Đông đảo bạn đọc bàn về cải cách giáo dục

(Dân trí) - Là giáo viên một trường ĐHSP có tên tuổi, tôi thật sự chia sẻ những điều trăn trở của tác giả bài viết trên Diễn đàn Dân trí. Tôi nghĩ, đất nước ta không thiếu những giáo viên tâm huyêt, nhưng giáo dục lại ngày càng đi xuống?”

Bạn đọc Nguyễn Tính viết tiếp: “Rất nhiều nguyên nhân như bài báo đã nêu. Trong đó, theo tôi, vấn đề chủ yếu nhất đó là tâm và tầm của người lãnh đạo. Nhiều người lãnh đạo ở các cấp quản lý giáo dục không có tâm, chỉ hô hào lý thuyết suông, dùng những ngôn từ hoa mỹ, nào là đổi mới, nào là cải tiến, dân chủ, đoàn kết...nhưng thực chất chỉ là tranh thủ kiếm chác qua việc lập những “thành tích ảo”, làm cho chất lượng dạy và học ngày càng sa sút. Cúng không ít kẻ dùng quyền của mình đế nịnh trên nạt dưới, suốt ngày chi lo tim cách vun vén lợi ích cá nhân, không nghĩ đến đại cục. Rồi tìm cách ăn bẩn, uy hiếp, trù dập cán bộ, bất chấp thái độ, phản ứng của cấp dưới . Nhiều người lãnh đạo lại không có tầm, tại chức rồi lo lót kiếm bằng thạc sỹ, tiến sỹ thế là thành lãnh đạo. Không được đào tạo gì về quản lý, chuyên môn kém hơn cả cấp dưới thì làm sao lãnh đạo được. Còn chất lựong của các loại bằng ư? Khỏi cần nói. Loại lãnh đạo như vậy, đầy ra đấy.

Các thầy các cô, có yêu nghề và trách nhiệm đến mấy, muốn thay đổi đến mấy thì có lúc cũng nản lòng. Thôi đành làm được gì tốt cho học trò thì làm.

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

Cứ được học trò yêu quý, tôn trọng là vui, là được động viên rồi. Muốn cho giáo dục thay đổi theo hướng đi lên, phải bắt đầu từ việc thay đổi người lãnh đạo, chọn đúng người lãnh đạo vừa có tâm vừa có tầm.

Bạn đọc Phạm Văn Bình:

Tôi đang làm nhiệm vụ được cấp trên giao cho là Phó hiệu trưởng trường THPT Trần Kỳ Phong - Quảng Ngãi. Sau khi đọc bài viết" Cải cách giáo dục cần bắt đầu từ đâu " trên báo Dân trí , là một người làm công tác giáo dục từ lâu, tôi thấy tâm đắc với những ý kiến tác giả đưa ra. Đúng là giáo dục của chúng ta ( của nhà nước ta ) đang trong một đống bề bộn ngổn ngang ... mà không thấy tương lai nào sáng sủa, dù rằng có biết bao nhiêu phong trào rất "hay,ho" đã và đang phát động, hô hào.

Đông đảo bạn đọc bàn về cải cách giáo dục - 1

Ảnh minh họa

Theo tôi, giáo dục Việt Nam đang cần những con người có tâm huyết . Tâm huyết là cái gốc để định hướng và kiên định con người mình không bị lung lay. Trong đó cái tâm huyết cần nhất đối với những người gánh vác nhiệm vụ lãnh đạo cấp cao.

Cái thứ 2 mà giáo dục Việt Nam rất cần và rất bức thiết đó là một cơ chế thuận lợi cho giáo dục. Có cơ chế thuận lợi, người tâm huyết mới có thể phát huy và cống hiến. Không có cơ chế thuận lợi khác nào bắt người ta trói tay, trói chân lại rồi hô hào. Hiện tại cán bộ làm giáo dục Việt Nam phần lớn phải lo làm kinh tế để lo cho bản thân và gia đình thì còn đâu sức lực chăm lo cho giáo dục.

Nói đến nội tình giáo dục thì ôi thôi bao chuyện ngổn ngang . Vài ý kiến xin đóng góp chân thành nhưng không hy vọng có tác dụng gì nếu không có một cuộc cách mạng thật sự từ suy nghĩ đến hành động để xoay chuyển tình thế giáo dục hiện nay !

