Đôi điều muốn kiến nghị với Bộ trưởng GTVT

(Dân trí) - Tôi cũng như nhiều người dân Việt Nam ủng hộ Bộ trưởng GTVT vì ông là người dám nghĩ, dám làm. Nhưng trước khi đưa ra các quyết sách, ông nên cân nhắc thấu đáo mọi mặt nhằm tránh những hệ quả ngoài mong muốn.

Ví như việc đổi giờ học, giờ làm do ông đề xuất đã được áp dụng cho Thủ đô là một việc “đội đá vá trời” vì động chạm đến mọi người. Tất cả bị xáo trộn; tất cả phải thay đổi. Cả giấc ngủ của con trẻ cũng phải thay đổi. Có nhiều ý kiến can gián nhưng ông vẫn quyết tâm thực hiện và người dân Hà Nội chấp nhận sự điều chỉnh lại giờ cho hợp lý hơn đối với trẻ em. Hiệu quả đã có câu trả lời.

Dù Bộ trưởng GTVT đã đạt được những kết quả bước đầu trong việc thực hiện những quyết sách nhằm giảm ùn tắc và tai nạn giao thông, tôi vẫn xin khuyên ông nên “tiết

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đếnDiễn đàn Dân tríqua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

kiệm” niềm tin của người dân vào những quyết sách chưa được cân nhắc thấu đáo mọi mặt.

Việc tuyên chiến với gần 300 điểm giữ xe ở Hà Nội với quyết tâm trả lại lề đường cho người đi bộ UBND Hà Nội khai hoả vào sáng ngày 16/2, đó là chủ trương đúng nhưng cần thu xếp chỗ gửi xe mới sao cho khả thi và hợp lý, nếu không chỉ là kết quả tạm thời, rồi đâu lại vào đấy. Những chỗ gửi xe lại tự phát mọc lên theo quy luật “có cầu thì có cung”.

Tiếp theo là Dự án thu phí xe ô tô và mô tô vào thành phố vào những giờ cao điểm rồi sẽ được thực hiện. Tôi chỉ xin góp ý là chưa nên thực hiện ngay dự án này vì kinh tế cả thế giới đang chao đảo và người dân Việt Nam cũng không là trường hợp ngoại lệ. Bài toán điện, nước, ga và tiền đi chợ hằng ngày … đang là bài toán nóng cho từng gia đình. Nếu chỉ cần thu thêm bất cứ một khoản nào vào lúc này là gây thêm khó khắn cho người dân.

Tôi đã để tâm theo dõi các ý kiến phản hồi trên các phương tiện thông tin. Chương trình thời sự trên VTV1 lúc 19h ngày 15/2/2012, ở cuối chương trình có cả chuyên gia nước ngoài với những hình ảnh minh hoạ; người ta chứng minh: Thu phí là một biện pháp hiệu quả để người tham gia giao thông lựa chọn, có nên đi xe vào con đường đó hay không? Rất thuyết phục!.

Tôi chỉ lưu ý: Bộ trưởng là người Việt Nam, và người Việt Nam không giống người nước ngoài. Cứ nhìn Bộ trưởng từ ngày ngồi vào ghế nóng, rất nhiều phát ngôn cũng như việc làm của Bộ trưởng cũng không giống bất cứ ông Bộ trưởng nào trên thế giới: “Là tư lệnh ngành, phải cho tôi toàn quyền…Phải hy sinh lợi ích nhỏ… Nếu sợ, cứ lo giữ ghế, ngại người ta nghĩ mình “nổ” thì tôi sẽ chẳng dám làm gì …Tôi bị “chửi” suốt vv…Bộ trưởng thật sự là người dũng cảm, kiên định, dám nói, dám làm và dám… “chịu trận”. Còn người dân thì sao? Một chiếc xe ra đường đã phải đóng rất nhiều loại phí: Phí trước bạ, phí xăng dầu, phí giao thông, phí bến bãi…; rồi bảo hiểm ô tô, xe máy bắt buộc vv… Chừng ấy các loại phí nhưng người dân cần dùng xe như một phương tiện kiếm sống và sinh hoạt hằng ngày vẫn phải đóng. Cho nên nếu thu thêm một loại phí chứ nhiều loại phí nữa cũng không hạn chế được người ta đi xe đâu. Chỉ khổ mấy anh nhà nghèo càng thêm nghèo mà thôi.

Trình duyệt của bạn có thể không hỗ trợ hiển thị hình này.

Đôi điều muốn kiến nghị với Bộ trưởng GTVT  - 2

Tình trạng giao thông lộn xộn trên đường phố Hà Nội (nguồn ảnh: Internet)

Chương trình bản tin nóng của Đài tiếng nói Việt Nam sáng ngày 16/2/2012 có bài phỏng vấn về quy hoạch tổng thể của Thành phố Hà Nội với việc chống ùn tắc giao thông tôi cũng đã nghe chuyên gia phân tích và trả lời: Cho dù quy hoạch gì chăng nữa thì mươì năm, hai mươi năm nữa vấn nạn ùn tắc giao thông vẫn còn phải nghe người dân ta thán…

Rõ ràng là việc chống kẹt xe, ùn tắc giao thông không thể đánh nhanh thắng nhanh, không thể giải quyết một sớm một chiều, xin Bộ trưởng hãy bình tĩnh xem xét thật kỹ với các quyết sách tiếp theo của mình trước khi đưa vào áp dụng thực tiễn.

