Giải bài toán Giao thông vận tải

(Dân trí) - Từ khi lên làm “Tư lệnh” ngành GTVT, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã có nhiều hành động quyết liệt, như: rà soát lại các dự án trọng điểm, đã “trảm” nhiều lãnh đạo và các nhà thầu trì trệ, không thực hiện đúng tiến độ.

Giải bài toán Giao thông vận tải - 1

Ảnh minh họa (nguồn ảnh: internet)

Ông còn có chỉ thị cấm cán bộ chủ chốt trong ngành chơi golf, rồi đề xuất phương án đổi giờ học giờ làm để tránh tắc đường; hay mới đây là giam nhốt xe ô tô chở quá tải trong dịp Tết Âm lịch vừa qua,.... Có thể nói nhiều quyết định thực sự hợp lòng dân vì đánh đúng vào những yếu kém, trì trệ trong ngành GTVT. Tuy nhiên giải bài toán giao thông nói chung thì không đơn giản chút nào!

Khi giải bài toán nhiều ẩn số này, phải cân nhắc kỹ, lên phương án, lấy ý kiến của các chuyên gia và tham khảo cả ý kiến nhân dân, chứ không nên quá tự tin, càng không nên duy ý chí hoặc giáo điều, không sát tình hình thực tế. Không thể căn cứ vào kinh nghiệm cá nhân mà quyết đoán, chẳng hạn như khẳng định: "tôi đi làm 6h30 và về nhà 19h00 nên chưa thấy tắc bao giờ". Xin thưa Bộ trưởng, giả thử các ngành nghề hay khối giáo dục cũng đi làm, đi học và trở về nhà vào cái giờ như "giờ Bộ trưởng", thử hỏi có tắc không? Còn Bộ trưởng muốn chứng kiến cảnh tắc đường thì cứ vi hành bằng xe máy đi vào giờ cao điểm trên một số tuyến đường, tuyến phố trung tâm dẫn đến nhiều công sở, trường học, bệnh viện thử xem. Chắc hẳn Bộ trưởng sẽ thấy. Tình trạng tắc đường thực tế đã tồn tại từ lâu.

Nguyên nhân thì có nhiều từ chủ quan của các nhà hoạch định chính sách phát triển đô thị cũng như xây dựng cơ sở hạ tầng;

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

và bản thân ý thức của người dân tham gia giao thông. Trước tiên phải tiên trách kỷ hậu trách nhân. Nguyên nhân chủ quan trước tiên thuộc về chính các nhà hoạch định chính sách phát triển đô thị, giao thông. Tại sao trong bài phát biểu của Thủ tướng cách đây chưa lâu đã phải nói rằng "việc nâng cấp, mở rộng đường giao thông của chúng ta quá ít và chậm".

Khi xây dựng mới, nâng cấp đường giao thông ta nên nghĩ đến tầm nhìn tối thiểu là 10 đến 20 năm, chứ không nên nghĩ đến tầm nhìn nhiệm kỳ. Bài học nhãn tiền từ ngành thoát nước thủ đô đã quá rõ rồi. Ngoài một số tuyến đường được coi là mới và "cao tốc", thử hỏi có tuyến đường nào không bị ổ gà, chằng chịt các miếng vá, mới giải nhựa, lại đào lên và sửa chữa nâng cấp liên tục không. Cho nên “tiền vá quá tiền may”, dẫn đến tình trạng chỉ lo đủ tiền sửa chữa đường mà không có tiền làm mới.

Vì vậy, dù có thực hiện thu phí lưu thông đối với xe ô tô, xe máy cũng không đủ cho kinh phí sửa chữa đường và bộ mặt đường xá ở thủ đô vẫn cứ nhếch nhác, chắp vá, lồi lõm với nhiều ổ gà có thể gây ra tai nạn bất cứ ở đâu và lúc nào!

Cũng cần phải nói thêm, quy hoạch phát triển hệ thống đường ở thủ đô chưa tính đến làn đường dành riêng cho xe buýt, chưa nói đến hệ thống đường tầu điện ngầm hoặc trên cao, nghĩa là giao thông công cộng chưa được quan tâm đúng mức, mặc cho người dân phải lo lấy phương tiện đi lại cá nhân. Đến nay, nạn ùn tắc đường trở nên trầm trọng và trong khi chưa giải quyết tốt giao thông công cộng, “tư lệnh” ngành giao thông lại muốn hạn chế ngay phương tiện cá nhân thì e rằng vội vàng và duy ý chí.

Về phía người dân tham gia giao thông do chế tài xử phạt chưa nghiêm khi vi phạm như vượt đèn đỏ, chèn vạch,... và tâm lý số đông, anh lấn đường được thì tôi cũng lấn như vậy sẽ xuất hiện tình trạng "2 con dê qua cầu" . Tuy nhiên, ở đây ta chưa nên vội trách người tham gia giao thông. Ví dụ các nước láng giềng cho thấy, những quốc gia có nguồn tài nguyên thiên nhiên không hơn ta, nhiều năm trước có xuất phát điểm gần giống ta, thu nhập quốc dân không hơn ta nhiều nhưng họ nhanh chóng trở thành nước công nghiệp và người dân nước họ có văn hóa giao thông đáng để chúng ta học tập.

