạn chế.

 

Hiện nay, tổ chức bố trí hệ thống biến báo cấm dừng - đỗ xe trên địa bàn nội thành Hà Nội chưa hợp lý, không linh hoạt. Công tác tổ chức thực hiện không nghiêm túc, thiếu tính quyết liệt. Một số tuyến phố lớn, có mặt đường rộng hoặc đường trong khu chung cư không bao giờ ùn tắc, song vẫn bố trí biển cấm dừng - cấm đỗ. Một số tuyến phố thường xuyên ùn tắc, có biển cấm dừng nhưng các loại xe vẫn ngang nhiên dừng - đỗ gây ùn tắc giao thông.

 

Mới đây, tại khu vực quận Cầu Giấy - Hà Nội, cơ quan chức năng tiếp tục triển khai một loạt biển báo cấm dừng - đỗ tại khu vực các cổng trường học với chiều dài thể hiện là 200m. Theo tôi hiểu, việc bố trí các biển báo trên là phục vụ việc giảm ùn tắc đường vào thời điểm học sinh đến trường và tan lớp. Tuy nhiên, do không quy định rõ thời gian cấm, kết hợp với việc tổ chức thực hiện không nghiêm, không khoa học nên phía sau các biển báo đó vẫn rất nhiều ô tô dừng đỗ “an toàn”. Do vậy, tôi nghĩ việc bố trí biển báo của cơ quan chức năng chỉ là hình thức.

 

Ba là: Tiếp tục cấm tiến tới xóa bỏ toàn bộ các điểm trông giữ xe dưới lòng đường, trên vỉa hè tại các tuyến phố trong khu vực nội thành. Thực hiện giải pháp này, bước đầu sẽ gây khó khăn cho các chủ phương tiện, song về lâu dài sẽ có tác động tích cực tới việc giảm ùn tắc giao thông. Đường phố sẽ thông thoáng hơn. Thiếu điểm trông giữ xe, người dân sẽ phải cân nhắc khi muốn mua xe hoặc sử dụng ô tô đi vào nội thành.

 

Bốn là: Cấm các loại phương tiện chở hàng cồng kềnh đi vào thành phố trong các khung giờ cao điểm. Theo đó, các loại xe đạp, xe máy, xe ô tô chở rau, chở biển quảng cáo, xe chở vật liệu xây dựng… không được cơ động tại khu vực nội thành trong các khung giờ cao điểm từ 06.30 - 08.30 sáng và từ 16.30 - 19.00 giờ chiều tối. Trường hợp nào vi phạm sẽ bị phạt tiền kết hợp với tạm khóa giữ phương tiện tại chỗ (lề đường), hết giờ cao điểm mới được đi.
 

Giảm ùn tắc giao thông khó, nếu…

Theo bà Lê Thị Nga - Phó Chủ nhiệm UB Pháp luật QH - ách tắc giao thông đã tương đương tiêu chí tình trạng khẩn cấp

 

Năm là: Sử dụng lực lượng cảnh sát giao thông trực tiếp điều hành giao thông vào giờ cao điểm thay cho tín hiệu đèn giao thông. Vì vào thời điểm này số lượng người và phương tiện rất đông, mật độ giao thông từ các hướng đường thường khác nhau. Khi có tín hiệu đèn đỏ, số lượng phương tiện còn tồn lại trên làn đường đó rất nhiều.Trong khi đó người và phương tiện ở làn đường kia cũng nhanh chóng tràn vào khi đèn xanh bật sáng, nên sẽ gây ra xung đột giao thông, do đó hiệu quả hoạt động của tín hiệu đèn trong giờ cao điểm là rất hạn chế. Nếu sử dụng lực lượng cảnh sát giao thông trực tiếp điều hành sẽ hiệu quả hơn rất nhiều.

 

Thời gian vừa qua, không biết vì lý do gì mà lực lượng cảnh sát giao thông thường chỉ tồn tại ở những vị trí thuận lợi để quan sát, chặn bắt và xử phạt những người vô tình hoặc cố ý vi phạm luật giao thông. Còn chức năng điều hành, hướng dẫn giao thông ít được coi trọng, mà có vẻ như chỉ miễn cưỡng diễn ra tại một số khu vực hoặc những nơi đã có hiện tượng ùn tắc xảy ra. Hình ảnh người cảnh sát giao thông cầm gậy đứng giữa bùng binh, với những động tác chuyên nghiệp để điều hành giao thông hiện rất khi nhìn thấy!

 

Sáu là: Có chế tài xử phạt nghiêm khắc, hình thức linh hoạt đối với các chủ phương tiện cố tình vi phạm luật giao thông. Đây là giải pháp có tính quyết định, tác động trực tiếp vào ý thức tham gia giao thông của người dân. Do đó, ngoài việc tuyên truyền vận động, cơ quan chức năng cần xây dựng một khung hình phạt thật nặng và tổ chức thực hiện triệt để, đủ sức răn đe đối với các chủ phương tiện cố tình vi phạm.