Nếu Bộ trưởng cần tiền để xây dựng hạ tầng cơ sở giao thông, tôi xin mách một nguồn thu rất lớn mà hợp lòng dân vô cùng. Ông có thể triển khai ngay: Đó là xử phạt! Xử phạt ai? Lỗi gì? Và mục đích, ý nghĩa?...

Xin trả lời là phạt những người vi phạm Luật giao thông đường bộ.

“Thượng bất chính, thì hạ tắc loạn”, câu này tôi cũng hiểu sơ sơ. Chỉ xin suy diễn theo cách của một lái xe: Nhà nước quản lý bằng Luật pháp; Luật pháp đã có mà không được thực thi thì lỗi này do ai? Cứ nhìn tình trạng: Hàng ngàn chiếc xe chen lấn ở những phần đường không phải làn đường của mình (nguyên nhân chính gây ùn tắc ) không bị ai phạt; Lỗi này do ai? Qua đó cũng có thể thấy ngay được gốc ách tắc ở đâu để mà nhổ ( bứng ) nó đi.

Xin Bộ trưởng hãy nhìn vào bất kỳ một bức ảnh nào, trên bất kỳ tờ báo nào (báo giấy, lẫn báo mạng) minh hoạ về ùn tắc, kẹt xe ở Hà Nội, hay thành phố Hồ Chí Minh; liệu có tính nổi có bao nhiêu người vi phạm tại thời điểm phóng viên bấm máy không? Còn thực tế ở ngoài thì chiều rộng, chiều dài đoạn kẹt xe ấy là bao nhiêu? Cứ như vậy mà hạch toán thì số tiền nộp phạt của số động người vi phạm luật lệ giao thông là một số tiền rất lớn! Qua việc nộp tiền phạt, ý thức trật tự trong đi lại chắc chắn cũng được nâng lên rất nhiều.

Khi tất cả đã đi đúng làn xe phân theo vạch kẻ thì có thể yên tâm một điều: Hệ thống đường Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh thật sự chưa quá tải đến mức như người ta vẫn thấy, vẫn nghĩ. Hệ thống đường xá đó còn có thể phát huy tác dụng trong vòng dăm năm nữa nếu được phân làn hợp lý và quản lý tốt; đấy cũng là thời gian cần thiết để mở mang thêm hệ thống đường trên cao, và dưới đất…

Đến giờ này có thể nói: việc người tham gia giao thông vi phạm luật tràn lan chưa bị xử lý nghiêm, thể hiện rõ sự bất lực, lỏng lẻo, yếu kém của bộ máy quản lý Nhà nước; của các cơ quan chuyên trách thực thi Pháp luật như Cảnh sát giao thông; Thanh tra giao thông… Đấy là một việc cần làm ngay trước mắt, một việc lẽ ra phải làm đầu tiên trong hàng loạt các giải pháp đồng bộ khác.

Lâu nay mới chỉ nhìn một phía, tất cả vẫn đổ tội cho ý thức người tham gia giao thông yếu kém. Điều đó đúng nhưng chưa đủ. Không giáo dục ý thức người tham gia giao thông bằng xử phạt, bằng cưỡng chế, thì những quyết sách của người lãnh đạo đầu ngành dễ rơi vào vòng luẩn quẩn…

Đúng như vậy! Nhưng nói đi rồi phải nói lại: Chỉ giáo dục ý thức người tham gia giao thông thôi thì chưa đủ; Ý thức của những người Lãnh đạo, quản lý, những người thi hành công vụ, thực thi Luật pháp phải thay đổi. Họ phải được giáo dục thật cẩn thận. Không ít cảnh sát giao thông; thanh tra giao thông còn đứng đường nhũng nhiễu, ăn hối lộ… Nếu không làm tốt việc giáo dục ý thức và có chế tài nghiêm đối với lực lượng này thì thật khó lập lại trật tự giao thông.

Vì quý mến và tin cậy Bộ trưởng GTVT, dù chỉ là một người dân thường, tôi mạnh dạn đóng góp một số ý kiến nói trên. Nếu có điều gì không phải, xin ông lượng thứ.
 
Trương Nhất Vương

 
LTS Dân trí - Có lẽ chưa có một vị Bộ trưởng nào lại được người dân tin cậy và đóng góp nhiều ý kiến về những vấn đề bức xúc trong lĩnh vực hoạt động mà ông là “Tư lệnh” như Bộ trưởng GTVT.

Bài viết trên đây nêu lên ý kiến đóng góp chân thành và thiết thực, mong muốn Bộ trưởng nhìn nhận rõ hơn về nguyên nhân trực tiếp gây nên ách tắc giao thông hiện nay chính là do khâu quản lý trật tự giao thông. Nếu có sự phân làn đường hợp lý và tăng cường giám sát, quản lý để buộc mọi người đi đúng làn đường dành cho mình thì không thể gây ra tình trạng ùn tắc đường nghiêm trọng như hiện nay.

Nên coi đây là khâu trọng tâm cần tập trung giải quyết, còn các biện pháp khác chỉ là phối hợp và hỗ trợ.

Mong rằng ý kiến đóng góp đó được Bộ trưởng cũng như lãnh đạo TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh xem xét và tập trung giải quyết có hiệu quả tình trạng ùn tắc trước mắt, đồng thời có kế hoạch lâu dài và toàn diện nhằm xây dựng hệ thống giao thông đô thi văn minh và hiện đại.