Bạn đọc viết:

Đừng để phải nói hai chữ “giá như” trong nghề lái xe

(Dân trí) - Đầu những năm 90, tôi làm nghề lái máy ủi đặt chân lên thị xã Buôn Ma Thuột - Đăk Lăk thì thấy nhiều nơi còn hoang vu. Vậy mà ngày nay đường sá phát triển vượt bậc, nhưng tai nạn giao thông cũng thật nhiều.

 Hệ thống giao thông ở đây mở mang rất nhanh, những con đường chạy dài khắp nơi...  khiến những đôi chân trần lầm lũi cả đời của đồng bào dân tộc tại chỗ không thể tiếp tục đo thời gian bằng con trăng, mùa rẫy, tính quãng đường bằng bao nhiêu lần quăng xà gạc…Họ cũng thay đổi cách suy nghĩ khi sản xuất và đời sống đã có bước phát triển đáng kể. Từ đó, thấy cần phải đi lại bằng xe máy; những gia đình làm ăn khá giả còn sắm cả ô tô, máy kéo…

     

Đường ta, ta cứ đi…

 

Bất cập là ở chỗ sự tăng trưởng  nhanh, lượng ô tô, xe máy ngày càng nhiều, trong khi cơ sở hạ tầng giao thông như kiểu hụt hơi trong cuộc đua, cộng với sự quản lý chưa tốt, nhất là ý thức của người tham gia giao thông còn quá kém. Đa số đồng bào dân tộc, dân di cư tự do, dân lao động, kể cả một số cán bộ công chức… hầu như chưa học, chưa qua một trường lớp đào tạo lái xe nào mà vẫn cứ đi xe, dẫn đến tình trạng “đường ta, ta cứ đi”, mạnh ai nấy chạy, thích thì dừng, thích thì rẽ, không biết luật lê giao thông là gì.

    

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí  qua địa chỉ email: thaolam@dantri.com.vn

Ở những thành phố lớn,  dù đường rộng, có phân làn xe nhưng tình cũng không khá hơn là mấy. Vẫn xảy ra tình trạng mạnh ai nấy đi,  mấy ai tôn trọng quy định và đi đúng làn đường của mình. Cứ nhìn giao thông toàn cảnh ở hai thành phố lớn, hiện đại và văn minh bậc nhất ở Việt Nam như Hà Nội, Tp Hồ Chí Minh chứ chưa nói gì đến Buôn Ma Thuột hay các thành phố khác, đã thấy ngay văn hoá giao thông của người Việt có thể ví như một sợi dây thun, chật mấy người ta cũng có thể chèn nhau được, và rộng vậy chứ rộng nữa… cũng không đủ, cũng bung ra cho bằng hết!!!

 

Ông Takagi Michimasa, Tư vấn trưởng của Tổ chức Hợp tác quốc tế Nhật Bản, trong phát biểu của mình tại hội nghị dự thảo chiến lược bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 của Việt Nam, đã điểm đúng tâm lý tham gia giao thông của người Việt: đó là sự bất cẩn, thiếu kinh nghiệm, thiếu kiến thức…

 

Hỗn loạn, ùn tắc, tai nạn xảy ra như cơm bữa, gần như một điều tất yếu!!!   Không đâu như ở Việt Nam và không có trường lớp, sách vở nào dạy bài học văn hoá giao thông. Tai nạn giao thông vẫn diễn ra đều đặn trên cả nước, mức độ mấy tháng qua có giảm chút ít, nhưng chưa thể chủ quan và hài lòng.

 

Nhiều vụ tai nạn thương tâm là những bài học đẫm máu rất đáng sợ ngay trước mắt. Vậy mà không ít người vẫn chưa chịu hiểu ra và chưa ý thức được đầy đủ việc đi đứng đoàng hoàng, thận trọng, đúng luật lệ giao thông chính là “cái bùa hộ mệnh” đối với mọi người khi ngồi lên xe máy hay ngồi trước vô lăng ô tô…

 

Vì thiếu sự cẩn trọng cho nên sau đó người ta thường phải dùng đến  hai chữ “giá như” trong tất cả các trường hợp tai nạn… Giá như mình chạy chậm, hoặc chịu khó dừng lại quan sát trước khi qua đường, qua nơi đường giao nhau. Giá như đừng tin là chiếc xe mình là loại xịn, có hệ thống phanh hãm hiện đại có thể dừng bất kỳ lúc nào. Giá như mình đi đúng phần đường. Giá như bật xi nhan hay nháy đèn, chủ động bấm còi báo cho người ta biết…vv…
 
Đừng để phải nói hai chữ “giá như” trong nghề lái xe
Cảnh ùn tắc thường thấy trên đường phố Hà Nội và TPHCM hiện nay

 

Nghề không có ông Tổ…

 

Sau gần 20 năm trong nghề lái, từ máy ủi, máy kéo cho đến ô tô các loại và bây giờ là thầy giáo dạy lái xe, đã tiếp xúc nhiều, đã hỏi nhiều mới biết được rằng nghề lái xe không có “ông Tổ” thì phải.