Bạn đọc Lê Tiến Trung:

Cải cách giáo dục là vấn đề hết sức quan trọng của đất nước. Để làm
tốt cần phải có sự thống nhất ý tưởng chỉ đạo cũng như những giải pháp cơ bản được đề ra từ cấp quản lý vĩ mô của Đảng, Nhà nước và được nhân dân đồng tình ủng hộ, cùng góp công góp sức thực hiện, đặc biệt là đội ngũ trực tiếp làm công tác giáo dục.
Để làm tốt cải cách giáo dục lần này, cần thiết kế lại nội dung chương trình cũng như thay đổi cơ bản sách giáo khoa, bố trí hợp lý giờ
dạy giờ học của giáo viên và học sinh để thực hiện cách học tập tích cực, sáng tạo, chứ không học vẹt và nhồi sọ như hiện nay.

Mặt khác, cần thực hiện chế độ đãi ngộ thỏa đáng cho giáo viên đi đôi với việc thực hiện biện pháp chế tài cần thiết đối với những người dạy học và những người làm quản lý giáo dục. Chấn chỉnh tình trạng dạy thêm - học thêm tràn lan cũng như những tiêu cực còn tồn đọng trong môi trường giáo dục.

Cũng cần quan tâm nhiều hơn đến việc xây dựng cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, sớm khắc phục tình trạng dạy chay học chay.

Mỗi buổi học tối đa chỉ 4 tiết, nếu học cả ngày nên 7tiết/ngày. Số lượng
học sinh tối đa 40HS/lớp.

Bạn đọc Hà Anh:

Tôi là giảng viên một trường đại học khá nổi tiếng ở Hà Nội. Ước mơ làm giảng viên đã theo tôi từ khi bước chân vào cổng trường ĐH. Nhưng giờ tôi thấy đó là một sai lầm. Trong khi bạn bè tôi lương 10-20t/ tháng thì tôi vần 3-4 triệu mà lại vất vả phải học lên thạc sỹ rồi tiến sỹ... rất tốn kém. Các ngành nghề khác ngày đi làm tối về được nghỉ ngơi còn nghề dạy học tối về phải soạn giáo án, bài giảng, học tập nghiên cứu... vậy mà nhà nước không quan tâm đến đời sống GV.

Ở trường tôi tiêu cực đầy rẫy, bán điểm, bán đề thi, chạy chọt vào trường, rồi chạy ra trường... nhiều vô kể, chung quy do nguyên nhân quan trọng vì đời sống quá khó khăn. Các cụ thường nói có thực mới vực được đạo. Làm thầy ai chả muốn liêm khiết, ai chả muốn học sinh, SV tôn trọng, quý mến nhưng liêm khiết thì vợ con mình chết đói. Khi lâm vào hoàn cảnh con cấp cứu trong BV mà trong túi chỉ có mấy chục ngàn lẻ thì khi đó SV đến chơi đem phong bì đến thì có ai mà cưỡng nổi. Bản thân tôi cũng không dám khẳng định mình sẽ liêm khiết cả đời được khi mà XH quá nhiều tiêu cực ở mọi ngành nghề, mọi chỗ mọi nơi. Giảng viên nghèo không có tiền phải đi làm thêm, chạy ngựoc chạy xuôi khắp nơi thì lấy đâu ra tâm sức để có bài giảng hay. Đó là lẽ tất nhiên thưa ông bộ trưởng bộ GDĐT !!!

Bạn đọc Liên Trình:

Theo tôi việc đổi mới giáo dục thì ai cũng muốn làm và một người không có chút trình độ quản lý nào cũng có thể vạch ra được vài ý tưởng hợp lý. Vậy tại sao bao nhiêu đời bộ trưởng, bao nhiêu giám đốc sở GD, bao nhiêu vị hiệu trưởng lại không nghĩ ra cách nào ? Thực ra họ thừa biết nhưng không muốn làm vì sợ ảnh hưởng đến quyền lợi của họ hoặc đụng chạm đền quyền lợi của ê kip lãnh đạo, và cả đàn em của họ. Chẳng cần nói sâu xa, khó hiểu chỉ cần nói đơn giản ngày xưa ai mà vào được ĐH sư phạm là vẻ vang vinh dự lắm nhưng giờ thì sao điểm vào ĐH sư phạm giảm trầm trọng. Đến thầy chúng nó mà cũng chỉ được 13 - 14 điểm thì đến lượt học trò lấy đâu ra điểm cao. Thầy giỏi thì trò chưa chắc đã giỏi nhưng chắc chắn thầy dốt thì trò sẽ dốt. Vậy tại sao giờ người ta lại quay mặt lại với nghề dạy học (Đã có thời nó là nghề cao quý trong các nghề cao quý). Xin trả lời: vì lương quá thấp so với các ngành hot như ngân hàng, kế toán, CNTT....mà còn phải học lên cao nữa là tất yếu (học cũng phải mất tiền chứ, nhiều tiến là đằng khác). Nhưng quan trọng hơn là ra trường có xin được việc không ? Học xong ra trường cứ phải chìa ra vài chục triệu mới được dạy hợp đồng lương 830k. Sau 1 năm hết hợp đồng không chi ra thêm 10t nũa thì xin mời anh về chăn lợn. Thế là lương dạy không đủ chạy hợp đòng nhưng vẫn phải chạy không thì mất nghề và đành phải chờ cơ hội có đợt thi công chức. Có những môn ở tỉnh tôi (Tỉnh Hà Nam) hơn 10 năm nay chưa có đợt thi công chức. Vậy thì hơn 10 năm đó GV họ sống bằng gì ? Mà cũng thật rõ ràng là cần người dạy (họ vẫn đang dạy) vậy mà không cần thi công chức. Hay đây là một cách làm giảm chi phí cho bộ GDĐT. Mà nếu may mắn chờ được đợt tuyển công chức thì lại mất thêm ngót ngét trăm triệu nữa thì may ra mới có tên. Thử cộng lương của cả đời một GV lại xem được mấy trăm triệu ??? Ở quê tôi con trai đi hỏi vợ hay tìm hiểu thì cái đầu tiên cần tìm hiểu là cô ấy hay anh ấy đã được biên chế công chức hay chưa. Có bạn nào ở Hà Nam thì sẽ chứng thực cho lời tôi nói mà không chỉ ngành Sư phạm, gần như tất các ngành khác như y tế chẳng hạn cũng thế thôi.

Bạn đọc Nguyễn Văn Quế:

Việc đổi mới giáo dục phải làm từ gốc chứ không nên làm từ ngọn. Theo tôi nên đổi mới từ giáo dục mần non, rồi đến tiểu học, THCS, THPT rồi mới nói đến đổi mới giáo dục đại học. Trồng cây không chăm lo cho gốc vững vàng mà cứ mong nó phát triển mạnh chắc chắn sẽ không thể hút đủ dinh dưỡng nuôi thân. Do vậy hãy làm từ cái mà chúng ta coi nó là bậc học thấp nhất đó trước thưa các vị quản lý giáo dục. Còn về đời sống của cán bộ giáo viên thì các Bác lãnh đạo cũng nên xem lại, giáo viên lên lớp mà cứ phải lo toan cơm áo, gạo tiền thì liệu có chất lượng được không? Nếu tình trạng này còn tiếp diễn thì không biết đến bao giờ chúng ta mới đổi mới hay là cải cách giáo dục được, mà chỉ có hô lên rồi để đó.

Bạn đọc Hoàng Anh Ngọc:

Đúng là phải bắt đầu từ viên gạch Mầm Non,nhưng tôi biết những cô giáo MN lương đã thấp không đủ sống còn phải dạy gần 40 cháu thì lấy đâu ra chất lượng, trong khi một mẹ dạy một con không nổi.Rồi làm cả ngày mới về tới nhà mà lương không đủ mua sữa cho con.Thật cám cảnh cho những kỹ sư tâm hồn trong hệ thông GD VN.Một khi còn phấn đấu cho đạt thành tích ảo,đạt chỉ tiêu phổ cập GD,trường dân lập,tư thục mọc lên như nấm,học sinh không học chỗ này thì học chỗ khác,chỉ cần có ít tiền.Đạo đức tha hóa,không đủ điểm chỉ cần tham gia thi lại thì lại lên lớp.Ngán lắm các bác ơi. Ai có con nhỏ thì bố mẹ học cách làm thầy làm cô mà dạy cho chúng chứ chờ vào cải cách GD nghe chừng giống ĐI TÂY THIÊN LẤY KINH THỜI HIỆN ĐẠI LẮM!