 

Để việc xử phạt được thuận lợi, nhanh chóng, có tính bền vững, cơ quan chức năng cần ban hành một quy định có tính bắt buộc: các chủ phương tiện là ô tô phải mở tài khoản cá nhân tại các ngân hàng của Nhà nước có tên là “Tài khoản bảo lãnh tham gia giao thông”, với một khoản tiền phù hợp (thấp nhất là 20 triệu).

 

Tài khoản này có thể được tính lãi như sổ tiết kiệm và chỉ được sử dụng phục vụ cho việc xử phạt khi vi phạm luật giao thông. Khi số tiền trong tài khoản không còn đủ cho việc xử phạt, chủ phương tiện phải nộp thêm vào dưới sự giám sát của cảnh sát giao thông và hỗ trợ thông tin của ngân hàng. Khi không sử dụng xe nữa, chủ phương tiện có thể rút ra hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng tùy theo ý định cá nhân.

 

Quá trình thực hiện, cảnh sát giao thông bố trí lực lượng cơ động thường xuyên trên các tuyến phố.chủ phương tiện nào vi phạm, cảnh sát chỉ cần ghi biên lai với đầy đủ thông tin, một phần đưa cho chủ phương tiện (có thể dán vào xe khi không có mặt của chủ phương tiện), một phần gửi về ngân hàng để xử phạt. Sau khi hoàn tất công tác xử phạt, ngân hàng sẽ thông báo cho chủ phương tiện biết số tiền đã bị khấu trừ trong tài khoản.

 

Thực hiện giải pháp này sẽ tạo thuận lợi cho công tác xử phạt và quản lý phương tiện của cơ quan chức năng, vì khi chuyển nhượng các chủ phương tiện sẽ phải làm thủ tục sang tên, đổi chủ. Bên cạnh đó, nhà nước cũng sẽ thu được một khoản tiền thuế rất lớn từ việc chuyển nhượng phương tiện.

 

Bảy là: Cấm sử dụng vỉa hè làm nơi buôn bán, tập kết, trưng bày hàng hóa trên tất cả các tuyến phố. Giải pháp này các thành phố đã triển khai song không đồng bộ, không kiên quết, thiếu tính thống nhất. Thực hiện tốt giải pháp này diện mạo đô thị sẽ đẹp hơn, đường phố sẽ thông thoáng, tác động tích cực vào việc giảm ùn tắc giao thông.

 

Tám là: Giảm mật độ dân cư trong khu vực nội thành, từng bước hoàn thiện, nâng cấp hạ tầng giao thông. Đây là giải pháp có tính chiến lược lâu dài, các thành phố lớn cần nghiên cứu có phương án và lộ trình phù hợp. Trước mắt, hai thành phố lớn nhất cần thắt chặt công tác đăng ký hộ khẩu với những quy định hợp lý. Đồng thời thực hiện nhanh lộ trình dịch chuyển một số trường đại học, bệnh viện, bến tàu, bến xe ra các quận - huyện ngoại thành.

 

Không cấp phép hoạt động cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có số lượng người lao động cao trong khu vực nội thành.

 

Tiếp tục cho xây dựng các cây cầu tải trọng nhẹ tại các khu vực thường xuyên ùn tắc. Quỹ đất còn lại, kể cả khu đất “vàng” nên để xây dựng các trung tâm dịch vụ, không nên tiếp tục xây dựng chung cư cao tầng trong nội thành.

 

Chín là: Thực hiện tốt công tác quản lý và có chế độ phụ cấp bồi dưỡng phù hợp cho lực lượng chức năng trực tiếp giám sát, điều hành hoạt động giao thông. Theo đó, cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần có biện pháp xử lý quyết liệt hơn đối với những cán bộ suy giảm phẩm chất đạo đức, tham ô, tham nhũng, coi thường pháp luật, trục lợi cá nhân.

 

Có thể cảnh cáo không thăng quân hàm, không nâng lương hoặc tước quân hàm sỹ quan, đuổi ra khỏi ngành, buộc thôi việc với những cán bộ cố tình vi phạm. Bên cạnh đó, cần có chế độ phụ cấp hợp lý để bồi dưỡng, động viên lực lượng trực tiếp giám sát, điều hành giao thông để họ toàn tâm, toàn ý cho công việc.

 

Thời gian qua, việc sử dụng tiền phạt vi phạm giao thông để chi bồi dưỡng cho lực lượng cảnh sát giao thông lên tới 70%, thanh tra giao thông 10%, các lực lượng khác 10%. Đây là một thông tin gây bất ngờ lớn đối với mọi người dân, vì làm như vậy việc xử phạt không những không còn ý nghĩa gì, mà còn có dấu hiệu làm trái với quy định của pháp luật.

 

Theo tôi, trên đây là nhóm các giải pháp cơ bản nhằm giảm ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn trong giai đoạn hiện nay và sau này. Tôi tin chắc rằng, nếu cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương tổ chức thực hiện triệt để, đồng bộ và quyết liệt, đúng pháp luật thì vấn đề ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn sẽ được giải quyết. Mấu chốt hiện nay vẫn là “Nâng cao hiệu lực công tác quản lý Nhà nước về vấn đề giao thông”!

 

Đây là tâm huyết của tôi vì cộng đồng, rất mong được sự quan tâm của các nhà chuyên môn và đông đảo người dân.

 

Hà Khôi