 

Cứ thử hỏi: Ai đã dạy cho rất nhiều người dân tộc thiểu số, ngay cả người Kinh khắp Tây Nguyên này, khắp đất nước này biết chạy  xe máy, xe công nông, xe máy cày, xe ô tô…? Tôi nhận được câu trả lời của hơn 2/3  số người này rất hồn nhiên: “ không ai dạy”, “tự học”, “ chạy thí…”, “mò đại”, “cứ chạy là biết”, “nghề dạy nghề mà” … Có người đang đi phụ xe mà dám chê cả chủ xe, tài xế đang dạy mình học lái là “chạy yếu lắm, chạy không ra gì mà hay quạt…”. Thế đấy!

 

Tôi có lẽ may mắn được học nghề sử dụng lái máy tại trường chuyên nghiệp, ra trường bậc thợ 3/7, nâng cấp lên lái xe hạng C, rồi E. Nhớ lại những ngày đầu tập lái xe, gặp ông chủ là Nguyễn Thái Vinh (bây giờ vẫn theo nghề và hình như là người duy nhất cho đến bây giờ gọi là ăn nên làm ra từ một chiếc ô tô tại công ty ôtô vận tải Đăk lăk). Anh cẩn trọng và nổi tiếng là người khó tính trong nghề nghiệp: Đi số có tiếng kêu, chân ga phập phù là anh chỉnh ngay. Trời nắng nóng trong điều kiện xe có tải, không bao giờ anh cho tài xế chạy quá 50 km/h. Đêm khuya tưởng anh ngủ say, chạy nhanh một chút anh bùng dậy thảng thốt nhắc chạy chậm lại… Tôi cũng từng có lúc đã nổi sung với anh (!?)

 

Sau này làm chủ một chiếc xe, tôi cũng nổi tiếng là tài xế khó tính! Tôi chiêm nghiệm: những người mới vào nghề lái xe, chỉ gặp những tài xế nghiêm khắc như vậy mới nên người, mới tồn tại lâu trong nghề lái xe và không dính vào tai nạn, nhiều khi là chính mình giết mình… Giờ làm thầy giáo dạy lái xe tại trường TCN VINASME Tây Nguyên, tôi càng thấm thía điều này.

 

Thay cho lời kết

 

Gần hai mươi năm tôi ôm tay lái, đi qua biết bao nhiêu ngả đường đất nước, chở biết bao nhiêu tấn hàng hoá, biết bao nhiêu chuyến hành khách đi đến nơi về đến chốn an toàn, bỏ qua biết bao ánh mắt nhìn có cả yêu thương, giận dữ… Cư xử lấy nhường nhịn làm gốc rễ “ một điều nhịn, chín điều lành”, “ác giả, ác báo”. Làm việc bằng cái tâm, lái xe bằng cả con tim, khối óc nhạy cảm, minh mẫn, biết yêu thương, chia sẻ và đau trước những đau thương, mất mát…Chỉ có như vậy mới có đủ tỉnh táo xử lý trước mọi tình huống.

 

Cứ ngẫm từ mình mà ra “ Máu chảy ruột mềm”. Mình yêu thương gia đình, ông bà, bố mẹ, vợ con mình như thế nào, thì với mọi người cũng vậy. Tất cả họ đều có gia đình, có vợ con và những điều đang dự định làm và ước mơ cho tương lai…

 

Với tất cả kinh nghiệm từng trải, tôi luôn tự nhủ: Hãy chạy chậm tới mức cần thiết cho sự an toàn, đừng vì một phút bất cẩn mà gây hoạ cho người khác. Đừng vì nôn nóng về sớm một tý mà dẫn đến thương tật, chết người!!!

        

Tôi đã chứng kiến biết bao tai nạn, rất, rất nhiều tài xế yêng hùng trước đó chỉ vài giây thôi còn rất “hoành tráng”, rất bặm trợn, rất oai phong lẫm liệt, ngồi lên xe thì trời cũng nhỏ… Nhưng tất cả chỉ trong một cái chớp mắt thì mặt, mũi, tay chân mỗi nơi mỗi mảnh…
 

Tôi viết bài này sau rất nhiều năm canh cánh, không thể không nói ra những điều cần nói với những đồng nghiệp yêu mến của tôi cũng như  với mọi người ngồi trước tay lái, dù là ô tô hay xe máy: Các bạn đừng bao giờ làm điều gì sơ sảy để rồi chính bạn hay những người thân của bạn phải cất lên câu nói đầy ân hận và nuổi tiếc “Giá mà…” !

 

                                                                           Trương Nhất Vương

 

LTS Dân trí- Bài viết trên đây là lời bộc bạch tâm huyết của 1 thầy giáo dạy lái xe và bản thân đã từng trải trong nghề. Nếu người lái xe nào cũng thấm nhuần đầy đủ ý thức trách nhiệm và tinh thần nhân văn trong nghề nghiệp như tác giả bài viết trên đây, thì chắc chắn số tai nạn thương tâm sẽ chỉ xảy ra trong những trường hợp bất khả kháng.

 

Cho nên việc dạy nghề lái xe không chỉ là dạy kỹ thuật lái xe mà chính là dạy con người có đủ tâm đủ đức để làm một nghề rất đáng trân trọng, nếu biết làm tròn phận sự và trách nhiệm của mình.