Bạn đọc Nguyễn Ngọc Tú:

Minh đã đọc hết bài báo và cũng đã đọc các ý kiến của moi người, bản thân minh cũng là một giáo viên. Ước mơ của mình khi còn sinh viên là trở thành một người thầy giáo tốt, sống cuộc đời bình dị thôi. Thực sự vấn đề kinh tế chỉ là một phần, cái làm mình buồn nhất là hiện nay là cơ chế qurn lý và

áp lực của cấp trên thật khủng khiếp.....trời ơi mọi thứ tốt đẹp chỉ là hình thức.. vậy mà vẫn phải làm, không còn cách nào khác. Biết rằng bức tranh hiện thực là vậy nhưng có lẽ trong lúc này mỗi người thầy tâm huyết hãy bằng tấm lòng của mình, hãy vì thế hệ trẻ mà vươn lên, hãy nhận trách nhiệm đưa chất lượng giáo dục đi lên là của mình thì sẽ tìm ra những cách giảng dạy mới, hay, hiệu quả giúp cho chất lượng ở nơi mình làm việc đi lên. NHIỀU LỰC NHỎ HỢP LẠI THÀNH LỰC LỚN-LỰC NHỎ NHƯNG THỜI GIAN TÁC DỤNG LÂU THÌ HIỆU QUẢ CŨNG RẤT CAO

Bạn đọc Đỗ Sơn:

Cải cách giáo dục cần bắt đầu từ đâu ? Trả lời câu hỏi này, tôi xin đưa ra một số giải pháp. -Đầu tiên là phải tiến hành qui hoạch giáo dục, xem xét yêu cầu phát triển giáo dục trong ngắn hạn và dài hạn. Trên cơ sở đó phải xác định hiện tại cả nước có bao nhiêu giáo viên đã chính thức và hợp đồng. Liệu lượng giáo viên này đã đủ nhu cầu cho phát triển giáo dục chưa. Nếu thiếu thì khoảng bao nhiêu từ đó lập kế hoạch chỉ tiêu đào tạo cho các trường sư phạm. Nếu thừa thì phải giảm chỉ tiêu đào tạo. Làm được việc này sẽ không đào tạo thừa gây lãng phí, tránh tình trạng phải chạy việc dẫn đến tình trạng tiêu cực và làm giảm chất lượng giáo viên; mặt khác, tạo diều kiện chọn lựa được những sinh viên khá giỏi vào sư phạm ( vì ra trường là có việc ngay ), ... Vấn đề chế độ cho giáo viên cũng nên quan tâm, nhưng phải giải quyết dần dần -Bước tiếp theo là phải xác định chính xác mục tiêu đào tạo cho từng bậc học.

Những môn học mang tính định hướng chuyên môn cần được tập trung học kĩ từ lý thuyết cho đến thực hành để làm sao học sinh hiểu cặn kẽ, sâu về môn học đó.Tạo điều kiện, môi trường để học sinh, sinh viên có thể được thực hành cho mỗi môn chuyên môn.Tổ chức các cuộc thi thực hành để nâng cao kỹ năng cũng như tạo tâm lý ganh đua sáng tạo. Cần có sự kết hợp giữa cơ sở sản xuất kinh doanh và cơ sở đào tạo trong từng lĩnh vực chuyên môn.

Bạn đọc Nguyễn Minh Xuân:

Bài viết rất hăy nhưng muốn làm được thì giáo dục Việt Nam chỉ có cách dỡ ra làm lại! Tôi còn nhớ khi mới lên làm Bộ trưởng BGD và ĐT, ông Nguyễn Thiện Nhân đã chỉ ra rất đúng căn bệnh THÀNH TÍCH và đã có những việc làm nhằm hạn chế vấn nạn này, nhưng nay thì sao? Chỉ sau một thời gian ngắn thì “phong trào” lập thành tích ảo lại nở rộ, lại đỗ tốt nghiệp xấp xỉ 100% trong khi điểm thi tuyển sinh đại học thì thấp thảm hại vậy mà Bộ trưởng mới vẫn khẳng định đấy là chuyện bình thường! Xem ra cải cách giáo dục VN vẫn là câu chuyện BIẾT RỒI, KHỔ LẮM NÓI MÃI!