Không thể nói là tại người dân những quốc gia đó thông minh hơn hoặc có ý thức hơn dân ta. Vấn đề quyết định ở đây là tầm nhìn xa, trông rộng của lãnh đạo, biết tìm ra con đường đi đúng đắn, biết lấy giáo dục-đào tạo làm nền tảng phát triển; biết lấy nhân dân làm gốc cho mọi chính sách phát triển.

Quay lại lĩnh vực giao thông cũng vậy. Mọi chính sách phát triển giao thông vận tải cũng như biện pháp chống ùn tắc giao thông trước mắt của Hà Nội, và các thành phố lớn nói chung, phải xuất phát từ quyền lợi của số đông nhân dân, đồng thời phải vận động nhân dân cùng tham gia giải quyết.

Biện pháp giải bài toán này thì có nhiều, tuy nhiên trước mắt ta có thể giải bằng cách: phân làn đường hợp lý; tăng cường giáo dục người dân đi đôi với thực hiện chế tài thật nghiêm, xử phạt nặng các đối tượng không chấp hành luật giao thông và hiệu lệnh của cảnh sát giao thông hay người làm chức năng này. Tăng cường hơn nữa về số lượng và nâng cao tính chuyên nghiệp của đội ngũ công tác viên giao thông như sinh viên tình nguyện, đội ngũ dân phòng của các phường, xã có đường giao thông chạy qua. Như vậy thì dù đường có lưu lượng có quá tải thì có thể gây nên tình trạng ùn chứ không gây tắc như hiện nay.

Biện pháp bố trí so le giờ học, giờ làm việc cũng là cần thiết để giảm bớt mật độ xe cộ trong giờ cao điểm ở Hà Nội hay các thành phố lớn khác, tuy nhiên cần cân nhắc kỹ trên cơ sở lấy ý kiến của người dân để không gây nên sự xáo trộn nhiều trong cuộc sống cũng như trong mối quan hệ giao tiếp giữa các cơ quan, doanh nghiệp, dịch vụ, nhất là cần đặc biệt ưu tiên trẻ em, không làm ảnh hưởng đến sức khỏe và khả năng học tập của các em.

Việc nâng cấp và mở rộng hệ thống đường bộ nói chung và trong nội đô nói riêng, nên có kế hoạch thực hiện từng bước phù hợp với nguồn kinh phí đầu tư. Nhưng trước mắt, cần sớm xóa bỏ những ổ gà, những chỗ lồi lõm trên mặt đường, trả lại sự bằng phẳng, mịn màng cho hệ thống đường trong nội đô. Việc làm này vừa có ý nghĩa làm đẹp cho bộ mặt thủ đô, vừa góp phần tăng tốc độ lưu thông, đỡ gây ra ùn tắc và vốn đầu tư không đòi hỏi lớn, chỉ cần quyết tâm là làm được.

Riêng đối với việc xây dựng mới những con đường, cần chấm dứt tình trạng đường vừa làm xong đã xuống cấp nhanh chóng do không chấp hành đúng quy trình quy phạm thi công cũng như giám sát và nghiệm thu thi công. Làm sao trong tương lai gần, đất nước ta có những con đường đẹp đẽ và mịn màng trông thấy ở nhiều nước trên thế giới.

Những ý kiến đóng góp của tôi chỉ là nhận xét và nguyện vọng của một người dân bình thường. Mong rằng Bộ trưởng cũng như ngành giao thông vận tải quan tâm đến những ý kiến đóng góp thiết thực của người dân, sớm lập lại trật tự cũng như từng bước nâng cấp đường xá, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại.

Trần Đức Hưng

15 ngõ 1, phố Ngô Gia Khảm, Hà Đông, Hà Nội


LTS Dân trí - Đúng là ngành giao thông vận tải tồn đọng nhiều vấn đề gây nên tình trạng rối rắm như mớ bòng bong. Bộ trưởng mới nhậm chức không thể giải quyết ngay tất cả những vấn đề tồn đọng đó, mà điều quan trọng là phải xác định được thứ tự ưu tiên những vấn đề cần giải quyết cũng như tìm ra khâu đột phá để xoay chuyển tình hình.

Dù sao cũng còn quá sớm để đánh giá đầy đủ hiệu quả những công việc mà Bộ trưởng Đinh La Thăng đã và đang thực hiện, nhưng qua hành động của mình, ông cho thấy là con người hành động và có quyết tâm cao. Tin rằng, nếu ông biết sử dụng hàng ngũ chuyên gia có năng lực và tâm huyết cũng như biết lắng nghe ý kiến đóng góp của nhân dân, ông sẽ là Bộ trưởng đem lại cách suy nghĩ và cách làm mới, chấm dứt tình trạng làm ăn trì trệ và không bảo đảm chất lượng còn khá phổ biến trong ngành giao thông vận tải.