Một Bạn trẻ:

30 năm qua Bill Gates đã làm ra rất nhiều thứ và thay đổi thế giới này nhưng nền giáo dục VN vẫn thế ! Bản thân là 1 sinh viên nhưng em thật sự chán cách dạy của nhiều thầy cô giáo cứ giữ mãi cái phương pháp dạy cổ hủ 1 cách nhàm chán và bảo thủ, chỉ đọc và chép, lúc kiểm tra thì cho đề cương về làm và học thuộc, không hề có sự sáng tạo và còn trù học sinh khi họ góp ý. Đó cũng là lý do vì sao nước mình chỉ giỏi lý thuyết còn thực hành thì rất kém. Thật sự mệt mỏi khi tới tiết dạy của nhiều giáo viên như thế. Và em có 1 cậu em học lớp 3, và không hiểu sao sau hơn chục năm mà sao nội dung nặng nề, nhàm chán của nhiều môn học vẫn không thay đổi, nó vẫn phải vác 1 cái ba lô nặng hơn ngừơi tới trường mà trong khi đó các thầy cô chỉ chú trọng học toán, tiếng Việt. Nhiều lúc xem những chương trình giáo dục ở Hàn Quốc hay Nhật Bản mà mong giáo dục nước mình nhanh đổi mới hơn. Cảm ơn Dân trí có bài viết này, mong rằng 1 ngày nào gần đây sẽ được thấy phương pháp học tập mới giúp học sinh có thể tự do sáng tạo để dễ nhớ bài chứ không đơn thuần là đọc chép và học thuộc nhưng cuối cùng trong đầu chỉ là cái vỏ rỗng!

Bạn đọc Nguyễn An:

Cơ chế, cơ chế và cơ chế. Tôi thấy bất kì lĩnh vực nào trong xã hội chúng ta khi gặp khó khăn đều chỉ ra một loại "siêu vi rút" là cơ chế gây ra. Vây thì sao không thay đổi nó? Vấn đề là ở chỗ cơ chế hiện nay của chúng ta được sinh ra bởi một ý tưởng chỉ đạo giáo điều không giống ai. Tư tưởng chỉ đạo cần thay đổi sao cho nó thật sự khách quan, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại thì mới mong thay đổi được mọi thứ bùng nhùng, gỡ được chỗ này thì vướng chỗ kia y như “gà mắc tóc”. Muốn đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục cũng phải bắt đầu gỡ ra từ cơ chế.

LTS Dân trí - Đông đảo bạn đọc đều trăn trở về thực trạng giáo dục hôm nay và thấy cần cải cách triệt để nền giáo dục đó.

Vậy phải bắt đầu từ đâu để “đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục” đúng như tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI.

Mọi sự nghiệp đổi mới đều phải bắt đầu từ đổi mới tư duy. Phải xuất phát từ lợi ích sống còn của đất nước cũng như của con em chúng ta để xác định đúng mục tiêu thiết thực của giáo dục, phù hợp xu thế phát triển của thời đại hội nhập và toàn cầu hóa. Từ đó, chọn đúng mô hình phát triển giáo dục cần thiết trên cơ sở kế thừa cách làm giáo dục của những nước đi trước đạt được những bước phát triển nhanh nhờ làm tốt giáo dục như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore…

Để hiện thực hóa mô hình giáo dục đã lựa chọn, “cái chìa khóa vạn năng” chính là cơ chế, chính sách đòn bảy sao cho đúng tầm vóc “quốc sách hàng đầu” của giáo dục. Từ đó, chúng ta sẽ xây dựng được đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục cũng như đội ngũ giáo viên vừa có tâm vừa có tầm để gánh vác nhiệm vụ này. Đấy cũng là lực lượng quyết định việc đổi mới nội dung chương trình cũng như cách dạy và cách học để đào tạo ra những con người năng động, sáng tạo có đủ tri thức và kỹ năng để thích ứng với sự phát triển nhanh chóng của khoa học và công nghệ cũng như những diễn biến mau lẹ của tiến trình hội nhập và toàn cầu hóa.